Theo kết quả của cuộc đàm phán kéo dài mười giờ đồng hồ, các thành viên tham gia OPEC + đã đồng ý giảm sản lượng khai thác dầu mỗi ngày là 10 triệu thùng cho hai tháng 5 và 6, nhưng để thỏa thuận này có hiệu lực, còn cần có sự đồng ý của Mexico.
"Ở giai đoạn này, nghĩa vụ sản xuất là 6.085 triệu thùng mỗi ngày đối với các nước OPEC và 3.915 triệu thùng mỗi ngày đối với các nước ngoài OPEC", - một nguồn tin từ Bộ Năng lượng Azerbaijan nói với Sputnik.
Trong phần còn lại của năm, tổng sản lượng giảm sẽ là 8 triệu thùng mỗi ngày, từ tháng 1 năm 2021 đến tháng 4 năm 2022 OPEC+ cam kết giảm sản lượng 6 triệu thùng.
Căn cứ thông cáo cuối cùng của cuộc họp, Nga và Ả Rập Xê Út sẽ thực hiện thỏa thuận OPEC + mới bằng cách: từ tháng 5 đến hết tháng 6, hai nước này sẽ khai thác không quá 8,5 triệu thùng mỗi ngày.
Theo nguồn tin của hãng thông tấn, trước đó các thành viên OPEC + đã bị chia rẽ quan điểm trong vấn đề mức tính toán cơ sở cho việc cắt giảm sản lượng. Chính quyền Mexico ban đầu không đồng ý về hạn ngạch gồm ba giai đoạn về thỏa thuận giảm sản lượng 400 nghìn thùng mỗi ngày, đồng thời đề xuất chỉ giảm sản lượng 100 nghìn thùng.
Đây chính là mức cắt giảm sản lượng khai thác dầu mà Mexico sẵn sàng thực hiện trong hai tháng tới.
Các bộ trưởng của OPEC + sẽ tiếp tục đàm phán về vấn đề này vào thứ Sáu.
Trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik, ông Igor Yushkov, chuyên gia tại Đại học Tài chính thuộc Chính phủ Liên bang Nga, nhà phân tích hàng đầu tại Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia đã bình luận về kết quả cuộc họp OPEC+.
"Mặc dù những người chơi chính của định dạng OPEC + cũ đã đi tới sự thống nhất và hầu hết các thành viên đồng ý với các thông số được công bố, tuy nhiên vẫn có sự phản đối từ Mexico. Không có sự thỏa hiệp thì thỏa thuận này không thể được ký kết.Thỏa thuận về cắt giảm sản lượng khai thác dầu bao giờ cũng phải xuất phát từ sự đồng ý của tất cả các thành viên. Nếu một trong số họ từ chối tham gia, mọi người khác sẽ đặt ra câu hỏi: tại sao chúng ta phải cắt giảm sản lượng, trong khi người khác thì không, và sau này cứ nghiễm nhiên gặt hái lợi ích từ những nỗ lực của chúng ta? Câu hỏi tương tự sẽ đặt ra đối với các quốc gia mà trước đó cũng không tham gia thỏa thuận . Trước hết, đó là Hoa Kỳ, Anh và Na Uy, "- ông Igor Yushkov nói.
Ông nhớ lại rằng Hoa Kỳ trước đây có thể tăng sản lượng, chủ yếu là vì các nước OPEC + đã đồng ý giảm khai thác dầu, do đó giá dầu được duy trì ở mức ổn định. Giờ đây, không rõ liệu Washington có đồng ý hạn chế khối lượng dầu của mình hay không, chuyên gia nhận định.
"Sở dĩ Hoa Kỳ có thể tăng đáng kể sản lượng cho các dự án khai thác đá phiến của mình là vì thỏa thuận OPEC + cho phép giữ giá dầu ở mức 50-60 USD/thùng. Và giờ đây Nga đặt ra điều kiện là người Mỹ phải đóng góp vào quá trình giảm khối lượng sản xuất, điều này sẽ được thảo luận trong khuôn khổ cuộc họp trực tuyến. Trước đó Hoa Kỳ tuyên bố rằng họ sẽ đóng góp bằng con đường tự nhiên, vì giá dầu ở mức hiện tại đã buộc Hoa Kỳ phải giảm khai thác dầu đá phiến. Nhưng những người tham gia còn lại nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ phải nêu ra con số cụ thể và đảm bảo thực hiện hạn ngạch của mình. Hiện vẫn chưa rõ, liệu Hoa Kỳ có đứng ra đảm nhận những nghĩa vụ này hay không ", - ông Igor Yushkov nói.
Theo dự báo của ông, ngay cả khi tất cả các nước đạt được đồng thuận ngay bây giờ thì giá dầu vẫn sẽ không thể tăng trong một khoảng thời gian nhất định.
"Vẫn tồn tại rủi ro của kịch bản khi các kho chứa dầu vẫn đang đầy ắp vàng đen, bởi vì thỏa thuận sẽ bắt đầu hoạt động vào ngày 1 tháng 5, từ giờ đến cuối tháng Tư một phần đáng kể các kho trữ dầu trên khắp thế giới vẫn sẽ tiếp tục được lấp đầy, và điều này sẽ gây áp lực đối với thị trường. Giá dầu sẽ phục hồi sau giai đoạn tháng 6-tháng 7, còn hiện tại giá vàng đen vẫn sẽ ở mức dưới $ 35 mỗi thùng," - chuyên gia phân tích hàng đầu tại Quỹ An ninh năng lượng quốc gia nhận định.
Ngày 6 tháng Ba, các nước OPEC + đã thất bại trong việc thỏa thuận về thay đổi các thông số liên quan tới việc cắt giảm sản lượng dầu cũng như gia hạn thỏa thuận. Do đó, từ ngày 1 tháng 4, những hạn chế về sản lượng khai thác dầu đã được dỡ bỏ đối với các quốc gia tham gia liên minh. Cùng với đại dịch coronavirus, điều này đã đưa đến sự sụp đổ trên thị trường dầu mỏ.