Thủ tướng Ý Giuseppe Conte tuyên bố rằng quy định hạn chế di chuyển và các biện pháp cách ly khác do bùng phát coronavirus sẽ được mở rộng trên toàn bộ lãnh thổ đất nước.
Tương ứng với những biện pháp mới, tất cả các quán bar và nhà hàng ở Ý cần đóng cửa vào lúc 6 giờ chiều. Trong những giờ ban ngày, việc phục vụ ở các cơ sở này chỉ có thể được thực hiện với yêu cầu giữ khoảng cách cần thiết giữa các vị khách. Việc giảng dạy học tập trong các trường phổ thông và đại học ngừng cho đến ngày 3 tháng 4. Cấm tiến hành mọi nghi lễ, kể cả đám cưới, đám tang và lễ thánh trong giáo đường. Nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng và các trung tâm tập luyện thể dục thể thao không hoạt động.
Cuộc sống trong điều kiện cách ly
Nữ cư dân Milan, chị Yulia Nikolaenko kể với Sputnik về cách người Ý sống trong hoàn cảnh cách ly.
«Thành phố bây giờ trông giống như hoang mạc. Các quán bar, nhà hàng trống rỗng. Trên khắp nước Ý, toàn bộ trường mẫu giáo, trường phổ thông và đại học, các Câu lạc bộ thể hình, phòng tập thể thao đều đóng cửa, huỷ bỏ mọi sự kiện công cộng đại chúng. Nhiều cơ sở giáo dục đã tổ chức việc dạy trẻ em học trực tuyến. Cả việc làm kiếm sống cũng thế. Nhiều cơ sở sản xuất bị đóng cửa, điều mà mọi người thấy không hài lòng vì phải chịu mất thu nhập. Chiều qua đã xảy ra cuộc náo loạn trong các nhà tù, tù nhân đập phá phản đối vì người thân của họ không thể đến thăm nuôi, họ đòi được thả ra», - chị Yulia Nikolaenko nói.
«Khi xuất hiện những thông tin đầu tiên về những bệnh nhân, bắt đầu cơn hoảng loạn, xếp hàng rồng rắn trong các siêu thị và mọi người quét sạch mọi thứ. Vợ chồng tôi đợi vài ngày rồi sau đó chúng tôi bình tĩnh mua hàng, mọi thứ đã được nhập về đầy đủ. Cơn thần kinh hoảng loạn kế tiếp xảy ra khi có công bố Lombardia (vùng phía bắc nước Ý với thủ phủ là Milan) bây giờ là vùng cách ly, mọi người nháo nhào tháo chạy về miền nam: xe lửa đông chật, không có vé bán nữa. Hôm qua Chính phủ ra lệnh cấm di chuyển trong nước, và hôm nay lại hoảng loạn trở lại, bão vét hàng trong các siêu thị... Tôi nhận được thông báo rằng ga tàu điện ngầm ở Milan có dàn cảnh sát đeo mặt nạ phong tỏa, họ xét giấy tờ và hỏi bạn là định đi đâu», - chị Yulia Nikolaenko cho biết.
Chị Olga Tarasova sống ở vùng ngoại ô Milan kể trong cuộc phỏng vấn của Sputnik rằng ở đó thực hiện các biện pháp cách ly giống như trong thành phố.
«Tất cả đóng cửa, huỷ mọi sự kiện. Từ hôm nay, toàn bộ nước Ý là «vùng đỏ». Cho đến 3 tháng 4, mà lúc đó cũng có thể gia hạn tiếp. Cấm di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác, chỉ được đi vì công việc và theo lý do chính đáng. Tuy nhiên tôi không thấy sự hoảng loạn trong thành phố, những người đeo khẩu trang ngoài đường có thể đếm trên đầu ngón tay», - chị Olga Tarasova thông báo.
Các cư dân Rome cho đến gần đây vẫn cố gắng giữ thái độ tích cực, nhưng khi vừa có tin trong thành phố đã xuất hiện người bệnh thì tâm thế cộng đồng thay đổi rất nhanh, - chị Anna Sidorina cư dân ở đây cho biết.
«Mọi người cư xử bình tĩnh, nhưng bầu không khí khá ngột ngạt căng thẳng», - chị nói thêm trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.
«Trường phổ thông, mẫu giáo và đại học đều đóng cửa từ ngày 5 tháng 3, còn từ hôm qua có lời kêu gọi dân chúng đừng rời khỏi nhà nếu không thật cần thiết, chỉ đến bệnh viện và đi mua đồ ăn. Nhiều người chuyển sang chế độ làm việc tại nhà hoặc là bắt buộc nghỉ phép không theo kế hoạch. Tôi là chuyên viên trong phòng thí nghiệm của bệnh viện, và chúng tôi phải đến chỗ làm. Mặc dù một số người vẫn ở lại nhà vì không có ai trông nom con cái khi các trường học đều đóng cửa. Trong gian căng-tin tại chỗ làm, những cái bàn được kê lại, đặt cách xa nhau để tăng khoảng cách giữa mọi người lúc dùng bữa. Trong các bản tin thời sự buổi sáng liên tục nói về virus, hô hào cư dân không nên hoảng sợ và tuân thủ các biện pháp an toàn, thế nhưng khi cứ nói liên hồi về virus thì có vẻ lại càng gây hoang mang», - chị Anna Sidorina nhận xét.
«Trường học và vườn trẻ đóng cửa, một số nơi công cộng với các cửa hiệu, nhà hàng cũng đóng. Và, tất nhiên, do tình trạng này, nhiều người thành ra mất việc. Ở những nơi vẫn mở thì ban hành chế độ an toàn bắt buộc: nhân viên cũng như các vị khách nhất thiết phải giữ khoảng cách không dưới 1 mét. Thế nhưng cũng chỉ một vài điểm công cộng có thể hoạt động với những nghĩa vụ như vậy», - anh Ilya Sokolov nói.
Tại Ý ghi nhận hơn 9.100 trường hợp nhiễm chủng coronavirus mới, 720 người đã hồi phục, có 460 ca tử vong.
Lây lan dịch bệnh coronavirus
Ngày 31 tháng 12 năm 2019, chính quyền Trung Quốc thông báo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về sự bùng phát bệnh viêm phổi cấp không rõ ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc). Các chuyên gia đã xác định tác nhân gây bệnh là chủng coronavirus mới. WHO đặt tên chính thức cho căn bệnh là COVID-19.
Đến thời điểm này, con số người nhiễm bệnh ở Trung Hoa đại lục đã vượt quá 80.000, hơn 3.000 người chết và gần 60.000 người đã qua khỏi.