Bởi chẳng phải lúc nào cũng có thể dễ dàng mua khẩu trang y tế trong các hiệu thuốc thủ đô, khi đã hiểu ra rằng khẩu trang không chỉ cần cho người mắc bệnh, nên nếu có lập tức người ta mua hết veo. Các công dân Việt Nam sống và làm việc ở Matxcơva đã quyết định giúp đỡ người Nga trong việc này. Trước cửa hiệu và siêu thị ở một số quận của thủ đô gần đây xuất hiện những chiếc thùng giấy lớn, bên trong là những xấp khẩu trang may bằng vải. Trên hộp dán hình lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam và dòng chữ: «Chúng tôi có khẩu trang dành phân phát cho mọi người». Kèm theo là mấy dòng hướng dẫn cách giặt và là khẩu trang để sử dụng nhiều lần.
Hoá ra may khẩu trang để mọi người ở Matxcơva tăng cường phòng chống dịch là ý tưởng của nhiều người Việt. Nghe con gái là sinh viên ở Matxcơva thông báo tình hình, bác sĩ Lê Việt Khánh từ bệnh viện Việt-Đức Hà Nội đã nêu câu hỏi với bạn bè: Bên ấy có cách gì hỗ trợ khẩu trang cho bà con Việt-Nga không nhỉ? Cùng trong thời gian đó, giống như câu «chí lớn gặp nhau» mà người Việt hay nói vui, một thành viên của Hội Người Việt Nam tại Liên bang Nga, anh Vũ Hải Nam đã khởi xướng vận động may khẩu trang, - như lời chị Trịnh Thị Thu Thanh, một nhà hoạt động của Hội đồng hương Việt Nam thuật lại với Sputnik.
«Thoạt đầu chúng tôi muốn cung cấp khẩu trang y tế cho bà con người Việt ở Matxcơva. Đã quyên góp tiền mua vật liệu và đặt may lô 5.000 khẩu trang tại một nhà máy Việt Nam ở Kaluga, nơi có giấy phép chính thức để sản xuất các sản phẩm như vậy. Tập thể nhà máy đã may khẩu trang mà không tính tiền công, chúng tôi nhận được lô hàng này vào ngày 30 tháng 3. Khi đó tôi tiến hành cuộc khảo sát nhanh trong cộng đồng người Việt ở Matxcơva, xem những ai cần khẩu trang. Hóa ra phần lớn bà con đã tự lo được cho mình rồi, và khi bắt đầu thi hành chế độ cách ly xã hội thì nhu cầu về khẩu trang cũng giảm bớt. Do vậy chúng tôi để dành lô khẩu trang mới nhận «để phòng ngày xấu trời», như cách nói của người Việt ở Nga», - chị Thu Thanh cho biết.
«Ngày 31 tháng 3, các phương tiện truyền thông đưa tin ở Nga tạm thời được sản xuất khẩu trang và nước sát trùng mà không cần giấy phép, chúng tôi quyết định xúc tiến may khẩu trang bằng vải như loại mà người dân Hà Nội và TP Hồ Chí Minh quen dùng hàng ngày để tránh bụi trong cảnh không khí ô nhiễm của các đô thị này. Loại khẩu trang như vậy thuận tiện ở chỗ có thể giặt sạch và sử dụng nhiều lần. Chúng tôi liên lạc với các chủ xưởng may người Việt ở Nga, đề nghị may một số khẩu trang vải nhưng...miễn phí. Đến ngày 2 tháng 4, đã nhận được lô lớn đầu tiên, khẩu trang đem phân phát tại các ký túc xá Việt Nam, tặng đội bảo vệ các khu chợ nơi có người Việt làm việc, và đưa đến những khu chung cư của nhân viên Đại sứ quán và Cơ quan đại diện thương mại của CHXHCN Việt Nam, đưa đến Tổ hợp Văn hoá-Kinh doanh «Hà Nội-Matxcơva».
Một thành viên trong nhóm Hỗ trợ cộng đồng của chúng tôi đã chứng kiến cảnh tượng như sau: khi nhìn thấy chiếc thùng khẩu trang đặt ở lối vào ký túc xá Việt Nam, bác tài xế người Nga lái xe cứu thương đã hỏi:
«Miễn phí phải không?». Nhận được phúc đáp tích cực, bác này đã xin 30 chiếc – «Tôi sẽ chuyển cho các thành viên trong đội và những nhân viên y tế khác». Chúng tôi đã thảo luận điều này trong nhóm và nhất trí là sẽ đặt các thùng khẩu trang trước các cửa hàng và hiệu thuốc để cư dân Nga, đặc biệt là người già, có thể đến lấy dùng. Một số bà con người Việt sống ở Matxcơva cũng gửi tới lời đề nghị hỗ trợ tương tự. Tổng cộng, cho đến hôm nay chúng tôi đã nhận hơn 13.300 khẩu trang và tất cả đã được phát tặng miễn phí. Nhưng dự án từ thiện này còn tiếp nối, các nhà máy tiếp tục may khẩu trang chừng nào vẫn còn vải dự trữ. Chúng tôi rất biết ơn các doanh nhân Việt xa gần đã hưởng ứng đề nghị của chúng tôi và chung tay cùng hỗ trợ cộng đồng Việt-Nga phòng chống dịch bệnh.
Đó là anh Hùng «Karate», anh Giao, anh Thành, anh Phan Hùng, anh chị Tuấn Hoa, anh chị Tuấn Hường, anh chị Phương Thiện, anh chị Tuấn Huệ, chị Thủy, chị Huyền, anh Hồ Sỹ Bằng, anh chị Thuỷ Duyên, anh chị Huyền Thanh, anh Trần Thành… Còn lô khẩu trang y tế «có giấy phép» vẫn để dành thì chúng tôi muốn trao tặng các y bác sĩ, hộ lý điều dưỡng, nhân viên y tế và các tài xế xe cứu thương của Matxcơva, những người đang làm công việc quan trọng hàng đầu cho cư dân toàn thành phố trong cơn dịch bệnh», - chị Trịnh Thị Thu Thanh kết luận.
Nhưng khẩu trang dành tặng người Matxcơva được may không chỉ trong các nhà máy Việt Nam, mà còn là sản phẩm của bàn tay những người Việt cần mẫn có máy khâu ở nhà. Trang Facebook tiếng Nga «Matxcơva thú vị» đã đăng tải câu chuyện kể về cô gái Việt tên là Minh Thuỳ và những chiếc khẩu trang. Chiếc thùng với 100 chiếc khẩu trang do các đồng hương may cẩn thận được Minh Thuỳ đặt ở cửa ra vào một siêu thị và chỉ sau nửa giờ, người Nga đi ngang đã lấy hết khẩu trang, ai cũng cảm ơn cô gái Việt về món quà này. Câu chuyện từ «Matxcơva thú vị» khơi lên phản hồi rộng rãi của độc giả. «Cảm ơn các bạn Việt Nam không thờ ơ!!!», «Cảm ơn tình người to lớn!!!», «Cảm ơn vì cử chỉ nhân hậu của bạn! Các bạn G-I-Ỏ-I L-Ắ-M!!!» …- rất nhiều ý kiến như vậy.
Rồi khi đọc tin này qua trang Facebook của một nhà báo Sputnik, cũng có rất nhiều lời bình với cảm xúc tốt đẹp nhất từ những người dùng mạng Việt Nam. «Nghĩa cử tuy nhỏ bé nhưng rất đáng tự hào của những người con đất Việt trên xứ sở Bạch Dương! Hoan hô các bạn!”, “Việt Nam mình vốn thế mà! Thương người như thể thương thân. Đối với người Nga lại càng gắn bó!”, “Tôi đọc bài này mắt cứ ướt nhòe vì cảm động. Rất tự hào vì nghĩa cử đẹp của người Việt ở nước Nga vĩ đại yêu quí của chúng ta!” “Rất tuyệt vời! Có nói thế nào chăng nữa, thì tôi và các bạn, chúng ta nợ đất nước Liên Xô, nước Nga một món nợ ân tình và mãi mãi không bao giờ quên!”, “Cảm ơn các anh chị em! Lúc này là dịp tốt để người Việt Nam tại Nga thể hiện sự tri ân những gì chúng ta đã nhận được từ đất nước và con người Nga!”…
Người Nga có câu ngạn ngữ «Bạn bè nhận biết trong hoạn nạn», hay như lời một bài ca được nhiều người Việt ưa thích «Trong cơn hoạn nạn mới hiểu tấm lòng nhau». Những ngày này, tất cả chúng ta đều đối mặt với tai hoạ lớn là trận đại dịch coronavirus. Nhân dân Việt Nam đã thể hiện truyền thống đoàn kết, ý chí quyết tâm và tuân thủ kỷ luật trong cuộc chiến cam go chống tai họa đại dịch và đạt thành công đáng trân trọng trên quê hương. Và những người Việt Nam còn đang «nối vòng tay lớn» hỗ trợ các bạn Nga của mình, những người mà cử chỉ giản dị không màu mè của người Việt đã khơi dậy sự ghi nhận và tôn trọng sâu sắc nhất.