Tới 60 triệu người trên khắp thế giới có thể rơi vào tình trạng cực kỳ nghèo đói do đại dịch coronavirus, David Malpass, người đứng đầu Ngân hàng Thế giới nhận định.
"Ước tính của chúng tôi là có tới 60 triệu người sẽ rơi vào tình trạng nghèo cùng cực, điều này sẽ biến tất cả những tiến bộ trong việc xóa đói giảm nghèo trong ba năm qua trở về con số không. Dự báo của chúng tôi cho thấy một cuộc suy thoái sâu sắc", - Sputnik dẫn lời ông Malpass.
Theo ông, ngân hàng đang cố gắng giúp đỡ mọi người bằng cách cung cấp các khoản vay ở 100 quốc gia.
Ngân hàng cam kết cung cấp khoản vay trị giá 160 triệu đô la vào giữa năm 2021, ông Malpass cho biết, đồng thời nói thêm rằng những nỗ lực này chưa đủ. Ông kêu gọi các nước chủ nợ tham gia sáng kiến G20, tức là công bố lệnh cấm thanh toán nợ của một số nước đang phát triển.
Trả lời phỏng vấn của Sputnik, Mikhail Belyaev, Tiến sĩ Kinh tế, chuyên gia tại RISI (Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga) đã bình luận về đánh giá cùa Ngân hàng Thế giới.
"Hầu hết các dự báo xuất phát từ cái gọi là kịch bản quán tính, nghĩa là dự đoán các sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai mà không tính đến thực tế rằng có thể và cần phải xảy ra một số thay đổi trên thế giới có thể ngăn chặn điều này. Coronavirus cùng với tất cả các biện pháp kiểm dịch giáng đòn nghiêm trọng vào nền kinh tế thế giới, phá vỡ chuỗi hoạt động, làm giảm GDP. Nhưng chịu thử thách nặng nề nhất là các nước đang phát triển. Đã có dự đoán rằng ở Châu Phi hàng chục triệu người sẽ có thu nhập ít hơn mức tối thiểu, nghĩa là dưới mức nghèo đói. Nhưng theo nhiều cách, chức năng của những dự báo này là như vậy: chúng cho thấy điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không làm gì. Sẽ khó ngăn chặn sự phát triển của kịch bản này, nhưng với những nỗ lực chung, hợp tác của cả thế giới, có những cơ sở chính đáng để ngăn chặn những hậu quả tiêu cực nhất," - ông Mikhail Belyaev nói.