Theo Thời báo Hoàn cầu, các biện pháp hỗ trợ cho giới sản xuất ô tô khác nhau tùy theo khu vực. Chính quyền Quảng Đông cung cấp các khoản trợ cấp lên tới 10 nghìn nhân dân tệ cho những người mua ô tô sử dụng nguồn năng lượng mới. Hàng Châu quyết định mở rộng hạn ngạch mua xe mới cho năm 2020 thêm 20 nghìn chiếc. Các biện pháp tương tự đang được áp dụnh ở Trường Sa, Chu Hải, Phật Sơn. Tờ Thời báo Hoàn cầu, trích dẫn lời các chuyên gia, lưu ý ở khu vực nông thôn, người mua xe có thể được miễn thuế đối với ô tô, cũng như nhận được một khoản vay không lãi suất.
Hiện tại, những hạn chế nghiêm ngặt nhất đối với việc mua ô tô đang có hiệu lực ở các thành phố lớn Trung Quốc. Tại Bắc Kinh, biển số đăng ký xe được phân bổ theo hạn ngạch nghiêm ngặt, hay quay xổ số ngẫu nhiên. Ở Thượng Hải, biển số xe được bán đấu giá. Sự cạnh tranh đạt đến mức các số xe được bán với giá 10 - 14 nghìn đô la - bằng giá của một chiếc xe loại nhỏ. Các thành phố nhỏ cũng áp dụng hạn ngạch mua xe mới. Những biện pháp này đã chứng minh tính hiệu quả trong việc chống lại sự gia tăng tự phát số lượng ô tô trên đường, và do đó làm trầm trọng thêm các vấn đề giao thông, môi trường.
Trung Quốc — hiện vẫn là thị trường xe hơi lớn nhất thế giới. Năm 2019, hơn 21 triệu chiếc đã được bán ra. Để so sánh, thị trường lớn thứ hai trên thế giới - Hoa Kỳ - chỉ có 16 triệu xe mới vào năm ngoái. Việc kinh doanh ô tô tại Trung Quốc là động lực tăng trưởng tiêu dùng trong nhiều năm. Ngoài ra còn có các lĩnh vực liên quan, ví dụ như các tổ chức tín dụng phi ngân hàng - có các công ty chuyên cho vay mua ô tô. Các chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản (ABS), đã trở thành một trong những sản phẩm đầu tư thay thế phổ biến nhất ở Trung Quốc trong những năm gần đây, trong đó các khoản vay mua ô tô chiếm một phần đáng kể.
Tuy nhiên, thị trường xe hơi Trung Quốc đã tụt giảm năm thứ hai liên tiếp. Năm 2019 - giảm 8.2%. Điều này là do, một mặt - sự bão hòa của thị trường. Và mặt khác - tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc, kể cả do cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ. Hiện giờ thị trường đã giảm xuống mức kỷ lục 78% do dịch bệnh. Trong khi đó chính quyền Trung Quốc vẫn dựa vào tiêu dùng là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Do đó họ quyết định hỗ trợ để đối phó với khủng hoảng. Trong ngắn hạn, biện pháp này sẽ giúp ích, nhưng liệu có giúp đảo ngược xu hướng suy giảm dài hạn hay không, vẫn chưa ai biết. Li Ruimin - chuyên gia từ Trung tâm nghiên cứu giao thông của Đại học Tsinghua, nói với Sputnik:
«Trong ngắn hạn, nhu cầu về ô tô chắc chắn sẽ gia tăng. Xét cho cùng, tại các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, nhu cầu vẫn khá cao. Nhưng vẫn chưa biết các biện pháp quyết đoán sẽ hỗ trợ được đến đâu và kéo dài bao lâu. Mặc dù số lượng xe hơi trên đầu người hiện tại ở Trung Quốc còn tương đối ít, và tổng số xe lưu thông tiếp tục tăng, nhưng doanh số những năm gần đây lại không tăng. Vì vậy, về lâu dài, thật khó để đưa ra dự đoán».
Mặt khác, việc dỡ bỏ các hạn chế có thể làm phức tạp thêm tình hình gia thông, vốn đã khó khăn ở Trung Quốc, chuyên gia lưu ý.
«Nếu các hạn chế được dỡ bỏ, tại các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, số lượng xe hơi chắc chắn sẽ tăng lên. Và nếu các biện pháp đối phó để hạn chế ô tô không được thực hiện, tắc nghẽn giao thông sẽ tăng lên. Hơn nữa, trong tình trạng dịch bệnh, mọi người ít sử dụng phương tiện giao thông công cộng và cố gắng di chuyển bằng ô tô riêng».
Trong thời gian dịch bệnh, Trung Quốc giảm mạnh phát khí thải nhà kính do ngừng sản xuất và hạn chế di chuyển. Theo các nhà phân tích của Tập đoàn Rhodium, tiêu thụ than tại 6 nhà máy điện lớn nhất Trung Quốc trong quý đầu năm nay đã giảm 40% so với cùng kỳ quý trước đó.