Đại diện VKS cho rằng, hành vi sai phạm của bị cáo Nguyễn Văn Hiến khiến Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý, sử dụng ba khu đất này trong 49 năm, gây thiệt hại hơn 939 tỷ đồng. Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Văn Hiến cùng lúc phải đảm đương nhiều chức trách, thời điểm xảy ra vụ án cũng là lúc tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp. Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng tin tưởng các cơ quan chuyên môn tham mưu, tin tưởng vào việc bàn bạc tập thể song “không có động cơ, mục đích vụ lợi”, do đó đề nghị 3-4 năm tù.
VKS xác định hHành vi của bị cáo Đinh Ngọc Hệ không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của nhà nước mà còn gây lũng đoạn trong chính sách phát triển kinh tế, làm hư hỏng một số lượng không nhỏ cán bộ nhà nước, trong đó có một số cán bộ cao cấp của quân đội, đưa nhiều người khác vào vòng lao lý, trong đó có người cháu ruột của mình (Vũ Thị Hoan), nên Út trọc bị đề nghị 20 năm tù.
Cựu Tư lệnh Hải quân Nguyễn Văn Hiến bị đề nghị 3-4 năm tù
Theo đó, phiên tòa hôm nay bước sang phần tranh luận, đại diện VKS cũng đã nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.
Đại diện VKS nhấn mạnh, nội dung vụ án đã thể hiện rõ trong cáo trạng và được kiểm chứng tại tòa.
Đối với bị cáo Nguyễn Văn Hiến, VKS nhận định, cựu Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã thiếu kiểm tra, tin tưởng sự tham mưu của cấp dưới nên ký phê duyệt ba khu đất quân sự (khu đất số 2, số 7-9, số 9-11 đường Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP.HCM) vào liên doanh, trong khi bản chất đây là cho thuê đất không đúng pháp luật.
Hậu quả hành vi sai phạm của bị cáo Hiến khiến Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý, sử dụng ba khu đất này trong 49 năm, gây thiệt hại hơn 939 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bản luận tội của VKS cũng trình bày, bị cáo Nguyễn Văn Hiến cùng lúc phải đảm đương nhiều chức trách, thời điểm xảy ra vụ án cũng là lúc tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp.
Theo đại diện VKS, có đủ căn cứ xác định bị cáo Hiến không kiểm tra và chỉ đạo kiểm tra năng lực thực tế của Công ty Yên Khánh, không kiểm tra việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng ba khu đất trên đường Tôn Đức Thắng, không kiểm tra việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Quốc phòng.
Sau khi ủy quyền cho Giám đốc Công ty Hải Thành ký hợp đồng, bị cáo không trực tiếp kiểm tra việc thực hiện của các cơ quan và Công ty Hải Thành, dẫn đến bị đối tác sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang đi thế chấp, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển nhượng quyền sở hữu cho bên thứ ba.
Tuy vậy, đại diện VKS nêu quan điểm cho rằng, các văn bản do bị cáo Nguyễn Văn Hiến ký, phê duyệt đều do các cơ quan tham mưu, đề xuất. Bị cáo tin tưởng các cơ quan chuyên môn tham mưu, tin tưởng vào việc bàn bạc tập thể song “không có động cơ, mục đích vụ lợi”.
Cân nhắc xem xét nhiều yếu tố, đại diện VKS kết luận việc truy tố bị cáo Nguyễn Văn Hiến (khi đó là Tư lệnh Quân chủng Hải quân) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là đúng tội, đề nghị phạt 3-4 năm tù.
Trước đó, trong chiều qua, đối chất trước tòa, cựu Đô đốc Hải quân cho hay, cá nhân ông là chỉ huy cấp quân chủng nên ở dưới có rất nhiều cấp, lại có ban tư vấn pháp luật nên sau khi nhận thông báo của Bộ Quốc phòng, ông đã chỉ đạo làm văn bản kèm thông báo của bộ để gửi xuống 13 đầu mối cơ quan liên quan, trong đó có Công ty Hải Thành.
“Tuy nhiên tôi chưa đủ sát sao, quyết liệt nên tôi nhận khuyết điểm”, ông Nguyễn Văn Hiến thừa nhận.
Cũng như quan điểm nêu tại phiên xét hỏi chiều qua 18/5, cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến phân trần rằng, thời điểm xảy ra sự việc, cá nhân ông làm Tư lệnh Quân chủng Hải quân, làm Ủy viên Trung ương Đảng, làm Đại biểu Quốc hội, chưa kể ông Hiến còn theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng tham gia lớp nghiên cứu sinh đặc biệt nên “rất bận”, “rất tốn thời gian”.
“Hiện tôi còn mẹ già 91 tuổi đang sống ở Ninh Bình, tôi mong muốn về hưu sẽ về với mẹ bởi mẹ góa chồng từ năm 31 tuổi, lại có con trai (tức anh ruột ông Nguyễn Văn Hiến) là liệt sĩ. Tôi nhận phần lỗi của mình và xin chịu trách nhiệm về phần lỗi của mình trước nhân dân, trước pháp luật và trước đồng đội”, ông Nguyễn Văn Hiến nói.
Cũng liên quan trong vụ án này, theo đánh giá của Viện Kiểm sát, các bị cáo Bùi Như Thiềm, Đoàn Mạnh Thảo, Bùi Văn Nga và Trần Trọng Tuấn đã tham mưu, đề xuất không đúng quy định của pháp luật dẫn đến việc bị cáo Nguyễn Văn Hiến thiếu kiểm tra, xét duyệt, gây thất thoát số tiền đặc biệt lớn.
Các bị cáo cùng bị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”: Bùi Như Thiềm (nguyên Trưởng phòng Kinh tế, Quân chủng Hải quân) 7-9 năm tù, Bùi Văn Nga (nguyên Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ và Du lịch biển đảo Hải Thành, Quân chủng Hải quân) 6-8 năm tù, Đoàn Mạnh Thảo (nguyên Trưởng phòng Tài chính, Quân chủng Hải quân) 5-7 năm tù, Trần Trọng Tuấn (nguyên Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ và Du lịch biển đảo Hải Thành, Quân chủng Hải quân) 3-4 năm tù.
Đinh Ngọc Hệ bị đề nghị 20 năm tù
Đối với các bị cáo bị xét xử tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cụ thể với bị cáo Đinh Ngọc Hệ, cơ quan công tố cho rằng, trong quá trình điều tra, truy tố, tại phiên tòa, bị cáo Hệ có thái độ chối tội, cho rằng, bản thân bị người khác là các bị cáo Vũ Thị Hoan (cựu Giám đốc Công ty Yên Khánh, cựu Giám đốc Công ty Yên Khánh Hải Thành), Phạm Văn Diệt (cựu Tổng Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần tập đoàn Đức Bình) vu khống, khai không đúng.
Vì bị cáo Đinh Ngọc Hệ không nhận tội nên sau khi khởi tố, cơ quan điều tra, VKS đã cẩn thận thu thập chứng cứ, lấy lời khai người thân, bạn bè, tất cả đều không có mâu thuẫn, thù oán, không ít người được Hệ cưu mang, tất cả đã cung cấp nhiều chứng cứ khách quan về hành vi phạm tội của Hệ.
Kết quả kiểm chứng có đủ cơ sở kết luận, bị cáo Đinh Ngọc Hệ núp dưới danh nghĩa Thái Sơn thành lập công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng, xăng dầu Bộ Quốc phòng, thực chất là các công ty tư nhân. Các hành vi vi phạm núp dưới danh nghĩa của Hệ. Việc đặt tên khiến mọi người hiểu nhầm đây là các công ty của Bộ Quốc phòng.
Theo đó, Đinh Ngọc Hệ đã thành lập Công ty Yên Khánh và nhờ cháu là Vũ Thị Hoan (gọi Hệ bằng cậu) đứng tên làm giám đốc. Mặc dù Đinh Ngọc Hệ không thừa nhận vai trò của mình tại Công ty Yên Khánh, nhưng các tài liệu chứng cứ đã thể hiện rõ, Hệ tham giam đàm phán hợp đồng, giới thiệu Công ty Yên Khánh là của Hệ, đề nghị nhiều người giúp đỡ Công ty Yên Khánh ký được hợp đồng với Công ty Hải Thành thuộc Quân chủng Hải quân (QCHQ).
Theo cáo trạng Hệ biết Quân chủng Hải quân có chủ trương chuyển mục đích sử dụng một số khu đất tại TPHCM sang làm kinh tế. Do vậy, Út trọc đã chỉ đạo Vũ Thị Hoan ký Tờ trình số 10/CV-YK ngày 8/3/2006 gửi Bộ Tư lệnh Hải quân đề nghị hợp tác đầu tư kinh doanh tại khu đất số 7-9, diện tích 4.044m2 (sau điều chỉnh còn 3.531 m2) đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1, TPHCM.
VKS chỉ rõ, nội dung tờ trình phản ánh gian dối về năng lực tài chính, nguồn nhân lực và các dự án mà Công ty Yên Khánh đã, đang thực hiện. Mục đích để Công ty Hải Thành và Quân chủng Hải quân tin tưởng Công ty Yên Khánh có đủ năng lực để thực hiện dự án, thực chất Công ty Yên Khánh không đủ năng lực thực hiện dự án xây dựng cao ốc văn phòng như đã đề nghị với Quân chủng này.
Trong buổi đàm phán đầu tiên, Đinh Ngọc Hệ xuất hiện tại Công ty Hải Thành, tự giới thiệu là chủ của Công ty Yên Khánh, những người tham gia đàm phán là người của Hệ, sau đó Hệ xin vắng mặt, không tham gia đàm phán và đề nghị tạo điều kiện để Công ty Yên Khánh sớm được ký hợp đồng với Công ty Hải Thành.
Sau khi đàm phán thành công, ngày 4/9/2006 Hệ chỉ đạo Vũ Thị Hoan ký hợp đồng liên doanh với Công ty Hải Thành, thành lập Công ty TNHH Yên Khánh Hải Thành để thực hiện dự án tại khu đất số 7-9. Sau khi ký được hợp đồng, Hệ chỉ đạo Phạm Văn Diệt và Vũ Thị Hoan phối hợp với Công ty Hải Thành và QCHQ cung cấp các văn bản để làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất số 7-9 từ đất quốc phòng sang làm kinh tế.
Đến ngày 3/10/2010, khi Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) khu đất số 7-9 cho Công ty Hải Thành, Đinh Ngọc Hệ đã chỉ đạo Phạm Văn Diệt làm các thủ tục để Công ty Yên Khánh nhận và quản lý GCNQSDĐ.
Mặc dù Công ty Yên Khánh không góp 288 tỷ đồng theo đúng hợp đồng đã cam kết, nhưng Hệ đã chỉ đạo thực hiện trong việc lừa các cơ quan chức năng để được cấp, đổi GCNQSDĐ từ Công ty Hải Thành sang Công ty TNHH Yên Khánh Hải Thành (sau này đổi thành Công ty cổ phần Yên Khánh Hải Thành).
Ngày 18/3/2010, sau khi có được GCNQSDĐ khu đất số 7-9 mang tên Công ty TNHH Yên Khánh Hải Thành, Hệ chỉ đạo Diệt, Hoan sử dụng Biên bản họp HĐTV, HĐQT Công ty Yên Khánh Hải Thành ký giả mạo chữ ký của Trần Trọng Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công ty Hải Thành) là người đại diện pháp luật phần vốn góp của Công ty Hải Thành trong liên doanh, đem GCNQSĐ số 7-9 bảo lãnh thế chấp cho các Công ty của Đinh Ngọc Hệ vay tiền tại Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Thành Đô, thực hiện vào mục đích riêng không liên quan đến việc thực hiện dự án.
Đại diện VKS đánh giá, các bị cáo Đinh Ngọc Hệ, Phạm Văn Duyệt và Vũ Thị Hoan được xác định đã có hành vi gian dối, giả mạo chữ ký để chuyển quyền sử dụng đất từ Công ty Hải Thành sang Công ty Yên Khánh Hải Thành, sau đó thế chấp vay vốn ngân hàng.
Đinh Ngọc Hệ (nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng) 20 năm tù (tổng hợp bản án trước là 30 năm tù), phạt bổ sung 80-100 triệu đồng.
Phạm Văn Diệt (nguyên Tổng Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần tập đoàn Đức Bình, Giám đốc điều hành Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh) 15 năm tù, phạt bổ sung 50-70 triệu đồng.
Vũ Thị Hoan (nguyên Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Yên Khánh Hải Thành) 7-9 năm tù, phạt bổ sung 20-30 triệu đồng.
Út trọc Đinh Ngọc Hệ làm hư hỏng nhiều cán bộ cấp cao của quân đội
Đại diện VKS nêu rõ, hành vi phạm tội của Đinh Ngọc Hệ được thực hiện trong thời gian dài và có sự tính toán kỹ lưỡng, từ việc thành lập Công ty Yên Khánh để ký hợp đồng liên doanh với Quân chủng Hải quân, từ đó thành lập pháp nhân mới do Vũ Thị Hoan đại diện theo pháp luật làm các thủ tục để chuyển đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ mang tên Công ty Hải Thành sang Công ty Yên Khánh Hải Thành do Vũ Thị Hoan làm giám đốc mà chỉ mất tiền thuê đất 49 năm không đúng giá trị thực của khu đất.
Hành vi lừa đảo chiếm đoạt của Đinh Ngọc Hệ là rõ ràng bằng việc đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi thế chấp vào ngân hàng và có thể bị phát mại bất cứ lúc nào.
“Việc che giấu thân phận và vai trò của mình, sẵn sàng quy chụp cho người khác, trong đó có người thân của mình là vu khống. Tuy nhiên, từ lời khai của các bị cáo khác, lời khai người làm chứng và các chứng cứ khác thu được trong quá trình điều tra đã được kiểm chứng tại phiên tòa, có đủ căn cứ xác định bị cáo Đinh Ngọc Hệ phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với vai trò là người tổ chức”, VKS cáo buộc đối với Đinh Ngọc Hệ.
“Hành vi của bị cáo Đinh Ngọc Hệ không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của nhà nước mà còn gây lũng đoạn trong chính sách phát triển kinh tế, làm hư hỏng một số lượng không nhỏ cán bộ nhà nước, trong đó có một số cán bộ cao cấp của quân đội, đưa nhiều người khác vào vòng lao lý, trong đó có người cháu ruột của mình (Vũ Thị Hoan)”, đại diện VKS nêu rõ trong bản luận tội.
Đinh Ngọc Hệ ‘đau lòng’, xin giảm án cho Vũ Thị Hoan và Phạm Văn Diệt
“Nhìn các anh trong Bộ Tư lệnh Hải quân đứng ở đây, tôi thấy rất đau lòng. Có những sơ suất mà khi tôi ở ngoài tôi biết. Khi đàm phán, tôi khẳng định anh Thiềm cũng như các anh đã rất kỹ càng”, Đinh Ngọc Hệ nói trước HĐXX.
Đặc biệt, bị cáo Út trọc còn cho rằng, vì Bộ Tư lệnh Hải quân “đàm phán với tất cả các nơi trên thế giới nên không thể để cho một đơn vị nào đó gian dối được”.
Ngoài ra, Đinh Ngọc Hệ cũng xin giảm nhẹ tội cho cháu gái của mình là Vũ Thị Hoan và bị cáo Phạm Văn Diệt.
“Cha của cháu tôi là bộ đội biên giới phía Bắc, khi về nằm bệnh liệt giường tới cuối năm 2007 thì mất, mong HĐXX xem xét tình tiết này. Chỗ anh Diệt, con anh bệnh bẩm sinh và một mình phải nuôi cả bên nội, bên ngoại nên mong HĐXX xem xét”, bị cáo Đinh Ngọc Hệ trình bày.