Đã có 1/3 ca mắc Covid-19 của Việt Nam được chữa khỏi

Ngày 2.4, Việt Nam đã công bố chữa khỏi Covid-19 cho thêm 12 trường hợp, nâng tổng số ca điều trị khỏi trong cả nước lên con số 75 người trên tổng số 222 ca mắc chủng mới virus corona.
Sputnik

Chính quyền tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định hỏa tốc thực hiện cách ly, phong tỏa thôn Chí Trung, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm sau khi Bộ Y tế công bố bệnh nhân mắc Covid-19 số 219 ở địa phương này. UBND thị xã Thái Hòa, Nghệ An đã chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc và thực hiện cách ly tuyệt đối 2 xóm là xóm 2, xóm 3, xã Nghĩa Thuận sau khi có người phụ nữ đưa con đi khám ở Bệnh viện Bạch Mai về có biểu hiện ho, sốt.

Cùng với chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tung gói hỗ trợ lịch sử dành cho những đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm rõ hơn, về các nhóm đối tượng cũng như chính sách hỗ trợ được hưởng trong giai đoạn này.

Covid-19: Việt Nam đã chữa khỏi bệnh cho 75 người

Trong số 12 bệnh nhân vừa được công bố điều trị khỏi, có 11 bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và 1 bệnh nhân là bệnh nhân nhi (BN 73), điều trị tại khoa Truyền nhiễm Trung tâm y tế huyện Thanh Miện (Hải Dương). Như vậy, với việc điều trị khỏi coronavirus cho 75 người, đã có khoảng 1/3 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 của Việt Nam đã bình phục.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đặc biệt giữa đại dịch Covid-19

Cụ thể, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thông báo, chiều 2.4, bệnh viện công bố khỏi bệnh với 11 bệnh nhân đang điều trị tại đây. Đó là các bệnh nhân số 20, 63, 76, 78, 107, 129, 131, 132, 138, 179 và bệnh nhân 198 (công ty Trường Sinh).

Riêng bệnh nhân nhi nhiễm Covid-19 được công bố khỏi bệnh là bệnh nhân 73, ở Hải Dương, 11 tuổi. Bệnh nhân nhập viện ngày 15.3.2020, được điều trị tại khoa Truyền nhiễm Trung tâm y tế huyện Thanh Miện.

Bệnh nhân được cho làm xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần thứ nhất vào ngày 24.3.2020. Ngày 28.3.2020, bệnh nhân âm tính lần 2.

Hiện tại, bệnh nhân có sức khỏe ổn định, không ho, không sốt. Bệnh nhân sẽ tiếp tục được cách ly và giám sát sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Tiểu ban điều trị, Giám đốc Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh Covid-19 cho biết trong những ngày qua, Trung tâm tích cực làm việc, thường xuyên họp, mời các giáo sư đầu ngành hội chẩn với các bệnh viện đang điều trị người bệnh.

Việt Nam có 222 ca mắc Covid-19: Cả nước hãy ở yên tại chỗ

Đặc biệt, các ca bệnh nặng đều được các chuyên gia hội chẩn, cập nhật hằng ngày tình hình và có những chỉ đạo, tư vấn, hỗ trợ kịp thời các bệnh viện gặp khó khăn trong điều trị người bệnh mắc Covid-19.

Về tình hình chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, thông tin với báo giới chiều 2.4 PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu Ban điều trị, Giám đốc Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh nhiễm Covid-19 của Việt Nam cho biết, ¾ bệnh nhân nặng đã có kết quả âm tính 3 lần với SARS-CoV-2.

Cụ thể, ba trường hợp này gồm có bác ruột của bệnh nhân số 17 đã có 3 lần có kết quả xét nghiệm âm tính các ngày 26.3, 27.3 và 29.3.

Đã có 1/3 ca mắc Covid-19 của Việt Nam được chữa khỏi

Một bệnh nhân người Anh đã âm tính 3 lần các ngày 23.3, 26.3 và 28.3. Cũng có một bệnh nhân người Anh khác âm tính 3 lần vào các ngày 26.3, 27.3 và 29.3.

Thôn Chí Trung với 1.400 dân ở Hưng Yên bị cách ly 28 ngày

Sau khi Bộ Y tế công bố bệnh nhân mắc Covid-19 số 219 có địa chỉ ở thôn Chí Trung, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, chính quyền tỉnh đã ra quyết định hỏa tốc thực hiện cách ly, phong tỏa thôn này trong 28 ngày.

Ngày 2.4, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành quyết định thiết lập vùng cách ly phòng, chống dịch Covid-19 tại thôn Chí Trung, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, trên địa bàn có tổng diện tích 2,5 hecta với 1.404 người (921 nhân khẩu với 302 hộ và 483 người tạm trú). Thời gian thực hiện cách ly tối thiểu là 28 ngày, kể từ hôm nay 2.4.2020.

Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Tân Quang được giam nhiệm vụ triển khai thực hiện việc thiết lập vùng cách ly.

Thêm 6 ca mắc COVID-19, Việt Nam có 218 ca

Cùng với đó, UBND tỉnh Hưng Yên cũng yêu cầu Sở Y tế và các các sở, ban ngành khác trong tỉnh phối hợp với huyện Văn Lâm để tổ chức triển khai thực hiện việc thiết lập vùng cách ly nghiêm túc, đúng quy định pháp luật và đảm bảo hiệu quả cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trước đó, sáng nay 2.4, Bộ Y tế đã công bố BN219 dương tính với virus SARS-COV-2. Bệnh nhân ngụ ở thôn Chí Trung, xã Tân Quang. Trước đó, bệnh nhân chăm sóc mẹ chồng ở cùng phòng với BN133 tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai.

Ngay sau khi xác định BN133 nhiễm Covid-19, trường hợp này đã được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, cơ sở Kim Chung (Hà Nội) từ ngày 25.3. Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân này cũng được tổ chức cách ly tại các cơ sở y tế.

Sau khi nhận được thông tin về ca bệnh 219, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 huyện Văn Lâm đã rà soát lại toàn bộ danh sách các trường hợp có tiếp xúc với BN219 (vốn là F2) chuyển thành F1 và đưa vào cách ly tại cơ sở y tế.

Tiếp đó, các trường hợp F3 cũng được chuyển thành F2, đưa vào cách ly tập trung tại Khu cách ly tập trung huyện Văn Lâm. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng ra thông báo các trường hợp phải cách ly tại nhà; tiến hành phun khử khuẩn, đồng thời khuyến cáo người dân trong thôn tự khai báo y tế, hạn chế đi ra ngoài khi không thật cần thiết, tránh tụ tập đông người và làm vệ sinh nhà ở, nơi cư trú.

Nghệ An: Cách ly 2 xóm vì một người đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai

Sáng 1.4, một nữ bệnh nhân tên C.T.H. (trú tại xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa, Nghệ An) đã đến Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An khám với các triệu chứng gồm ho, sốt, đau họng. Nữ bệnh nhân này cho biết, trước đó có đưa con đến khám, chữa bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai.

Việt Nam công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc

Ngay lập tức, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tây Bắc đã tiến hành đưa nữ bệnh nhân cách ly, đồng thời thông báo đến Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An đến lấy mẫu bệnh phẩm mang đi xét nghiệm.

Chiều 1.4, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An đã cử cán bộ tới bệnh viện lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này đi xét nghiệm Covid-19.

UBND thị xã Thái Hòa sau đó đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc và thực hiện cách ly tuyệt đối 2 xóm là xóm 2, xóm 3, xã Nghĩa Thuận. Cùng với đó, người dân 2 xóm cũng được yêu cầu không đi ra ngoài để đề phòng dịch bệnh lây lan.

Trung tâm Y tế thị xã Thái Hòa đề nghị Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An ưu tiên xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của chị H., bởi bệnh nhân này đã tiếp xúc với rất nhiều người.

Dự kiến, trong ngày hôm nay 2.4 bệnh nhân sẽ có kết quả xét nghiệm.

Thời corona: Ai sẽ được nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ?

Ngày 1.4, Thủ tướng Việt Nam khẳng định, Chính phủ thống nhất cao với nội dung dự thảo Nghị quyết hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, giao các Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan rà soát kỹ, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Thủ tướng ký ban hành theo thẩm quyển.

Chính phủ Việt Nam đạt tín nhiệm cao nhất trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19

Theo đó, ngày 2.4, trao đổi với Zing, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, chủ trương được nhất quán khi thực hiện Nghị quyết này chính là “phải đúng đối tượng và tiền hỗ trợ sẽ đến tay người được hưởng nhanh nhất” trong giai đoạn cả nước đang khó khăn này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước đó cũng nêu rõ nguyên tắc hỗ trợ, đó là những đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19, không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng, bảo đảm nguyên tắc cả người lao động, doanh nghiệp và Chính phủ cùng chia sẻ khó khăn, trong đó Chính phủ hỗ trợ một phần với mức phù hợp trong khả năng, nguồn lực.

“Việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Về Nghị quyết này, cụ thể là mức hỗ trựo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, sẽ quy định riêng từng mức với từng nhóm đối tượng cụ thể.

Theo đó, các đối tượng người có công với cách mạng, sẽ được hỗ trợ thêm 500 ngàn đồng/người/tháng trong ba tháng 4,5,6 tới đây. Người lao động tự do mất việc, giảm sâu thu nhập được hỗ trợ mức 1 triệu đồng/người/tháng trong vòng 3 tháng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ, Nghị quyết nêu rõ mục tiêu và phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng bộ, ngành, cơ quan, địa phương, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

“Chúng tôi đặt ra nguyên tắc phải chi đúng đối tượng, minh bạch, công khai trong nhân dân, người hưởng để làm sao người hưởng được hưởng đúng, hưởng đủ nhưng hưởng nhanh nhất”, Bộ trưởng Dung cho biết.

Theo đó, trước hết, khi Nghị quyết ban hành, các đơn vị liên quan sẽ có kế hoạch triển khai chi tiết đối với từng đối tượng, như nhóm người có công, được hưởng chính sách bảo trợ xã hội, nhóm hộ nghèo, cận nghèo… đều được lập danh sách cụ thể giao địa phương trực tiếp chuyển tiền cho người dân.

Covid-19: Việt Nam chính thức cách ly toàn xã hội 15 ngày

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho hay, các đối tượng khác thì chính quyền cơ sở, doanh nghiệp có trách nhiệm lập danh sách, các cơ quan chức năng sẽ xem xét, rà soát rất kỹ và người đứng đầu địa phương phải có trách nhiệm xác nhận việc này.

“Quan trọng nhất là công khai, minh bạch trong dân để nhân dân, MTTQ, các cơ quan, đoàn thể giám sát chặt chẽ việc này. Tiếp đó là xử lý nghiêm minh tất cả trường hợp vi phạm, trục lợi chính sách”, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh.

Ông Đào Ngọc Dung cũng cho hay, tổng số tiền trong gói này dự kiến là khoảng 61.500 tỷ, với khoảng 38.880 tỷ đồng được trích từ Ngân sách Nhà nước. Sẽ có khoảng 20 triệu người thuộc 6 nhóm đối tượng được điều chỉnh bởi Nghị quyết.

Cụ thể, có 1,2 triệu người có công đang hưởng chính sách thường xuyên và 2,8 triệu người đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội, hơn 900 ngàn hộ nghèo và 1,2 triệu hộ cận nghèo, những người bị tạm dừng hợp đồng lao động nhưng chưa có lương, nhóm người bị dừng hợp đồng nhưng chưa đủ điều kiện hưởng chính sách BHXH và lao động tự do không có giao kết hợp đồng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ có mức thu nhập dưới 100 triệu nhưng phải dừng việc do thực hiện nghiêm các quy định về cách ly, những doanh nghiệp không có khả năng trả mức lương tối thiểu vùng bình quân cho người lao động thì được vay 50% mức lương tối thiểu vùng với lãi suất 0% để trả cho người lao động, giữ chân người lao động, nhằm tiếp tục phục hồi và tái sản xuất sau này.

Đồng thời, theo chia sẻ của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, quy mô gói hỗ trợ an sinh này sẽ tập trung vào ba nhóm chính sách cơ bản. Đó là huy động sự vào cuộc sâu rộng của xã hội, tập trung đáp ứng phục vụ nhu cầu của người dân về nhu yếu phẩm, khuyến khích các doanh nghiệp giảm giá điện, giá nước. Thêm vào đó là tập trung miễn, giảm, dừng đóng bảo hiểm. Tiếp đến là sử dụng nhóm chính sách hỗ trợ cho người lao động, người yếu thế để giữ họ, đảm bảo cuộc sống cho người lao động để sau dịch, họ sẽ trở lại thị trường lao động một cách tốt nhất.

203 ca nhiễm Covid-19: Thủ tướng Việt Nam đồng ý công bố dịch trên toàn quốc

Nhấn mạnh ý nghĩa của gói hỗ trợ này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đây là điều đặc biệt có ý nghĩa, gói hỗ trợ của “lòng dân, ý Đảng”, kêu gọi người dân và doanh nghiệp chung sức cùng Chính phủ vượt qua khó khăn trong thời điểm này.

“Mục tiêu bao quát của Nghị quyết này là hỗ trợ những người lao động, người dân bị ảnh hưởng, giảm sâu thu nhập, mất - thiếu - giãn việc làm dẫn đến mức sống không đạt mức tối thiểu”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Đúng như khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dịch bệnh, khó khăn đủ bề, chúng ta nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng ưu tiên trước nhất vẫn là sức khỏe, tính mạng của người dân.

“Nếu dịch tiếp tục thì công tác bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân là quan trọng chứ không phải sản xuất và kinh tế. Muốn phát triển phải trên cơ sở bảo vệ sức khỏe nhân dân, không phải là vì kinh tế mà chúng ta bất chấp những vấn đề về tính mạng, sức khỏe của nhân dân”, Thủ tướng Việt Nam nêu rõ.
Thảo luận