Thử nghiệm thành công mạng 5G, tốc độ download đạt tới 2Gbps
Ngày 10.3, MobiFone chính thức công bố, sau gần một năm chuẩn bị thí điểm triển khai mạng 5G - mạng không dây thế hệ thứ 5, công ty đã thử nghiệm thành công mạng 5G tại 4 thành phố lớn của Việt Nam gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phòng.
Trong quá trình thử nghiệm, nhà mạng này đã làm việc với nhiều đối tác cung cấp thiết bị, dịch vụ 5G lớn trên thế giới nhằm đánh giá toàn diện khả năng đáp ứng, chất lượng dịch vụ cũng như các vấn đề phát sinh khi triển khai mạng 5G trên diện rộng.
"Kết quả thử nghiệm mạng 5G MobiFone thu được rất khả quan với trải nghiệm của người dùng, tốc độ dữ liệu tải xuống đạt xấp xỉ 2Gbps", - đại diện Tổng công ty Viễn thông MobiFone cho biết.
"Với sự kiện này, MobiFone đã sẵn sàng cho việc triển khai mạng 5G cùng các ứng dụng dịch vụ đến khách hàng", - đại diện công ty khẳng định.
Trên nền tảng 5G, MobiFone thử nghiệm thành công những dịch vụ ứng dụng dữ liệu tốc độ siêu cao như Hologram, thực hiện cuộc gọi 3D qua mạng 5G, các trò chơi trực tuyến sử dụng băng thông siêu tốc độ như Cloud Gaming, ứng dụng tương tác thực tế ảo (AR, VR) giữa 2 người ở 2 vị trí khác nhau như thi đấu bóng bàn, bóng đá từ xa…
MobiFone hi vọng, với độ trễ siêu thấp gần bằng 0, những dịch vụ thử nghiệm này không chỉ hứa hẹn mang lại một cuộc cách mạng trong lĩnh vực giải trí, sản xuất kinh doanh, giao thông vận tải, y tế, giáo dục… mà còn đặt ra những tiền đề quan trọng mang tính chất nền tảng để nhà mạng có thể phát triển những giải pháp mang tầm vĩ mô trong xây dựng chính phủ điện tử, thành phố thông minh.
Công nghệ 5G Việt Nam vào dạng “sớm sủa” so với thế giới
Mới đây, trong buổi tiếp Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-wan, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhắc tới mối quan hệ hợp tác hai chiều liên quan đến thiết bị 5G. Theo đó, doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ đầu tư, xuất khẩu sang Việt Nam và ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, xuất khẩu sang Hàn Quốc.
So với thời điểm khi Việt Nam bắt đầu triển khai công nghệ 3G, 4G thì hiện nay, Việt Nam đang không bị tụt hậu với thế giới trong việc thử nghiệm và triển khai mạng 5G.
Theo thống kê, trong số khoảng hơn 130 nhà mạng trên thế giới triển khai 5G, Việt Nam đang có 3 nhà mạng được cấp phép thử nghiệm, trong đó có 1 nhà mạng đã thực hiện thành công cuộc gọi 5G. Như vậy, nếu khi triển khai 3G, 4G Việt Nam chậm hơn mặt bằng chung của thế giới từ 5-10 năm thì với công nghệ 5G, Việt Nam không những không chậm hơn mà còn thuộc dạng “sớm sủa”.
Vừa qua, cuộc gọi thử nghiệm 5G thành công đã đưa nhà mạng Việt Nam vào danh sách 50 nhà mạng đầu tiên trên thế giới thử nghiệm thành công cuộc gọi 5G.
Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Singapore cũng là 2 quốc gia đầu tiên triển khai mạng 5G.
Công nghệ 5G không chỉ mang đến cơ hội cho nhà mạng và người dùng điện thoại, mà còn cho cả một ngành sản xuất thiết bị mạng viễn thông 5G, thiết bị đầu cuối 5G, thiết bị kết nối Internet vạn vật (IoT). Công nghệ sẽ được ứng dụng cho cuộc sống dân sinh, chính quyền số cũng như nền kinh tế số mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang dần chuyển dịch.
Hiện tại, Việt Nam có hai doanh nghiệp là Viettel và VinSmart tuyên bố sẽ sản xuất thiết bị viễn thông 5G trong năm 2020, không chỉ cung cấp cho thị trường nội địa mà còn đưa đi xuất khẩu, trước mắt là sang thị trường các quốc gia Đông Nam Á, những quốc gia có khả năng hợp tác nghiên cứu và sản xuất thiết bị 5G cùng Việt Nam.
Chiến lược “Make in Vietnam” được triển khai cùng thời điểm triển khai và ứng dụng công nghệ 5G, đã mở ra cánh cửa cơ hội mới cho nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Từ trước tới nay, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam chủ yếu chỉ thực hiện gia công, lắp ráp với biên lợi nhuận nhiều nhất chỉ dao động từ 10-13%, vì ít tạo ra gia trị gia tăng. Điều này thật sự khó có thể tạo ra được một nền sản xuất tại Việt Nam.
Tại Diễn đàn Quốc gia đầu tiên về phát triển doanh nghiệp công nghệ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạng: “Sau 30 năm lắp ráp, gia công, nay đã đến lúc Việt Nam có đủ điều kiện cơ bản để chuyển sang sáng tạo, làm ra các sản phẩm công nghệ Việt”.
Nếu 3G, 4G chỉ chú trọng đến kết nối Internet tốc độ cao để giải quyết nhu cầu giữa người và người hoặc nhu cầu giải trí và một phần phục vụ cho giáo dục, công việc… thì 5G mở ra thế giới kết nối IoT giữa con người với hàng chục tỉ thiết bị, và giữa hàng trăm tỉ thiết bị với nhau trong tương lai. Điều này sẽ mang lại công nghệ và một thị trường rộng lớn hơn bao giờ hết
Trong khi đó, “Make in Vietnam” mang đến chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam dần chuyển dịch từ gia công, lắp ráp sang đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) để rồi đi đến sản xuất. Tất cả đều là những yếu tố cần có để phát triển nền sản xuất công nghệ tại Việt Nam.
Hàn Quốc muốn hợp tác thương mại hóa công nghệ 5G ở Việt Nam
Trước đó, ngày 27.2, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi tiếp ông Park Noh-wan, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Đại sứ Park Noh-wan đề cập đến Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ TT&TT Việt Nam và Bộ Khoa học Công nghệ - Thông tin truyền thông (KHCN-TTTT) Hàn Quốc về đẩy mạnh hợp tác chung trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được ký năm 2018, đồng thời bày tỏ mong muốn hai Bộ sẽ cùng phối hợp để triển khai các nội dung đã ký kết.
Đại sứ Park Noh-wan cho biết, Hàn Quốc là quốc gia đi đầu thế giới về triển khai thương mại mạng di động 5G trong năm 2019. Hiện tổng thuê bao 5G ở Hàn Quốc đạt 5 triệu thuê bao và ước tính sẽ tăng lên 10 triệu vào cuối năm 2020.
Hàn Quốc mong muốn nhận được những thông tin và chuẩn bị của Việt Nam liên quan đến thương mại hóa mạng 5G. Đại sứ cũng mong muốn Bộ TT&TT Việt Nam tạo điều kiện cho Korea Telecom hợp tác với các nhà mạng di động Việt Nam cùng triển khai 5G.
Về phần mình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Chính phủ và Bộ TT&TT Việt Nam hoan nghênh, ủng hộ bước chuyển tích cực của phía Hàn Quốc trong quá trình đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực ICT, dịch chuyển từ lắp ráp, gia công sang nghiên cứu và phát triển, thể hiện qua việc khởi công sắp tới của Trung tâm nghiên cứu và phát triển Samsung tại Việt Nam. Bộ TT&TT cam kết thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước trong những lĩnh vực này.
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ TT&TT nhấn mạnh, mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước chỉ có thể bền vững khi đó là quan hệ hai chiều: Hàn Quốc đầu tư, xuất khẩu sang Việt Nam và ngược lại, Việt Nam đầu tư, xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất tổ chức các hội thảo, diễn đàn để doanh nghiệp ICT Việt Nam giới thiệu các sản phẩm của mình tại Hàn Quốc. Hiện nay, một số sản phẩm ICT thương mại hóa của Việt Nam đã có mặt tại thị trường Nhật Bản. Tuy vậy, tại Hàn Quốc, sự hiện diện này vẫn còn khiêm tốn.
Ngoài ra, ông Hùng cũng nhấn mạnh, Việt Nam đã triển khai thử nghiệm 5G năm 2019 và sẽ thương mại hóa 5G trong năm nay 2020. Bộ TT&TT mong muốn các doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G hai nước cùng hợp tác. Hai hãng Korea Telecom, SK của Hàn Quốc có thể hợp tác với các nhà mạng di động Việt Nam phát triển ứng dụng mới trên nền tảng 5G.