Cụ thể, Bộ Quốc phòng đề xuất chỉ định Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn thực hiện 3 dự án thành phần thuộc Dự án Cao tốc Bắc – Nam phía Đông dự kiến chuyển đổi từ phương thức đầu tư đối tác công- tư (PPP) sang đầu tư hoàn toàn bằng vốn ngân sách nhà nước.
Cao tốc Bắc – Nam: Chuyển hình thức đầu tư từ PPP sang ngân sách nhà nước
Văn phòng Chính phủ ngày 25.3 có thông báo về các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, Chính phủ đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội Việt Nam cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông (8 dự án) và Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ từ đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang đầu tư công hoàn toàn bằng vốn ngân sách nhà nước.
Chính phủ cũng kiến nghị bố trí vốn cho dự án cho dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và dự án cải tạo đường cất hạ cánh và đường lăn của hai cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Các dự án này được kiến nghị cho phép chỉ định thầu khi triển khai.
“Báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ cũng cần đề xuất bố trí mức vốn phù hợp từ nguồn tăng thu và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2019 cho dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất; cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (kèm theo cắt giảm 5% so với dự toán) khi triển khai thực hiện các dự án, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật”, Văn phòng Chính phủ cho biết.
Hồi đầu tháng 3, Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) đã đề xuất hai phương án chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án cao tốc Bắc – Nam. Theo đó, phương án thứ nhất là đầu tư công đối với 3 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 dài 63 km, quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43km và Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km) với kinh phí hơn 29.490 tỷ đồng. Bộ GTVT cho rằng, cần phải đầu tư sớm ở ba dự án này mới đảm bảo tính kết nối liên tục của tuyến cao tốc, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực.
Phương án kế tiếp mà Bộ GTVT đề xuất là chuyển đổi đầu tư công 8 dự án cao tốc, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền khai thác để thu hồi vốn nộp ngân sách nhà nước. Trong đó, Chính phủ sẽ sử dụng nguồn vốn 29.490 tỷ đồng để đầu tư trước 3 dự án cấp bách. 5 dự án còn lại cần 44.490 tỷ đồng sẽ được cân đối trong kế hoạch vốn giai đoạn 2021- 2025.
Bình luận và nêu ý kiến về đề xuất này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc chuyển đổi một số dự án trọng điểm từ hình thức đầu tư công tư (PPP) sang đầu tư công là cần thiết, nhằm thúc đẩy tiến độ và giải ngân vốn năm 2020.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị xem xét chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Theo đó, việc chỉ định thầu cần được thực hiện theo các nguyên tắc doanh nghiệp được chỉ định phải có năng lực về tài chính, máy móc, thi công, nhân lực và kinh nghiệm triển khai các dự án tương tự để đảm bảo chất lượng công trình, trong đó ưu tiên giao cho các doanh nghiệp xây dựng của Bộ Quốc phòng, tiến hành rà soát tổng mức đầu tư dự án sau khi chuyển đổi hình thức đầu tư, bảo đảm không trùng lặp với kinh phí giải phóng mặt bằng toàn tuyến.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị trong việc chỉ định thầu cần quy định tiết kiệm từ 5% - 7% so với dự toán được phê duyệt của gói thầu được chỉ định, nghiên cứu xây dựng cơ chế thưởng, phạt rõ ràng với các nhà thầu được lựa chọn để thúc đẩy tiến độ các dự án, trong đó sử dụng chính khoản tiết kiệm nêu trên để trích một phần thưởng cho nhà thầu vượt tiến độ.
Doanh nghiệp nào của Bộ Quốc phòng chỉ định làm cao tốc Bắc- Nam?
Theo một số ý kiến, cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án huyết mạch trọng điểm của Việt Nam, đảm bảo an ninh quốc phòng là yếu tố quan trọng. Đây cũng là một trong những lý do được Bộ GTVT đưa ra khi quyết định chuyển từ đấu thầu quốc tế sang đấu thầu trong nước đối với 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức BOT của Dự án.
Do đó, theo Bộ Quốc phòng, việc doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện các gói thầu cũng sẽ phù hợp với yếu tố này. Ngoài ra, xét về năng lực và kinh nghiệm, trong những năm qua, các doanh nghiệp quân đội hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đã trực tiếp tham gia thi công nhiều công trình trọng điểm, trong đó có nhiều dự án, gói thầu giao thông lớn.
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 2248 chuyển đề xuất của Bộ Quốc phòng gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc chỉ định thầu theo đề xuất của Bộ về việc thi công các dự án thành phần đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Bên cạnh đó, cũng trong công văn này, Văn phòng Chính phủ nêu rõ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ GTVT xem xét xử lý theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan ưu tiên chỉ định thầu cho Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thuộc Binh đoàn 12 được tham gia thi công các gói thầu thuộc 3 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc- Nam phía Đông dự kiến chuyển đổi theo hình thức đầu tư công là đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Phan Thiết - Dầu Giây.
Đồng thời, đại điện Bộ Quốc phòng cũng cam kết sẽ chỉ đạo Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn chuẩn bị tốt các nguồn lực để triển khai thi công các gói thầu được giao đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng công trình.
Cùng với Tổng Công ty 319, Tổng Công ty 789, Tổng Công ty Thành An, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn là một trong những doanh nghiệp lớn của Bộ Quốc phòng đảm trách tốt nhiều dự án trọng điểm về công tác xây dựng thời gian qua.
Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn là đơn vị chuyên xây dựng cầu đường của Quân đội, giàu kinh nghiệm trong thi công các công trình cao tốc lớn như Quốc lộ 3 mới, cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng- Quảng Ngãi, Cam Lộ - Túy Loan..
Tổng Công ty Trường Sơn Bộ Quốc phòng hiện đang thực hiện Gói thầu số 6 thuộc Dự án Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng (trị giá 1.022 tỷ đồng), Gói thầu xây lắp số 1 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (trị giá 252 tỷ đồng), Gói thầu Thi công xây dựng thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 782 - Đường tỉnh 784 (từ ngã ba tuyến tránh Quốc lộ 22 đến ngã tư Tân Bình) (trị giá 203 tỷ đồng).
Ngoài ra, tại thời điểm cuối năm 2019, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn cùng với Tổng Công ty 319 liên doanh trúng 2 gói thầu xây dựng đường tại Kiên Giang với tổng giá trị gần 1.000 tỷ đồng.
Đối với Dự án Cao tốc Bắc- Nam phía Đông, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn còn đang trong thời gian thực hiện hợp đồng Gói thầu Xây lắp 2 thuộc Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn, giá trúng thầu 619 tỷ đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn đảm trách các Gói thầu số 17 thuộc Dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng, tỉnh Hòa Bình (608 tỷ đồng), Gói thầu số Xây lắp 4 thuộc Dự án Hồ chứa nước Ea H’leo 1, tỉnh Đắk Lắk (412 tỷ đồng).
Theo đó, 8 dự án được Quốc hội quyết định đầu tư theo hình thức PPP là Diễn Châu - Bãi Vọt, Nghi Sơn - Diễn Châu, Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.
Trước đó, năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải đã sơ tuyển các nhà đầu tư quốc tế cho 8 dự án cao tốc này, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp và liên doanh với nhà thầu Trung Quốc. Tuy nhiên, sau đó Bộ GTVT lại hủy kết quả sơ tuyển với lý do “số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao”.