Việt Nam chính thức tạm dừng xuất khẩu gạo vì Covid-19

Chính phủ Việt Nam quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo từ ngày 24.3 vì lo ngại dịch bệnh Covid-19. Tổng Cục Hải quan đã có công điện hỏa tốc gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về việc tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan với mặt hàng gạo của Việt Nam từ ngày 24.3.
Sputnik

Điều này thực hiện theo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh SARS-CoV-2 đang diễn biến phức tạp.

Việt Nam dừng xuất khẩu gạo vì Covid-19

Ngày 24.3, Tổng cục Hải quan đã ra công điện hỏa tốc gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về việc tạm dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với mặt hàng gạo, bắt đầu từ 0 giờ ngày 24.3.

Việt Nam có đủ lương thực cho người dân?

Trong công điện do Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành ký nêu rõ, động thái này nhằm “thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch Covid – 19”.

Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục hải quan các tỉnh, thành phố tạm dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo các loại xuất khẩu dưới mọi hình thức, bắt đầu từ 0 giờ ngày 24.3.2020.

Các Cục hải quan tỉnh, thành phố chỉ giải quyết thủ tục thông quan theo quy định đối với các lô hàng xuất khẩu đã đăng ký tờ khai hải quan trước 0 giờ ngày 24.3.2020.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng giao Cục quản lý rủi ro thiết lập tiêu chí đưa mặt hàng gạo các loại thuộc các phân nhóm HS: 1006.20, 1006.30 và 1006.40 vào diện cấm xuất khẩu.

Ngoài ra, Cục Hải quan cấp tỉnh, thành phố phối hợp cùng Cục Điều tra chống buôn lậu phải chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng gạo các loại qua biên giới và xử lý vi phạm theo quy định.

Về phần mình, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản yêu cầu Tổng cục Dự trữ nhà nước khẩn trương thu mua đủ số lượng lương thực dự trữ theo kế hoạch được giao, nhằm đảm bảo đáp ứng các yêu cầu đột xuất, cấp bách. Bộ cũng yêu cầu Tổng cục Hải quan tạm dừng thông quan các lô hàng xuất khẩu gạo như đã thông tin ở trên.

Liệu Việt Nam có vượt Thái Lan trở thành nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới?

Bộ Công Thương cho biết, chỉ trong hai tháng đầu năm 2020, tình hình dịch Covid-19 đã có những diễn biến nhanh, phức tạp và nghiêm trọng. Cùng với đó, diễn biến thương mại gạo toàn cầu cũng tiếp tục có các diễn biến tác động không nhỏ tới hoạt động xuất nhập khẩu gạo của Việt Nam.

Trong 2 tháng đầu năm 2020, tổng khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 895 nghìn tấn, giá trị 410 triệu USD, tăng 27% về khối lượng và tăng 32,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung trong năm 2019, xuất khẩu gạo đạt 2,81 tỷ USD. Philipines, Bờ Biển Ngà, Trung Quốc là các thị trường chính tiêu thụ gạo của Việt Nam. Như năm ngoái, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Philippines nhập 2,13 triệu tấn, trị giá 884,95 triệu USD, chiếm 33,5% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Việt Nam đảm bảo an ninh lương thực giữa dịch bệnh Covid-19

Trước đó, ngày 18.3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”.

Nỗi buồn bực của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, an ninh lương thực luôn luôn và mãi mãi là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia, nhất là trong điều kiện dịch bệnh xảy ra trên thế giới.

Theo Thủ tướng, an ninh lương thực không phải chỉ là vấn đề trước mắt mà còn mang tính chiến lược và lâu dài. Việc xuất khẩu, đóng góp cho an ninh lương thực thế giới là cần thiết nhưng trước hết phải lo cho gần 100 triệu dân của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại sự việc xảy ra thời gian qua khi dịch Covid-19 bùng phát, thị trường nhốn nháo, nhất là có việc người dân mua lương thực, mì tôm dự trữ. Thủ tướng Việt Nam đã phải điện thoại chỉ đạo lãnh đạo Tổng Công ty lương thực miền Bắc đưa lương thực bán đầy đủ cho dân, bán đến cả 23h đêm để đảm bảo bình ổn và đáp ứng nhu cầu của người dân.

“Điều đó cho thấy nếu chúng ta không có lương thực thì thực hiện làm sao được điều này? Cho nên dự trữ lương thực, ổn định trong mọi điều kiện rất quan trọng. Đây là mặt hàng chính yếu, chiến lược và không được coi thường”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Thảo luận