Về ca bệnh số 251 tử vong vì xơ gan giai đoạn cuối, trước đó từng nhiễm chủng mới virus corona, Trưởng đại diện WHO TS.Kidong Park nhấn mạnh, hoàn toàn tin tưởng kết quả hội chẩn chuyên môn của các bác sĩ Việt Nam. Các chi tiết đưa ra hoàn toàn logic, không có lý do nào để cho rằng không chính xác.
Bộ Y tế cập nhật tình hình chống dịch Covid-19 cho biết: Tính đến sáng ngày 13/5 tại Việt Nam không ghi nhận ca mắc coronavirus mới. Như vậy đã bước sang ngày thứ 27 Việt Nam không có ca mắc SARS-CoV-2 trong cộng đồng.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM thông báo tình trạng sức khỏe của nam phi công người Anh, bệnh nhân số 91 cho hay, phổi của người này đã xơ hóa, đông đặc, chỉ còn 10% hoạt động. Ca bệnh hiện đang phục thuộc hoàn toàn vào ECMO (tim phổi nhân tạo).
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, các cơ quan chức năng, Cơ quan Đại diện Việt Nam tại Liên bang Nga và hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines đã phối hợp với các cơ quan chức năng Nga đưa hơn 340 công dân Việt Nam từ Moskva về nước. Trong khi đó, 274 công dân về nước hôm 10 tháng 5 từ Malaysia, hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng đã có kết quả âm tính lần đầu với coronnavirus.
88% ca mắc Covid-19 của Việt Nam đã được chữa khỏi
Bộ Y tế cho biết, tính đến 6 giờ ngày 13/5, đã 27 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là tín hiệu hết sức khả quan trong công tác phòng chống dịch Covid-19 cũng như chuẩn bị cho quá trình phục hồi, mở cửa trở lại của nền kinh tế, ổn định cuộc sống của người dân, đảm bảo tuân thủ quy định, nguyên tắc chống dịch.
Tại Việt Nam, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 12.634 trường hợp. Trong đó: cách ly tập trung tại bệnh viện: 322, cách ly tập trung tại cơ sở khác: 6.819, cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 5.493 trường hợp.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Việt Nam đã có 252 bệnh nhân mắc nCoV được công bố khỏi bệnh/xuất viện chiếm 88% tổng số ca đang điều trị.
“Chúng ta đã cơ bản đẩy lùi được dịch bệnh”, Bộ Y tế khẳng định.
Đồng thời, cũng theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trong các ca nhiễm coronavirus đang điều trị, số ca âm tính lần đầu với virus SARS-CoV-2 là 7 người. Có 9 trường hợp đã xét nghiệm âm tính 2 lần trở lên. Hiện chỉ còn lại 20 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus.
WHO: Các biện pháp chống Covid-19 của Việt Nam rất nhanh và hiệu quả
Đánh giá về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, đại diện WHO và các chuyên gia thế giới đánh giá cao Hà Nội đã làm rất tốt việc kiểm soát dịch bệnh bệnh thời gian qua.
Việt Nam hiện đang đứng thứ 136/214 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới, 6/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á.
Trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chiều 12/5, TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam nhấn mạnh, ông rất ấn tượng trước các biện pháp rất nhanh, hiệu quả đã được triển khai thời gian qua.
“Các bạn nắm bắt thông tin rất nhanh, chia sẻ minh bạch, kịp thời, áp dụng công nghệ thông tin nhanh nhạy, hiệu quả. Tôi muốn dành thời gian phân tích, tổng hợp các bài học, kinh nghiệm phòng, chống dịch của Việt Nam để chia sẻ với cộng đồng quốc tế”, đại diện WHO khẳng định.
Trên thực tế, hiện tại Việt Nam, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng là rất thấp. Cụ thể, hiện tại, mỗi ngày Việt Nam xét nghiệm khoảng gần 2.000 mẫu, và đến nay đã thực hiện xét nghiệm 275.000 mẫu, phát hiện 288 trường hợp nhiễm coronavirus, phần lớn ở trong cơ sở cách ly tập trung.
“Đánh giá dịch tễ học về nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng hiện rất thấp”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay.
Ban Chỉ đạo quốc gia tập trung điều phối hoạt động của các bộ, ngành, địa phương, lực lượng phòng, chống dịch. Năng lực ứng phó với đại dịch tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là đội ngũ y tế trong chăm sóc, điều trị người nhiễm nCoV ở tất cả các tuyến. Ban Chỉ đạo quốc gia tập trung điều phối hoạt động của các bộ, ngành, địa phương, lực lượng phòng, chống dịch.
Việt Nam đã chủ động sản xuất nhiều trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế, máy thở, thuốc điều trị trong nước. Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện giải pháp ngăn chặn triệt để nguồn lây nhiễm bên ngoài. Tất cả các trường hợp nhập cảnh đều phải cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 2 lần. Nhất là trong tình hình hiện nay, khi thế giới vẫn chưa có vắc xin hay thuốc đặc hiệu điều trị Covid-19 do vậy, dịch bệnh được dự báo sẽ kéo dài nhiều tháng, thậm chí tính bằng năm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trước tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp, Việt Nam phải bao đê cho chặt, nghĩa là phải tiếp tục chính sách quản lý chặt chẽ người nhập cảnh để bảo đảm an toàn, mới có thể nới lỏng được ở bên trong để thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội.
Các lực lượng phòng, chống dịch như y tế, quân đội, công an không được nghỉ ngơi, luôn trong trạng thái sẵn sàng. Đơn cử, ngành y tế tiếp tục triển khai nghiên cứu về thuốc, vắc-xin, phác đồ điều trị, lập hồ sơ sức khoẻ điện tử từng người dân. Lực lượng quân đội, công an tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ thông tin, đóng góp các sáng kiến, bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước nghèo, đang phát triển.
Đại diện WHO lên tiếng về ca tử vong ở Việt Nam từng nhiễm Covid-19
Liên quan đến ca bệnh số 251 đã điều trị khỏi Covid-19 tử vong sau đó do bệnh xơ gan giai đoạn cuối, TS Kidong Park – Trưởng đại diện Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam chia sẻ với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đại diện Bộ Y tế về trường hợp này khẳng định tin tưởng Việt Nam đã minh bạch khi cung cấp thông tin tử vong của bệnh nhân.
Đây là ca bệnh ở Hà Nam (tử vong hôm 1 tháng 5) được Bộ Y tế công bổ tử vong do xơ gan giai đoạn cuối không phải do coronavirus. Bệnh nhân này đã có 4 lần xét nghiệm âm tính liên tiếp với SARS-CoV-2 vào các ngày 10, 12, 15 và 17/4, bệnh nhân được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương xác định khỏi bệnh, không còn bị nhiễm Covid-19, tình trạng các bệnh lý khác ổn định, chuyển tuyến dưới để điều trị bệnh xơ gan từ ngày 17/4. Sau khi bệnh nhân tử vong, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam lấy mẫu xét nghiệm và vẫn cho kết quả âm tính, phổi cũng không bị tổn thương.
Ngày 4/5, Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế đã họp với các chuyên gia đầu ngành và xác định trường hợp tử vong này không phải do coronavirus.
“Do tình trạng xơ gan giai đoạn cuối rất nặng, trước khi tử vong bệnh nhân có biểu hiện hôn mê do suy giảm chức năng gan trầm trọng và rối loạn điện giải. Bệnh nhân tử vong với chẩn đoán do xơ gan giai đoạn cuối”, Bộ Y tế cho biết.
Về trường hợp bệnh nhân số 251 này, TS. Park cho biết, vài ngày trước, WHO cùng Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và các chuyên gia đã tham gia cuộc họp kỹ thuật tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhằm thảo luận về cập nhật hướng dẫn quản lý dịch bệnh, chiến lược xét nghiệm và trường hợp tử vong của bệnh nhân 251 ở Hà Nam.
“Chúng tôi đã rà soát toàn bộ quá trình nhập viện, điều trị bệnh nhân 251 và xem xét rất kỹ các xét nghiệm làm cho bệnh nhân này với 6 lần liên tiếp âm tính với virus SARS-CoV-2”, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định.
“Các chi tiết đưa ra hoàn toàn logic, không có lý do nào để cho rằng không chính xác. Sự tin tưởng này là kết quả của quá trình hợp tác, làm việc lâu dài giữa WHO, các chuyên gia quốc tế với ngành y tế, các phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu dự phòng, dịch tễ tại Việt Nam”, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam phát biểu cho hay.
Bản thân ông Park cảm thấy “rất an toàn khi sống, làm việc tại Việt Nam thời gian qua”. TS. Kidong Park và nhiều chuyên gia quốc tế cảm ơn và đánh giá cao sự chủ động phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin đầy đủ của Việt Nam về mọi hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19, kể cả số liệu về số ca nhiễm bệnh, số ca điều trị khỏi, và hiện vẫn chưa có ca nào tử vong.
Phi công người Anh chỉ còn 10% phổi hoạt động
Sáng ngày 13 tháng 5, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cung cấp thông tin tình hình sức khỏe của bệnh nhân số 91- ca bệnh nặng nhất của Việt Nam tính đến thời điểm này. Theo đó, phổi của nam phi công người Anh bị tàn phá nghiêm trọng. Ca bệnh hiện đang phục thuộc hoàn toàn vào ECMO (tim phổi nhân tạo).
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho hay, tình trạng của bệnh nhân 91 (nam phi công, người Anh, 43 tuổi) tiếp tục có tiên lượng xấu. Kết quả CT Scan phổi cho thấy phổi của bệnh nhân xơ hóa, đông đặc, chỉ còn khoảng 10% hoạt động.
Trong khi đó, ngay trong chiều 12/5, Bộ Y tế Việt Nam đã hội chẩn với giới chuyên gia đầu ngành tại các bệnh viện lớn từ 3 miền. Sau khi xem xét tình hình bệnh nhân để có chỉ định ghép phổi cho nam phi công người Anh 43 tuổi này.
Chiều 12/5, tại điểm cầu Bệnh viện Chợ Rẫy, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng tiểu ban Điều trị cùng Hội đồng chuyên môn đã hội chẩn liên viện về trường hợp bệnh nhân 91. Ông Sơn thống nhất với ý kiến của các chuyên gia là bệnh nhân 91 có chỉ định ghép phổi.
Tuy nhiên, theo các y bác sĩ, trước khi ghép, bệnh viện phải có sự chuẩn bị tốt nhất. Đó là bệnh nhân đã hoàn toàn sạch virus SARS-CoV-2, điều trị nhiễm trùng tích cực. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân này đã nhiều lần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, tuy nhiên xen lẫn trong đó là những lần dương tính yếu. Chi khi nào được khẳng định sạch virus, bệnh nhân sẽ chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy để chuẩn bị ghép phổi.
Ngoài ra, Bộ Y tế giao cho Trung tâm Ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức làm các thủ tục để chuẩn bị tiến hành ghép tạng. Song song với việc chuẩn bị các phương án về chuyên môn, kỹ thuật, nhân lực, nguồn tạng, Tiểu ban Điều trị cũng xem xét các thủ tục về pháp lý và kinh phí điều trị cho người bệnh.
Sáng nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, bệnh nhân nằm yên/an thần, mạch và huyết áp ổn định, có dùng thuốc vận mạch liều thấp. Ống dẫn lưu màng phổi có dịch màu vàng phớt hồng ít, không ghi nhận xuất huyết khác. Bệnh nhân tiếp tục được thở máy, mở khí quản, lọc máu, kháng sinh, kháng nấm, bơm rửa màng phổi và can thiệp ECMO.
Hiện tại, ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cũng đang điều trị cho cả ca bệnh số 287 (người phụ nữ 50 tuổi trở về từ UAE, được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu). Kết quả X-quang phổi của bệnh nhân số 287 cho thấy phổi có tổn thương tăng hơn so với trước.
Kết quả nghiệm mẫu bệnh phẩm ngày 12/5 cho thấy bệnh nhân dương tính với coronavirus. Sáng nay, bệnh nhân tỉnh, thở oxy mũi. Bệnh nhân có thể tự sinh hoạt bình thường, còn ho nhưng không sốt, mạch và huyết áp ổn định.
Về trường hợp bệnh nhân số 271 đang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết, ca bệnh có tình trạng sức khỏe ổn định.
Sở này cũng thông tin, hiện tổng số trường hợp nghi nhiễm tại TP.HCM tới thời điểm hiện tại là 403 người, đều có kết quả xét nghiệm âm tính, trong ngày 12/5 không phát hiện thêm trường hợp nghi nhiễm.
Đồng thời, TP.HCM đã thực hiện theo dõi, xét nghiệm 48 bệnh nhân xuất viện cư trú tại TP.HCM. 27 trường hợp đã hết thời gian theo dõi. Giám sát Covid-19 đối với toàn bộ tổ bay của các chuyến bay quốc tế có lưu trú tại thành phố. Đã lấy mẫu xét nghiệm 483 người, 429 có kết quả âm tính, còn lại đang đợi kết quả.
Về ca bệnh nặng số 20 (bác ruột bệnh nhân số 17), Bộ Y tế cho biết, nữ bệnh nhân này đã chuyển trạng thái từ bệnh nhân nguy kịch sang nặng, hồi phục tốt, đã tự thở khí phòng, hiện vẫn đang được điều trị tích cực ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Bác của bệnh nhân số 17 là là một trong số ít bệnh nhân để lại nhiều dấu ấn nhất trong công tác điều trị bệnh nhân nhiễm coronavirus tại Việt Nam. Theo đó, người bệnh có thời gian nằm viện lâu nhất- trải qua hơn 2 tháng điều trị (bệnh nhân phát hiện mắc bệnh từ 7/3/2020) và là một trong 3 bệnh nhân nặng nhất, hôn mê dài.
Bệnh nhân số 20 này cũng là một trong 2 bệnh nhân chạy ECMO (hệ thống tim phổi ngoài lồng ngực). Có lúc tưởng chừng bệnh nhân đã tử vong (đã ngừng tim, phải ép tim và cấp cứu liên tục gần 40 phút) nhưng lại hồi phục ngoạn mục (hiện bệnh nhân đã tập thở, tập vận động).
Có được kết quả như hôm nay là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ Y tế, sự tham gia tích cực của các đơn vị chuyên môn liên quan, đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ.
340 công dân Việt Nam từ Nga về nước, 274 người về từ Malaysia đều âm tính
Ngày 13/5, Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế cho hay, trong các ngày 12 và 13/5/2020, các cơ quan chức năng Việt Nam, Cơ quan Đại diện Việt Nam tại Liên bang Nga và hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines đã phối hợp với các cơ quan chức năng Nga đưa hơn 340 công dân Việt Nam từ Moskva về nước.
Ngay sau khi hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), tất cả hành khách đều được đưa vào khu cách ly tập trung, theo dõi và lấy mẫu xét nghiệm để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Trước đó, trên chuyến bay tới Nga ngày 12/5, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam cũng đã vận chuyển một số hành khách Nga hồi hương.
Trong số 340 công dân được hồi hương dịp này, có các trường hợp ưu tiên như trẻ em dưới 18 tuổi, du học sinh không có nơi lưu trú do trường học và ký túc xá đóng cửa, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người ốm đau, người đi du lịch và quá cảnh từ các nước khác bị kẹt lại, người lao động hết hạn thị thực và hợp đồng lao động.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong bối cảnh nước Nga thực hiện các lệnh giới nghiêm vì dịch bệnh, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã hướng dẫn công dân thực hiện các thủ tục cần thiết; phối hợp với các cơ quan chức năng Nga tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong quá trình di chuyển đến sân bay. Đại sứ quán cũng cử cán bộ tới sân bay để trực tiếp hỗ trợ công dân trong quá trình làm thủ tục lên máy bay.
Với mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho công dân, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, Vietnam Airlines đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp về an ninh, an toàn và vệ sinh dịch tễ trong suốt chuyến bay. Ngay sau khi hạ cánh an toàn xuống sân bay quốc tế Vân Đồn, những người tham gia chuyến bay đã được kiểm tra y tế và đưa về cơ sở cách ly tập trung theo đúng quy định.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng thông tin cho biết, 274 công dân Việt Nam trở về từ Malaysia trên chuyến bay VN647 ngày 10/5 có kết quả âm tính lần đầu tiên với coronavirus.
Chuyến bay VN647 của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia) đã đáp xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng lúc 20h20 ngày 10/5 vừa qua. Toàn bộ hành khách được đo thân nhiệt, kiểm tra sức khoẻ, khai báo y tế, mặc đồ bảo hộ. Sau đó, được đưa đến các khu cách ly tập trung do Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Đà Nẵng bố trí là Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên Đồng Nghệ (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) và Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng- An ninh, Trung đoàn 971, Bộ Chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng, cách ly tập trung 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế.