Bộ Công an lên tiếng việc có thế lực ngầm bảo kê Đường Nhuệ, vụ CDC Hà Nội

Về vụ án bắt vợ chồng đại gia giang hồ Đường Nhuệ (Nguyễn Xuân Đường và Nguyễn Thị Dương), Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Lương Tam Quang nói, Bộ đang chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Thái Bình khẩn trương mở rộng vụ việc công tâm, không có vùng cấm và không để lọt tội phạm.
Sputnik

Liên quan đến vụ bắt Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho hay, các đối tượng cùng với các công ty cấu kết gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu hệ thống xét nghiệm Covid-19 lên gấp 3 lần. Trung tướng Lương Tam Quang cũng thông tin, hiện nay các đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội, tự nguyện khắc phục, nộp lại khoản tiền.

Đồng thời, trong cuộc họp báo của Chính phủ Việt Nam chiều 5/5, lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng lên tiếng giải đáp về các trường hợp cán bộ không đảm bảo tiêu chuẩn chức danh vẫn được bổ nhiệm, trong khi đó lãnh đạo Bộ Xây dựng cung cấp thông tin về xử lý kỷ luật cán bộ của Thanh tra Bộ Xây dựng.

Bộ Công an nói vụ bắt đại gia Đường Nhuệ: Có hay không thế lực bảo kê?

Chiều ngày 5 tháng 5, trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2020, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Việt Nam Mai Tiến Dũng chủ trì với sự tham gia của đại diện các Bộ: Bộ Công an, Bộ Xây Dựng, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ GTVT, Ngân hàng Nhà nước vv…đã giải đáp nhiều vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm hiện nay. Trong đó, đáng chú ý, có vấn đề liên quan đến nghi vấn vợ chồng đại gia Đường Nhuệ ( Nguyễn Xuân Đường và Nguyễn Thị Dương) ở Thái Bình có chống lưng và được thế lực ngầm bảo kê nên mới tự do lộng hành suốt 10 năm qua.

Bộ Công an bắt Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, Việt Nam sống chung với Covid-19

Tại cuộc họp báo, phóng viên nêu câu hỏi liên quan đến vụ án Đường nhuệ, dư luận đặc biệt quan tâm đến thông tin, rằng có hành vi bảo kê cho đối tượng Đường Nhuệ vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

“Bộ Công an có điều tra hay giao cho Công an tỉnh Thái Bình điều tra thông tin này hay không? Có ý kiến cho rằng, vụ Đường Nhuệ có biểu hiện giống vụ Năm Cam mà chúng ta từng triệt phá. Bộ Công an có nhận xét gì về ý kiến này?”, phóng viên nêu vấn đề.

Trả lời về vụ việc này, Trung tướng Lương Tam Quang khẳng định, qua quá trình theo dõi của Bộ Công an, từ 2010 đến nay, lực lượng Công an Thái Bình đã xử lý 20 vụ, 15 đối tượng, có đối tượng xử lý nhiều lần và có đối tượng có mối quan hệ với bị can Nguyễn Xuân Đường.

“Tuy nhiên, hoạt động của đối tượng Đường Nhuệ rất tinh vi, phần lớn các vụ việc Đường không ra mặt mà chủ yếu các đối tượng khác. Do vậy, chưa có đủ căn cứ để xử lý đối với Đường, quá trình thu thập chứng cứ cũng khó khăn”, Thứ trưởng Lương Tam Quang cho biết.

Theo đại diện Bộ Công an, nhóm giang hồ Đường Nhuệ thực chất là băng nhóm tội phạm có tổ chức, núp dưới danh nghĩa doanh nghiệp, che mắt bằng hình ảnh doanh nhân thành đạt, có các hoạt động thiện nguyện, phương thức thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt đối phó cơ quan chức năng, gây khó khăn trong việc thu thập chứng cứ.

Trung tướng Quang nêu rõ, đến nay, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương vận động quần chúng phát hiện, tố giác hành vi tội phạm của băng nhóm này.

Diễn biến mới vụ cán bộ Công an ở Thái Bình kêu cứu vì cha mẹ bị Đường Nhuệ dọa giết

Giải đáp cơ quan truyền thông về nghi vấn có hay không thế lực bảo kê, chống lưng cho các đối tượng vi phạm, Thứ trưởng Lương Tam Quang nêu rõ, Bộ Công an đang chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình khẩn trương điều tra mở rộng vụ việc một cách khách quan, công tâm, với quan điểm xem xét toàn diện.

“Vi phạm đến đâu xử lý đến đó, làm triệt để, không có "vùng cấm", không bỏ lọt tội phạm song cũng không làm oan người vô tội”, Trung tướng Lương Tam Quang khẳng định.
“Mọi vi phạm đều bị xử lý theo đúng quy định pháp luật, có chứng cứ chứng minh cụ thể. Khi có kết quả điều tra sẽ thông tin đến các cơ quan báo chí”, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.

Đồng chí Lương Tam Quang cho biết, hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thái Bình đang thụ lý vụ việc cố ý gây thương tích xảy ra ngày 30/3, và việc này đúng quy định pháp luật. Đến nay, chuyên án này đang tiếp tục đấu tranh, đồng thời mở rộng điều tra các chuyên án khác có liên quan đến vợ chồng đại gia Đường Nhuệ.

“Chúng tôi cũng đã phục hồi điều tra một số vụ án khác khi thu thập được tài liệu chứng cứ trong quá trình điều tra vụ việc này. Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Công an tỉnh Thái Bình quán triệt tinh thần khẩn trương, kiên quyết, thượng tôn pháp luật, không chịu tác động, ảnh hưởng của bất kỳ ai. Bộ Công an cũng sẽ hướng dẫn, hỗ trợ Công an Thái Bình trong mở rộng chuyên án này”, Trung tướng Lương Tam Quang tái khẳng định.

Đại diện Bộ Công an nêu rõ, hoạt động điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thái Bình sẽ công tâm, khách quan, có sự phối hợp, giám sát của Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp và theo đúng quy định pháp luật.

Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm của Chính phủ đã yêu cầu làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng Nguyễn Xuân Đường. Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm tỉnh Thái Bình chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ hành vi phạm tội “cố ý gây thương tích” của các đối tượng.

“Bên cạnh đó, cần mở rộng điều tra đối với các hành vi có dấu hiệu phạm tội hoạt động có tổ chức, mang tính chất “xã hội đen” của nhóm đối tượng này, đã được các cơ quan báo chí thông tin trong những ngày qua, xử lý nghiêm minh trước pháp luật”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định.

Bắt ông Nguyễn Nhật Cảm: Thứ trưởng Bộ Công an lên tiếng về vụ CDC Hà Nội

Chiều tối 5/5, tại Chính phủ họp báo thường kỳ tháng 4/2020, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an đã trả lời báo giới về những vấn đề liên quan đến vụ án xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội.

Việc Bộ Công an vừa qua nhanh chóng điều tra, làm rõ vụ thông đồng, nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19 xảy ra tại CDC Hà Nội và khởi tố, bắt giam Giám đốc CDC Hà Nội cùng những người liên quan, được dư luận đặc biệt quan tâm.

Vụ Đường Nhuệ: Công an tỉnh Thái Bình điều động Trung tá Cao Giang Nam

Điều báo giới và người dân quan tâm liên quan đến những sai phạm xảy ra tại CDC Hà Nội đó là, đơn vị này đã mua bao nhiêu máy xét nghiệm, hưởng số tiền chênh lệch là bao nhiêu?

Đặc biệt, ngay sau vụ bắt Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm và việc Bộ Công an điều tra mở rộng vụ án, hàng loạt tỉnh, thành phố bắt đầu công bố giảm giá máy xét nghiệm. Đây là dấu hiệu bất thường.

Dư luận quan tâm, ngoài Hà Nội, Bộ Công an sẽ mở rộng điều tra ra các địa phương khác trong việc mua sắm thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 hay không?. Đồng thời, cũng xuất hiện nghi vấn về vấn đề mua sắm trang thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh do coronavirus ở những địa phương khác.

Báo chí nêu thắc mắc, được biết, ngoài điều tra tại CDC Hà Nội, Bộ Công an đã nắm thông tin ban đầu về việc mua máy xét nghiệm tại Quảng Ninh.

“Vậy việc xác minh này như thế nào, Bộ Công an có điều tra tại các tỉnh hay ủy nhiệm cho Công an các tỉnh điều tra hay không?”, phóng viên nêu câu hỏi đối với Thứ trưởng Lương Tam Quang.

Trả lời các cơ quan báo chí, truyền thông, Thứ trưởng Lương Tam Quang xác nhận, ngày 22/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng tại CDC Hà Nội, đồng thời ra Quyết định khởi tố 7 bị can, tạm giam 6 bị can và 1 bị can cho tại ngoại trong quá trình điều tra xác minh.

“Kết quả bước đầu xác định, các đối tượng cùng với các Công ty cấu kết gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu hệ thống xét nghiệm Covid-19 lên gấp 3 lần. Hiện nay các đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội, tự nguyện khắc phục, nộp lại khoản tiền”, Trung tướng Lương Tam Quang cho biết.

Cũng theo Thứ trưởng Lương Tam Quang, qua nắm tình hình, có nhiều địa phương trong cả nước vừa qua cũng tổ chức mua các thiết bị, hóa chất, khẩu trang y tế để chống dịch SARS-CoV-2. Bộ Công an đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ, và Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định, thanh tra.

Vụ Đường Nhuệ: Bút ký của Trung tá Cao Giang Nam và tin đồn con trai Chánh án

Đồng thời, Trung tướng Quang nhấn mạnh, các địa phương đã vào cuộc thanh tra việc thực hiện mua sắm các gói thầu trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh phục vụ phòng chống dịch, trong đó có các gói thầu mua sắm máy xét nghiệm sinh hóa, máy thở, khẩu trang y tế.

“Sau khi Thanh tra Bộ Y tế hoặc Thanh tra các tỉnh thành rà soát, thanh tra, nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan Công an sẽ tiếp nhận, xử lý theo đúng quy định”, Thứ trưởng Lương Tam Quang nêu rõ.

Trước đó, giữa tháng 4/2020, Bộ Công an cho biết, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an về đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) tiến hành điều tra, xác minh làm rõ sai phạm trong quá trình chỉ định thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội và một số đơn vị liên quan.

Quá trình điều tra bước đầu xác định các đối tượng đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.

Cụ thể, hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống dịch Covid-19 khi nhập về Việt Nam có giá 2,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi CDC Hà Nội mua vào lại có giá lên tới 7 tỷ đồng, cao hơn 3 lần.

“Việc nâng giá hệ thống Realtime PCR tự động được các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau. Sau đó, Công ty Cổ phần Định giá và Bán đấu giá tài sản Nhân Thành căn cứ vào đó để đề xuất mức giá và CDC Hà Nội mua vào”, Đại tá Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an (C03) khẳng định.

Ngoài hệ thống xét nghiệm Realtime PCR, trong quyết định phê duyệt gói thầu mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 đợt đầu tiên do ông Nguyễn Nhật Cảm ký còn có những trang thiết bị khác như: bình bơm tay của Đức (12 triệu đồng/chiếc), hệ thống đo thân nhiệt từ xa bằng camera hồng ngoại (1,5 tỷ đồng/bộ). Tổng chi phí của gói thầu này là hơn 30 tỷ đồng.

Công an Thái Bình khởi tố đại gia Đường Nhuệ: Trung tá Cao Giang Nam bị tố cáo?

Trước đó, như đã đưa tin, ăn cứ kết quả điều tra và tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 22/4/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét và Lệnh bắt bị can để tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đối với Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội – Nguyễn Nhật Cảm (sinh năm 1963), Trưởng phòng Tài chính kế toán Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Nguyễn Vũ Hà Thanh (sinh năm 1979).

Ngoài ra, Bộ Công an cũng khởi tố, bắt tạm giam bị can đối với ông Đào Thế Vinh, sinh năm 1975, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST), Nguyễn Trần Duy, sinh năm 1980, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Nguyễn Ngọc Nhất, sinh năm 1986, nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech, Nguyễn Thanh Tuyền, sinh năm 1985, nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông, Lê Xuân Tuấn, sinh năm 1982, nhân viên Phòng Tài chính kế toán Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội.

Vấn đề bổ nhiệm ở Hải Dương, kỷ luật đảng viên của Thanh tra Bộ Xây dựng

Liên quan đến vấn xử lý trách nhiệm với các cán bộ thanh tra vừa bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận sai phạm, làm sao tương xứng mức độ kỷ luật Đảng, đại diện Bộ Xây Dựng, Thứ trưởng Lê Quang Hùng đã cung cấp thêm một số thông tin  về tình hình xử lý kỷ luật đảng viên của Thanh tra Bộ Xây dựng.

Năm Cam, Khánh Trắng: Đường Nhuệ và những kẻ biến chất trong giới chính trị

Ông Lê Quang Hùng nói, cuối tuần vừa rồi được biết Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thông báo xử lý kỷ luật với cán bộ đảng viên thuộc Thanh tra Bộ. Cụ thể, tổng cộng có 8 đảng viên bị kỷ luật, trong đó có 2 đảng viên bị khai trừ đảng. Có một nguyên Chánh Thanh tra, nguyên Bí thư Đảng uỷ nhiệm kỳ 2015-2020 bị kỷ luật cách các chức vụ trong đảng, Chánh Thanh tra, Bí thư Đảng uỷ bị kỷ luật cảnh cáo, 4 đảng viên còn lại bị kỷ luật khiển trách.

“Việc xử lý kỷ luật về mặt chính quyền dự kiến như sau: Hai cán bộ đảng viên bị khai trừ khỏi đảng hiện đang bị tạm giam, tố tụng và xử lý hình sự, 6 cán bộ còn lại sẽ căn cứ Luật Cán bộ công chức để xử lý kỷ luật về mặt chính quyền tương ứng với mức kỷ luật về mặt đảng”, Thứ trưởng Lê Quang Hùng nêu rõ.

Liên quan đến vấn đề tỉnh Hải Dương điều động, chỉ định hai chức danh là Bí thư Thị ủy Kinh Môn và Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch không đúng quy định. Đại diện Bộ Nội vụ cũng có giải đáp chi tiết.

Cụ thể, tỉnh Hải Dương đã bổ nhiệm ông Nguyễn Minh Hùng sang làm Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) không đúng theo quy định của Thông tư 09 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tiêu chuẩn chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc sở do không đủ thời gian công tác. Và trường hợp bà Sái Thị Yến giữ chức vụ Bí thư Tỉnh đoàn khi đã quá tuổi Đoàn và trượt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ở Đại hội Đảng bộ tỉnh năm 2015.

Đường Nhuệ được một số lãnh đạo Công an thành phố Thái Bình chống lưng?

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho hay, việc bổ nhiệm cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật.

“Trước hết là quy định trong Nghị quyết 03-NQ/TW năm 1997 về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vừa rồi Bộ Chính trị cũng ban hành Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4/8/2017 về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nêu rõ.

Đồng thời, việc bổ nhiệm cán bộ thực hiện theo phân cấp của Đảng và của pháp luật như Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, việc báo chí đưa thuộc thẩm quyền của tỉnh Hải Dương.

“Rất mong báo chí gửi thông tin cho Bộ Nội vụ để chúng tôi phối hợp với tỉnh Hải Dương kiểm tra, thanh tra. Việc bổ nhiệm, tuyển dụng thì Bộ Nội vụ cũng thường xuyên thanh tra, kiểm tra nội dung này và đã có tổng hợp, báo cáo để xử lý. Tinh thần chung là cán bộ phải đảm bảo đủ tiêu chí, đúng quy trình bổ nhiệm cán bộ”, ông Nguyễn Duy Thăng khẳng định.
Thảo luận