Như lưu ý trong thông cáo báo chí, chuyện ở đây nói về các nước như Iran, Venezuela, Cuba, Zimbabwe và CHDCND Triều Tiên.
Trừng phạt cần được nới lỏng
«Trong thời điểm đặc biệt hiện nay, cả về lý do gắn với nỗ lực toàn cầu trong lĩnh vực y tế-xã hội, cả với mục đích hỗ trợ nhân quyền và bảo toàn mạng sống của hàng triệu người ở những nước này, các biện pháp trừng phạt cần được nới lỏng hoặc đình chỉ», - bà Michelle Bachelet nhấn mạnh.
«Điều quan trọng sống còn là phải tránh sự sụp đổ hệ thống y tế của bất kỳ đất nước nào, tính đến tác động bùng nổ thảm hoạ về tỷ lệ tử vong, thiệt hại và lây nhiễm nhiều hơn», - bà nhận định.
Theo quan điểm của Cao ủy, cần giải thích rộng rãi về trường hợp biệt lệ dự trù trong lệnh trừng phạt đối với việc cung cấp các sản phẩm có tính chất nhân đạo, và cho phép cung cấp thiết bị y tế «một cách nhanh chóng và linh hoạt».
Nạn nhân thực sự của lệnh trừng phạt
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) đã nhắc nhở rằng trong tương quan này, ở Iran có «ít nhất 1.800 người», kể cả 50 nhân viên y tế, đã chết vì căn bệnh do chủng coronavirus mới gây ra. Lệnh trừng phạt chống đất nước này đã "ảnh hưởng đến việc tiếp cận các loại thuốc và trang thiết bị y tế cơ bản, bao gồm cả máy trợ thở và thiết bị bảo vệ dành cho y bác sĩ". Như bà Bachelet nhấn mạnh, «lệnh trừng phạt cũng có thể cản trở nỗ lực của các nhân viên y tế ở Cuba, CHDCND Triều Tiên, Venezuela và Zimbabwe trong công cuộc cứu người bệnh».
Trừng phạt của Washington và cuộc chiến chống coronavirus
Chính quyền Iran nhiều lần tuyên bố rằng những hạn chế mà Washington áp đặt đang ngăn cản họ đấu tranh đối phó với đà lây lan dịch bệnh coronavirus. Hôm thứ Sáu tuần trước, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif viết trên Twitter rằng bởi vẫn tiếp tục gây áp lực tối đa chống Tehran trong tình huống đại dịch, Washington phải chịu trách nhiệm về mạng sống của người dân Iran. Theo quan điểm của ông, «chính quyền Hoa Kỳ đang lấy làm tự hào về việc giết hại các công dân Iran».