Có vẻ như Hoa Kỳ đã quyết định tìm những lời bào chữa từ bên ngoài cho những vấn đề của họ phát sinh trước cuộc bầu cử tổng thống.
Việc "đùn đẩy trách nhiệm" theo đường ngoại giao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ dường như đang gia tăng. Theo những thông tin công khai, đây là nội dung cuộc trò chuyện qua điện thoại gần đây giữa người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng CS Trung Quốc Yang Jiechi và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo. Ông Yang than phiền một số chính trị gia Mỹ không ngừng nói xấu và làm mất uy tín Trung Quốc. Và phần mình, ông Pompeo cho rằng bây giờ không phải là lúc để truyền bá thông tin sai lệch hay những tin đồn kỳ quặc, và tất cả các quốc gia cần đoàn kết lại khi đối mặt với mối đe dọa chung.
Đằng sau những ngã rẽ ngoại giao này là hai sự thật đơn giản. Mỹ tuyên bố Trung Quốc đã không đáp ứng kịp thời với sự bùng phát của coronavirus, vì vậy đại dịch không thể tránh được. Phía Trung Quốc đáp lại nguồn gốc của chủng coronavirus mới vẫn chưa được xác lập, và có khả năng quân đội Hoa Kỳ đã mang nó đến Vũ Hán. Sau đó, các chính trị gia Mỹ, bao gồm cả Donald Trump, bắt đầu cố tình sử dụng thuật ngữ «virut Trung Quốc» (mặc dù WHO đặc biệt cố gắng kiềm chế việc gắn địa danh vào tên gọi và gọi là 2019-nCoV, sau đó đổi lại thành COVID-19).
Chính quyền Trump dường như cho rằng Trung Quốc hiện có thể bị đổ lỗi cho bất kỳ vấn đề nào. Kể cả những sự vô lý. Không có đủ khẩu trang trong các bệnh viện Mỹ và người ta cho rằng lỗi tại Trung Quốc.
Mới đây, tờ New York Times đã đăng một bài viết với tiêu đề: «Thế giới cần khẩu trang. Trung Quốc sản xuất ra, nhưng lại tích lũy cho mình”.
Nội dung và thông điệp chính của bài báo gây ra sự bối rối. Trong điều kiện thương mại tự do, không ai có thể buộc Trung Quốc bán khẩu trang ra nước ngoài, nhất là khi chúng rất cần thiết ở trong nước. Và kể từ khi Hoa Kỳ quyết định dựa vào nhập khẩu thuốc men, khẩu trang, và từ bỏ chuỗi sản xuất của chính mình, thì Mỹ cần phải tự gõ vào đầu mình, chứ không nên đổ lỗi cho Trung Quốc về việc giảm nguồn cung.
Thật vậy, nhiều quốc gia hiện phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng sự phụ thuộc này phát sinh không phải lỗi của phía Trung Quốc. Đơn giản chỉ là Trung Quốc chiếm một phần lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tình trạng của các quốc gia khác phụ thuộc vào việc sản xuất tại Trung Quốc phục hồi nhanh chóng đến đâu, giáo sư kinh tế Huang Weiping từ Đại học Nhân dân Trung Quốc nói với Sputnik.
«Quá trình dịch bệnh tác động đến nền kinh tế ở ba khía cạnh. Thứ nhất, là nhu cầu người tiêu dùng. Chúng ta thấy trong thời gian Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp dừng hoạt động, rạp chiếu phim, nhà hàng và triển lãm không hoạt động. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến khu vực du lịch và dịch vụ ăn uống. Thứ hai, nguồn cung bị giảm. Nhân viên các công ty và doanh nghiệp được phép nghỉ làm việc dài hạn. Trung Quốc hiện đóng một vai trò lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu Trung Quốc không khôi phục việc sản xuất đầy đủ trong một khoảng thời gian ngắn, thì các quốc gia khác sẽ không nhận được các thành phần, linh kiện cần thiết, để tiếp tục sản xuất ra các sản phẩm hoàn chỉnh ở nước họ. Chính vì lý do này mà chính quyền đang thúc giục mọi người quay trở lại làm việc, và tiếp tục sản xuất hàng loạt, phản ánh cách tiếp cận có trách nhiệm của Trung Quốc trong vấn đề này. Cuối cùng là vấn đề toàn cầu. Mặc dù thực tế Trung Quốc đang dần thiết lập phục hồi lại hoạt động trong nước, nhưng nền kinh tế các quốc gia khác lại chậm lại do sự lây lan dịch bệnh trên toàn thế giới. Tất nhiên, Trung Quốc cũng sẽ phải chịu đựng điều này khi tham gia vào nền kinh tế toàn cầu. Bởi vì cùng với việc giảm nhu cầu trên thế giới, xuất khẩu của Trung Quốc cũng sẽ suy yếu. Với sự hụt hơi trong tăng trưởng toàn cầu và nhu cầu giảm, áp lực lên nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng lên. Gần đây, Trung Quốc đưa ra khái niệm «Xây dựng cơ sở hạ tầng» mới trong 7 lĩnh vực, để tăng trưởng kinh tế điểm nội địa, bất kể các yếu tố từ bên ngoài. Nói chung có thể nói rằng đó là kế hoạch toàn diện. Ngoài ra, ngay khi tình hình dịch tễ học ở Trung Quốc được cải thiện, chúng tôi bắt đầu nỗ lực hết sức giúp đỡ các nước khác. Chúng tôi gửi chuyên gia y tế, viện trợ nhân đạo ra nước ngoài. Tuy nhiên, liên quan đến những lời phát biểu của Trump, tôi không nghĩ chúng nên được đánh giá theo đúng nghĩa đen. Tôi cho rằng cần phải nhận thức hành động của ông ta xuất phát từ quan điểm của cuộc tranh cử, Trump quan tâm đến cuộc tranh cử sắp tới».
Đối với Hoa Kỳ trong năm bầu cử, việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế là rất quan trọng. Trong khi đó tình hình hiện nay không vui chút nào. Tuần này, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đã trải qua một sự sụp đổ chưa từng có kể từ năm 1987. Chỉ số Dow Jones giảm 12,93%, S & P 500 mất 11,98% và Nasdaq giảm 12,32%. Một tuần trước đó, thị trường Mỹ cũng trải qua sự suy trầm, khi tất cả các chỉ số chứng khoán đều mất gần 10%.
Nền kinh tế đang phản ứng sâu sắc với dịch coronavirus lan rộng trên thế giới. Theo xếp hạng toàn cầu của S & P, tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay sẽ chỉ đạt 1% - 1,5%. Các nhà kinh tế của ngân hàng Citigroup năm 2016 lập luận tăng trưởng toàn cầu dưới 2% thực sự nên được coi là một cuộc suy thoái. Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ nền kinh tế, Fed đã hạ mức lãi suất xuống 0 - 0,25%. Donald Trump ủng hộ quyết định này, nói các biện pháp quyết định như vậy của Fed sẽ hỗ trợ thị trường và truyền cảm hứng cho niềm tin của các nhà đầu tư. Ngân hàng trung ương nhiều quốc gia khác theo gương Hoa Kỳ, cũng hạ lãi suất của họ.
Trung Quốc kiềm chế sử dụng các biện pháp tiền tệ. Tuy nhiên có những lý do khách quan cho việc này. Mặc dù thực tế là số liệu thống kê được công bố cho tháng 2, đã ghi nhận sự suy giảm của hầu hết các điểm, từ đầu tư cố định đến chỉ số PMI cho các nhà quản trị mua sắm, thì việc giới hạn hạ lãi suất ở Trung Quốc cũng vẫn bị hạn chế, theo Michael Pettis từ Trung tâm Carnegie Tsinghua. Tại Trung Quốc, lãi suất huy động đã ở mức 1,5% và không ngăn chặn được tăng trưởng chỉ số giá tiêu dùng. Nếu tiếp tục giảm lãi suất - điều này sẽ chỉ làm giảm thu nhập của dân chúng, và họ sẽ bắt đầu tiêu thụ ít hơn. Trong khi đó, chính tiêu dùng trong nước là động lực chính cho tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc.
Hiện tại, Trung Quốc đang cố gắng cân bằng giữa các biện pháp kiểm dịch cần thiết ngăn chặn sự lây lan coronavirus, và cố gắng tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất. Đã có 80% bệnh nhân nhiễm coronavirus ở Trung Quốc hồi phục. Các doanh nghiệp lớn đang khôi phục công việc, và công ty nhỏ cũng dần dần nhúc nhích. Trung Quốc không từ chối hỗ trợ các nước khác trong cuộc chiến chống lại coronavirus. Bắc Kinh đã gửi một máy bay đến Ý với các chuyên gia y tế để tư vấn giúp đỡ. Và tỷ phú người Trung Quốc Jack Ma tặng 500 nghìn bộ dụng cụ xét nghiệm y tế chẩn đoán nhiễm coronavirus và một triệu khẩu trang cho Hoa Kỳ.