Thiệt hại hàng chục nghìn tỷ vì Covid-19
Trên cơ sở báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đề xuất của các doanh nghiệp ngành giao thông vận tải, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì xem xét miễn, giảm một số loại thuế đối với doanh nghiệp trong ngành giao thông vận tải.
Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 23/1 - 31/12/2020 hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch, tùy thời điểm muộn hơn.
Trường hợp cân đối ngân sách gặp khó khăn thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tài cũng đề nghị giảm, tạm hoãn nộp các loại thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu nước ngoài cho toàn bộ các nghĩa vụ phát sinh từ ngày 23/1 - 31/12/2020 hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch, tùy thời điểm muộn hơn.
Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ xem xét miễn giảm phí neo đậu trong trường hợp tàu, thuyền phải neo đậu cách ly 14 ngày tại khu vực neo đậu chờ kiểm dịch. Xem xét bổ sung doanh nghiệp vận tải biển vào trong danh mục doanh nghiệp vừa và nhỏ được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất là 10% trong 15 năm theo quy định tại Điều 13, 14 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định về thuế ưu đãi.
Về thuế giá trị gia tăng, vận tải quốc tế được áp dụng mức thuế giá trị gia tăng 0%, trong khi vận tải nội địa vẫn đang áp dụng mức thuế giá trị gia tăng 10%. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải nội địa trong giai đoạn khó khăn, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất miễn giảm thuế giá trị gia tăng đối với vận tải nội địa trong thời gian 3 năm.
Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước xem xét khoanh nợ gốc, giãn nợ, cơ cấu dứt điểm các khoản nợ, kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng, không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả trong thời gian dịch, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ, tiếp tục cho các doanh nghiệp vay vốn lưu động. Đồng thời, báo cáo Quốc hội xem xét, chấp thuận áp dụng mức giảm thuế giá trị gia tăng cho phương thức vận tải container bằng đường thủy từ 10% xuống 5% qua đó tạo tính cạnh tranh cho loại hình dịch vụ vận tải bằng đường thủy.
Trước đó, đánh giá tác động của dịch Covid-19, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đối với lĩnh vực hàng không, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay của các hãng hàng không Việt Nam khoảng 30.000 tỷ đồng.
Với lĩnh vực hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải cho biết số lượng tàu thuyền vận chuyển hàng hóa vào, rời cảng biển giảm khoảng 15%. Được biết, đối với tàu biển chở khách từ các quốc gia khác đến Việt Nam có số lượng hủy chuyến lớn, ước giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến sẽ tiếp tục hủy chuyến trong tháng 4/2020.
Với lĩnh vực đường thủy nội địa, vận tải hàng, giảm lần lượt là trên 10%; mức luân chuyển hàng giảm gần 9% so với tháng 1. Đối với đường bộ, sản lượng khách, vận tải hàng hóa, doanh thu đều giảm mạnh từ 40-80% so với cùng kỳ năm 2019 cũng như trước khi có dịch. Đồng thời, đường sắt doanh thu sụt giảm khoảng 90 tỷ đồng.
Bộ Giao thông Vận tải cắt giảm hơn 380 điều kiện kinh doanh
Ngày 3/4, Bộ Giao thông Vận tải cho biết Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đã cắt giảm 384 điều kiện trên tổng số 570 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành.
Bộ Giao thông Vận tải cũng thực hiện đầy đủ các nguyên tắc cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành như: áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên đánh giá phân tích về mức độ tuân thủ của doanh nghiệp và mức độ, quy mô rủi ro của hàng hóa; chuyển mạnh sang hậu kiểm, chủ yếu thực hiện tại giai đoạn lưu thông hàng hóa tại thị trường nội địa; minh bạch về danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành kèm mã hồ sơ ở cấp độ chi tiết về chế độ quản lý và chi phí; áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
“Trong quý I vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã đơn giản, sửa đổi 13 thủ tục hành chính và bãi bỏ 5 thủ tục hành chính. Các thủ tục hành chính sau khi được công bố đều được Bộ Giao thông Vận tải cập nhập và công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp tra cứu thực hiện”, - Bộ Giao thông Vận tải thông tin.
Thàng 1/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Bộ Giao thông Vận tải đang khẩn trương triển khai nghị định và xây dựng Thông tư hướng dẫn Nghị định để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động.
Bộ cũng đang lập đề nghị xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Theo đó, các điều kiện kinh doanh sẽ được bãi bỏ, đơn giản hóa tại Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục nghiên cứu bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, giảm chi phí logistics; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong các năm trước. Đồng thời, Bộ tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia; đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.