Nhưng bây giờ bão ngôn từ chỉ trích đột nhiên nhường chỗ cho lời kêu gọi học tập Bắc Kinh. Động thái cố gắng huy động nhanh chóng các nguồn lực song hành với cách ly không khoan nhượng tạo ra cho người dân Trung Quốc không ít bất tiện, nhưng mục tiêu cuối cùng đã được biện minh: ở Vũ Hán không xuất hiện thêm ca bệnh nhiễm viêm phổi cấp nữa. Sputnik tìm hiểu xem châu Âu có thể học được gì từ thực tế này.
Những biện pháp chưa từng có
Người Trung Quốc đang vui mừng. Ba tháng sau khi dịch coronavirus bùng phát, trong ba ngày qua không ghi nhận thêm một ca bệnh «nội địa» nào nữa. Tất cả những trường hợp mới đều là từ bên ngoài nhập vào.
Cư dân tỉnh Hồ Bắc đã phải chịu mấy tháng sống trong cảnh bị phong toả cô lập nghiêm ngặt. «Tam trấn Vũ Hán» gồm ba thành phố Vũ Xương (Wuchang), Hán Khẩu (Hankou) và Hán Dương (Hanyang) biến thành «địa bàn chiến sự» với sự tham gia của các nhân viên y tế. Vào tháng 1, ban lãnh đạo Trung Quốc ban hành những biện pháp chưa từng có để kiềm chế dịch bệnh. Và đây là kết quả.
«Mỗi lần sau buổi làm trở lại điểm dành riêng của công ty, tôi đều lau rửa từ đầu đến chân bằng dung dịch khử trùng, thay quần áo sạch rồi mới về nhà», - anh Lý Bình, cư dân Vũ Hán, nhân viên của một công ty chuyển phát hàng tận nhà kể với Sputnik.
Trong điều kiện kiểm dịch, công việc của anh thay đổi rõ rệt: thứ nhất, nhiều việc hơn. Lý Bình và các đồng nghiệp chạy từ sáng đến tối mỗi ngày suốt 10 tiếng đồng hồ. Thứ hai, phải hoạt động khi mang mặt nạ bảo hộ và găng tay, không tiếp xúc với người nhận hàng mà chỉ để tất cả ở lối vào sân.
Cư dân các tòa chung cư cũng buộc phải đột ngột thay đổi nếp quen. Bởi một người nhiễm bệnh, toàn bộ đơn nguyên bị phong toả. Những người Vũ Hán mà Sputnik phỏng vấn đều lưu ý rằng họ tự động tuân thủ hướng dẫn, không ra phố nếu không thật bức thiết, giữ liên lạc với thế giới bên ngoài thông qua Internet.
Tuy nhiên, kiềm chế virus là việc phức tạp khó khăn, hệ thống chăm sóc sức khỏe đã huy động mọi khả năng tận cùng giới hạn có thể. Ở Vũ Hán, 14 bệnh viện tạm thời được khẩn cấp trang bị, y bác sĩ làm việc gần như suốt ngày đêm và các tình nguyện viên giúp đỡ họ. Dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của 53 nhân viên xã hội. Trong số ca tử vong vì COVID-19 có cả bác sĩ Lưu Trí Minh (Liu Zhiming), Giám đốc bệnh viện Vũ Xương (Wuchang).
Biến chuyển ở các thời điểm
Phân khúc Internet Trung Quốc cũng không thể nhận biết. Hồi cuối tháng 1, trên trang «Twitter» địa phương là «Weibo» đã nóng lên cuộc tranh cãi về truyền thống ăn thịt động vật hoang dã. Một trong những phương án giả thiết chính về nguyên nhân gây dịch bệnh là do lây nhiễm từ khu chợ chuyên bán thịt thú hoang trên kệ và những con vật còn sống nhốt trong những chiếc lồng, chứa đủ các loại virus khác nhau, nhưng trong tự nhiên không tiếp xúc với nhau. Xảy ra đột biến sinh học, và nhiễm trùng truyền sang người.
Sang tháng 2 trên mạng xuất hiện rất nhiều bài đăng kèm với các hashtags «cấm chợ bán động vật hoang dã», «hãy từ bỏ món ăn này, bắt đầu từ chính mình», «hãy kiểm soát cái miệng của bạn».
Một xu hướng khác là tin giả. Cơn hoảng loạn do dịch bệnh đã tạo ra hàng loạt thông điệp sai lệch về con số, tình cảnh người chết và lây nhiễm. Những người Trung Quốc mà phóng viên Sputnik có dịp hỏi chuyện đều thừa nhận rằng có những lúc họ đã hủy đăng ký ở tất cả các nguồn tin không chính thức và chỉ theo dõi tuyên bố chỉ thị của Chính phủ.
Đoạn video lưu hành trên mạng kể chuyện các đối tượng gian manh đánh cắp thiết bị bảo vệ y tế vốn dành cho mục đích sử dụng công cộng. Những công dân vô trách nhiệm như vậy đã bị cộng đồng mạng «ném đá» dữ dội.
Ban lãnh đạo địa phương cũng bị chỉ trích vì đã che giấu thông tin về những trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên từ tháng 12 năm 2019. Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng (Zhou Xianwang) rơi vào tình thế ô nhục - ông ta phải thừa nhận sai lầm trước nhân dân. Chi nhánh Hồ Bắc của Hội Chữ thập đỏ cũng không thoát: từ đầu tháng 2 xác minh được rằng hóa ra các loại thuốc men do công dân hiến tặng vẫn chất trong kho của tổ chức này mà không được sử dụng. Phó Giám đốc chi nhánh là Trương Thanh (Zhang Qing) bị sa thải.
Chính quyền địa phương nông thôn đã kích động cơn tức giận của dân chúng bởi lối hành xử «hăng hái» quá mức: xuất hiện các video về chuyện những người từ Vũ Hán về bị «tù giam» trong căn nhà kín mít.
Nhưng trong cơn dịch bệnh cũng vẫn có chỗ cho óc hài hước. Cộng đồng mạng thu thập chuyện đùa: hình ảnh những người hoảng loạn đeo khẩu trang làm bằng áo lót của phụ nữ, băng vệ sinh và vỏ cam, mặc «bộ đồ bảo vệ» kỳ quái.
Học gì từ Trung Quốc
Trong khi Trung Quốc dần hồi phục sau đại dịch, các quan sát viên phương Tây nêu câu hỏi: liệu châu Âu và Hoa Kỳ có rút được bài học gì chăng từ kinh nghiệm châu Á.
Bước đi quan trọng nhất mà chính quyền Trung Quốc thực hiện, theo cái nhìn của nhà quan sát The New York Times, là hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa các công dân. Đội tình nguyện viên và các nhân viên công ty đưa vào thực tế đời sống đất nước một «chiến dịch kiểm soát xã hội rộng lớn nhất trong lịch sử», tờ báo Mỹ nhận xét.
Hệ thống giám sát dân mà phương Tây chỉ trích hoá ra rất hữu ích: những dữ liệu này giúp theo dõi và ngăn chặn lây lan coronavirus trong cộng đồng dân cư. Chính quyền đã thành công ngăn chặn được cuộc di chuyển của khoảng 760 triệu người. Trong khi đó, đỉnh điểm dịch bệnh rơi vào thời gian vẫn được gọi là «cuộc đại di cư mùa xuân», khi hàng loạt người lao động ùn ùn trở về quê nhà để đón Tết Nguyên đán.
Bộ gen virus đã được xác định và gửi đến WHO trong thời hạn cực ngắn: chỉ trong vòng một tuần. Hồi bùng phát dịch SARS năm 2003, đã phải mất 2 tháng, còn với HIV những năm 1980, mất đến mấy năm.
Phương tiện phát hiện nhiễm trùng đã có ở Vũ Hán ngay từ ngày 13 tháng 1. Khả năng của chính quyền Trung Quốc trong việc huy động và phân phối các nguồn nhân lực cần thiết đã là đảm bảo cho thành công trong cuộc chiến chống dịch bệnh.
Liên Hợp Quốc cũng khuyến nghị nên học hỏi từ Trung Quốc. Đại diện WHO tại CHND Trung Hoa, ông Gauden Galea, gọi những biện pháp được thực hiện ở đất nước này là bài học quý cho phương Tây.
Trong khi đó, Ý đã vượt Trung Quốc về kỷ lục đáng buồn với số nạn nhân – 3.405 ca tử vong (ở Trung Quốc là 3.245). Và virus lây lan ở Ý với tốc độ nhanh điên rồ - 3.526 ca nhiễm mới mỗi ngày. Chế độ cách ly kiểm dịch ở Ý dù cứng rắn nhưng rõ ràng nhiều trường hợp vi phạm.
«Trong những ngày gần đây, tất cả đều nói cần cẩn thận tuân thủ chế độ cách ly. Chính quyền khuyến cáo: nếu không, sẽ siết chặt các biện pháp. Thống đốc Lombardia tuyên bố rằng, theo dữ liệu kiểm tra cơ động ngày 17 tháng 3, nhiều người trong khu vực thường di chuyển xa hơn 300 mét. Tức là, họ không chỉ đơn thuần là ra khỏi nhà, mà còn đi dạo loanh quanh không cần thiết. Cần nhớ rằng ở tỉnh này ghi nhận 70% nạn nhân coronavirus», - nhà sử học và chuyên gia nghiên cứu chính trị hiện sống ở Ý, ông Aleksandr Dunaev nói với Sputnik.
Theo lời ông, kể cả tại các khu vực có mức lây nhiễm ít hơn, chính quyền cũng đang rất lo lắng về vấn đề chấp hành kỷ luật. Trên mạng ghi thông điệp của các thị trưởng, một trong số đó được phổ biến rộng.
Nhà lãnh đạo thị trấn Sicilia kêu lên: «Thật là mớ hỗn độn, tại sao quý vị mỗi ngày đều ra phố mua bao thuốc lá, khi mà có thể mua nguyên cả vài cây? Con cún cưng của quý vị cần dạo chơi bao nhiêu lần trong ngày? Xin hãy thôi làm những chuyện ngốc nghếch như vậy và ngồi yên ở nhà!».
Như ông Dunaev ghi nhận, có vẻ các công dân Ý còn chưa nhận thức được rõ là cách ly quan trọng đến thế nào, nhưng chính quyền cũng có thể tiến đến thi hành những biện pháp nghiêm khắc hơn.
«Bất chấp truyền thống vui sống của người Ý, chính giới có thể sử dụng các công cụ và tài nguyên buộc mọi người không gây nguy hiểm, trước hết là cho lớp cư dân thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất», - chuyên gia nhấn mạnh.