Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao trước những thách thức mới của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương

Ban chỉ huy Ấn Độ-Thái Bình Dương thuộc Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ đang yêu cầu cung cấp thêm 20 tỷ đô la vào mục đích ngăn chặn Trung Quốc trong khu vực. Bắc Kinh sẽ đáp trả bằng cách tăng cường an ninh và lợi ích quốc gia trong vùng này, đây là quan điểm của các chuyên gia được Sputnik phỏng vấn.
Sputnik

Yêu cầu được đệ trình lên Quốc hội bởi người đứng đầu bộ chỉ huy, Đô đốc Philip Davidson. Quốc hội yêu cầu cung cấp tài liệu này để biện minh cho việc tài trợ các lực lượng được triển khai ở Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn hoạt động của Trung Quốc trong khu vực.

Trong lá thư gửi kèm theo tài liệu có nói rằng, nếu việc răn đe Trung Quốc không được thực hiện đúng mức, lợi ích của Mỹ trong khu vực có thể bị xâm phạm. Tạp chí trực tuyến Breaking Defense cho biết về những chi tiết này.

20 tỷ USD liệu có «lấy lại ưu thế Mỹ» ở châu Á?

Khoản tài trợ 20 tỷ đô la trước năm 2026 sẽ được dùng vào các mục đích khác nhau, trong đó có việc tạo ra hệ thống phòng thủ vòng tròn mới trên đảo Guam, để hỗ trợ các đồng minh và đối tác khu vực, huấn luyện chiến đấu và tác chiến trong các cuộc tập trận lớn ở Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng như bên ngoài khu vực này. Tài liệu cũng đề xuất "khởi động lại các công cụ tuyên truyền khác nhau để chống lại những ảnh hưởng có hại" của các đối thủ Mỹ. Ngoài ra còn cần chống lại các hoạt động thông tin trong khu vực nhắm vào Hoa Kỳ và các đối tác của nước này.

Hoa Kỳ coi Trung Quốc là đối thủ quân sự tiềm năng của mình, vì thế Washington đang cố gắng mở rộng và tăng cường áp lực quân sự đối với Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đây là quan điểm của Chen Hong, Giám đốc điều hành Trung tâm APR thuộc Đại học Sư phạm Phương Đông, Thượng Hải, được ông chia sẻ trong bài phỏng vấn với Sputnik.

Nga hy vọng Mỹ sẽ không triển khai vũ khí mới ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương
"Mục tiêu của Hoa Kỳ là kiềm chế phát triển tiềm năng hàng hải của Trung Quốc tại Thái Bình Dương giữa đảo Guam và các đảo lân cận và bờ biển phía đông Trung Quốc, từ đó đe dọa chủ quyền và an ninh lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông. Mục đích của việc thực hiện và củng cố chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng còn là ngăn chặn sự phát triển của Con đường tơ lụa trên biển Trung Quốc. Hoa Kỳ tin rằng chiến lược hiện tại của mình ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương chưa đủ để cạnh tranh về mặt chiến lược với Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Do đó, Washington tăng cường các nguồn tài chính và triển khai các lực lượng trong khu vực để thiết lập và đảm bảo ưu thế quân sự cũng như tiềm năng răn đe Bắc Kinh. Sự trỗi dậy của Trung Quốc không đe dọa bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Trung Quốc luôn chủ trương cùng tồn tại hòa bình và phát triển hợp tác với các nước khác thông qua các cơ chế đa phương và song phương. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không hề nhượng bộ và sẽ không ủng hộ các vấn đề đe dọa đến lợi ích chính và chủ quyền lãnh thổ của mình. "Trung Quốc không có ý định tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang của Mỹ, nhưng trong bối cảnh các mối đe dọa ngày càng tăng, Trung Quốc sẽ quyết liệt tăng cường tiềm năng của mình để bảo vệ an ninh, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia".

Theo nhiều nhà phân tích, gần đây Hoa Kỳ đã mất ưu thế quân sự ở Thái Bình Dương, cũng như khả năng duy trì sự cân bằng quyền lực thuận lợi trong khu vực. Không phải ngẫu nhiên mà tài liệu do Philip Davidson đệ trình lên Quốc hội bao gồm cả khái niệm về chiến lược "Phục hồi lợi thế" (Regain the Advantage). Đô đốc lưu ý rằng chiến lược này cần đảm bảo thể hiện sức mạnh quân sự đáng tin cậy của Hoa Kỳ và cung cấp cho Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng một số tùy chọn răn đe linh hoạt, bao gồm các kế hoạch cần thiết cho việc sử dụng quân đội.

Rất có thể Quốc hội sẽ cố gắng phân bổ các khoản tiền mà quân đội Hoa Kỳ yêu cầu, chuyên gia phân tích quân sự Viện Mỹ và Canada, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Thiếu tướng Pavel Zolotarev lưu ý trong cuộc phỏng vấn với Sputnik:

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam tiếp Đô đốc Mỹ Philip Davidson
"Câu hỏi duy nhất là thời điểm bắt đầu tài trợ bổ sung. Trong bối cảnh chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và tình hình khó khăn ở nước này do đại dịch, việc phân bổ ngân sách có thể bị trì hoãn. Một phần cũng vì chưa rõ, khi nào thì mới nhìn thấy được hiệu quả của việc hỗ trợ doanh nghiệp và xử lý hậu quả của đại dịch. Các biện pháp mới có khả năng làm trầm trọng thêm những tranh biện về chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trong lĩnh vực quân sự sẽ tăng cường cạnh tranh tiềm năng vũ khí. Rất có thể, điều mà ở đây chúng ta đề cập tới không phải là sự gia tăng về số lượng và phương tiện vũ khí của cả hai phía trong khu vực này, mà là xu hướng tăng tính hiệu quả của các loại vũ khí chính xác hiện đã đang có mặt trong khu vực. Trung Quốc sẽ tăng cường tiềm năng điều khiển quân đội và phòng thủ tên lửa, hệ thống trinh sát radar. Mỹ rất lo ngại về độ sơ hở của hàng không mẫu hạm trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc, do đó, nguồn tài chính bổ sung sẽ được sử dụng vào việc củng cố hệ thống phòng không khu vực của họ".

Trong khuôn khổ các sự kiện được công bố, theo quan điểm của chuyên gia Nga, Hoa Kỳ sẽ cố gắng bán các lô vũ khí mới cho các đối tác trong khu vực - Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Để hỗ trợ các đồng minh và đối tác, bộ chỉ huy khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương xin được cấp thêm 384 triệu USD. Đây là một tín hiệu nữa mà Hoa Kỳ muốn gửi cho Trung Quốc, rằng Washington dự định khôi phục lợi thế của mình trong khu vực bằng cách tăng cường các liên minh và quan hệ đối tác. Trong danh sách các biện pháp này còn đề cập đến hệ thống radar đặt tại Palau, được sử dụng để phát hiện các mục tiêu trên không và trên mặt nước. Philip Davidson định chi 185 triệu đô la cho việc hiện đại hóa hệ thống này.

Thảo luận