Năm 1954: Những CCB Xô-viết chống phát-xít đầu tiên trên đất Việt Nam

Năm 1954, kỷ niệm Chiến thắng 9 tháng 5 tuy là mốc lễ hội nhưng ở Liên Xô vẫn là ngày làm việc (chỉ từ năm 1965 trở đi mới là ngày nghỉ).
Sputnik

Và chính vào ngày 9 tháng 5 năm 1954 đó, 9 năm sau thất bại của phát-xít Đức và vẻn vẹn 4 ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Lương Bằng Đại sứ Việt Nam DCCH tại Liên Xô đã tiếp nhóm các nhà làm phim tài liệu Matxcơva.

«Các đồng chí sẽ là những người Xô-viết đầu tiên trên đất Việt Nam…Các đồng chí chắc chắn sẽ được chào đón như những người anh em. Các đồng chí sẽ chứng kiến tình cảm mến yêu mà người dân Việt Nam chúng tôi dành cho Liên Xô», -  Đại sứ nhấn mạnh.

Tới ngày đó, quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta đã được thiết lập gần bốn năm rưỡi. Suốt thời gian này, Liên Xô đã dành cho quân dân Việt Nam DCCH sự giúp đỡ to lớn: viện trợ thực phẩm, thuốc men và quan trọng nhất là vũ khí, kể cả những giàn tên lửa «Katyusha» lừng danh từng chứng tỏ công năng xuất sắc trong những năm tháng Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại và làm bọn Đức quốc xã kinh hồn bạt vía. Lúc này ở Liên Xô đã có các sinh viên Việt Nam theo học, đài phát thanh Matxcơva hàng ngày thực hiện các chương trình bằng tiếng Việt, các phái đoàn đại biểu các tổ chức xã hội từ Việt Nam thường sang thăm Liên Xô.

Những người Nga chứng kiến cảnh đoàn quân giải phóng tiến về Hà Nội
Nhưng dù có tất cả những điểm mới mẻ này, người dân Liên Xô thời đó vẫn ít biết về Việt Nam. Bởi những ấn phẩm nghiêm túc về đất nước Việt Nam được xuất bản bằng tiếng Nga gần nhất cũng là từ trước cuộc cách mạng năm 17. Vì thế, ban lãnh đạo Liên Xô quyết định gửi nhóm các nhà quay phim sang Việt Nam, để bộ phim do họ thực hiện tại chỗ sẽ đưa Việt Nam lại gần và dễ hiểu hơn với hàng triệu người dân Liên Xô. Mà cũng không chỉ với người Xô-viết.

Khi giải quyết câu hỏi, ai sẽ được trao nhiệm vụ làm bộ phim tài liệu về cuộc đấu tranh anh dũng của quân dân Việt Nam, sự lựa chọn không hề ngẫu nhiên dành cho Roman Karmen, Evgeny Mukhin và Vladimir Eshurin.

Lãnh đạo nhóm là ông Roman Karmen, người đã nổi tiếng từ giữa những năm 30 với những thước phim và phóng sự thực hiện ngay tại điểm nóng của cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Cuối những năm 30, trong thời kỳ chiến tranh kháng Nhật, Roman Karmen tác nghiệp ở Trung Quốc. Ông được triệu tập tham gia chiến đấu với Đức quốc xã ngay ba ngày sau khi bọn phát-xít tấn công Liên Xô. Với chiếc máy quay phim trên tay, ông đã là phóng viên mặt trận suốt những năm Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Ông đã ghi vào ống kính những hình ảnh chân thực của trận chiến ác liệt ở ngoại vi Matxcơva và Leningrad, tham gia chiếm Koenigsberg và cuộc giải phóng Warszawa. Vào tháng 2 năm 1943, tại Stalingrad, Roman Karmen đã quay cảnh Thống chế Hitler Friedrich Paulus đầu hàng Hồng quân. Ngày 9 tháng 5 năm 1945, tại Berlin, cũng ống kính của ông đã quay những thước phim quý về lễ ký kết văn bản đầu hàng vô điều kiện của Đức, và sau đó là diễn biến Tòa án Nuremberg xét xử các lãnh đạo hàng đầu của chế độ Hitler. Các đồng nghiệp của ông, Evgeny Mukhin và Vladimir Eshurin, cũng là những người từng trải nghiệm chiến tranh. Cả hai ông đã tham gia chống Đức quốc xã trong các trận đánh lịch sử ở ngoại ô Matxcơva, ở Stalingrad, ở Berlin ...

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mắt người Nga
Ngày 24 tháng 5 năm 1954, nhóm các chuyên gia này là những công dân Liên Xô đầu tiên và là CCB Xô-viết đầu tiên của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã đặt chân lên mảnh đất Việt Nam. Họ đã dành 7 tháng ở đó, quay 40 km phim, tạo cơ sở cho một bộ phim màu dài hơi, ra mắt khán giả năm 1955 và được chiếu ở hàng chục nước trên thế giới.

Bộ phim này đem đến một khám phá tổng quát và chân thực về Việt Nam. Khán giả thế giới lần đầu nhìn thấy đất nước ở Đông Nam Á nhiệt đới, cùng đi dọc theo những con đường và băng rừng, vượt  sông và trèo núi... Qua màn ảnh, mọi người được làm quen với các nhà lãnh đạo của phong trào cách mạng và Chính phủ Việt Nam DCCH, tận mắt thấy những người lính dũng cảm làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, những người nông dân trên đồng lúa và người thợ trong công binh xưởng... Khán giả bốn phương được thấy Hà Nội trong ngày giải phóng lịch sử và đội quân các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô... Dù ở những góc khác nhau của hành tinh, mọi người xem bộ phim này đều cảm nhận được chủ nghĩa yêu nước vĩ đại của những người dân Việt Nam bình dị với quyết tâm sắt đá giành tự do và độc lập cho quê hương... Ai xem phim cũng thấy được sự sâu sắc và chân thành trong tình cảm huynh đệ của người Việt Nam dành cho Liên Xô và Nga.

Trong cuộc phỏng vấn của Ban Việt ngữ Đài phát thanh Matxcơva (tiền thân của Sputnik hiện nay), Roman Karmen nhớ lại rằng nhóm của ông đã nhiều lần dự các buổi chiếu phim Liên Xô nói về cuộc chiến đấu chống phát-xít - cả ở nơi làm việc của BCH TƯ Đảng Cộng sản trong chiến khu, cả trong doanh trại giữa rừng núi của bộ đội Việt Nam và ở những thôn làng vừa được giải phóng. Mấy công dân Liên Xô nhận thấy rằng ở mọi nơi trên màn hình chiếu phim đều có lỗ thủng. Các bạn Việt Nam giải thích rằng khi trên màn ảnh xuất hiện những tên phát xít Đức, có những người lính của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã không kìm nổi cơn tức giận và nã đạn vào «bọn giặc» kia.

«Ba chúng tôi, những CCB từng tham chiến chống phát-xít, hoàn toàn hiểu được cảm xúc đó của các chiến sĩ Việt Nam», - Roman Karmen nói.
Thảo luận