Như chúng ta đã biết, ngày 9/4 bắt đầu Hội nghị (trực tuyến) lần thứ 9 (bất thường) giữa Bộ trưởng năng lượng các nước OPEC do Ả Rập Xê Út đứng đầu và các nước xuất khẩu dầu không thuộc OPEC. Đồng chủ trì sự kiện này là Hoàng tử Abdulaziz bin Salman - Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ả Rập Xê Út và Aleksandr Novak - Bộ trưởng Năng lượng Liên bang Nga. Chủ đề của Hội nghị - giảm sản lượng khai thác dầu trong tình hình nhu cầu giảm mạnh và giá dầu giảm sâu.
OPEC sẽ cắt giảm 10 triệu thùng/ngày trong 2 tháng đầu
Sau chín giờ đàm phán, các nước đã không thể đạt được thỏa thuận cuối cùng vì lập trường của Mexico. Các bên đàm phán đã đồng ý, trong tháng 5 và tháng 6 sẽ giảm 10 triệu thùng mỗi ngày, từ ngày 1/7 xuống 8 triệu thùng/ngày, và từ ngày 1/1 năm sau đến tháng 4/2022 xuống còn 6 triệu thùng/ngày. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực đến ngày 30-4-2022. Tuy nhiên, việc gia hạn thỏa thuận này sẽ được xem xét trong tháng 12-2021.
Tất cả các bên tham gia đàm phán đều đồng ý với những điều kiện trên trừ Mexico. Nước này phản đối việc giảm sản lượng 400 nghìn thùng mỗi ngày. Nỗ lực thuyết phục Bộ trưởng Bộ năng lượng Mexico Rocio Nale Garcia đã không thành công.
Các bên đàm phán OPEC + về giảm sản lượng khai thác dầu đã chuyển thảo luận sang ngày thứ Sáu 10/4.
“Thứ nhất, tôi cho rằng, Mexico sợ "mất phần" trong chiếc bánh dầu mỏ thế giới. Hai là Mexico bị Mỹ "xử ép" trong đàm phán về Hiệp ước thương mại song phương mới (USMFTA) nên buộc phải theo "cây gậy chỉ huy" của Mỹ, khi Mỹ yêu cầu họ "hãy chờ một chút". Mỹ muốn dùng Mexico làm "con bài cuối cùng". Nếu sản lượng dầu mà OPEC và Nga cắt giảm không như mong muốn của Mỹ (khoảng từ 10 triệu đến 15 triệu thùng/ngày), Mexico sẽ là "con bài" vô hiệu hóa thỏa ước và buộc các nước OPEC phải đàm phán lại với Nga”, - Nhà phân tích các vấn đề quốc tế Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik.
Theo một số chuyên gia, cái khéo của Nga là ở chỗ đã đề nghị với OPEC cắt giảm 10 triệu thùng/ngày trong 2 tháng đầu – chính là mức sàn như Mỹ muốn. Sau đó mới giảm tiếp theo lộ trình. Còn đến khi đó, có thực hiện hay không thì lại là chuyện khác. Trong một tháng, kể từ 8/3/2020 đến 10/4/2020, Nga đã có đủ thời gian để thu xếp với các bạn hàng của mình trước khi đồng ý cắt giảm như thỏa thuận đã công bố.
“Tóm lại, Nga vẫn nắm quyền chủ động so với Mỹ và OPEC”, - Nhà phân tích các vấn đề quốc tế Nguyễn Minh Tâm nói với Sputnik.
Ngày 10/4, OPEC+ đạt được thỏa thuận. Mexico đã đồng ý tham gia thỏa thuận, sẽ giảm sản lượng khai thác một trăm nghìn thùng/ngày, còn Mỹ hứa sẽ giảm sản lượng thêm 250 nghìn thùng/ngày để giúp Mexico.
“Chúng tôi hoan nghênh quan điểm mang tính xây dựng mà cuối cùng Mexico đã có được”, - Phát ngôn viên Kremli, ông Dmitry Peskov nói, bình luận về việc Mehico đồng ý tham gia thỏa thuận của OPEC+ giảm khai thác 100 000 thùng/ngày. Kremli đã đánh giá việc đạt được thỏa thuận sẽ có tác động khá tốt lên thị trường năng lượng thế giới. Nếu không có nó thì kinh thế thế giới có thể rơi vào hỗn loạn.
Quan điểm của Nga là quan điểm phát triển
Thỏa thuận đã được phê chuẩn của Hội nghị OPEC+ lần thứ 9 đòi hỏi Nga phải có trách nhiệm tối đa. Nga phải giảm sản lượng khai thác nhiều nhất, giảm 1,8 triệu thùng/ngày so với tháng 3/2020.
Chúng ta cùng nhớ lại. Đầu tháng Ba, Nga đã từ chối đề nghị của Ả Rập Xê Út giảm khai thác, giữ mức hiện có tại thời điểm đó, bây giờ lại đồng ý giảm 1,8 triệu thùng/ngày. Vì sao? Vì sao Nga cũng không cho rằng là mình thua, khi từ tháng Năm phải giảm sản lượng khai thác nhiều hơn nhiều sản lượng mà không đạt được thỏa thuận vào đầu tháng Ba?
“Một tháng trước không ai có thể dự đoán được chiều sâu của việc giảm nhu cầu năng lượng, mà có thể diễn ra trong một ngày. Chúng tôi hoàn toàn không cho rằng quan điểm của chúng tôi hồi đầu tháng Ba là sai lầm”, - Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov nói.
“Quan điểm của Nga là quan điểm phát triển. Bởi nếu vì dầu lửa mà nền kinh tế Mỹ hỗn loạn thì thế giới sẽ lâm vào một đại dịch COVID-kinh tế. Điều này không có lợi cho phát triển toàn cầu. Bởi nói gì thì nói, với tỷ trọng 42%GDP và 35% giá trị công nghiệp toàn cầu, Mỹ vẫn đóng một vai trò quan trọng mà ngay cả Trung Quốc và EU cũng khó có thể thay thế. Mặt khác, xét về chiến lược toàn cầu, Nga không muốn mất đi một trong ba chân kiềng khi chưa chuẩn bị kỹ càng cho chỗ đứng của mình trong tương lai”, - Bình luận viên những vấn đề quốc tế Minh Hoàng nói với Sputnik.
Kết quả Hội nghị bất thường lần thứ 9 OPEC+ làm hài lòng các bên, trừ Mỹ
Theo đánh giá chung, kết quả Hội nghị bất thường lần thứ 9 OPEC+ làm hài lòng các bên. Ả Rập Xê Út tháo gỡ được vấn đề thâm hụt ngân sách. Nga giữ được thị phần và không bị thiệt hại nhiều do giá dầu giảm trong một tháng qua bởi trong một tháng đó, Nga đã giao đủ hàng cho các bạn hàng theo hợp đồng triển hạn đã ký từ tháng 6-2019.
“Ở đây không có bên thua cuộc, chỉ có bên thắng cuộc”, - ông Dmitry Peskov nói.
Kremlin cho rằng, cả nhà sản xuất cả người tiêu thụ đều thắng.
“Nhu cầu năng lượng giờ đang quá thấp. Hầu như các hoạt động ngừng hết nên tiêu thụ dầu rất ít. Giá dầu xuống quá thấp, trữ lượng dự trữ quá lớn. Ngay cả Mỹ cũng bị ảnh hưởng nặng vì các công ty khai thác dầu đá phiến đang ngấp ngoải. Tôi cho rằng, thỏa thuận đạt được là thỏa hiệp cho tất cả các bên trong hoàn cảnh đại dịch này”, - Tiến sĩ Lê Xuân Hòa phát biểu với Sputnik.
Trong khi Kremli cho rằng thỏa thuận thành công, thì Nhà Trắng cho là thất bại. Lý do là vì Mexico chỉ đồng ý giảm 100 nghìn thùng/ngày, mặc dù Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador tuyên bố rằng, Mỹ đã sẵn sàng giảm sản lượng 250 nghìn/ngày cho nghĩa vụ của Mexico. Thông tin này Washington đã không xác nhận, không rõ việc này sẽ được thực hiện như thế nào. Hơn nữa, Nga, Ả Rập Xê Út và các bên tham gia thỏa thuận này mong muốn Mỹ giảm mạnh khai thác dầu đá phiến. Washington hiện tại từ chối đi theo con đường này. Các quan chức Hoa Kỳ chỉ ra rằng luật pháp Mỹ không cho phép khả năng này, còn các công ty khai thác dầu của Mỹ đã bắt đầu giảm khai thác do những nguyên nhân tự nhiên.
Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Dan Brouillette đã nói rằng, đàm phán về thỏa thuận khai thác dầu giữa các nước OPEC + đã kết thúc thất bại và tình trạng này vô cùng thất vọng. Phải chăng ông Dan Brouillette cho rằng đàm phán lần này của OPEC+ thất bại là vì mức cắt giảm của OPEC+ không đúng như Mỹ mong muốn? Mức cắt giảm mà Mỹ mong muốn không chỉ là 20 triệu thùng/ngày mà còn phải là "ngay lập tức". Nhưng kết quả chỉ đạt được một nửa. Hơn nữa, lộ trình sau đó mà OPEC+ vạch ra lại giảm dần mức cắt giảm để tích ứng với sự phục hồi kinh tế thời kỳ "hậu COVID-19".
“Đúng là thỏa thuận làm hài lòng các bên. Riêng Mỹ thì không hài lòng, vì họ muốn OPEC+ giảm tới 20 triệu thùng/ngày nhưng chỉ đạt được 10 triệu thùng/ngày. Nhưng Donald Trump buộc phải chấp nhận nếu như không muốn có thêm hàng chục công ty dầu đá phiến Mỹ tiếp tục nộp đơn xin phá sản. Nếu Mỹ thi hành chính sách áp thuế đối với dầu nhập khẩu thì tình hình đối với Mỹ sẽ còn tồi tệ hơn nữa bởi tuy Mỹ xuất khẩu dầu đá phiến nhưng vẫn phải nhập dầu nặng và cả dầu ngọt nhẹ cho các nhà máy lọc dầu cao cấp sản xuất cao su nhân tạo, chất dẻo, lưu huỳnh, hóa chất, nhựa đường và nhiều chế phẩm khác từ dầu nặng”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nói với Sputnik .
Trong lịch sử của OPEC chưa từng có “một sự giảm khai thác tự nguyện nào như vậy”, như thỏa thuận đạt được ngày 10/4.
Hội nghị tới sẽ được tổ chức vào ngày 10/6/2020 bằng hình thức trực tuyến để xác định các hành động cần thiết tiếp theo để cân bằng thị trường.
Cuộc chiến giá dầu tạm kết thúc. Nhưng theo đánh giá của một số chuyên gia, cuộc chiến này sẽ lại tiếp tục và nó sẽ lan sang nhiều quốc gia khác chứ không chỉ đối với bộ ba OPEC-Nga-Mỹ.