Chuyên gia: Hoa Kỳ khó có thể cấm hoàn toàn việc bán chip cho Trung Quốc

Mỹ có thể thắt chặt quy định xuất khẩu chip cho Huawei. Một số phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin, theo các quy tắc mới, để xuất khẩu bất kỳ chip được sản xuất bằng thiết bị sử dụng công nghệ Mỹ cần phải có giấy phép của Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
Sputnik

Nếu các quy tắc này được thông qua, Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Semiconductor Manufacturing Company Limited (TSMC) của Đài Loan sẽ không thể cung cấp chip cho Huawei.

Hoa Kỳ nên học hỏi từ Trung Quốc, để không tụt hậu về công nghệ

Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách đen vào tháng 5 năm ngoái. Theo lệnh cấm vận thương mại này, bất kỳ công ty Mỹ muốn cung cấp cho Huawei các sản phẩm của mình - phần cứng hoặc phần mềm - trước tiên phải có giấy phép đặc biệt từ Bộ Thương mại. Đồng thời, Bộ Thương mại không giấu giếm sự thật rằng việc có được giấy phép như vậy sẽ không dễ dàng. Tuy nhiên, hóa ra, lệnh cấm này không quá đáng sợ đối với Huawei.

Trước hết là, giấy phép tạm thời của Bộ Thương mại đã được gia hạn nhiều lần, vì các nhà sản xuất Mỹ yêu cầu không áp dụng lệnh cấm ngay lập tức. Rốt cuộc, Trung Quốc là thị trường lớn nhất cho các sản phẩm của họ. Ví dụ, vào năm 2018 Huawei đã chi 11 tỷ USD để mua linh kiện từ ba nhà sản xuất Mỹ: Qualcomm, Intel và Micron Technology Inc. Hơn nữa, hóa ra nhiều nhà sản xuất công nghệ cao của Mỹ có thể dễ dàng lách luật để bán hàng cho Huawei.

Theo luật pháp Hoa Kỳ, chỉ những sản phẩm có 25% linh kiện được sản xuất tại Mỹ bị cấm. Vào tháng 2, chính quyền Tổng thống Trump đã thảo luận về khả năng hạ thấp ngưỡng này xuống 10%. Nhưng, Lầu Năm Góc đã lên tiếng phản đối, họ cho rằng, do biện pháp này các nhà sản xuất Mỹ sẽ mất thị trường bán hàng, mất doanh thu, kết quả là sẽ không có tiền để thực hiện các cuộc nghiên cứu và dự án phát triển.

Chuyên gia: Hoa Kỳ khó có thể cấm hoàn toàn việc bán chip cho Trung Quốc

Hoá ra, Washington không có nhiều đòn bẩy để gây áp lực lên Huawei: Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Semiconductor Manufacturing Company Limited (TSMC) của Đài Loan cung cấp phần lớn chip cho công ty Trung Quốc. Đây là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, gần như tất cả các thiết bị điện tử hiện đại, bao gồm cả iPhone, đều có chip của TSMC.

Các chip tiên tiến nhất mà Huawei sử dụng, kể cả chip Kirin 1000 (5 nm) đang được phát triển, đều do TSMC sản xuất. Hoa Kỳ nhận thức được rằng họ không thể kiềm chế sự phát triển công nghệ của Trung Quốc, vì thế họ bắt đầu thúc giục nhà sản xuất Đài Loan ngừng hợp tác với Huawei. Nhưng cho đến nay, những nỗ lực của họ chưa mang lại kết quả mong muốn. Trước hết bởi vì TSMC tìm cách duy trì tính trung lập, và thứ hai, bởi vì Huawei là khách hàng mua sản phẩm TSMC lớn thứ hai sau Apple. Năm ngoái, tập đoàn Trung Quốc đã đem lại cho nhà sản xuất Đài Loan hơn 10% tổng doanh thu.

Khi nào Trung Quốc lọt vào nhóm các nước dẫn đầu thế giới về sản xuất bộ xử lý?

Vì thế Washington đang tìm cách gây áp lực lên TSMC. Theo Reuters, quyết định đưa ra những thay đổi mới vào Foreign Direct Product Rule (quy tắc sản phẩm sản xuất ở nước ngoài), liên quan đến các sản phẩm có chứa các thành phần, công nghệ hoặc phần mềm có nguồn gốc từ Mỹ đã được thông qua sau cuộc họp của các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc, Bộ Năng lượng, Bộ Thương mại và Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ.

Nếu các sửa đổi có hiệu lực, TSMC sẽ không thể cung cấp các sản phẩm cho Huawei, vì trong quá trình sản xuất chip trên toàn thế giới có sử dụng thiết bị từ ba nhà cung cấp Mỹ: LA Corp, Lam Research và Applied Materials. Nếu mọi thứ phát triển theo kịch bản tiêu cực, TSMC sẽ không thể đứng vững được trước áp lực của Mỹ, - Giáo sư Zhang Jiadong tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Đại học Fudan (Trung Quốc), nói với Sputnik:

“Theo tôi, TSMC sẽ không thể chịu đựng được trước các quy tắc mới của Hoa Kỳ. Vì các cơ sở sản xuất của họ phụ thuộc quá nhiều vào các công nghệ Mỹ. Nếu họ không tuân theo các quy tắc mới, Hoa Kỳ có thể ngừng cung cấp các thiết bị công nghệ cao. Vì vậy, có thể nói rằng, TSMC chỉ đơn giản không có bất kỳ cơ hội nào để chống lại điều này”.

Tuy nhiên, chuyên gia Zhang Jiadong lưu ý, những sửa đổi mới chưa chắc là sẽ cứng rắn như vậy. Ngay cả lệnh cấm của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, trên thực tế, không có hiệu lực, vì giấy phép tạm thời vẫn được gia hạn. Hệ thống chính trị của Mỹ có nhiều lực lượng và cầu thủ khác nhau, mỗi người đều bảo vệ lợi ích của mình. Do đó, những biện pháp cứng rắn cuối cùng sẽ rất khó thực hiện đúng yêu cầu, chuyên gia nhận xét.

Trung Quốc phát triển các ngành thay thế nhập khẩu
“Có khả năng Hoa Kỳ chỉ áp đặt lệnh cấm vận đối với các nguồn cung cấp công nghệ cho Trung Quốc. Tức là, họ sẽ cấm cung cấp những sản phẩm và công nghệ tiên tiến được coi là quan trọng nhất, trong khi các sản phẩm khác sẽ tiếp tục được cung cấp cho Trung Quốc. Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào cách Hoa Kỳ đánh giá năng lực công nghệ của Trung Quốc. Nếu họ thừa nhận rằng, Trung Quốc cũng sở hữu một công nghệ cụ thể nào đó thì sẽ không có lệnh cấm cung cấp các thành phần như vậy. Ngoài ra, mỗi khi họ ban hành các quy tắc mới cũng xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Hoa Kỳ được coi là một quốc gia dân chủ, vì vậy họ không thể thực hiện một chính sách vạn năng đáp ứng lợi ích của tất cả mọi người. Ở những nơi khác nhau có những ý kiến khác nhau. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, sau khi công bố các sửa đổi mới, rất có thể, họ sẽ phải đưa ra một số bổ sung hoặc ngoại lệ, bởi vì không có “chìa khóa vạn năng” để giải quyết mọi vấn đề”.

Vẫn chưa rõ liệu Donald Trump sẽ ký văn kiện về thay đổi quy tắc xuất khẩu chip hay không. Ít nhất là vào tháng Hai, trong quá trình thảo luận về việc hạ thấp tỷ lệ công nghệ Mỹ trong các sản phẩm phải được cấp giấy phép xuất khẩu đặc biệt của Bộ Thương mại xuống 10%, Trump đã phản đối biện pháp này. Ông đã nói rằng, "ông không muốn khiến việc các nước khác kinh doanh với nước Mỹ trở nên bất khả thi”. Theo ông, một phần đáng kể trong các đề xuất về các biện pháp hạn chế trên bàn làm việc của ông không liên quan gì đến các vấn đề an ninh quốc gia.

Đối với Hoa Kỳ, TSMC là một đối tác chiến lược quan trọng mà ngay cả ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ cũng phụ thuộc vào nó. Ví dụ, các thiết bị điện tử trên máy bay chiến đấu F-35 cũng sử dụng chip của nhà sản xuất Đài Loan. Có lẽ, có thể tìm được một thỏa hiệp trong tam giác TSMC-USA-China.

Gần đây đã có tin rằng, nhà sản xuất Đài Loan đang xem xét xây dựng một nhà máy ở Hoa Kỳ để sản xuất các thành phần nhạy cảm nhất về an ninh quốc gia. Nếu dự án được triển khai, Hoa Kỳ sẽ không phải lo lắng rằng các công nghệ sử dụng kép có thể rò rỉ sang các nước thứ ba, và TSMC sẽ có thể cung cấp cho Huawei các linh kiện được sử dụng để sản xuất các sản phẩm dân sự.

Thảo luận