Sau Vingroup, đến lượt Bkav tuyên bố sản xuất máy thở
Ngày 11/4, trên trang cá nhân Facebook, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Bkav tuyên bố tập đoàn này sẽ sản xuất máy thở xâm nhập điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19.
“Nhiều người hỏi tại sao Bkav không tham gia sản xuất máy thở. Giờ là lúc tôi có thể vui mừng thông báo, Bkav đã hoàn tất kế hoạch sản xuất máy thở xâm nhập giúp điều trị bệnh nhân Covid-19”, - ông Quảng chia sẻ.
Tổng giám đốc Bkav cho biết, ngay từ khi có tin GS Trần Văn Thọ và nhà sáng chế Trần Ngọc Phúc muốn chuyển giao công nghệ sản xuất máy thở cho Việt Nam, Bkav đã cử đội ngũ nghiên cứu dự án này. Tuy nhiên, ít ngày sau đó, Công ty thiết bị y tế hàng đầu thế giới Medtronic, đã mở thiết kế máy thở xâm nhập PB 560 của họ cho các nhà sản xuất khác để chung tay cung cấp cho thế giới chống dịch.
Theo ông Quảng, máy thở PB 560 là loại máy gọn, nhẹ có chức năng cung cấp oxy và mô phỏng các hành động của hơi thở. Đây là thiết bị sống còn giúp các Bác sĩ và Bệnh nhân nặng chống chọi với Covid-19. Được biết, khoảng 10% bệnh nhân nhiễm Covid-19 phải dùng đến máy thở. Do đó, thế giới đang thiếu nặng nề các thiết bị này.
Người đứng đầu Bkav tuyên bố vào giữa tháng 5 sẽ sản xuất xong máy mẫu đầu tiên để có thể xin cấp phép sản xuất hàng loạt từ Bộ Y tế. Hiện nay, Bkav cũng đã làm việc với chuỗi cung ứng sẵn có đang tham gia sản xuất Bphone, hơn 9.000 công nhân và 4 nhà máy trong hệ thống của tập đoàn này đã sẵn sàng cho việc sản xuất máy thở.
“Giả sử dịch bệnh Covid-19 có bùng phát thì cùng với các nhà sản xuất nội địa khác, tôi tin tưởng Việt Nam sẽ không lo thiếu máy thở. Không những thế chúng ta còn có thể xuất khẩu để hỗ trợ các quốc gia khác nếu dịch vẫn còn hoành hành”, ông Quảng chia sẻ.
Trước đó, ngày 3/4, Tập đoàn Vingroup công bố quyết định triển khai việc sản xuất máy thở các loại (xâm nhập và không xâm nhập) và máy đo thân nhiệt nhằm cung ứng cho thị trường Việt Nam.
Vingroup thông báo sẽ sản xuất máy thở với công suất 55.000 bộ mỗi tháng, dựa trên dây chuyền sản xuất ô tô và điện thoại. Tập đoàn này cho biết đã ký kết hợp đồng bản quyền với hãng Medtronic của Mỹ để được sử dụng thiết kế cho máy thở xâm nhập nhãn hiệu PB560. Bên cạnh đó, Vingroup cũng bắt tay vào nghiên cứu máy thở không xâm nhập dựa theo thiết kế do trường đại học MIT (Mỹ) chia sẻ cho cộng đồng.
Phân biệt máy trợ thở không xâm nhập và máy thở xâm nhập
Theo các tài liệu chuyên môn, máy thở gồm 2 loại là máy thở không xâm nhập và máy thở xâm nhập. Trong đó, máy thở không xâm nhập bản chất như một chiếc quạt tạo ra một dòng khí có áp lực dương để hỗ trợ động tác hít vào của bệnh nhân đỡ tốn sức. Tuy vậy, áp lực dương này sẽ cản trở động tác thở ra. Máy thở không xâm nhập đơn giản hơn nên rẻ hơn so với máy thở xâm nhập.
Trong khi đó, máy thở xâm nhập hiện đại hơn khi cảm nhận được việc hít vào của bệnh nhân để nâng áp lực hỗ trợ lên cao và cảm nhận được việc thở ra của bệnh nhân để hạ áp lực xuống thấp để bệnh nhân thở ra không bị cản trở.
Máy thở xâm nhập là những máy được thiết kế để thở cho những bệnh nhân nặng, phải thở qua ống nội khí quản. Khi đó máy sẽ kiểm soát hoạt động hô hấp của bệnh nhân. Do phải đáp ứng với nhiều yêu cầu hô hấp ở bệnh nhân nặng nên máy sẽ có nhiều phương thức thở khác nhau.