Từ ngày 1/5/2020 các nước tham gia thỏa thuận OPEC + với Nga và Ả Rập Xê Út là hai thành viên lớn nhất sẽ cắt giảm sản lượng khai thác dầu 9,7 triệu thùng/ngày. Tổng mức giảm khai thác dầu trên thế giới có thể đạt khoảng 19 triệu thùng/ngày. Việc giảm 9,7 triệu thùng sẽ có hiệu lực trong hai tháng, tháng Năm và Sáu 2020. Trong nửa cuối năm 2020, các nước OPEC + sẽ giảm sản lượng 7,7 triệu thùng/ngày và từ ngày 1/1/2021 - chỉ còn 5,8 triệu thùng thùng/ngày. Đó là kết quả của đàm phán online kéo dài 4 ngày, từ ngày 9 tới tối 12/4, về giảm sản lượng khai thác dầu, chiếu theo thông baó của OPEC.
Tổng mức giảm sản lượng khai thác dầu trên thế giới có thể đạt 19 triệu thùng/ngày
Bộ trưởng dầu mỏ Iran, ông Bijar Zangane viết trên Twitter rằng, Kuwait, Ả Rập Xê Út và UAE đã đồng ý giảm sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, các nước G20 đã đồng ý giảm 3,7 triệu thùng. Như vậy, tổng mức giảm sẽ là ít nhất 15,4 triệu thùng mỗi ngày. Tổng sản lượng giảm khai thác trên thế giới có thể đạt khoảng 19 triệu thùng/ngày.
Mexico – phía tham gia là nguyên nhân của cuộc đàm phán kéo dài 4 ngày, cuối cùng đã đồng ý giảm khai thác 100 000 thùng/ngày, 300 000 thùng còn lại thì Mỹ sẽ giảm bù, như đã được thông báo trước đó.
Việc giảm sản lượng lớn như vậy tương ứng với nhu cầu giảm mạnh do sự lây lan của dịch virus Corona, tức là 20 triệu thùng hay 20%.
Theo lời của Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak, chưa bao giờ xảy ra tình huống như vậy. Ba năm trước, nguồn cung vượt quá nhu cầu 3 triệu thùng mỗi ngày và bây giờ là 20 triệu thùng do nhu cầu giảm. Chính vị vậy, điều quan trọng là phải thống nhất được những nỗ lực không chỉ của các quốc gia trước đó đã tham gia thỏa thuận OPEC + trong giai đoạn 2017-2020, mà trước hết, của cả các nhà sản xuất lớn khác, bao gồm cả các nhà sản xuất từ các nước G20.
“Đàm phán và cuộc điện đàm tay ba giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Vua Ả Rập Xê Út Salman một lần nữa chứng tỏ rằng, giá dầu trở thành vũ khí không thể coi thường Cũng như vũ khí hạt nhân, nó 2 mặt. Mỹ không tham gia vì tự nhận giá dầu đá phiến cao nên đứng ngoài cuộc. Nga chấp nhận vì biết rằng đúng như vậy. Mỹ thúc ép các nước tham gia và đạt thoả thuận. Mexico không chịu giảm 400.000 thùng nên Mỹ “chịu” hộ 300.000. Chứng tỏ giá dầu cực kỳ nhạy cảm với Mỹ”, - Một chuyên gia kinh tế-tài chính thế giới nổi tiếng của Việt Nam (xin được giấu tên) bình luận với Sputnik.
Theo thỏa thuận đạt được, trong số 9,7 triệu thùng đã thỏa thuận trong khuôn khổ thỏa thuận OPEC +, sản lượng giảm của Nga là 2,5 triệu thùng. Cơ sở tính sản lượng khai thác giảm là 11 triệu thùng, tức là tương đương chính thức giảm 22,7%. Nhưng trên thực tế, các công ty Nga vào tháng 3/2020 đã khai thác tổng cộng 10,3-10,4 triệu thùng/ ngày, nghĩa là mức giảm thực tế sẽ là 17-18%.
Hiện tại, vẫn chưa rõ mức giảm “bổ sung” (ngoài OPEC +) sẽ là bao nhiêu trên thực tế và sẽ được thực hiện nhanh như thế nào. Chỉ thấy rằng, thị trường vẫn phản ứng với sự ngờ vực khá rõ rệt. Ngoài ra, vẫn chưa rõ nhu cầu sẽ giảm bao nhiêu. Có điều thỏa thuận đạt được – tự nguyện giảm khai thác lớn như thế thực sự mang tính lịch sử.
“Cho dù việc thỏa thuận tự nguyện giảm chưa từng có, kết quả đàm phán OPEC+ vừa qua chỉ có tính chất tạm thời. Bởi các bước đi cắt giảm sản lượng của OPEC+ sau ngày 30-6-2020 mới chỉ là một thỏa thuận khung chứ chưa hình thành các điểm “chốt” cụ thể”, - Nhà phân tích các vấn đề quốc tế Nguyễn Minh Hoàng bình luận với Sputnik.
“Việc các nước ngoài OPEC+ giảm sản lượng khai thác sẽ hỗ trợ giá trên thị trường. Các quốc gia ngoài OPEC + càng giảm sản xuất mạnh, thỏa thuận càng mang lại nhiều lợi hơn cho Nga”, - Tiến sĩ kinh tế Lê Xuân Hòa nói với Sputnik.
Giá dầu khó tăng mạnh trở lại
“Và chắc chắn trong năm 2020 và 2021 giá dầu khó có thể quay lại ngưỡng 60$. Có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, nhu cầu sử dụng xăng dầu giảm mạnh và chưa thể hồi phục nhanh được. Thứ hai, giá dầu thấp có thể là mục tiêu của ông Putin nhằm đánh chết ngành dầu đá phiến của Mỹ. Theo tôi, vụ giá dầu rớt 50% hồi đầu tháng 3 đó là sự ra tay của Putin. Giá dầu thấp 20-22$ thì cũng không làm Nga chết được. Ông Trump đã ngấm đòn nên đã tích cực đàm phán với ông Putin nhiều hơn. Biết đâu vài ngày nữa Mỹ tháo gỡ một phần các lệnh cấm vận đối với Nga? Trong tay ông Putin vẫn còn nhiều quyền lực trong việc điều khiển giá dầu”, - Tiến sĩ kinh tế Lê Xuân Hòa nói với Sputnik.
Nhìn chung, các chuyên gia cho rằng, với thỏa thuận đạt được thì giá dầu sẽ tăng trở lại nhưng không mạnh trong những ngày còn lại của tháng 4-2020, chỉ loanh quanh ở mức 31USD/thùng đến 35USD/thùng do lực cầu vẫn còn rất thấp, bởi hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn đang trong tình trạng “cách ly xã hội” để chống dịch hoặc mới chớm phục hồi như Trung Quốc. Mức tiêu thụ vẫn khá thấp. Trung Quốc hiện chỉ tiêu thụ không quá 1,5 triệu thùng/ngày trong khi mức tiêu thụ bình quân 10 năm qua của nước này vào khoảng 7,5 đến 8 triệu thùng/ngày.
“Giá dầu phục hồi tỷ lệ thuận với mức độ phụ thuộc vào hoạt động kinh tế toàn cầu. Còn hoạt động kinh tế toàn cầu lại tỷ lệ thuận với sự suy giảm cường độ hoạt động của dịch COVID-19. Do các chính sách khác nhau của các quốc gia nên sự kiềm chế dịch COVIS-19 cũng đem lại kết quả khác nhau. Nếu một số quốc gia sớm “mở cửa” đất nước trở lại và gia tăng các hoạt động sản xuất, kinh doanh thì giá dầu trong tháng 5 và tháng 6 sẽ tăng mạnh nhưng không quá mức 50USD/thùng do các kho dự trữ lớn của thế giới hiện đang có dấu hiệu “tràn”, - Nhà phân tích các vấn đề quốc tế Nguyễn Minh Hoàng nói với Sputnik.
“Chỉ có một “chốt khóa” duy nhất có thể làm cho giá dầu tăng mạnh hơn mức đó. Đó là vaccine phòng ngừa SARS-COV-2 và thuốc đặc trị COVID-19. Chỉ có thoát khỏi sự khống chế của dịch COVID-19, các quốc gia mới có thể phục hồi sản xuất kinh doanh, làm cho sức cầu dầu mỏ tăng trở lại và cũng có nghĩa là làm cho giá dầu tăng trở lại”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng nói với Sputnik.
“Tôi cho rằng, giá dầu sẽ đâu đó trên 30$ đến 40$. Tôi nghĩ, với mức trên 30$ các công ty dầu đá phiến hoạt động vẫn khó khăn. Theo tôi, giá dầu sẽ loanh quanh đó, nên tầm ảnh hưởng của Mỹ sẽ giảm”, - Chuyên gia kinh tế-tài chính nói trên bình luận với Sputnik.
Về thế của Nga hiện nay
“Đây là một cú “thoát hiểm” ngoạn mục của Rosneft mà chỉ đến bây giờ, tôi mới có thể khẳng định”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng nói với Sputnik.
Các công ty dầu khí của Nga, trong vòng một tháng kể từ ngày 6/3/2020, khi họ rời bàn đàm phán đến ngày 9/4/2020, khi quay trở lại bàn đàm phán, đã kịp hoàn tất việc giao hàng theo các đơn hàng đã ký kết và tiếp tục ký kết nhiều hợp đồng triển hạn với các đối tác để chuẩn bị tăng cung ra thị trường sau khi dịch COVID-19 đạt đỉnh và suy giảm.
“Nga đã giữ vững các thị phần của mình trong cơn suy thoái của giá dầu và tiếp tục hợp tác với OPEC, làm cho các nước OPEC ít phụ thuộc vào Mỹ hơn để có thể dần dần thoát khỏi sự thao túng của các “nhà buôn dầu” ở Phố Wall”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng bình luận.
Theo một số chuyên gia, lợi thế của Nga còn được xác lập và củng cố vững chắc hơn khi vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, các tuyến đường ống “Phương Bắc 2” và “Thổ Nhĩ Kỳ” sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.