Kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật của các sàn giao dịch bất động sản
Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành kế hoạch kiểm tra hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản hoạt động trên địa bàn thành phố.
Theo đó, công tác tổ chức kiểm tra hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản sẽ được Sở Xây dựng Hà Nội thực hiện trong cả năm 2020. Cụ thể, trong quý I/2020, thực hiện kiểm tra các sàn giao dịch bất động sản tại 3 quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên.
Quý II/2020, Sở sẽ thực hiện kiểm tra tại 3 quận: Đống Đa, Ba Đình, Hoàng Mai. Trong quý III/2020, Sở sẽ kiểm tra tại các quận: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm. Quý IV/2020, kiểm tra các sàn giao dịch bất động sản niêm yết trên website của Sở Xây dựng trong năm 2020.
Được biết, nội dung kiểm tra là việc thực hiện các quy định pháp luật (quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản) của các sàn giao dịch bất động sản; kiểm tra các hoạt động, chế độ báo cáo theo quy định.
Theo số liệu của Sở Xây dựng, trên địa bàn thành phố có 38 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động, trong đó phần lớn tập trung tại các quận. Ngoài ra, còn một số sàn giao dịch bất động sản tại các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức.
Theo thống kê của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), lực lượng môi giới bất động sản Việt Nam hiện đạt tới 200.000 người. Trong đó có 50% nhà môi giới chuyên nghiệp, hoạt động thường xuyên tại các sàn. Phần còn lại đa số là nghiệp dư, trong đó có những người “tay ngang” chuyển nghề khi thị trường bất động sản tăng nóng, không được đào tạo, không được kiểm soát và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua và bán. Đây là thực trạng đáng báo động nhất hiện nay và chắc chắn là nguyên nhân căn bản khiến cho thị trường bất động sản phát triển kém bền vững do môi giới thiếu kiến thức và kém hiểu biết về pháp luật.
Thị trường bất động sản tạm “ngủ đông”
Theo khảo sát của một số đơn vị tư vấn, thị trường bất động sản cả hai miền Bắc - Nam có sự chững lại nhất định từ hơn 1 tháng nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thanh khoản của nhiều phân khúc cũng theo đó sụt giảm đáng kể, đặc biệt là phân khúc nghỉ dưỡng, khách sạn.
Tỷ lệ khách lấp đầy tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cũng giảm mạnh, chỉ còn 10-20% khiến doanh nghiệp này buộc phải lùi tiến độ khai trương hàng loạt công trình và tạm đóng cửa một số khu vực.
Ở mảng thị trường nhà ở, một số doanh nghiệp có dự án chung cư, biệt thự tại các đô thị lớn cũng đang chững lại khi lượng giao dịch chỉ bằng 1/2 so với thời điểm cuối năm 2019.
Giới đầu tư cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường bất động sản dường như đang “ngủ đông”, mọi động thái lúc này không gì khác là nằm im nghe ngóng, chờ đợi.
Trong báo cáo vừa được phát hành với chủ đề “Thị trường bất động sản trước cú sốc COVID-19”, JLL dự báo về kịch bản phục hồi an toàn, tăng trưởng chậm và có thể kéo dài trước tác động của COVID-19.
Theo đó, hoạt động đầu tư có thể sẽ chậm lại trong nửa đầu năm 2020 do các nhà đầu tư do dự trước tình hình bất ổn. JLL khẳng định tác động của tâm lý hạn chế đi lại và lệnh cấm nhập cảnh từ nhiều quốc gia đã ngay lập tức làm ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực khách sạn và du lịch.
Trong ngắn hạn, tỷ lệ lấp đầy của ngành sẽ giảm. Các thị trường có tỷ lệ khách quốc tế cao sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, trong khi các khu vực có thể phục vụ du khách trong nước có thể bị ảnh hưởng ít hơn. Dự báo về khả năng phục hồi, JLL cho rằng phân khúc bất động nảy chỉ có khả năng phục hồi nhanh chóng nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, theo JLL, bất động sản nhà ở vẫn là tài sản đầu tư tốt, hưởng lợi từ thu nhập tiền thuê ổn định và khả năng linh hoạt giá thuê để đảm bảo tỷ lệ lấp đầy. Nhu cầu nhà ở vốn ổn định, tương đối ít bị ảnh hưởng bởi các tác động từ thị trường.
Mặc dù các tác động kinh tế ngắn hạn của COVID-19 đã rõ ràng hơn, nhưng JLL cho rằng không nên bỏ qua các tác động đến xã hội và thị trường bất động sản dài hạn. Đại dịch này sẽ thay đổi cách sống và làm việc của người dân, có khả năng tạo ra các mô hình hoạt động mới.