Nội Bài triển khai phương án nhập cảnh, phân luồng cách ly và lấy mẫu xét nghiệm mới tránh tình trạng ùn tắc khi dòng người đổ vào Việt Nam quá đông. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh quy cơ lây nhiễm chéo coronavirus, đề nghị người dân tăng cường ở nhà, ít ra đường, đóng các cửa hàng (trừ nhu yếu phẩm) từ nay đến hết 31.3 và nâng thời gian cách ly ở các khu ổ dịch lên 28 ngày.
Tính đến 11h ngày 19.3 tại Việt Nam đã ghi nhận 76 trường hợp nhiễm Covid-19. Trong đó có 16 ca được chữa khỏi hoàn toàn. Số ca xét nghiệm âm tính là 14.874 trường hợp. Tổng số người nghi nhiễm SARS-CoV-2 đang theo dõi là 122. Cơ quan chức năng đang giám sát sức khỏe của 42.918 người về từ vùng dịch hay tiếp xúc gần với người nghi nhiễm nCoV.
Campuchia tạm đóng cửa biên giới với Việt Nam
Thời gian qua, khi dịch bệnh Covid-19 lan mạnh trên quy mô toàn cầu thì tại một số quốc gia Đông Nam Á, người ta vẫn khá coi thường virus corona. Một số quan chức tin rằng chỉ cần cầu nguyện là nCoV sẽ tự biến mất, dịch bệnh tiêu tan, số khác lại nghĩ rằng, ở vùng khí hậu nóng ẩm, SARS-CoV-2 khó mà bùng phát thành đại dịch. Thế nhưng, đến ngày 19.3, rất nhiều quốc gia ASEAN đã buộc phải đóng cửa biên giới, ngừng cấp visa cho người nước ngoài nhập cảnh, siết chặt mọi biện pháp nhằm hạn chế tối đa sự lây lan kinh hoàng của dịch Covid-19.
Những biện pháp nghiêm ngặt bắt đầu được triển khai. Philippines và Malaysia đóng cửa các trường học, tụ điểm hoạt động tôn giáo. Người Mã Lai cũng bị cấm rời khỏi đất nước, đóng cửa biên giới chính thức từ ngày 18.3. Thái Lan cho dừng hoạt động các doanh nghiệp và địa điểm giải trí, đến cả lễ hội mừng năm mới Songkran cũng bị hoãn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các quốc gia ở Đông Nam Á áp dụng các biện pháp quyết liệt trong bối cảnh số ca dương tính tăng nhanh.
Ngày 18.3, Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia có thông báo quyết định tạm thời đóng tất cả các cửa khẩu biên giới với Việt Nam.
“Việc công dân Việt Nam nhập cảnh vào lãnh thổ Campuchia và việc nhập cảnh của công dân Campuchia vào Việt Nam bằng đường bộ, đường thủy và đường không sẽ tạm ngừng kể từ 23h59 phút ngày 20.3.2020. Biện pháp này nhằm ngăn ngừa các bất tiện do yêu cầu cách ly cho cả công dân Việt Nam và Campuchia, những người từ Campuchia sang Việt Nam”, thông báo của Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia gửi tới Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia ngày 18.3 khẳng định.
Trên trang Facebook của mình, Thủ tướng Hun Sen trưa 19.3 thông báo, Campuchia đã gửi công hàm cho Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia về việc tạm ngưng nhập cảnh.
“Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế của Vương quốc Campuchia ngày 19.3.2020 đã gửi thư thông báo cho Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia về việc ngưng di chuyển qua lại đối với công dân hai nước trong lúc dịch bệnh đang lây lan”, Thủ tướng Hun Sen nêu rõ.
Ngoài ra, trong công hàm gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam, phía Campuchia yêu cầu chính quyền Việt Nam tạo điều kiện hồi hương cho toàn bộ công dân Campuchia nếu có, hiện bị cách ly ở Việt Nam.
Tính đến ngày 19.3, tại Campuchia đã ghi nhận 37 ca nhiễm Covid-19 trong đó mới chỉ có một trường hợp được chữa khỏi hoàn toàn, theo trang đo lường Worldometers cho biết. Trước đó, trong chiều 17.3, thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ Campuchia – Thủ tướng Hun Sen, Bộ Y tế nước này đã ra thông báo yêu cầu cấm tụ tập tôn giáo đông người kể từ ngày 17.3 trên toàn lãnh thổ Campuchia do tình hình dịch coronavirus đang diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, nhiều người Campuchia bị Covid-19 mới được phát hiện là những người vừa đi dự một hoạt động tôn giáo tại Malaysia trở về.
Cùng với việc thành lập Ủy ban Quốc gia phòng chống dịch SARS-CoV-2 do Thủ tướng Hun Sen đứng đầu, Chính phủ Campuchia hiện đang áp dụng một số biện pháp siết chặt quản lý, ngăn ngừa dịch bệnh như hạn chế nhập cảnh với công dân một số nước, cho các trường học trên cả nước tạm nghỉ, một số cơ quan chính quyền cho cán bộ công chức làm việc qua mạng tại nhà.
Hà Nội nâng mức cách ly lên 28 ngày, 3-4 ngày nữa Covid-19 đạt đỉnh
Chiều 18.3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của thành phố Hà Nội họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo xác định, con đường chống dịch coronavirus phía trước của thành phố còn rất gian nan, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấo cấp do SARS-CoV-2 gây ra diễn biến khó lường và phức tạp.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã làm rất quyết liệt nhưng nếu không định hình lại sẽ lãng phí nhiều về thời gian, công sức và không đủ sức đi chặng đường tiếp theo. Theo lãnh đạo UBND Hà Nội, nguồn lây nhiễm chính virus corona chủng mới gây dịch Covid-19 trên địa bàn chủ yếu là người dân từ nước ngoài trở về qua sân bay quốc tế Nội Bài.
“Do vậy, những ngày này chúng ta phải căng sức tiếp nhận, phân loại và xét nghiệm những công dân này ngay từ sân bay Nội Bài”, Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin, bình quân hiện nay, sân bay Nội Bài phải tiếp nhận từ 600 đến 800 người, ngày cao điểm lên đến 1.000 người, thậm chí hàng ngàn người từ các tuyến bay quốc tế. Trước tình hình này, những ngày tới Hà Nội sẽ phải căng mình phải giám sát, cách ly khoảng 10.000 người từ nước ngoài trở về.
Theo đó, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung lưu ý các đơn vị liên quan đã phải thiết lập thêm một số khu cách ly tập trung. Những người từ nước ngoài về được đưa vào khu cách ly tập trung là để phòng ngừa dịch bệnh, vì họ có nguy cơ cao, chứ chưa phải là các trường hợp đã dương tính với virus corona. Ngoài việc cách ly tập trung kể trên, trên địa bàn TP. Hà Nội còn đang tổ chức cách ly các trường hợp F1 trong bệnh viện và cách ly các trường hợp F2 tại nhà để giảm tải.
Đáng chú ý, tính đến ngày 19.3, theo quyết định của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, thành phố lập tiếp khu cách ly tập trung tại khu nhà ở sinh viên Mỹ Đình II với quy mô 4.800 chỗ. Thêm một tòa nhà với 2.000 chỗ ở khu Pháp Vân - Tứ Hiệp cũng được trưng dụng.
Về tình hình tiến triển dịch bệnh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhận định tình hình dịch bệnh trên thế giới hiện nay rất phức tạp, với Trung Quốc phải mất 12 tuần, số ca nhiễm bệnh mới giảm xuống. Còn tại Việt Nam, từ khi phát hiện ca mắc Covid-19 thứ 17 (ngày 6.3 vừa qua), nếu theo đúng kịch bản diễn biến dịch bệnh như các nước, thì chúng ta mới bước sang tuần thứ 2.
“Dịch bệnh kéo dài đến bao giờ, thì chúng ta không biết. Nếu như kịch bản giống như ở Trung Quốc, thì chúng ta mới chỉ bước vào tuần thứ 2 thôi. Như vậy, còn phải chiến đấu trong khoảng 10 tuần nữa, để xác định sức chúng ta đi đến đâu. Thời gian cao điểm của thành phố là khoảng 3-4 ngày nữa”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho hay.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hà Nội lưu ý, nguồn lây ở giai đoạn 1 chỉ xác định từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, nhưng theo ông Nguyễn Đức Chung, hiện nay ta phải đối mặt với nguồn lây nhiễm từ rất nhiều nước.
“Nguy cơ lây nhiễm có từ tất cả các quốc gia, chỉ cần lọt 1 trường hợp vào, như Bình Thuận, có thể lây nhiễm cho 9 người”, ông Nguyễn Đức Chung nêu.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho rằng, Hà Nội đang đứng trước nguy cơ lây nhiễm chéo cao đến hết tháng 3, điển hình như ca bệnh số 34 ở Bình Thuận hay nữ bệnh nhân ở Trúc Bạch.
Theo lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, từ nay đến đầu tháng 4 là thời gian rất cao điểm của TP Hà Nội trong phòng chống Covid-19, ngay cả khi thời tiết ấm lên cũng chưa chắc dịch bệnh sẽ giảm xuống.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, tại nhiều nước có thời tiết nắng nóng như Malaysia, dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp nếu không có biện pháp phòng tránh. Trong nước, Bình Thuận cũng có thời tiết nóng nhưng dịch vẫn lây lan. Từ thực tế đó, Chủ tịch Hà Nội dự báo dịch có thể không giảm vào mùa hè, dù thời tiết có nóng lên.
Về thời gian ủ bệnh, hiện chỉ nhận định chung là 14 ngày. Tuy nhiên, cũng đã có những trường hợp phát bệnh trong khoảng 21-27 ngày, thậm chí trường hợp dài nhất lên tới 39 ngày, phụ thuộc vào thể trạng và điều kiện ăn uống, giữ gìn sức khoẻ của bệnh nhân.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung kêu gọi người dân ở nhà càng nhiều càng tốt
Chủ tịch Thành phố khuyến khích đóng cửa các cửa hàng, trừ hàng nhu yếu phẩm như xăng dầu, thuốc, lương thực.
“Từ nay đến 31.3, người dân cố gắng ở nhà càng nhiều càng tốt”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Hà Nội đồng thời cũng đưa lên cảnh báo tất cả cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn đi làm việc đến cơ quan phải tổ chức đo thân nhiệt và tất cả các trường hợp thấy sức khỏe yếu thì nên nghỉ. Những đơn vị, công ty trên địa bàn thành có thể hoạt động công việc trên môi trường mạng.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị tất cả cơ quan, tổ chức phải nâng mức nhận thức vì tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, thành phố đang chủ động và kiểm soát tốt việc nhập cảnh, xác minh nhanh trường hợp lây nhiễm chéo. Chủ tịch Hà Nội đề nghị với các trường hợp nghi ngờ cần ứng phó nhanh hơn để kịp thời cách ly, hạn chế lây nhiễm.
“Chúng ta chủ động thực hiện tất cả các biện pháp đã được hướng dẫn từ ăn uống, chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt lưu ý các gia đình chăm sóc sức khỏe người già, trẻ em, những người bị bệnh và vệ sinh sát khuẩn theo hướng dẫn của Y tế. Bên cạnh đó, không chủ quan không lơ là cố gắng ở trong nhà càng nhiều càng tốt, hạn chế đi ra đường và đi xe bus”, Chủ tịch Hà Nội nhắc lại.
Lãnh đạo thành phố nhấn mạnh, Trung tâm CDC Hà Nội cần khẩn trương tổ chức liên quan đến khâu xét nghiệm, tất các công dân được cách ly 14 ngày được xét nghiệm 1 lần ngay lập tức khi xuống sân bay hoặc về nơi cách ly và trước khi xét nghiệm 14 ngày được xét nghiệm lần 2 miễn phí.
Riêng với người nước ngoài có nhu cầu tổ chức cách ly cho họ và họ sẽ phải trả phí.
700 sinh viên y khoa, 280 y bác sĩ về hưu tình nguyện chống dịch ở Hà Nội
Cũng tại phiên họp của Ban Chỉ đạo, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) nhấn mạnh, hiện nay, việc giám sát phát hiện, bao vây khoanh vùng dịch bệnh được triển khai rất bài bản, tất cả những nơi xác định ổ dịch trên địa bàn Hà Nội đều không có ca bệnh thứ phát.
Hà Nội hiện đang áp dụng cao hơn một bậc so với quy định, theo đó tất cả các trường hợp F1 đều khử khuẩn. Đối với ổ dịch thay vì khoanh vùng cách ly 21 ngày nâng lên 28 ngày. Tuy nhiên, số người đi từ vùng có dịch về tăng cao nên số người về khu cách ly tập trung đông. Trung tâm CDC Hà Nội sẽ lấy mẫu bệnh phẩm 100% và xét nghiệm lần 2 trước khi đủ 14 ngày trước khi về nếu có kết quả âm tính.
Đặc biệt, để phục vụ xét nghiệm, CDC Hà Nội đề xuất huy động mỗi quận, huyện ít nhất thêm 3 người để tập huấn lấy mẫu bệnh phẩm sau đó vận chuyển lên CDC Hà Nội để xét nghiệm, huy động bổ sung các bác sỹ (Y6) dự phòng của Đại học Y Hà Nội và 600 cử nhân y tế công cộng năm thứ 4.
Ngoài 100 sinh viên Y6 tình nguyện bổ sung tăng cường kiểm dịch ở sân bay Nội Bài, khoa bệnh truyền nhiễm, khoa xét nghiệm, tại quận Bắc Từ Liêm, đã có 280 bác sĩ, y tá đã nghỉ hưu nhưng tình nguyện tham gia chống dịch.
Về cơ sở cách ly bổ sung, hiện tại Hà Nội đã có 7 cơ sở lưu trú đăng ký khả năng đáp ứng 1.308 khách. Dự kiến sẽ tiếp nhận các trường hợp khách sau khi rà soát xét nghiệm lần đầu âm tính thì sẽ đến cách ly tự nguyện, góp phần giảm tải áp lực cách ly tập trung, giảm tải ngân sách.
Nội Bài thất thủ: Hà Nội đổi cách lấy mẫu xét nghiệm Covid-19
Từ sáng 19.3, toàn bộ lực lượng chức năng tại sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội sẽ thay đổi quy trình nhập cảnh, lấy mẫu xét nghiệm theo phương án mới để tránh “ùn tắc” khi lượng người về nước và nhập cảnh vào Việt Nam quá đông.
Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho hay, ở Nội Bài sẽ không tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, sàng lọc và khai báo y tế ngay tại sân bay đối với những người thuộc diện cách ly y tế tập trung, mà thực hiện hai việc này tại nơi cách ly. Tại các khu cách ly sẽ được bố trí các tổ lấy mẫu, xét nghiệm Covid-19, người nhập cảnh sẽ được xét nghiệm tại đây.
Ông Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh, đây là quy trình mới, được thống nhất sau khi lãnh đạo Bộ Y tế, Giao thông Vận tải họp bàn về việc giải tỏa ách tắc tại các cửa khẩu, sân bay do số lượng người về quá đông, công tác xét nghiệm có thể gây ùn ứ cục bộ.
“Chúng tôi đã cho chuyển toàn bộ xét nghiệm sàng lọc về các khu cách ly, người nhập cảnh sẽ được chuyển thẳng về đó sau khi hạ cánh”, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thông tin.
Về nguy cơ lây nhiễm khi không thể xét nghiệm, sàng lọc sớm, ông Tuấn cho biết, lực lượng chức năng phụ trách vận chuyển, quản lý đều được tập huấn và trang bị bảo hộ kỹ càng nên sẽ giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất.
Hà Nội cũng đang nhanh chóng trang bị, đặt mua thêm các trang thiết bị xét nghiệm, lấy mẫu, đảm bảo có thể xét nghiệm 2.500-3.000 mẫu/ngày. Thành phố cũng đang huy động thêm các lực lượng từ các quận huyện và sinh viên ngành y để tham gia công tác lấy mẫu.
“Chúng tôi đã huy động sự tham gia của các sinh viên Đại học Y Hà Nội và Đại học Y tế Công cộng nhưng chỉ các em Y 6, sinh viên năm cuối mới đảm bảo được việc này do cần đào tạo chuyên môn sâu và liên quan đến đảm bảo an toàn”, ông Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra còn mở thêm cửa nhập cảnh, phân bố luồng đi cho hành khách để lực lượng quân đội có thể tiếp cận hành khách sớm, đưa hành khách và hành lý lên xe quân đội về khu cách ly, với phương châm giải tỏa nhanh, tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh tại khu vực nhập cảnh, để toàn bộ quá trình nhập cảnh không kéo dài quá 2,5 giờ.
Được biết, đây là phương án được họp bàn và thống nhất trong cuộc họp đêm qua tại Trung tâm Khẩn nguy Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn, Trung tướng Phùng Sỹ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam nhằm giải quyết tình trạng ách tắc luồng hành khách nhập cảnh gia tăng tại cảng hàng không những ngày qua khi lượng người về nước quá lớn.
Sân bay Vân Đồn: Quy trình đặc biệt đối với các chuyến bay về từ vùng dịch
Tối 18.3, sân bay Vân Đồn tiếp tục đón thêm người Việt trở về từ vùng dịch. Chuyến bay đưa người Việt trở về từ Indonesia đã hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh).
Chuyến bay VJ998 từ Indonesia hạ cánh lúc 21h35 chở theo 43 hành khách. Trước đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, sân bay Vân Đồn (VDO) đã tổ chức đón thành công nhiều chuyến bay đưa công dân về từ Trung Quốc, Hàn Quốc và châu Âu. Tất cả chuyến bay này đều được VDO đón theo quy trình đón khách hàng không đặc biệt, nhanh chóng, đảm bảo an toàn cho cả hành khách và cộng đồng. 43 người này sau đó lập tức được cách ly theo dõi sức khỏe.
Cụ thể, các tàu bay hạ cánh sẽ đậu tại bãi đỗ xa. Hành khách làm thủ tục tại khu vực riêng bố trí phía ngoài nhà ga. Hành khách khi xuống máy bay phải tiến hành khai báo y tế bắt buộc.
Trung tâm kiểm dịch y tế và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra sàng lọc để phát hiện các trường hợp nghi nhiễm Covid-19 qua máy đo thân nhiệt từ xa; phun khử trùng hành lý xách tay của hành khách. Sau đó, đoàn khách nhanh chóng được bàn giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh đưa về các điểm cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày theo quy định.
Công tác phòng hộ - tất cả nhân sự tại sân bay Vân Đồn tiếp xúc trực tiếp với hành khách đều được trang bị đồ bảo hộ y tế, trùm kín bằng quần áo bảo hộ, đeo kính, khẩu trang N95, mang ủng được tập huấn các thao tác mặc và cởi đồ bảo hộ để tránh nguy cơ lây nhiễm virus vào cơ thể.
Sau khi đón hành khách xong, toàn bộ khu vực làm thủ tục, luồng di chuyển của hành khách và các thiết bị tại sân bay được phun xịt khử trùng, phòng lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.
Tuân thủ chỉ đạo của Cục Hàng không Việt Nam, Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn cũng đã yêu cầu 100% hành khách và người thân khi ra vào sân bay (đi máy bay hoặc đưa, tiễn) phải đeo khẩu trang y tế và thực hiện khai báo y tế. Những khách không đeo khẩu trang sẽ bị từ chối làm thủ tục.