Các chính trị gia kêu gọi người dân tham gia tuần hành đòi quyền của phụ nữ trong ngày 8 tháng 3. Khi đó, số người bị nhiễm coronavirus ở Tây Ban Nha đã lên tới hàng trăm. Và đến ngày 9 tháng 3, con số đó đã vượt quá 1000 người. Đất nước này đang sống thế nào với tỷ lệ người nhiễm cao nhất qua bài viết của phóng viên Sputnik từ Madrid.
"Chủ nghĩa nam quyền nguy hiểm hơn coronavirus"
Các trường hợp nhiễm coronavirus đầu tiên ở Tây Ban Nha đã được phát hiện trên đảo Tenerife từ cuối tháng Hai. Sau đó, vì một người khách bị lây bệnh, toàn bộ khách sạn đã bị cách ly.
Tuy nhiên, Quần đảo Canary, nơi có các ca lây bệnh, lại rất xa lục địa Tây Ban Nha, vì vậy không ai đặc biệt lo lắng về sự bùng phát của virus. Trong cuộc họp báo, người đứng đầu Trung tâm phòng chống các trường hợp khẩn cấp của Bộ Y tế Tây Ban Nha Fernando Simon lập luận rằng không cần phải sợ coronavirus, Tây Ban Nha cùng lắm là chỉ mấy chục người mắc bệnh. Do đó, trong khi ở các quốc gia khác, các chuyến bay, sự kiện lớn và thậm chí đám cưới bị hủy bỏ, thi ngược lại, chính quyền Tây Ban Nha tích cực kêu gọi công dân xuống đường vào ngày 8 tháng 3 để cho thế giới thấy rằng họ không sợ virus.
“Chủ nghĩa nam quyền giết chết nhiều người hơn coronavirus”, các tờ báo Tây Ban Nha giật tít như vậy ngay cả khi số lượng các ca lây nhiễm trong cả nước đã lên đến hàng trăm.
Ngày 4 tháng 3, ông Fernando Simon nói rằng việc đóng cửa các trường trung học và đại học sẽ không ngăn được sự lây lan của coronavirus. Ngày 7 tháng 3, virus này đã xâm nhập vào trường đại học, nơi Công chúa Leonor và Công chúa Sofia, những người thừa kế ngai vàng Tây Ban Nha đang theo học.
Virus nguy hiểm nhất là chế độ phụ quyền
Ngày 8 tháng 3, 165.000 người trên khắp cả nước đã tuần hành trong các cuộc biểu tình.
"Mẹ ơi, chủ nghĩa nam quyền nguy hiểm hơn và giết chết nhiều người hơn coronavirus", hãng RTVE dẫn lời một trong những người tham gia phong trào.
Trong cuộc tuần hành, mọi người ôm nhau, cười, hôn nhau và truyền cho nhau loại virus nguy hiểm.
Trong đêm 8 sang ngày 9 tháng 3, số người mắc coronavirus đã tăng hơn gấp đôi, vượt quá 1000 người. Và đến ngày 10 tháng 3, số ca nhiễm đã gần 1.700 người. Trong số những người bị nhiễm bệnh, có tổng thư ký của một trong những đảng cầm quyền VOX, Javier Ortega Smith (ông cảm thấy bị ốm từ ngày 8 tháng 3 và vẫn tham gia khi đã mắc bệnh). Ngay sau cuộc biểu tình, một thành viên Hội đồng thành phố Barcelona là Montserrat Bayarin, đã bị cách ly. Hóa ra, ngay cả trước ngày 8 tháng 3, bà đã tiếp xúc với những người sau đó phát hiện bị mắc căn bệnh này. Bayarin không phủ nhận rằng bà biết về điều đó, nhưng mong muốn chống chủ nghĩa nam quyền mạnh hơn nỗi sợ lây nhiễm cho ai đó.
Đến ngày 9 tháng 3, thái độ đối với coronavirus ở Tây Ban Nha đột ngột thay đổi. Cùng ngày, Chủ tịch Cộng đồng tự trị Madrid, bà Isabel Diaz Ayuso đã quyết định đóng cửa tất cả các tổ chức giáo dục ở thủ đô. Ngày 10 tháng 3, liên lạc trực tiếp với nước Ý đã bị hủy bỏ, cửa ra vào nhà tù tại Tây Ban Nha bị đóng, các sự kiện lớn bị hủy bỏ. Sau khi Javier Ortega bị dương tính với coronavirus, cả hai viện quốc hội Tây Ban Nha đã đình chỉ hoạt động ít nhất một tuần. Đường dây nóng được khai trương để gọi bác sĩ tới nhà nếu nghi ngờ coronavirus.
10 euro một chiếc khẩu trang
Lúc đầu, không ai coi tình hình là nghiêm trọng. Trong số những người gần gũi phóng viên Sputnik, ba người có triệu chứng coronavirus. Tuy nhiên, họ cho rằng đây chỉ cảm lạnh thông thường, không đi khám mà tiếp tục đi làm và gặp gỡ bạn bè.
Tuy nhiên, gel khử trùng tay và khẩu trang dần dần khan hiếm. Ngày 9 tháng 3, tại các hiệu thuốc của thành phố Collollado Villalba (Cộng đồng tự trị Madrid), sau khi các loại gel rửa tay được bán hết, người ta bắt đầu ghi danh sách những người muốn mua. Người bán hàng hứa sẽ gọi cho những người trong danh sách và cho họ biết khi có hàng mới. Tuy nhiên, không có ai gọi cả. Chúng tôi chỉ tìm thấy khẩu trang trong một hiệu thuốc. Do nhu cầu rất lớn, mỗi người chỉ được mua 2 chiếc khẩu trang với giá rất cao, 10 euro/chiếc.
Sáng ngày 10 tháng 3, mọi người bắt đầu ồ át mua thực phẩm và giấy vệ sinh để dự trữ. Đến trưa, không còn thịt hay rau trên kệ, thực phẩm đóng hộp, sữa và trứng đã được mua hết sạch. Tin đồn bắt đầu lan khắp thành phố rằng nguồn cung thực phẩm sẽ ngừng lại, trong cửa hàng chỉ còn thức ăn cho chó. Mọi người cũng nói rằng Tây Ban Nha sẽ sớm đóng cửa, cấm xuất nhập cảnh giống như Ý. Tuy nhiên, chưa có động thái gì để đối phó với cơn hoảng loạn ở Tây Ban Nha.
Bất chấp tất cả những điều này, người dân Tây Ban Nha vẫn tiếp tục tổ chức tiệc tối tại các quán cà phê đường phố, dắt cho đi dạo và gặp gỡ bạn bè. Chỉ có điều bây giờ họ cố gắng không hôn nhau theo kiểu truyền thống khi gặp gỡ.