90% ca mắc Covid-19 khỏi bệnh: Việt Nam đủ điều kiện công bố hết dịch coronavirus?

Theo Bộ Y tế: Tính đến sáng 14/5, đã 28 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc coronavirus mới trong cộng đồng. 90% số bệnh nhân nhiễm nCoV của Việt Nam đã được chữa khỏi (260/288 trường hợp bình phục). Liệu Việt Nam đã đủ điều kiện công bố hết dịch Covid-19 hay chưa?
Sputnik

Hiện nay, trên khắp cả nước chỉ còn 28 ca đang điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó đã có 17 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính từ một lần trở lên đối với SARS-CoV-2. Hôm nay 14/5 cũng có thêm 8 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh/xuất viện.

Phi công người Anh đã tìm được người thân và đang được các y bác sĩ Việt Nam lọc máu, bơm rửa màng phổi, nỗ lực cứu chữa, tìm mọi biện pháp giữ lại mạng sống cho bệnh nhân. Đồng thời, cũng đã có 10 người Việt đăng ký hiến phổi cứu bệnh nhân số 91. Trong khi đó, bác ruột của bệnh nhân số 17 hồi phục tốt, sắp ra viện trong thời gian tới.

Về vấn đề khi nào Việt Nam đủ điều kiện công bố hết dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế và Đại tá Hà Thế Tấn, Viện phó Y học Dự phòng quân đội cũng có những nhận định liên quan đến vấn đề này.

90% bệnh nhân nhiễm Covid-19 của Việt Nam đã khỏi bệnh

Theo Bộ Y tế, hôm nay ngày 14/5, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có thêm 8 bệnh nhân nhiễm nCoV được công bố khỏi bệnh/xuất viện. Trong số này có một trường hợp tái dương tính với SARS-CoV-2 và một bác sĩ khoa Cấp cứu của Bệnh viện.

WHO: Việt Nam minh bạch thông tin dịch Covid-19

Với 260 trường hợp nhiễm Covid-19 đã được chữa khỏi, 90% số ca mắc coronavirus của Việt Nam đã bình phục. Đây là điều vô cùng đáng mừng khi Việt Nam chưa hề có ca tử vong do virus corona, đồng thời, toàn ngành Y tế đang chiến đấu hết mình giành giật sự sống cho các bệnh nhân nặng khỏi lưỡi hái tử thần của SARS-CoV-2.

Theo Bộ Y tế, những bệnh nhân được công bố khỏi bệnh/xuất viện hôm nay 14/5 là: ca bệnh số 50, 134, 141, 185, 193, 196, 244 và 263. Hiện tại các bệnh nhân trên sức khỏe ổn định, không sốt, không ho, không khó thở và sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

Bệnh nhân số 50, người đàn ông 50 tuổi ở Ba Đình, Giảng Võ, Hà Nội. Đây là một trong 5 bệnh nhân nặng phải thở máy xâm nhập tại bệnh viện. Sau khi được công bố khỏi bệnh hôm 14 tháng 4, bệnh nhân này lại bị tái dương tính. Tuy nhiên, đến nay, bệnh nhân đã được điều trị và thực hiện xét nghiệm lại, kết quả thêm 2 lần âm tính với coronavirus, đủ điều kiện xuất viện.

Bệnh nhân số 134 là nam thanh niên 20 tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội. Người này vào viện hôm 25 tháng 3, đã xét nghiệm hai lần âm tính với nCoV.

Ca bệnh số 141 là cô gái 29 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội. Đây cũng là bác sĩ trực Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Trường hợp này nhập viện hôm 21/3 và đã hai lần xét nghiệm âm tính với nCoV.

Một bệnh nhân mắc Covid-19 được chuyển lên tuyến trên điều trị

Bệnh nhân số 185 là người đàn ông 38 tuổi ở Hoài Đức, Hà Nội. Người này vào viện hôm 29 tháng 3, cũng được xét nghiệm 2 lần âm tính liên tiếp với SARS-CoV-2.

Nữ bệnh nhân số 193, 21 tuổi ở Hải Hậu, Nam Định hôm nay cũng được xuất viện. Người này nhập viện hôm 30 tháng 3. Đã hai lần âm tính với nCoV.

Ca bệnh số 196 là người phụ nữ 34 tuổi ở Thường Tín, Hà Nội. Bệnh nhân vào viện hôm 30 tháng 3, 2 lần được xét nghiệm và cho kết quả âm tính.

Trường hợp bệnh nhân số 244 là người phụ nữ 44 tuổi ở Bố Trạch, Quảng Bình. Người này nhập viện hôm 6 tháng 4 và đã hai lần xét nghiệm âm tính với coronavirus.

Tiếp đến là bệnh nhân số 263. Đây là người phụ nữ 45 tuổi ở Mê Linh, Hà Nội. Ca bệnh được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ hôm 13 tháng 4. Đã hai lần xét nghiệm âm tính với Covid-19. Đủ điều kiện xuất viện. Các bệnh nhân này vẫn sẽ tiếp tục được theo dõi chặt chẽ và lấy mẫu xét nghiệm trong 14 ngày tiếp theo.

28 ngày Việt Nam không có ca mắc Covid-19 ở cộng đồng

Đã hỗ trợ hơn 20.000 tỷ đồng cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19
Sáng 14/5, theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết, tính đến 6h ngày 14/5, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 28 không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đồng thời, Việt Nam có tổng cộng 148 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Đây là yếu tố then chốt, ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ vùng dịch ngoài nước khi thực hiện công tác bảo hộ công dân, đưa đón người Việt từ nước ngoài hồi hương tránh dịch.

Hiện trên cả nước có tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 13.719 người, trong đó có 324 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 7.254 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 6.141 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Về tình hình điều trị, đến thời điểm này đã có 260 bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam được công bố khỏi bệnh/xuất viện, chiếm 90% tổng số ca nhiễm. Chỉ còn 28 bệnh nhân đang điều trị tại một số cơ sở y tế. Đa số các bệnh nhân đều có sức khoẻ ổn định.

Đồng thời, theo Tiểu Ban Điều trị, trong số các bệnh nhân nhiễm coronavirus đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện đã có 6 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần đầu tiên với SARS-CoV-2 và 11 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên.

Ngoài ra, hôm nay 14/5, sau 28 ngày, 399 hộ dân với 1.239 nhân khẩu xóm Trên, thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín đã được công bố dỡ bỏ cách ly theo quy định.

Ca nhiễm Covid-19 toàn cầu vượt 4 triệu, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mắc mới

Trước đó, tại ổ dịch xóm Trên, thôn Đông Cứu đã ghi nhận 1 người mắc Covid-19. Nhưng kể từ ngày 14/4 đến nay, tính từ khi bệnh nhân số 266 ở xóm Trên được công bố, tại ổ dịch này không phát sinh ca nhiễm mới. Trước thời điểm công bố kết thúc cách ly, 100% người dân xóm Trên, thôn Đông Cứu đều được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, để chủ động trong công tác phòng, chống dịch ở thời kỳ mới, Chủ tịch UBỆNH NHÂND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy yêu cầu các cơ quan, phòng, ban, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng chính quyền địa phương và người dân xóm Trên, thôn Đông Cứu tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBỆNH NHÂND TP trong thời kỳ thực hiện nhiệm “nhiệm vụ kép”, vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch Covid-19.

Đối với bệnh nhân số 266, sau khi khỏi bệnh trở về địa phương vẫn cần được tiếp tục theo dõi cách ly tại nhà và thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm để kiểm tra, đề phòng hiện tượng tái dương tính với virus corona.

Tìm được người thân phi công người Anh, bác ruột bệnh nhân số 17 sắp ra viện

Theo thông báo của Tiểu Ban Điều trị cho biết, bệnh nhân số 91 là nam phi công người Anh tiếp tục được thở máy, mở khí quản, lọc máu, kháng sinh, kháng nấm, bơm rửa màng phổi và can thiệp ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo).

Việt Nam là hình mẫu chống Covid-19, nhưng virus corona đã biến đổi bất thường

Theo thông tin mới nhất từ Tiểu ban điều trị cho biết, bệnh nhân số 91 là nam phi công người Anh đang được các y bác sĩ nỗ lực cứu chữa, tìm mọi biện pháp giữ lại mạng sống tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh hôm nay nằm yên, có sử dụng thuốc an thần, mạch và huyết áp ổn định, có dùng thuốc vận mạch liều thấp.

Bệnh nhân tiếp tục được thở máy, mở khí quản, lọc máu, kháng sinh, kháng nấm, bơm rửa màng phổi và can thiệp ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo). Hiện, kết quả CT scan phổi cho thấy, hai phổi của nam phi công đã xơ hóa, đông đặc, chỉ còn 10% hoạt động.

“Quan điểm của hội đồng chuyên môn, của các thành viên tham gia cuộc hội chẩn là còn nước còn tát, không phải vì giữ con số 0 người tử vong trong dịch Covid-19 này ở Việt Nam”, thành viên nhóm chuyên gia Hội chẩn của Bộ Y tế nhấn mạnh.

Hôm nay, tin đáng mừng là cơ quan có chức năng của Anh cũng thông báo cho Bộ Y tế Việt Nam rằng họ đã tìm được một người thân của bệnh nhân – một người cô. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, bệnh nhân người Anh này mồ côi và chưa có gia đình.

Cụ thể, nam phi công người Anh chưa có vợ con và cũng không có bố mẹ (hiện vì lý do gì thì chưa rõ, hoặc cha mẹ bệnh nhân đã không còn). Tính đến sáng 14 tháng 5, đã có 10 người đề nghị hiến phổi để cứu bệnh nhân số 91. Nam phi công này hiện đang hoàn toàn phụ thuộc vào ECMO, chỉ cần thiếu tim phổi nhân tạo, bệnh nhân sẽ chết.

Trong hội chẩn ngày 12/5, Bộ Y tế cũng đã tiến hành liên lạc với hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) và được biết phi công người Anh bay cho VNA thông qua một công ty điều phối nhân lực hàng không, không phải phi công cơ hữu của hãng.

Bệnh nhân số 91 gần như đang “thập tử nhất sinh”, phổi gần như đông đặc, xét nghiệm lúc âm tính nhưng lúc lại dương tính với Covid-19 (kết quả xét nghiệm gần nhất đã âm tính), có lúc rối loạn đông máu đến mức phải thay quả lọc nhiều lần, không đáp ứng với thuốc điều trị rối loạn đông máu hiện có, bệnh viện phải nhập thuốc từ nước ngoài để chữa trị và sắp tới chỉ còn phương án ghép phổi cho bệnh nhân là hi vọng cuối cùng.

“Kết quả CT scan phổi bệnh nhân 91 - phi công người Anh cho thấy toàn bộ 2 lá phổi đã xơ hóa đông đặc, chỉ còn khoảng 10% vùng phổi còn hoạt động. Với tình trạng này, bệnh nhân sẽ chết nếu dứt ECMO (oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể, thiết bị hỗ trợ thay thế tim phổi), vì vậy cách duy nhất để cứu bệnh nhân là ghép phổi”, BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho Tuổi trẻ hay.

Hiện nay, các bác sĩ vẫn đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để có thể ghép phổi cho bệnh nhân. Trước hết là điều trị đảm bảo âm tính với coronavirus, rồi sẽ chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Chợ Rẫy.

Thêm 17 người dương tính: Việt Nam có nguy cơ thêm nhiều ca mắc Covid-19 mới

Khi tìm được phổi hiến tặng phù hợp với bệnh nhân về sinh hóa, miễn dịch, kích thước lá phổi, bệnh nhân sẽ được các chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức và nhiều bệnh viện khác ghép phổi tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nỗ lực giữ lại mạng sống cho bệnh nhân.

Sở Y tế TP.HCM, sáng nay cho hay, ngày 14 tháng 5, Thành phố còn 3 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị.

Ngoài ca bệnh nặng số 91, hai trường hợp còn lại có sức khỏe không đáng lo ngại. Cụ thể, bệnh nhân 271 đang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, tình trạng sức khỏe ổn định. Bệnh nhân 278 (chuyển từ tỉnh Bạc Liêu lên) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, hiện tỉnh táo, còn ho, không sốt, mạch và huyết áp bình thường.

Theo Bộ Y tế, đến chiều qua, 13/5, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân Covid-19 số 20 (trước đó gọi là bệnh nhân số 19) – người phụ nữ 64 tuổi, ở Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội, bác ruột bệnh nhân số 17 đã lần đầu tiên có thể tập đi những bước đầu tiên sau hơn 2 tháng nằm trên giường bệnh.

Nữ bệnh nhân hồi phục kỳ diệu, sức khỏe tiến triển tốt dần lên, tinh thần tỉnh táo, ăn uống được. Đây cũng là bệnh nhân Covid-19 có thời gian nằm điều trị dài ngày nhất tại Việt Nam, kể từ khi dương tính vào ngày 7/3 đến nay đã trải qua gần 2 tháng rưỡi được các bác sĩ tích cực điều trị và cứu chữa.

Cũng trong sáng 14/5, thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, bệnh nhân số 20 này sẽ được xuất viện trong tuần tới.

Vì sao Việt Nam vẫn chưa thể công bố hết dịch Covid-19?

Với 28 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng, liệu Việt Nam đã đủ điều kiện công bố hết dịch Covid-19 hay chưa? Đặc biệt là theo Quyết định 07/2020 ngày 26/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về sửa đổi một số Điều của Quyết định 02/2016/QĐ-TTg về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm, căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm Covid-19 đó là 28 ngày không phát hiện ca nhiễm mới.

Khi nào Việt Nam có vắc-xin chống Covid-19?

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế chia sẻ với Tổ quốc về việc, Việt Nam đã đủ điều kiện công bố hết dịch Covid-19 hay chưa. Theo đó, vị chuyên gia cho biết, hiện, Việt Nam vẫn chưa đủ điều kiện công bố hết dịch bệnh vì bẫn còn bệnh nhân mắc nCoV đang điều trị tại bệnh viện. Tiếp đến là nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ nước ngoài về Việt Nam vẫn còn. Thực tế, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang còn, trong khi đó chúng ta vẫn đang có rất nhiều người Việt Nam trở về từ nước ngoài.

“Chính vì vậy, các đơn vị y tế, y tế dự phòng vẫn đang phải thường trực để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ dập dịch nếu bùng phát trở lại. Nếu chúng ta công bố hết dịch thì mọi hệ thống sẽ ngừng, ngành y tế sẽ không phải trực nữa, cho nên chưa thể công bố hết dịch được”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho biết.

Nhận định về việc Việt Nam cũng không nhất thiết phải công bố hết dịch, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, điều này là hợp lý và chỉ mang tính hình thức. Đồng thời, Việt Nam cũng đang dần nới lỏng các hoạt động, cũng có thể đến lúc trong nước hoàn toàn trở lại bình thường nhưng một mặt vẫn phải chống dịch. Đến lúc đó phải không còn ca dương tính nào nữa và đã chữa xong rồi, nguy cơ hạ đến mức thấp nhất.

Vị chuyên gia lưu ý, mặc dù trong nước chúng ta có thể bình thường, tuy nhiên, để thông thương với nước ngoài thì còn phải chờ đợi tình hình dịch bệnh ở quốc tế.

Điểm cốt tử chống Covid-19 ở Việt Nam

Về thời điểm phù hợp để công bố hết dịch, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, hiện nay, Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng đến ngày thứ 28 rồi, đây là một thắng lợi đáng mừng.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, dù cộng đồng đã cơ bản hết dịch, nhưng vẫn còn nhiều trường hợp đang điều trị trong bệnh viện, có những người còn dương tính, có những người âm tính 1 lần. Cho nên, phải đến khi nào những người này không còn dương tính nữa, trên lãnh thổ Việt Nam không còn người nào còn mắc Covid-19.

“Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, chúng ta vẫn đón dòng người từ nước ngoài trở về, họ vẫn phải cách ly, các trường hợp dương tính vẫn tiếp tục phải vào bệnh viện để điều trị. Chính vì vậy, nguy cơ dịch bệnh hiện vẫn đang còn. Khi chúng ta công bố hết dịch mà dịch bệnh bùng phát lại thì khởi động lại hệ thống phòng dịch sẽ rất khó”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga khẳng định.

Cũng chia sẻ về điều kiện công bố hết dịch, Đại tá Hà Thế Tấn, Phó viện trưởng Viện Y học Dự phòng quân đội nói với VnExpress cho biết, với các bệnh truyền nhiễm, từ khi ghi nhận ca bệnh cuối cùng đến thời điểm hai lần thời gian ủ bệnh mà không phát hiện ca nhiễm mới, thì có thể công bố hết dịch.

“Covid-19 có thời gian ủ bệnh 14 ngày, vậy nên sau 28 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới thì có thể công bố hết dịch trong cộng đồng”, Đại tá Hà Thế Tấn chỉ rõ.

Việt Nam chỉ còn 39 ca mắc Covid-19 đang được điều trị
Vị Phó viện trưởng Viện Y học Dự phòng quân đội lưu ý rằng, vì Covid-19 là dịch bệnh mới, chưa có nghiên cứu đầy đủ nên vẫn có thể xảy ra trường hợp có thời gian ủ bệnh kéo dài hơn 14 ngày. Trong số ca nhiễm ở Việt Nam, đa số thời gian ủ bệnh từ 3 đến 7 ngày, chưa ghi nhận trường hợp nào trên 14 ngày. Vì vậy, Việt Nam đủ điều kiện công bố hết Covid-19 trong cộng đồng. Nhưng trong nước vẫn còn ca nhiễm coronavirus đang điều trị tại cơ sơ y tế hoặc trung tâm cách ly, nên chưa thể công bố hết Covid-19 trên toàn quốc.

“Việt Nam vẫn nên tiếp tục duy trì chính sách hạn chế, kiểm soát và cách ly đối với người nhập cảnh, để tránh nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài”, Đại tá Hà Thế Tân nhấn mạnh.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng thẳng thắn cho rằng, dù nguy cơ lây nhiễm cộng đồng ở Việt Nam ở mức rất thấp, nhưng không thể lơ là, chủ quan.

“Còn vấn đề Việt Nam có công bố hết dịch hay không, chúng tôi xác định đến khi có đủ điều kiện và không còn ca nào nhiễm bệnh thì mới công bố. Chúng ta vẫn đặt trong tình trạng luôn luôn sẵn sàng, không được chủ quan, lơ là, để đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định.
90% ca mắc Covid-19 khỏi bệnh: Việt Nam đủ điều kiện công bố hết dịch coronavirus?
Thảo luận