Sự biến mất bí ẩn của Ban thiền Lạt Ma
Tháng 5 năm 1995, Đức Dalai Lama XIV đã tuyên nhận Gedhun Choekyi Nyima khi đó mới 6 tuổi là hóa thân thứ 11 của Ban thiền Lạt ma (có nghĩa là «nhà khoa học vĩ đại»). Ban thiền Lạt Ma là nhân vật có vị trí quan trọng thứ hai trong Cách Lỗ phái của Phật giáo Tây Tạng và chỉ đứng sau Đức Dalai Lama. (Phật giáo Tây Tạng có 4 phái, trong đó Cách Lỗ phái được biết đến nhiều nhất khi người đứng đầu và thứ hai của phái này lãnh đạo cả giáo quyền lẫn thế quyền ở Tây Tạng).
Tuy nhiên, ngay sau khi cậu bé được công nhận tư cách là tân hoá thân của Ban thiền Lạt Ma 11, chính quyền Trung Quốc đã đưa cậu bé cùng gia đình đi khỏi. Thay vào đó, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố Ban thiền Lạt Ma là Gyaltsen Norbu. Nhưng các tăng lữ Tây Tạng và chính Đức Dalai Lama XIV, vốn buộc phải rời khỏi Lhasa từ 60 năm trước, nhất quyết không thừa nhận người do Trung Quốc bảo hộ, mà phần lớn dân Tây Tạng cũng phản bác sự lựa chọn như vậy. Dần lớn lên, Norbu bắt đầu đóng vai trò ngày càng nổi bật trong đời sống chính trị ở Trung Quốc, thường phát biểu tại các sự kiện chính thức ở Bắc Kinh.
Còn Gedhun Choekyi Nyima kể từ năm 1995 được coi là mất tích, và từ đó, không ai biết gì về nhân vật này nữa.
Trung Quốc vén bức màn bí mật
Ngày 19 tháng 5, đại diện của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra bình luận nhỏ giọt về sự mất tích của Nyima. Vị quan chức này thông báo rằng Nyima hiện nay đã 31 tuổi, tốt nghiệp đại học, có việc làm, và cả anh này lẫn gia đình đều không muốn bị làm phiền xáo trộn trong «cuộc sống bình thường hiện tại».
Như nhận xét của CNN, vẫn không rõ liệu bản thân Nyima có biết rằng mình đã được chọn vào vị trí Ban thiền Lạt Ma hay chăng.
«Việc nhà cầm quyền Trung Quốc bắt cóc Ban thiền Lạt Ma và cưỡng chế buộc từ chối danh phận tín ngưỡng và quyền thực hành tôn giáo trong tu viện không chỉ là vi phạm quyền tự do tôn giáo, mà còn là sự vi phạm nhân quyền thô bạo», - Chính phủ Tây Tạng lưu vong tuyên bố như vậy nhân mốc đánh dấu 25 năm mất tích của Nyima.
Như CNN lưu ý, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cũng lên án cuộc áp chế của Trung Quốc đối với Gedhun Choekyi Nyima và kêu gọi Bắc Kinh «minh bạch địa điểm hiện tại của Ban thiền Lạt Ma 11» và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân Tây Tạng.