Đồng thời, trao đổi bên hành lang Kỳ họp Thứ 9, Quốc hội khóa XIV liên quan đến việc Hội đồng Trường Đại học Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh bầu Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng làm Hiệu trưởng nhiệm kỳ 5 năm tới, Thứ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết bản thân ông mới nghe lần đầu, đây là điều chưa có tiền lệ và khẳng định sẽ xem xét thông tin vụ việc.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu lý do chưa tăng lương
Ngày 20/5, thay mặt Chính phủ, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Quốc hội xem xét lại loạt cơ chế đặc thù trong tình hình mới. Theo đó, so với cuối năm 2019, tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam có nhiều thay đổi rất lớn, khó khăn nhiều hơn do tác động của dịch Covid-19.
Do vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Quốc hội cân nhắc chưa tăng lương cơ sở với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, lương hưu từ thời điểm ngày 1 tháng 7 tới đây. Theo lý giải của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, điều này là nhằm cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của Covid-19 và thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, càng trong điều kiện khó khăn, càng phải thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là người có công, người nghèo, người mất việc, người yếu thế.
“Không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Hôm nay 22/5, trao đổi về vấn đề này với báo chí, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thông tin cho biết, cũng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày trước đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 tác động đến kinh tế xã hội hết sức khó khăn, trong đó có thu ngân sách cũng gặp khó khăn không ít.
Theo người đứng đầu Bộ Nội vụ, Chính phủ đã họp thường kỳ tháng 4 và có đề cập đến việc điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội. Trong tình hình khó khăn như thế, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã chung tay hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh. Công chức, viên chức nhà nước được hưởng lương từ ngân sách nhà nước nên được đảm bảo.
“Trong tình hình này, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Tài chính, thống nhất đề nghị với Chính phủ, trước mắt trong năm 2020 chưa tăng lương cơ sở, lương hưu từ 1/7”, ông Lê Vĩnh Tân tái khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho hay, tại đề án cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương 7 cũng sẽ làm việc với Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương để xem xét, nghiên cứu, điều chỉnh lộ trình tăng lương năm 2021 có thể chậm lại. Thời gian cụ thể sẽ do Ban chỉ đạo quyết định.
Đồng chí Lê Vĩnh Tân thông tin, nếu chưa thực hiện tăng lương từ 1/7 cũng có ảnh hưởng nhất định đến người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
“Nhưng trong bối cảnh chung của cả nước, còn những thành phần xã hội khó khăn hơn. Do đó chúng ta dành phần tăng lương này để ngân sách nhà nước hỗ trợ, giải quyết những vấn đề an sinh xã hội. Còn cán bộ, công chức, viên chức vẫn được nhà nước trả lương cho nên đời sống vẫn đảm bảo”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân lý giải.
Cũng theo người đứng đầu Bộ Nội vụ, việc chưa tăng lương tác động làm giảm thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức không đáng kể so với những người gặp khó khăn do tình hình đại dịch Covid-19. Còn thời điểm thực hiện tăng lương cơ sở sẽ phụ thuộc vào tình hình ngân sách, đến thời điểm cho phép thì tiếp tục đề nghị tăng lương cho người lao động.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu ủng hộ đề xuất của Chính phủ, của Thủ tướng về việc hoãn tăng lương để dành phần ngân sách hỗ trợ cho người dân, người lao động gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19.
Bộ Nội vụ báo cáo cho biết, mức lương cơ sở hiện nay là 1,49 triệu đồng/tháng mới đạt 42,39% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2019 (3,515 triệu đồng/tháng) và đạt 40,16% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2020 (3,71 triệu đồng/tháng).
Trong đó, Nghị quyết số 86 năm 2019 của Quốc hội quy định: “Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2020. Đồng thời, theo kế hoạch trước đó, nguồn chi tăng lương vào khoảng hơn 60.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trong năm 2019.
Xem xét lại đầy đủ thông tin vụ Chủ tịch Quảng Ninh kiêm Hiệu trưởng Đại học
Cũng bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV hôm nay, nhiều ĐBQH đồng loạt phản ánh việc Hội đồng trường Đại học Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh bầu ông Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Ninh giữ chức vụ Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2020-2025.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay, chức danh cán bộ nhà nước Chủ tịch UBND tỉnh do dân bầu, thực hiện nhiệm vụ của cán bộ. Trong khi đó, hiệu trưởng là chức danh trong đơn vị sự nghiệp.
“Hiện chưa có quy định về việc Chủ tịch UBND tỉnh kiêm nhiệm Hiệu trưởng trường Đại học và từ trước đến nay cũng chưa có tiền lệ về việc này”, Bộ trưởng Nội vụ khẳng định.
Đáp lại câu hỏi như vậy có nghĩa là lâu nay chưa có tiền lệ việc Chủ tịch UBND tỉnh kiêm nhiệm thêm chức Hiệu trưởng, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định, đây cũng là lần đầu ông nghe về sự việc. Chưa từng có tiền lệ trước đây.
Thông tin về việc Chủ tịch UBND tỉnh có thể tham gia vào Hội đồng trường, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay, ông sẽ xem xét lại đầy đủ thông tin vệ sự việc Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kiêm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long nhiệm kỳ 2020-2025.
“Ông chủ tịch UBND tỉnh có thể giam gia vào Hội đồng trường, còn Chủ tịch tỉnh làm hiệu trưởng như vậy thì tôi mới nghe nói lần đầu, chưa có tiền lệ. Tôi sẽ nắm kỹ lại tình hình, việc này lần đầu xảy ra”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.
Về vấn đề này, ĐBQH Dương Trung Quốc nêu quan điểm cho hay, cần xem xét kỹ lưỡng quy định pháp luật về việc lãnh đạo cơ quan hành chính nhà nước có tham gia kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp hay không.
“Nếu tham gia giảng dạy, truyền bá kinh nghiệm quản lý nhà nước, hết sức hoan nghênh. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh có khối lượng công việc lớn, phức tạp nên nếu kiêm nhiệm thêm công việc, tôi cho rằng không nên”, đại biểu Dương Trung Quốc nói.
Cũng theo ông Dương Trung Quốc, với việc kiêm nhiệm hai vị trí quan trọng cùng một lúc, một người khó có thể hoàn thành tốt cả hai vị trí công việc. “Có thể, đây là giải pháp tình thế, nhưng không nên một người, một lúc làm hai việc quan trọng khác nhau”, ông Dương Trung Quốc lưu ý.
Còn về việc tỉnh Quảng Ninh giải thích không có người làm Hiệu trưởng nên bắt buộc Chủ tịch tỉnh phải kiêm nhiệm, ĐBQH Dương Trung Quốc thẳng thắn, “đây là điều không thể chấp nhận được”.
“Cương vị Chủ tịch một tỉnh lớn như Quảng Ninh không phải làm việc đó. Việc kiêm nhiệm thêm chức vụ Hiệu trưởng thì điều đầu tiên là ảnh hưởng đến chính trách nhiệm của chính của ông ấy. Chưa bàn đến câu chuyện khác”, ĐBQH Dương Trung Quốc nêu quan điểm cho hay, bản thân ông cũng chưa từng nghe một chủ tịch UBND tỉnh nào lại đi làm hiệu trưởng trường đại học của tỉnh mình.
Về vụ việc này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, việc chủ tịch một tỉnh kiêm nhiệm hiệu trưởng một trường ĐH chẳng khác nào “vừa đánh trống vừa thổi còi”. Việc này hoàn toàn không nên, xưa nay chưa từng có.