Việt Nam chẳng sợ kẻ thù nào, nhưng có được hòa bình, khó lắm

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh, có được hòa bình khó lắm. Chúng ta đã đánh rất tốt, có thắng lợi vĩ đại để có được ngày toàn thắng. Chúng ta cũng vượt hai cuộc chiến tranh hai đầu biên giới đầy nhọc nhằn, khó khăn. Có những lúc, Việt Nam bị cô lập khi đưa quân qua Campuchia. Việt Nam đã vượt qua được hết.
Sputnik

Với những gì Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ, toàn quân và dân tộc Việt Nam đã trải qua và đạt được trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với khoảnh khắc cắm cờ trên Dinh Độc Lập trưa 30 tháng 4 năm 1975, Việt Nam đã cho thế giới thấy nhiều bài học lịch sử vô cùng quý giá về công cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp như ngày nay.

Trong khi đó, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Nguyên Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không Không quân, nguyên Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và là con trai của nhà ngoại giao Võ Văn Sung - một trong 5 thành viên chính thức của đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại lễ ký hiệp định Paris 1973 thì khẳng định, quân đội Việt Nam đủ mạnh, đủ tinh nhuệ để đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền đất nước

Tướng Nguyễn Chí Vịnh: Việt Nam đã vượt qua được hết nhưng có được hòa bình khó lắm

Hiểu rõ hơn về cuộc tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử để trân trọng cuộc đấu tranh trường kỳ, gian khổ, của dân tộc Việt Nam với biết bao nhiêu xương máu đổ xuống nơi chiến trường để đi đến thắng lợi huy hoàng trọn vẹn, khi hai miền Nam Bắc thống nhất, non sông về một mối, quét sạch bóng quân thù.

Vì sao Việt Nam thắng lợi trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975?

Có thể nói, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đi vào lịch sử Việt Nam như một dấu son chói lọi, trang sử hào hùng, chiến công hiển hách, đây đồng thời cũng là một trong những sự kiện quan trọng có tầm vóc và ý nghĩa vô cùng lớn lao trong lịch sử thế giới thế kỷ XX đã qua.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có những chia sẻ đặc biệt về ý nghĩa của lịch sử trong đại của ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với VTC - 45 năm ngày non sông về một mối, niềm vui trọn vẹn của toàn dân tộc Việt Nam.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 có ý nghĩa quan trọng, gắn bó mật thiết và thúc đẩy quá trình hoà hợp dân tộc đi tới thành công của Việt Nam ngày hôm này.

Nói về ý nghĩa dấu mốc 45 năm ngày thống nhất đất nước với dân tộc Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhận định, mỗi người Việt Nam có cảm nhận khác nhau về ngày 30/4. Nhưng có lẽ điểm chung nhất là niềm tự hào, là cảm nhận về sự vĩ đại của chiến thắng 30/4.

Theo tướng Vịnh, thời đại Hồ Chí Minh là đỉnh cao của lịch sử dân tộc và chiến thắng 30/4 là dấu ấn đậm nét nhất của đỉnh cao đó. Tất cả có được là nhờ sự lãnh đạo của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn dắt và sự hy sinh anh dũng của toàn dân, toàn quân ta.

“45 năm sau, trong bối cảnh, yêu cầu mới của đất nước, cũng như tình hình mới của thế giới và khu vực, tôi muốn chia sẻ thêm những cảm nhận riêng về sự kiện vĩ đại này. Trước hết, tôi muốn nói đến ý nghĩa của ngày 30/4. Đối với chúng ta hôm nay, đầu tiên là niềm tự hào”, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đây là nhận thức về sự vĩ đại của chiến thắng giành độc lập, tự chủ, thống nhất toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Tướng Vịnh cho rằng, thế hệ ngày hôm nay cần nhận thức đầy đủ, để có trách nhiệm với chiến thắng đó. Tức là, chúng ta phải sống và xây dựng đất nước để chiến thắng ấy ngày càng phát huy và đem lại sự phát triển cho dân tộc.

Nhằm thẳng quân thù mà bắn: Phòng Không – Không quân Việt Nam khiến kẻ thù phải khiếp sợ

“Nhưng, sau năm 1975, đất nước ta dù thống nhất, độc lập tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ, nhưng vẫn chưa có giá trị quan trọng bậc nhất đối với nhân dân - đó là hoà bình. Chúng ta trải qua thêm hai cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới, phải hy sinh biết bao máu xương, để rồi 15 năm sau, những mảnh đất dọc Việt Nam mới thực sự ngừng tiếng súng, người dân mới có đủ cơm ăn áo mặc”, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ.

“Nói như vậy để thấy, có được “hoà bình” khó lắm!”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh bày tỏ.

Thứ trưởng Vịnh nhấn mạnh, ngày hôm nay, những giá trị quan trọng nhất của đất nước mà mỗi người Việt Nam phải cố gắng giữ được, đó là toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, độc lập chủ quyền đất nước và hoà bình.

“Chúng ta đánh vì hoà bình, hy sinh xương máu vì hoà bình thì bây giờ phải giữ bằng được hoà bình cho nhân dân, từ đó mới có nước Việt Nam phát triển. Đấy là hai ý nghĩa sâu sắc của chiến thắng 30/4, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, Tướng Vịnh khẳng định.

Nói về sự kiện lịch sử ngày 30/4/1975, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhận định, chiến thắng này vẫn đang tiếp tục dòng chảy của dân tộc và gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của đất nước.

“Những giá trị nó mang lại cho hôm nay vẫn luôn hiện hữu, và tôi nghĩ rằng, sẽ còn tồn tại mãi mãi”, tướng Vịnh khẳng định.

Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chiến thắng 30/4 ấy không chỉ là giá trị lịch sử, không chỉ là một chương vàng trong lịch sử dân tộc, mà còn có giá trị cho ngày hôm nay, trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, quốc phòng, an ninh đến đối ngoại, kinh tế. Chiến thắng này chi phối và là nền tảng cho tất cả sự phát triển của Việt Nam hôm nay và mai sau.

Tướng Vịnh phân tích, xét ở góc độ quốc phòng – quân sự, dân tộc giành được chiến thắng, thì bây giờ phải duy trì giá trị đó trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, những kinh nghiệm bài học trong chiến tranh cần được gìn giữ, nghiên cứu, phát huy trong tình hình mới, theo kịp tốc độ phát triển của thế giới.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng lấy ví dụ điển hình là phương thức chiến tranh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân được áp dụng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Dù không có cuộc chiến tranh nào nhưng Việt Nam đã sử dụng rất hiệu quả.

Nói về công tác đối ngoại, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, phải coi chiến thắng ấy, giá trị ấy như vũ khí để đấu tranh trong thời bình, bảo vệ lợi ích dân tộc. Đồng thời, cũng để thể hiện rằng khi cần, khi không thể tránh được, Việt Nam luôn luôn đánh thắng những kẻ xâm lược.

“Chúng ta đã đánh rất tốt, có thắng lợi vĩ đại để có được ngày toàn thắng. Chúng ta cũng vượt hai cuộc chiến tranh hai đầu biên giới đầy nhọc nhằn, khó khăn. Có những lúc, Việt Nam bị cô lập khi đưa quân qua Campuchia. Việt Nam đã vượt qua được hết”, tướng Vịnh khẳng định.

Theo vị quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam, đó là chiến thắng quân sự nhưng hơn thế là chiến thắng của lòng nhân ái, của tình yêu hòa bình và lòng yêu nước cháy bỏng của toàn dân tộc, là những giá trị mà chiến thắng 30/4 để lại cho ngày hôm nay.

Việt Nam đã khắc phục hội chứng chiến tranh rất nhanh

Với những gì đã trải qua, với những chiến thắng hào hùng của dân tộc, Việt Nam đã làm được rất nhiều điều phi thường, tưởng như là không thể.

Theo lời Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, dân tộc Việt Nam đã khắc phục hội chứng chiến tranh rất nhanh.

“Việt Nam không còn hội chứng chiến tranh ngay khi chiến tranh chấm dứt. Đó là điều “rất Việt Nam”, tướng Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ.

Ông phân tích, một số nước, như Mỹ chẳng hạn, hội chứng chiến tranh rất nặng nề. Mặc dù họ không bị tàn phá, không mất mát nhiều như Việt Nam. Theo tướng Vịnh, thứ tâm lý này khó đong đếm, nhưng là cản trở lớn nhất cho sự phát triển của một đất nước sau khi trải qua chiến tranh.

Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng: 75 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nhấn mạnh cách mà Việt Nam xử lý với các “cựu thù” để hôm nay sống trong một môi trường quốc tế ổn định.

“Chúng ta làm bạn với tất cả các nước, (trong đó) nhiều nước là cựu thù. Chúng ta không quên quá khứ, nhưng cùng gác lại để xây dựng quan hệ mới, đôi bên cùng có lợi, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Và mục tiêu, yêu cầu và nguyên tắc quan trọng đầu tiên trong mối quan hệ đó là phải tôn trọng độc lập tự chủ và chế độ chính trị của Việt Nam”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định.

Giải phóng Miền Nam: Cú đánh hiểm, bất ngờ, Mỹ và VNCH không kịp trở tay
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam kể một dẫn chứng rất thú vị. Theo đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (gồm 10 nước ASEAN và 8 nước khách mời) do Việt Nam tổ chức tại Hà Nội năm 2010, trong cuộc gặp đầu tiên do Việt Nam tổ chức tại Hà Nội với 18 Bộ trưởng Quốc phòng để bàn về hoà bình, chúng ta có nói với các nước đối tác và các nước ASEAN rằng, không ngạc nhiên khi 18 nước ngồi đây thì có đến gần 10 nước từng đem quân xâm lược Việt Nam.

“Nhưng bây giờ chúng ta là bạn. Việt Nam mong quá khứ đừng lặp lại, đừng nước nào đưa quân đến đất nước chúng tôi nữa. Đấy là yêu cầu quan trọng nhất mà Việt Nam đã đạt được. Việt Nam đã xử lý tốt quan hệ với các cựu thù”, đồng chí Nguyễn Chí Vịnh cho biết.

Ông phân tích, nhiều nước trong ASEAN từng đưa quân sang, rồi nhiều nước phát triển khác cũng theo chân những kẻ xâm lược Việt Nam trong quá khứ. Nhưng ngày nay, Việt Nam có mối quan hệ dễ chịu với họ, đôi bên cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng những giá trị cơ bản của Việt Nam.

Nói về vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt là vấn đề rà phá bom mìn, xử lý dioxin, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, đây là câu chuyện rất dài.  Song chính sách của Việt Nam có từ rất sớm, không chỉ khắc phục cho riêng Việt Nam mà còn khắc phục cho cả những kẻ xâm lược nữa. Ví dụ, hoạt động MIA tìm hài cốt cho Mỹ, Australia, Pháp, Hàn Quốc.

“Việt Nam sẵn sàng làm những nghĩa vụ nhân đạo đó. Chính nhờ chủ trương đúng đắn sau chiến tranh, gác hận thù nhưng không quên quá khứ, Việt Nam đấu tranh một cách bền bỉ để các nước phải có trách nhiệm với những gì họ đã gây ra với nhân dân và đất nước ta”, tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.

Hòa hợp dân tộc: Lợi ích cho cả kẻ thắng, người thua

Chia sẻ về vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, khi nói về chiến thắng 30/4, đúng là một nửa thì vui, một nửa thì không vui.

“Tôi đồng ý rằng, chiến thắng này đem lại lợi ích cho cả người thắng lẫn kẻ thua và thời gian đã chứng minh điều ấy”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nhận xét.

Theo tướng Vịnh, những năm đầu sau 1975, hận thù rất lớn, nhất là từ những người từng làm việc ở chế độ cũ. Tâm tư về sự thua cuộc của họ rất nặng nề. Điều đó khiến chúng ta trải qua giai đoạn rất khó khăn về hoà giải dân tộc. Chúng ta vừa phải giúp người dân nhận thức vấn đề thật đúng đắn, đồng thời khẳng định có kẻ thắng, người thua, không thể “hoà cả làng”.

Giải mã bất ngờ chiếc tàu tên lửa tham gia giải phóng miền Nam

Từ đó, các chính sách của Đảng và Nhà nước giúp những người trong chế độ cũ cảm thấy không bị kì thị, miễn là họ yêu nước. Chúng ta cũng không quay lại bới móc chuyện họ đã làm cho những kẻ xâm lược. Thứ hai, quan trọng nhất hiện nay là vị thế quốc gia và sự phát triển đất nước. Rõ ràng, không thể có chuyện kẻ thua mà xây dựng đất nước Việt Nam như ngày hôm nay được.

“Chúng ta có thể chưa giàu, nhưng có độc lập, có niềm tự hào và lòng kiêu hãnh. Chúng ta không nói là giàu bằng, mạnh bằng nhưng Việt Nam ngồi ngang hàng với tất cả các quốc gia. Vì Việt Nam có độc lập, tự chủ, xây dựng đất nước”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng nhận định, tiến trình hòa hợp, hòa giải dân tộc đã thành công, nhờ chính sách khoan dung của Đảng, Nhà nước, nhưng quan trọng nhất là nhờ sự phát triển đất nước. Điều đó chứng minh chiến thắng ấy đem lại cho chúng ta sự phát triển mới. Người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế không ai là không nhận thức được vấn đề này.

“Chiến tranh phải có kẻ thắng, người thua. Có điều là thắng rồi nhưng không trả thù mà khoan dung, tạo điều kiện cho anh quay lại cuộc sống bình thường. Đó là tấm lòng nhân ái của đất nước Việt Nam”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh bày tỏ.

Ông cho hay, bản thân đã từng gặp nhiều Việt kiều. Họ phấn khởi khi thấy Tổng bí thư, Chủ tịch nước hay Thủ tướng Việt Nam được Tổng thống Mỹ đón trọng thị ở Phòng Bầu dục.

Theo chia sẻ của những Việt Kiều ấy, người Mỹ đã nhìn họ bằng con mắt khác, không phải những người đi ở ké nữa.

“Tôi nghĩ đó là điều cần phân biệt rõ về hoà hợp hoà giải dân tộc. Có thể có những quan điểm khác nhau nhưng cái chung được hưởng là đất nước phát triển, đem lại niềm tự hào cho cả dân tộc”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.

Vấn đề đặt ra theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng hiện nay chính là phát huy tốt sự kết hợp giữa cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với sự phát triển chung của đất nước. Đất nước tạo thuận lợi cho họ quay trở về tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội, có lợi cho đất nước. Ngược lại, cần hỗ trợ để cộng đồng người Việt ở nước ngoài đóng góp nhiều nhất cho quốc gia.

Đồng chí Thượng tướng nhấn mạnh, đóng góp đầu tiên là lòng yêu nước. Tiếp theo là sống phù hợp với luật pháp nước sở tại, đừng để cộng đồng người Việt không được tôn trọng ở nước sở tại. Đó là vấn đề quan trọng nhất.

“Sự kết hợp đó ngày càng tốt lên. Tôi thấy sự hồ hởi của kiều bào khi đất nước ta thắng lợi. Tôi cũng nhìn thấy những đánh giá khác, về chiến thắng 30/4 chẳng hạn, của những người trong chế độ cũ. Còn những người chống đối thì lúc nào cũng có, ở đâu cũng có. Họ là những tiếng nói lạc lõng. Chúng ta cảnh giác nhưng không nên coi đó là đại diện cho bất kì bộ phận nào trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh thẳng thắn.
Quân đội Việt Nam đủ mạnh để bảo vệ chủ quyền đất nước

Cũng chia sẻ về vấn đề hòa hợp dân tộc, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Nguyên Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không Không quân, nguyên Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và là con trai của nhà ngoại giao Võ Văn Sung - một trong 5 thành viên chính thức của đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại lễ ký hiệp định Paris 1973 cũng có những nhìn nhận hết sức sâu sắc.

Tàu sân bay Mỹ vào Việt Nam: trước là kẻ thù, sau sẽ là đối tác

Thượng tướng Võ Văn Tuấn chia sẻ với VnExpress cho biết, vào ngày 30/4/1975, ông còn đang là học viên phi công, chuẩn bị đi học lái máy bay.

“Ba tôi sau khi tham gia đoàn đàm phán ký hiệp định Paris 27/1/1973, tiếp tục ở lại làm đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Pháp. Dù ở cách nhau hàng vạn cây số, sau này kể lại thì cảm xúc của hai ba con đều giống nhau, đó là niềm hạnh phúc vỡ oà vì đất nước được thống nhất”, Thượng tướng Võ Văn Tuấn thuật lại.

Theo tướng Tuấn, cha ông, Đại sứ Võ Văn Sung từng nhận định, các thế lực khi đến xâm lăng luôn tìm cách chia rẽ sự đoàn kết, thống nhất của một quốc gia. Người Việt Nam có những lúc đã ở hai chiến tuyến, nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều là máu đỏ da vàng, đều chung nguồn gốc, đều là con dân của đất mẹ Việt Nam, không ai có thể chia cắt được.

“Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, hoà giải, hoà hợp dân tộc rất cần thiết cho sự phát triển của đất nước chúng ta. Sức mạnh hội tụ sẽ là đôi cánh giúp Việt Nam bay xa hơn”, Thượng tướng Võ Văn Tuấn khẳng định.

Chia sẻ về chính sách quốc phòng mang tính hòa bình, tự vệ được thể hiện trong Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam 2019, nguyên Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không Không quân cho rằng, tất cả quốc gia dù lớn nhỏ đều đặt lợi ích quốc gia của mình lên trên hết. Việt Nam hiện là thành viên tích cực của khối ASEAN, cùng các nước xây dựng nền hoà bình, ổn định của khu vực.

Việt Nam chẳng sợ kẻ thù nào, nhưng có được hòa bình, khó lắm
“Chúng ta nhất quán quan điểm không tham gia liên minh quân sự, vì tham gia với nhóm nước này để chống lại nhóm nước khác sẽ dẫn đến nguy cơ đe doạ an ninh, hoà bình cho dân tộc mình”, Tướng Tuấn phân tích.

Trong Sách trắng quốc phòng 2019, Việt Nam nêu rõ chính sách “bốn không”, nhưng bổ sung “một tuỳ”. Đó là, “tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế”.

Nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân phân tích, đây là điểm mới, thể hiện chúng ta không cứng nhắc, nếu đất nước lâm nguy, an ninh đe doạ, Việt Nam có thể tham gia vào một khối, nhóm nào đó để chống lại âm mưu thù địch, tìm các đe doạ nền hoà bình của mình.

Việt Nam đang nỗ lực bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa thông qua đối ngoại chung và đối ngoại quân sự quốc phòng. Trong khối ASEAN, chúng ta chủ động đề xuất tổ chức hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ADMM, và hội nghị ADMM+ mở rộng với các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nga để tăng cường hoạt động bảo vệ hoà bình, ổn định, phát triển trong khu vực. Bộ đội Việt Nam cũng đang tham gia tích cực vào hoạt động bảo vệ, gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc.

Nét độc đáo nhất của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Thượng tướng Võ Văn Tuấn chia sẻ rất thẳng thắn, chúng ta không đánh người khác nhưng phải luôn phòng vệ để có hàng rào tốt, nếu bị tấn công thì sẵn sàng đáp trả.

“Muốn hoà bình, chúng ta phải khoẻ mạnh. Xây dựng một quân đội hùng mạnh làm rường cột cho đất nước là việc phải làm để đảm bảo hoà bình vững chắc”, nguyên Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không – Không quân khẳng định.

Đó là lý do vì sao quân đội Việt Nam được xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đó là một trong những chiến lược của Nhà nước để đảm bảo không ai dám nhòm ngó, xâm lược.

“Nếu chúng ta yếu, chúng ta phải trả giá cao. Bên cạnh đội quân tinh nhuệ, chúng ta cũng mua sắm và làm chủ vũ khí hiện đại, đảm bảo phòng ngự và tấn công khi cần thiết”, tướng Tuấn cho hay.

Theo ông, dù từng bước hiện đại, Việt Nam có nhiều quân binh chủng tiến thẳng lên hiện đại, đặc biệt là những quân binh chủng thiên về kỹ thuật như Phòng không Không quân, Hải quân, Thông tin liên lạc, Không gian mạng đủ sức để đối đầu và đánh thắng vũ khí, thế lực tương đương có ý đồ xâm lược chúng ta.

“Tôi có thể khẳng định, hiện nay, quân đội Việt Nam đủ mạnh để đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền đất nước”, Thượng tướng Võ Văn Tuấn tuyên bố.
“Tôi tin rằng, các con tôi và lớp trẻ sau này hoàn toàn có đủ tài năng, trí tuệ và sự hiểu biết để gìn giữ hoà bình, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu”, nguyên Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không – Không quân Việt Nam khẳng định.
Thảo luận