Hỗn loạn vì thiếu thực phẩm
Hôm thứ Tư, tập đoàn Tyson Foods đã thông báo về việc các nhà máy chế biến thịt ở Waterloo, Iowa và Logansport, Indiana ngừng hoạt động. Vài chục nhân viên của các doanh nghiệp này bị nhiễm coronavirus, hai người chết.
"Mặc dù chúng tôi hiểu rằng phải cung cấp thức ăn cho người dân, nhưng sự an toàn của nhân viên là ưu tiên hàng đầu", - trích giải thích trong thông cáo báo chí.
Trước đó, một trang trại gia cầm ở Georgia đã bị đóng cửa - ở đó có ba người chết vì coronavirus.
Nhà máy chế biến thịt Smithfield Food ở Nam Dakota (nơi có hai trăm nhân viên bị nhiễm bệnh), nhà máy Hormel ở Illinois, Cargill ở Colorado và nhà máy chế biến thịt lớn nhất thế giới ở Pennsylvania, thuộc sở hữu của JBS USA, cũng đã buộc phải ngừng hoạt động.
"Điều này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, có thể là thảm khốc cho nhiều thành viên tham gia chuỗi cung ứng thịt, chủ yếu cho người chăn nuôi, - công ty Smithfield Food cảnh báo. - Nông dân không biết đưa động vật của họ đến đâu".
Cụ thể, chỉ riêng công ty Tyson Foods ở Logansport tiếp nhận lợn từ ba trăm trang trại gia đình độc lập thuộc chín tiểu bang. Bây giờ những nhà chăn nuôi này, cũng như những hộ chăn nuôi khác, bị mất khách đặt hàng.
Nhu cầu giảm khiến giá mua giảm. Người chăn nuôi lợn cho biết họ đang mất 37 đô la từ mỗi con lợn được bán, vì vậy giờ đây đối với họ giết mổ lợn có lợi hơn là vỗ béo chúng. Do đó, Ken Sullivan, giám đốc điều hành của Smithfield Food nói với Bloomberg rằng đất nước đang "tiến gần tới bờ vực nguy hiểm của tình trạng thiếu thịt".
"Việc đóng cửa các nhà máy chế biến thịt cộng với danh sách ngày càng dài của các doanh nghiệp bị đóng cửa khác trong ngành của chúng tôi đặt Mỹ vào tình huống rủi ro trong việc cung cấp thịt", - ông nói.
Giá cả tăng vọt
Các nhà phân tích khác cũng đồng ý với Sullivan.
"Tình trạng giá cả tăng vọt và giảm đáng kể đa dạng mặt hàng cung cấp cho người tiêu dùng là điều không tránh khỏi", - chuyên gia thị trường thịt Cassie Fish nói với Bloomberg.
Như đánh giá trong cuộc khảo sát gần đây của công ty đầu tư Horseman Capital, Mỹ cần chuẩn bị cho tình trạng lạm phát trên thị trường thực phẩm.
"Chúng tôi thấy khắp nơi đang có sự trục trặc của chuỗi cung ứng thịt. Kết quả rất rõ ràng: thiếu thịt và giá cả sẽ tăng", - các tác giả của tài liệu nhấn mạnh.
Theo cơ quan phân tích Midwest Market Solutions, giá thịt lợn và thịt bò trong các siêu thị đang tăng nhanh, và đây mới chỉ là sự khởi đầu.
Tình hình trầm trọng hơn bởi sự sụp đổ của hệ thống phục vụ. Thông thường, 36 phần trăm người Mỹ không ăn ở nhà, họ ra quán cà phê, tiệm ăn và nhà hàng. Trong bối cảnh cách ly, mọi cơ sở phục vụ đồ ăn đều bị đóng cửa, và đây là đòn giáng kép đối với thị trường thực phẩm.
Một mặt, nhiều nông dân chuyên giao hàng cho dịch vụ ăn uống công cộng. Hiện nay, vì khách mua không có, họ buộc phải tiêu hủy sản phẩm.
Các nhà sản xuất thực phẩm dễ hỏng như rau tươi hoặc sữa chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Tuần trước Reuters đăng tải câu chuyện của một nông dân tên là Jason Liddle, ông này thừa nhận bản thân mỗi ngày phải đổ ra đất hơn mười nghìn lít sữa.
Mặt khác, vì dịch bệnh, người Mỹ mua nhiều thực phẩm trong các cửa hàng và nấu ăn tại nhà. Điều này làm tăng gánh nặng cho hệ thống bán lẻ và dẫn tình trạng giá tăng hơn.
Tưởng chừng như những người nông dân trước đây cung cấp sản phẩm cho nhà hàng giờ đây chỉ cần sắp xếp nguồn cung cấp cho siêu thị là ổn. Trên thực tế, điều này là bất khả thi, vì họ phải ký kết các thỏa thuận mới giữa nhà cung cấp, nhà phân phối và cửa hàng, làm công tác hậu cần, tổ chức đóng gói, điều này đòi hỏi phải có thêm thiết bị.
Và điều quan trọng nhất là không ai có thể đảm bảo rằng bất kỳ mắt xích nào trong chuỗi trang trại và cửa hàng sẽ không ngừng hoạt động sau vài ngày do coronavirus, như tình trạng đã từng xảy ra với các nhà máy thịt. Do đó, nông dân đang tiêu hủy sản phẩm, ngành thương mại đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt, còn người mua thì phải đương đầu với mức giá ngày càng đắt đỏ.
Theo một nhà phân tích có uy tín, chủ tịch của công ty môi giới Euro Pacific Capital Inc. Peter Schiff, vì tình trạng phá hủy chuỗi cung ứng hàng hóa, siêu lạm phát từ một kịch bản không thực tế nay đã trở thành khả năng dễ xảy ra nhất.
Nếu giá thực sự tiếp tục tăng, Cục Dự trữ Liên bang sẽ phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: tăng lãi suất, hậu quả là hàng ngàn công ty tín dụng sẽ phá sản, hoặc kích động siêu lạm phát, bước đi này có thể hủy hoại bất kỳ nền kinh tế nào.