Thiết lập “quận Tây Sa và Nam Sa” tại Biển Đông: Trung Quốc thực hiện lộ trình đã vạch từ trước

Âm mưu trước mắt của Trung Quốc khi lập ra các đơn vị hành chính “quận Tây Sa và Nam Sa” là để có cớ “dân sự hóa” những vị trí mà trước đó Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép bằng vũ lực quân sự, làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.
Sputnik

Ngày 18/4, Trung Quốc đã thông báo việc thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”. Việt Nam phản đối mạnh mẽ động thái trên của Trung Quốc, khẳng định chủ quyền của mình tại lãnh thổ nói trên, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.

Để hiểu rõ hơn về mục đích của Trung Quốc và những hành động bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông tiếp theo của Việt Nam, Sputnik đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia, nhà phân tích những vấn đề thời sự quốc tế Nguyễn Minh Hoàng.

Âm mưu trước mắt và sâu xa của Trung Quốc khi thiết lập hai đơn vị hành chính Tây Sa và Nam Sa tại Biển Đông

Sputnik: Thưa ông Nguyễn Minh Hoàng, theo ông, việc lập “quận Tây Sa và Nam Sa” của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam nói lên điều gì?

Việt Nam bác bỏ Tây Sa và Nam Sa của Trung Quốc

Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng: Có thể khẳng định ngay một điều rằng việc Trung Quốc lập các đơn vị quản lý hành chính cấp quận (huyện) đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt nam (Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) là hoàn toàn phi pháp. Hành động pháp lý của Trung Quốc lại chính là hành động vô pháp vô thiên. Bởi nó không chỉ xâm phạm về pháp lý đối với các thực thể địa lý mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trước đó rất lâu bằng việc thành lập huyện Hoàng Sa từ ngày 19-12-1982 thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cũ (nay thuộc thành phố Đà Nẵng) và thành lập huyện Trường Sa ngày 8-12-1982 thuộc tỉnh Đồng Nai cũ (nay thuộc tỉnh Khánh Hòa).

Hành động này còn vi phạm đặc biệt nghiêm trọng đối với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS-1982) khi Trung Quốc đang cố tình biến vùng không có tránh chấp thành vùng tranh chấp và rồi từ đó biến vùng tranh chấp thành vùng chủ quyền một cách bất hợp pháp. Hành động đó cũng thể hiện việc Trung Quốc cố tình phớt lờ phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế PCA, trong đó, phủ nhận hoàn toàn những lập luận của Trung Quốc về cái gọi là “vùng nước lịch sử” hay có thể gọi nôm na là “đường lưỡi bò”.

Việt Nam không để Trung Quốc muốn làm gì thì làm ở Biển Đông

Âm mưu trước mắt của Trung Quốc khi lập ra các đơn vị hành chính này là để có cớ “dân sự hóa” những vị trí mà trước đó Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép bằng vũ lực quân sự, làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.

Còn âm mưu sâu xa của Trung Quốc là tạo nên “một sự đã rồi” nhằm giành lợi thế trên bàn đàm phán với Việt Nam và các nước ASEASN về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và thậm chí là chèn ép, buộc các nước ASEAN phải thông qua một thỏa thuận có lợi cho Trung Quốc; nếu không, trung Quốc sẵn sàng phá hoại các cuộc đàm phán này, nếu nó không đem lại một thỏa thuận có lợi cho Trung Quốc.

Trung Quốc thực hiện lộ trình đã vạch từ trước

Thiết bị quân sự mới của Trung Quốc có thể được sử dụng trên các đảo ở Biển Đông
Sputnik: Có phải Trung Quốc cố tình lập quận vào thời gian này, khi cả thế giới đang chú tâm vào việc chống đại dịch COVID-19 hay đây là bước đi có kế hoạch từ trước?

Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng: Âm mưu thành lập các đơn vị hành chính trái phép của Trung quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa không phải đến bây giờ mới có mà nó nằm trong một lộ trình đã được Trung Quốc vạch ra từ trước, khi họ khăng khăng níu giữ quan điểm sai - cái gọi là “vùng nước lịch sử” (tức đường lưỡi bò” ở Biển Đông. Giờ đây, lợi dụng tình hình thế giới đang bận đối phó với đại dịch COVID-19, Trung Quốc mới hiện thực hóa âm mưu đó.

Những hành động bảo vệ chủ quyền tiếp theo của Việt Nam

Sputnik: Để tiếp tục bảo vệ chủ quyền của mình, những hành động tiếp theo của Việt Nam sẽ là gì ?

Báo Trung Quốc: Việt Nam bất lực trước Covid-19 nên gây chuyện ở Biển Đông

Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng: Vì hành động của trung Quốc (lập ra các đơn vị hành chính “quận Tây Sa và Nam Sa” ) là hành động có tính phi quân sự nên Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp phi quân sự để đối phó lại với Trung Quốc, bao gồm cả đấu tranh ngoại giao, đấu tranh pháp lý cũng như việc sử dụng các lực lượng phòng vệ dân sự để bảo vệ chủ quyền của mình trên các thực thể địa lý mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, bao gồm cả hai huyện đảo Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng và huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Việt Nam cũng sẽ tận dụng mọi diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc, các Hội nghị an ninh thế giới và khu vực để phản bác những hành động sai trái của phía Trung Quốc, đồng thời không loại trừ việc sử dụng các biện pháp pháp lý thông qua tòa án quốc tế để buộc Trung Quốc phải tôn trọng chủ quyền của Việt Nam ở hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Việt Nam quyết không để Trung Quốc chiếm Biển Đông

Mặt khác, Việt Nam cũng hết sức cảnh giác, đề phòng các thế lực phản động thù địch lợi dụng hành động phi pháp của phía Trung Quốc để kích động bạo loạn, làm xấu đi tình hình quan hệ đối ngoại và đối nội của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc để giải quyết mâu thuẫn, không để vấn đề chủ quyền đối với hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ kinh tế và dân sự khác giữa hai nước, đặc biệt là trong thời điểm thế giới đang bận đối phó với đại dịch COVID-19 và chuẩn bị phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Sputnik: Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn của Sputnik.

Thảo luận