Covid-19: Việt Nam chính thức cách ly toàn xã hội 15 ngày

Sáng 31.3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 16 về quyết định thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, theo đó, Việt Nam chính thức thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1 tháng tư trên toàn quốc.
Sputnik

Chính phủ Việt Nam quyết định tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới đối với người tại các cửa khẩu đường mòn, lối mở tại khu vực biên giới với Lào và Campuchia. Bộ Y tế công bố trường hợp nhiễm virus corona mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 của Việt Nam lên thành 204. Đây là bé trai 10 tuổi ở TP.HCM. Sở Y tế tỉnh Gia Lai lên tiếng về thông tin người nhà bà Trần Thị Yến gây áp lực với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai sau khi bệnh nhân tử vong vì nhiễm coronavirus.

Hà Nội bắt đầu thiết lập 10 trạm xét nghiệm dã chiến. Thành phố cũng đưa vào sử dụng bộ test nhanh Covid-19, có khả năng cho kết quả nhanh chỉ trong 10 phút.

Việt Nam cách ly toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc từ 0h ngày 1 tháng tư

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách, phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Quyết sách này nhằm thực hiện Lời kêu gọi toàn quốc, đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài cùng đoàn kết chống dịch Covid-19 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ngày 30.3, với tinh thần coi trọng sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, để tiếp tục chủ động ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh do coronavirus gây nên.

203 ca nhiễm Covid-19: Thủ tướng Việt Nam đồng ý công bố dịch trên toàn quốc

Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1.4.2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

“Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng chống dịch, tự bảo vệ mình, gia đình, có trách nhiệm với xã hội.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Công an, UBND TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh phải thần tốc, cương quyết, “dồn mọi nguồn lực và bằng mọi giải pháp xử lý triệt để các “ổ dịch” tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Quán bar Buddha (thành phố Hồ Chí Minh).

“Tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết, áp dụng các biện pháp phù hợp đối với tất cả các trường hợp có nguy cơ, tiếp xúc với người bệnh, người qua lại “ổ dịch”, tiếp tục kêu gọi người dân đã qua lại các “ổ dịch” này khai báo y tế và yêu cầu liên hệ để được xét nghiệm. Yêu cầu Bộ Công an phối hợp với ngành y tế lập danh sách những người liên quan đến các hoạt động của Công ty Trường Sinh có nguy cơ lây nhiễm để theo dõi y tế, giám sát, cách ly, xử lý nhanh triệt để các nguồn lây dịch bệnh”, Chỉ thị của Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị Bộ Công Công an và UBND cấp tỉnh tiếp tục khẩn trương thực hiện rà soát, kiểm tra y tế, cập nhật tình hình sức khỏe của những người đã nhập cảnh từ ngày 8.3.2020 nhưng chưa áp dụng cách ly, lập danh sách những người đã tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần để phân loại sàng lọc, áp dụng biện pháp cách ly phù hợp (cách ly tập trung, tại nhà, cơ sở lưu trú).

Đặc biệt, cũng như nhiều nước đã áp dụng, theo Chỉ thị của Thủ tướng, ở Việt Nam, cán bộ, công chức viên, chức cũng được bố trí là việc từ nhà, tăng cường tổ chức họp trực tuyến. Chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở.

“Người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở”, Thủ tướng xác định rõ.

Về cơ bản, Việt Nam cũng dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng. Hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác, dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19

Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện tránh lây nhiễm chéo, kiểm soát chặt chẽ, mỗi một bệnh nhân chỉ được một người chăm sóc, dừng việc thăm bệnh nhân tại các cơ sở y tế.

Về trang thiết bị, dụng cụ y tế, máy thở, máy theo dõi bệnh nhân, máy truyền dịch, máy lọc máu, đề xuất cơ chế cụ thể và báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Thủ tướng cũng yêu cầu bố trí, sắp xếp tiếp tục hoạt động khám chữa bệnh tại Bạch Mai, đồng thời xem xét xử lý kiến nghị của UBND TP.Hà Nội, tạo điều kiện cho Hà Nội kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn. Bộ Y tế sẽ công bố 2 lần/ngày kết quả xét nghiêm dương tính ở các địa phương, bảo đảm chính xác.

“Tạm thời đóng cửa các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ dành cho người qua lại từ 00 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2020 trên tuyến biên giới với Lào và Campuchia. Kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế trên các tuyến biên giới đường bộ; tất cả người nhập cảnh từ Lào, Campuchia đều phải cách ly tập trung 14 ngày”, Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo tổ chức, sắp xếp, mở rộng các cơ sở cách ly tập trung, tách bạch các trường hợp mới cách ly và đang cách ly, không để lây chéo, tăng cường quản lý đường mòn, lối mở trên các tuyến biên giới. Bộ Công an tăng cường chỉ đạo việc bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, nhất là đối với vùng nông thôn. Bộ Công thương, UBND các tỉnh, TP phải chú ý đảm bảo nguồn hàng, lương thực, thực phẩm cho nhân dân.

“Các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền ủng hộ chủ trương bảo vệ sức khỏe của nhân dân, chấn chỉnh một số báo rút tít gây hoang mang, hiểu nhầm. Người chịu trách nhiệm phòng, chống dịch không phát ngôn gây hoảng loạn trong nhân dân”, Thủ tướng khẳng định.

Bé trai 10 tuổi ở TP.HCM mắc Covid-19, 47 bệnh nhân đã có kết quả âm tính

Bộ Y tế cho biết, trường hợp nhiễm Covid-19 số 204 của Việt Nam là một bé trai 10 tuổi, ở phường Cát Lái, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh về nước ngày 15.3 vừa qua.

Việt Nam có 194 người mắc Covid-19: Hàng loạt bệnh nhân khỏi bệnh

Theo thông tin được Bộ Y tế cung cấp, bệnh nhân nhí này đi từ Praha (Cộng hòa Séc) tới Istabul (Thổ Nhĩ Kỳ) trên chuyến bay TK 1770 của Turkish Airlines, số ghế 20B vào ngày 14.03 và từ Istanbul-Thổ Nhĩ Kỳ lên chuyến bay số hiệu TK162, số ghế 16K về tới Việt Nam ngày 15.3.2020 (cùng chuyến bay với bệnh nhân mắc Covid-19 số 83).

Đáng chú ý, bé trai không hề có biểu hiện triệu chứng, khi nhập cảnh. Em được chuyển cách ly tập trung tại khu cách ly Trường Quân sự Quân khu 7, Quận 12, TP.HCM. Kết quả xét nghiệm ngày 18.03.2020 là âm tính với SARS-CoV-2.

Trong suốt thời gian cách ly, bệnh nhân không bị sốt, nhưng người ở cùng phòng cho biết bệnh nhân có hắt hơi từ ngày 18.03.2020. Ngày 27.3 bé trai được lấy mẫu xét nghiệm, cho kết quả dương tính với chủng mới virus corona. Hiện bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận 204 trường hợp nhiễm coronavirus. 55 người đã khỏi bệnh/xuất viện. 149 bệnh nhân còn lại vẫn được cách ly và điều trị tại 22 cơ sở y tế trên cả nước. Hầu hết các bệnh nhân đều trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Đặc biệt, theo thông báo của Bộ Y tế, trong số các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đang được điều trị, có 47 bệnh nhân có kết quả âm tính, trong số này có 31 bệnh nhân đã âm tính 2 lần trở lên.

Theo thông báo của Tiểu Ban điều trị, hôm nay, dự kiến sẽ có thêm 2 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Đây là 2 trường hợp gồm bệnh nhân số 49 đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế và bệnh nhân số 54 tại Bệnh viện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) sẽ được công bố khỏi bệnh và chuyển cơ sở khác theo dõi sức khoẻ.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban điều trị cho biết, tính đến sáng 31.3, đã có thêm nhiều tin vui trong việc điều trị người bệnh Covid-19 ở Việt Nam. Chẳng hạn như, 4 bệnh nhân diễn biến nặng được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã có tiến triển tốt hơn. Trường hợp mắc coronavirus số 26 đã được bỏ máy trợ thở, rút nội khí quản, ba người còn lại trong tình trạng ổn định, đặc biệt, cả 3 bệnh nhân nặng đã tiến triển tốt lên (trong đó có 1 ca ECMO và 2 ca thở máy). Bên cạnh đó, 2 bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và 2 điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung cũng đều có tình trạng sức khỏe ổn định.

Ca tử vong ở Gia Lai không nhiễm virus corona

Liên quan đến tin đồn người phụ nữ ở Gia Lai tử vong vì nhiễm coronavirus, Sở Y tế địa phương này đã lên tiếng bác bỏ.

Cụ thể, sáng 31.3, Sở Y tế Gia Lai thông tin cho biết, đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm đối với bệnh nhân Trần Thị Yến (sinh năm 1978, trú tại xã La Rong, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai), tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh này.

Việt Nam ghi nhận thêm 9 ca mắc COVID-19

Bà Trần Thị Yến được người nhà đưa vào Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai ngày 28.3 với biểu hiện ho, khó thở và được chẩn đoán viêm phổi nặng, thể trạng suy kiệt, mạch 130 lần/phút, huyết áp 100/60mmHg, nhiệt độ 37,5°C, giãn phế quản, hở van 2 lá, bệnh tim thiếu máu cục bộ, xử lý thở ôxy.

Sau đó, bệnh nhân được chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Tại đây, các bác sỹ tiếp tục điều trị thở ôxy và sử dụng kháng sinh phối hợp Cefpibolic, Ciprobay. Đồng thời, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai đã lấy mẫu bệnh phẩm của bà Yến gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

Đến 10 giờ ngày 29.3, tình trạng bệnh nhân diễn biến xấu, trụy tim, trụy mạch. Đến chiều tối cùng ngày bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở, được cấp cứu tổng hợp nên tim đập lại song rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Sau đó, nhận thấy tình trạng bệnh nhân không có khả năng cứu chữa, người nhà bệnh nhân và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai thống nhất bố trí xe của bệnh viện đưa bệnh nhân về nhà. Tối cùng ngày, bệnh nhân Trần Thị Yến mất tại nhà riêng. Nhiều người đồn bà Yến mất vì mắc Covid-19 khiến nhiều người hoang mang.

Tuy nhiên, kết quả mẫu bệnh phẩm khẳng định, bệnh nhân Phạm Thị Yến âm tính với chủng mới virus corona (SARS-CoV-2). Đồng thời, Sở Y tế tỉnh Gia Lai cũng bác bỏ thông tin, người nhà bệnh nhân gây áp lực với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai sau khi bệnh nhân tử vong. Theo đó, Sở Y tế tỉnh Gia Lai sau khi xác định tình trạng bệnh nhân nói trên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đã thông tin cụ thể đến người nhà, không để xảy ra tình trạng gây khó khăn, áp lực cho bệnh viện hay hiểu nhầm về nguyên nhân cái chết.

Đồng thời, sau khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV, Sở Y tế Gia Lai phối hợp cùng UBND huyện Chư Pưh đưa bệnh nhân Trần Thị Yến về nhà, thông tin về tình trạng bệnh, nguyên nhân tử vong cho người dân địa phương để tránh gây hoang mang dư luận.

Việt Nam tạm dừng cho người qua cửa khẩu biên giới với Lào và Campuchia

Thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sáng 31.3, Bộ ngoại giao Việt Nam thông báo điều chỉnh quy định qua lại giữa các cửa khẩu của Việt Nam với hai nước láng giềng là Campuchia và Lào.

Thủ tướng chỉ đạo chống dịch COVID-19 tại 5 thành phố lớn

Kể từ khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona gây nên bùng phát và lan rộng ra nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, tại một số nước và nhiều khu vực đã triển khai nhiều pháp mạnh mẽ để ngăn chặn, phòng chống sự lây lan của dịch Covid-19.

Điển hình như tại khu vực Đông Nam Á, nhiều quốc gia ASEAN đã triển khai những biện pháp kiểm soát, hạn chế xuất nhập cảnh ở những mức độ khác nhau. Như đã đưa tin trước đó, từ 23:59 ngày 20.03.2020, Vương quốc Campuchia đã tạm dừng nhập cảnh đối với công dân Việt Nam.

Ngoài Chính phủ của ông Hun Sen, Lào cũng đã tạm dừng nhập cảnh đối với các cá nhân tại tất cả các cửa khẩu quốc tế trên của nước này từ ngày 30.03 đến ngày 19.04. Trước đó, Chính phủ Lào cũng đã đóng tất cả các Cửa khẩu chính và Cửa khẩu phụ trên toàn tuyến biên giới Việt Nam – Lào từ ngày 19.03 đến ngày 20.04.2020.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 31.3 cho biết, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trong khu vực và trên thế giới, việc Việt Nam điều chỉnh quy định qua lại tại các cửa khẩu biên giới với Lào và Campuchia là giải pháp nhằm đảm bảo tối đa hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch ở trong nước.

 “Chính phủ Việt Nam quyết định tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới đối với người tại các Cửa khẩu chính, Cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở tại khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia và Việt Nam – Lào. Việc tạm dừng nêu trên được áp dụng từ 00:00 ngày 01 tháng 04 năm 2020”, Bộ Ngoại giao khẳng định.

Thủ tướng chỉ đạo chống dịch COVID-19 tại 5 thành phố lớn
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng quyết định này đã được thông báo tới Đại sứ quán Campuchia và Đại sứ quán Lào tại Việt Nam.

“Việt Nam mong muốn nhận được sự hợp tác của Chính phủ Lào và Campuchia, đồng thời sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới để sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này”, Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ trong thông báo.

Trước đó, sáng 30.3, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro L. Locsin Jr. để trao đổi về hợp tác song phương và khu vực trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngoại trưởng Philippines đánh giá cao hiệu quả phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ và nhân dân Việt Nam cũng như các sáng kiến thúc đẩy hợp tác ứng phó với đại dịch này trong khuôn khổ Năm ASEAN 2020.

Trong cuộc điện đàm, lãnh đạo Bộ Ngoại giao hai nước nhất trí tiếp tục cùng nỗ lực làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Philippines trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có hợp tác về y tế, thương mại, đầu tư và an ninh lương thực trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, cũng như tiếp tục tăng cường phối hợp trên các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Hà Nội bắt đầu xét nghiệm nhanh Covid-19 ở cộng đồng

Ngày 31.3, Hà Nội bắt đầu thiết lập 10 trạm xét nghiệm dã chiến. Thành phố cũng đưa vào sử dụng bộ test nhanh Covid-19, có khả năng cho kết quả nhanh chỉ trong 10 phút.

Việt Nam ghi nhận 179 ca nhiễm COVID-19

Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khổng Minh Tuấn cho hay, sáng nay 31.3, Hà Nội đã lập 3 điểm test nhanh Covid-19 tại các điểm cộng đồng thuộc 3 khu vực: Thanh Oai (Khu đô thị Thanh Hà), Đống Đa (Trường Trung học cơ sở Đống Đa), Hai Bà Trưng (Lê Thanh Nghị). Trong đó, khu vực Hai Bà Trưng đầu giờ chiều sẽ thực hiện.

Trong hôm nay, đơn vị sẽ nhận trước khoảng 5.000 bộ để thực hiện xét nghiệm tại 3 điểm trên. Dự kiến sẽ lập thêm điểm test tại Ba Đình.

Theo ông Tuấn, hiện vẫn phải dùng song song 2 phương pháp xét nghiệm, gồm xét nghiệm trong phòng thí nghiệm và xét nghiệm nhanh. Để xét nghiệm trong phòng thí nghiệm có thể dùng dịch đường hô hấp. Trong khi đó, để làm test nhanh Covid-19, nhân viên y tế sẽ lấy mẫu máu để xét nghiệm ngay tại chỗ. Mục đích của việc xét nghiệm nhanh là giúp phát hiện sớm các ca dương tính với coronavirus.

Và mặc dù xét nghiệm tại cộng đồng là rất cần thiết, việc có thể xét nghiệm được bao nhiêu mẫu còn tùy thuộc vào số lượng test nhận được.

Covid-19: Việt Nam chính thức cách ly toàn xã hội 15 ngày

Ông Khổng Minh Tuấn cho biết, nếu sắp tới có thêm nhiều mẫu test nhanh, Hà Nội sẽ triển khai rộng hơn công tác này. Ban đầu, việc xét nghiệm nhanh được tập trung thực hiện tại một số điểm đáng chú ý, sau đó sẽ dần chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật này cho các tuyến quận huyện.

Việt Nam ghi nhận thêm 5 ca mắc COVID-19

Trước đó, ngày 30.3, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP. Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết sẽ lập 10 trạm xét nghiệm dã chiến và đưa vào sử dụng bộ test nhanh từ sáng 31.3.

Theo thông tin ông Chung cung cấp, bộ test nhanh là sản phẩm do Hàn Quốc sản xuất và đang được sử dụng. Để thực hiện test, nhân viên y tế sẽ lấy mẫu máu để xét nghiệm. Bộ test cho kết quả trong 10 phút với độ chính xác cao. Bộ Y tế đã cấp cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội 5.000 bộ test.

Hà Nội cũng mời chuyên gia Hàn Quốc thiết kế 10 trạm xét nghiệm dã chiến theo tiêu chuẩn của WHO. Mỗi trạm có diện tích 3x3m, có điện, wifi để làm việc 24/24h.

Trước mắt, Hà Nội sẽ lắp đặt 10 trạm xét nghiệm dã chiến để phục vụ lấy mẫu xét nghiệm người dân ở các phường xung quanh Bệnh viện Bạch Mai. Tiếp theo, thành phố sẽ xét nghiệm mở rộng tại các bệnh viện trên địa bàn và những nơi đông người, tránh tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh SARS-CoV-2 ra cộng đồng.

Covid-19: Việt Nam chính thức cách ly toàn xã hội 15 ngày
Thảo luận