Liệu các công ty Trung Quốc có thể tồn tại mà không cần công nghệ Mỹ?

Công ty Huawei Trung Quốc tuyên bố các biện pháp trừng phạt bổ sung có thể có của Mỹ cấm cung cấp chip sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển của công ty. Theo báo Nikkei Aisan Review, người phát ngôn Huawei cho biết công ty có thể dễ dàng thay thế linh kiện Mỹ bằng thành phần tương tự từ các quốc gia khác.
Sputnik

Trước đó đã có tin cho hay quan chức các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Năng lượng, Thương mại và Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đang thảo luận về khả năng thắt chặt các quy tắc kiểm soát hàng hóa sản xuất ở nước ngoài. Theo các quy tắc hiện hành, giấy phép xuất khẩu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ được yêu cầu ngay cả đối với hàng hóa được sản xuất bên ngoài Hoa Kỳ, nếu ít nhất 25% linh kiện hoặc công nghệ Mỹ được sử dụng để chế tạo. Việc thắt chặt các quy tắc có thể giảm ngưỡng này xuống 10%, và trong một số trường hợp thậm chí là 0%. Nếu các sửa đổi được thông qua, nhà cung cấp chính cho Huawei — công ty TSMC Đài Loan - sẽ không thể bán linh kiện cho đại lục, vì chip TSMC công nghệ cao được sản xuất bằng thiết bị của Mỹ.

Xiaomi thắng thế so với Huawei trên thị trường điện thoại thông minh

Do đó, nếu lệnh trừng phạt đối với Huawei hồi tháng 5 năm ngoái dễ dàng được công ty Trung Quốc vượt qua (ngoại lệ duy nhất là cấm sử dụng dịch vụ của Google, dẫn đến sụt giảm nhu cầu điện thoại thông minh Huawei mới ở thị trường nước ngoài), thì giờ đây Huawei có thể phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều, do chip TSMC được sử dụng trong hầu hết mọi sản phẩm của Huawei - từ điện thoại thông minh đến trạm thu phát sóng và thiết bị chuyển mạch. Do đó, công ty hiện đang tích cực bổ sung kho dự trữ. Bất chấp cuộc khủng hoảng ở Nhật Bản trong quý đầu năm nay, TSMC đã thông báo lợi nhuận ròng tăng gấp đôi trong khoảng thời gian tháng 1- tháng 3, lên 3,89 tỷ đô la. Nhà sản xuất Đài Loan thừa nhận: đó là do Huawei tích cực tăng mua tích trữ linh kiện.

Trong khi đó, theo như Nikkei Asian Review viết, dường như công ty Trung Quốc không lo lắng về những lệnh cấm có thể của Hoa Kỳ. Theo đại diện Huawei, công ty luôn có thể mua sản phẩm chip tương tự từ Samsung, MediaTek, từ các nhà cung cấp Nhật Bản, châu Âu và thậm chí ngay cả ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu Hoa Kỳ thắt chặt kiểm soát xuất khẩu, việc chuyển sang các nhà cung cấp khác vẫn có khó khăn nhất định, bởi vì chính họ cũng phải dựa vào công nghệ Mỹ, chuyên gia Gong Honglie từ Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nam Kinh nói với Sputnik.

Google yêu cầu Hoa Kỳ cho phép hợp tác với Huawei một lần nữa
"Hiện tại, trong các ngành công nghệ cao như chip và vi mạch, các quốc gia khác vẫn không thể làm được nếu không có công nghệ Mỹ. Trong ngắn hạn, khó ai có thể bắt kịp, hoặc vượt qua Hoa Kỳ trong lĩnh vực này. Bởi vì đó là một chuỗi sản xuất phức tạp. Các công ty Mỹ và châu Âu đang ở cấp cao nhất của chuỗi này. Nếu chúng ta nói về Trung Quốc và các nước phía sau khác, họ vẫn còn nhiều điểm nghẽn trong chuỗi sản xuất. Và không thể vượt qua những khó khăn này trong một thời gian ngắn".

Theo đại diện Huawei, ngay cả khi gã khổng lồ viễn thông không thể thiết lập quy trình sản xuất chip của riêng mình, thì tại Trung Quốc vẫn có nhiều công ty khác đang phát triển ngành này. Thật vậy, trong tài liệu chương trình "Sản xuất tại Trung Quốc - 2025", chính quyền đặt mục tiêu đạt 70% thay thế thị phần nhập khẩu, kể cả trong lĩnh vực chip vào năm 2025. Một số nhà sản xuất Trung Quốc đã có những tiến bộ công nghệ. Huawei đặt mua một phần linh kiện từ công ty Semiconductor Manufacturing International Co ở Thượng Hải, ở đây là các chip thế hệ trước. Doanh nghiệp Yangtze Memory Technologies Co., Ltd ở Vũ Hán mới đây công bố phát triển chip flash 3D NAND nguyên mẫu 128 lớp, chưa được bất kỳ công ty nào trên thế giới sản xuất hàng loạt. Các công ty khác, bao gồm cả Samsung Hàn Quốc, cũng đang tích cực phát triển các sản phẩm này, và vẫn chưa rõ ai sẽ là người đầu tiên đi vào sản xuất công nghiệp.

Trong trường hợp Hoa Kỳ thực sự ngăn chặn quyền truy cập vào các công nghệ của mình, sẽ không ai dễ dàng - cả nhà cung cấp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, Hoa Kỳ khó có thể thực hiện các biện pháp quyết liệt như vậy. Trong trường hợp này, tất cả các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài sẽ phải phát triển công nghệ của riêng mình, vì họ không thể từ bỏ thị trường lớn nhất thế giới là Trung Quốc. Và Mỹ cuối cùng sẽ mất nhu cầu về công nghệ của mình, theo chuyên gia Gong Honglie.

Huawei cho ra đời "sát thủ” của hệ thống tìm kiếm Google
"Tôi tin rằng áp lực của Mỹ lên các quốc gia khác, theo quan điểm khoa học và công nghệ sẽ không quá đáng chú ý, chủ yếu vì các nước khác cũng cần nơi tiêu thụ. Việc mất các thị trường này gây ra quá nhiều thiệt hại cho các công ty. Ngay cả các doanh nghiệp Mỹ cũng không coi hành động của chính quyền là đứng đắn. Tất nhiên, nếu Mỹ áp đặt các hạn chế toàn diện, sẽ có tác động nghiêm trọng đến Huawei trong ngắn hạn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ngay cả trong lĩnh vực 5G nói chung, Hoa Kỳ chỉ dẫn đầu về công nghệ trong một vài chuyên nghành hẹp. Nhưng ở Mỹ không có các cụm công nghiệp, mà hiện được đặt tại các quốc gia khác, chủ yếu ở Trung Quốc. Vì vậy, về lâu dài, những hạn chế của Mỹ có thể là con dao hai lưỡi. Do đó không có khả năng Hoa Kỳ sẽ thực hiện các biện pháp cứng rắn toàn diện".

Vẫn chưa biết liệu Donald Trump có ký thông qua những thay đổi đối với các quy tắc này hay không. Ít nhất là vào tháng Hai, khi thảo luận khả năng giảm tỷ lệ công nghệ Mỹ xuống 10% trong các sản phẩm thuộc giấy phép xuất khẩu đặc biệt của Bộ Thương mại, Trump đã phản đối biện pháp này. Ông nói "không muốn việc làm ăn với Mỹ trở nên bất khả thi". Theo ông, một phần đáng kể trong các đề xuất hạn chế, được đệ trình trên bàn làm việc, không liên quan gì đến vấn đề an ninh quốc gia.

Thảo luận