Giá dầu của hợp đồng tương lai WTI tháng 5 trên Sàn giao dịch thương mại New York (NYMEX) hôm thứ Hai đã xuống đến -40,32 USD / thùng. Ngày thứ Ba, giá hợp đồng tương lai cho tháng 5 đã trở lại vùng tích cực: tăng 103,77% - lên 1,42 USD mỗi thùng. Đồng thời, giá kỳ hạn tháng 6 của WTI tăng 4,89% - lên 21,43 USD / thùng.
WTI trong «gương ngược»
Hầu như tất cả các ấn phẩm nước ngoài viết về mức giá tiêu cực cho mác dầu thô WTI đều ghi nhận đặc tính chưa từng có của sự kiện như vậy, trong đó vị trí của người mua và người bán hoán đổi cho nhau.
«Vào ngày thứ Hai, giá dầu dường như nhìn ngược qua gương và rớt xuống giá trị âm, điều này cho ta thấy hình ảnh thế giới dầu mỏ bị đảo lộn hoàn toàn», - tờ Washington Post viết. Như nhận xét của tờ báo này, về lý thuyết, giá trị âm cho thấy rằng bây giờ những người bán «vàng đen» sẵn lòng trả cho khách mua 40 USD mỗi thùng để được nhận lại hàng.
Còn Wall Street Journal thì viết rằng tình huống này chứng tỏ người mua không biết sẽ làm gì với dầu mỏ trong tương lai gần.
New York Times gọi tình hình với giá dầu ở mức âm là «điều vô cùng kỳ quặc», bộc lộ sự lo ngại ngày càng tăng của các nhà đầu tư vì các cơ sở trữ dầu đều đầy tràn và về thực chất có nghĩa là loại dầu này đã mất hết giá trị.
«Trong điều kiện vắng bóng ô tô trên đường hoặc không có máy bay trên bầu trời, các nền kinh tế bị thiệt hại vì đại dịch không còn cần phải tiêu thụ nhiều dầu thô nữa. Do đó, vào thứ Hai tuần này, trên thị trường dầu mỏ đã xảy ra cảnh sụp đổ vô tiền khoáng hậu», - báo Tây Ban Nha Pais mô tả.
«Mức giá âm là chỉ số cuối cùng về độ sâu của cuộc khủng hoảng đã kìm hãm khối dầu mỏ sau khi nhiều nền kinh tế lớn nhất thế giới phải thi hành những hạn chế, dẫn tới tình trạng nhu cầu về dầu giảm 1/3», - tờ Financial Times viết.
Dị thường cá biệt
Báo The Guardian lưu ý rằng vai trò chính trong việc giá dầu lao dốc mạnh như vậy là bởi thực tế rằng thứ Ba là ngày cuối cùng của phiên giao dịch tương lai tháng 5 của mác dầu thô WTI.
Các chuyên gia mà tờ Washington Post phỏng vấn thì nói rằng mức giá âm ghi nhận hôm thứ Hai là «sự dị thường ngắn hạn»: lịch trình giao dịch trùng với tình huống các cơ sở lưu trữ dầu đã gần đầy và «chẳng ai cần đến dầu mỏ nữa».
Cùng lúc này, báo Le Figaro nhấn mạnh rằng động lực của WTI không có nghĩa là mất giá tất cả các mác dầu trên thị trường thế giới. Tờ báo lưu ý rằng giá dầu thô Brent, vốn là cơ sở định giá trên thị trường dầu toàn cầu, vẫn đứng ở mức khoảng 26 USD / thùng.
Còn tờ Washington Post thì gọi việc giá tuột dốc như vậy chỉ là «thoáng qua» và lưu ý thêm rằng tình trạng giá dầu không ảnh hưởng gì đến giá xăng tại các trạm xăng.
Cái gì tiếp theo?
Tờ Financial Times viết rằng sự sụp đổ này «sẽ là đòn giáng mạnh đối với Donald Trump, người đã làm tất cả những gì có thể để bảo vệ khối dầu mỏ, kể cả ủng hộ hoạt động của OPEC và Nga về cắt giảm khai thác và hứa hẹn hỗ trợ ngành công nghiệp». Sau khi giá lao dốc, Trump đã khẳng định kế hoạch của Hoa Kỳ huy động dự trữ quốc gia để bảo lưu số dầu dư thừa.
Tờ New York Times giả định là bây giờ sẽ bắt đầu gia tăng mối lo ngại rằng giao kèo đạt được hôm 12 tháng 4 giữa OPEC, Nga và các nhà sản xuất dầu khác, sẽ không đủ để ngăn chặn tình trạng dư cung cấp của dầu mỏ trên thị trường.
Đến lượt mình, các nhà phân tích mà Times tham vấn đều gọi sự sụp đổ giá tương lai của dầu thô WTI là «mốc lịch sử về quy mô» và lưu ý rằng thực trạng này có thể buộc các nhà sản xuất Mỹ phải ngừng khai thác.