Dư luận hiện rất quan tâm đến câu hỏi: Ai phải chịu trách nhiệm vụ cây đổ đè chết một học sinh và khiến 12 em khác bị thương, trong đó có ba em bị thương nặng? Phụ huynh học sinh đề nghị nhà trường cần cẩn trọng hơn trong công tác kiểm tra cây, phòng tránh tai nạn, trong khi đó, chuyên gia luật nêu quan điểm, Điều 604 BLDS 2015 về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra, quy định chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây xanh phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra, tuy nhiên, nếu đây là trường hợp do sự kiện bất khả kháng thì cần xem xét lại.
Cây đổ ở trường THCS Bạch Đằng: một học sinh tử vong, 12 em bị thương
Cụ thể, khoảng 6h15 sáng, một cây phượng cổ thụ ở Trường THCS Bạch Đằng (nằm trong hèm 356 Lê Văn Sỹ, quận 3, TP.HCM) bất ngờ bật gốc ngã xuống đất, đè trúng nhiều em học sinh. Hiện cơ quan chức năng đã đến phong tỏa hiện trường.
Ban giám hiệu đã phối hợp với lực lượng công an địa phương đang giải quyết vụ việc. Một phụ huynh cho hay, có 3 xe cấp cứu đưa các học sinh bị thương đến bệnh viện gần nhất.
Ông Nguyễn Văn Phúc - hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng cho biết, có 13 em học sinh lớp 6/8 bị thương, trong đó có một em bất tỉnh. Hiện trường đã đưa các em đến các cơ sở y tế gần đó để được chăm sóc kịp thời. Đến 9h sáng thì nhận được tin có một em học sinh đã tử vong.
Theo dõi thông tin trên báo, một phụ huynh khác là chị Nguyễn Thục Vân đã nhanh chóng chạy đến trường xem sự việc thế nào vì con chị học lớp 6/8. Chị Vân cho biết, chị rất lo lắng nên đến trường tìm hiểu tình hình.
Cũng như chị Vân, nhiều phụ huynh đã đến trường xem tình hình con em mình đã được lực lượng chức năng trấn an.
Theo thông tin mới nhất, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết bệnh viện đã tiếp nhận 8 em trong nhóm học sinh, trong đó có 3 ca nặng. Bệnh viện chấn thương chỉnh hình SAIGON - ITO tiếp nhận 4 em. Bệnh viện An Sinh tiếp nhận 1 nạn nhân là em N.T.K, sinh năm 2008. Tuy nhiên em này đã ngưng tim, tử vong trước khi được đưa đến bệnh viện. Các bác sĩ đã tích cực hồi sức tim phổi cho nạn nhân trong 65 phút nhưng không có kết quả. Ngoài ra, một số trường hợp nhẹ khác cũng đang được theo dõi tại bệnh viện.
“Về cấp cứu ngoại viện, chúng tôi chỉ đạo mạng lưới cấp cứu vệ tinh, gần nhất có Saigon Ito Phú Nhuận do gần hiện trường. Trung tâm cấp cứu 113 cũng đã tới hiện trường. Bệnh viện Nhi đồng 2 đang khẩn trương cứu chữa. Còn thầy giáo và học sinh cũng đang dùng phương tiện tự túc đến bệnh viện Nhi đồng 2. Các trường hợp nhẹ đang được theo dõi, quản lý”, ông Nguyễn Duy Long - Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 cho biết.
Được biết, chiều tối qua TP. HCM có mưa lớn, đặc biệt ở khu vực trung tâm - nhất là quận 1, 3, 5, 10 và kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ. Theo đánh giá của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, đây là cơn mưa lớn nhất từ đầu năm đến nay.
Mùa mưa ở TP HCM đã bắt đầu từ giữa tháng 5. Trước đó, cơn mưa nặng hạt chiều ngày 19/5 cũng khiến một số cây ở các tuyến đường bật gốc.
Nhân chứng kể lại sự việc cây đổ đè 13 học sinh ở TP.HCM
Ông Trần Hồng Vũ (phụ huynh lớp 8) cho biết, vừa đưa con đến cổng trường ông nghe tiếng cây đổ rầm, rầm, sau đó là nhiều tiếng la hét của các học sinh. Sân trường náo loạn. Có 6 học sinh (4 nam và 2 nữ) bị cây đè trực tiếp, trong đó một cậu bé bất tỉnh.
Em Lâm Gia Minh (lớp 6/8) kể, lúc đó đang cùng cậu bạn ngồi ăn sáng gần cây phượng thì nghe tiếng rắc, rắc. Chưa kịp hiểu chuyện gì thì cây đổ ập về phía mình, đè trúng nhiều bạn xung quanh.
Bé Minh bị cành cây đâm rách hơn 5 cm ở tay, chân, chảy nhiều máu.
“Lúc đó con sợ, chỉ nhớ là các bạn la dữ lắm, thầy cô và mọi người chạy đến”, Minh nói trên VnExpress.
Thời điểm xảy ra sự việc, Ban giám hiệu cùng các thầy cô, phụ huynh nỗ lực đưa các em ra ngoài. Khoảng nửa tiếng sau có ba xe cấp cứu đưa các nạn nhân đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 và một số cơ sở y tế khác để hỗ trợ cấp cứu kịp thời.
Một người dân sống gần trường kể lại cho biết, vụ việc xảy ra vào khoảng 6h15, thời điểm có nhiều học sinh đi bộ trong sân trường để vào lớp.
“Lúc đó tôi đang bán hàng trước cổng trường thì nghe tiếng cây đổ rất to rầm, sau đó nghe có nhiều cháu học sinh kêu la thảm thiết. Thấy vậy chúng tôi chạy vào thì thấy nhiều cháu nằm la liệt, bị cành cây đè trúng, phải rất khó khăn mới giải cứu ra được vì nhiều nhánh cây đè ngổn ngang. Cảnh tượng lúc đó nhìn ghê lắm, thấy tội mấy đứa nhỏ quá, đang yên đang lành bị cây ngã trúng”, nhân chứng cho biết.
Chia sẻ về vụ việc, cụ Hồng, sống cạnh trường từ năm 1954 đến nay cho biết, cây phượng vĩ bị bật gốc sáng nay đã có ở đây từ hơn 50 năm trước. Trường quy định vào học lúc 6h45 nên học sinh thường có mặt đông nhất 6h15-6h30.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, khoảng 20 cán bộ công an, cảnh sát và dân phòng phong tỏa hiện trường. Hàng chục phụ huynh kéo đến, hoảng loạn hỏi thông tin con mình có hay không bị nạn, song không liên lạc được với người nhà trường.
Chị Lê Thị Hiền (phụ huynh của em học sinh lớp 8/4) bức xúc vì Nhà trường không thông báo cho người nhà học sinh.
“Con tôi và bạn bè của nó thế nào? Sự việc nghiêm trọng thế này, sao trường không báo cho chúng tôi”, chị Hiền đặt vấn đề.
Cũng có chung suy nghĩ với chị Hiền, nhiều người tỏ ra lo lắng vì mãi đến gần 11h đại diện nhà trường mới thông báo cho phụ huynh về tình trạng con mình nhưng lại từ chối nói về sự cố khiến các em học sinh gặp nạn và nhập viện.
“Trước hết chúng tôi mong các cháu bị thương sớm bình phục, xin chia buồn cùng gia đình, cha mẹ các cháu. Thứ hai chúng tôi đề nghị Nhà trường có trách nhiệm với sự việc này, vì hiện tại có một cháu đã mất rồi, nhiều cháu cũng đang nằm viện”, một phụ huynh bày tỏ.
Ý kiến chuyên gia vụ cây đổ đè chết học sinh ở TP.HCM
Câu hỏi, trách nhiệm thuộc về ai trong sự việc cây phượng vĩ bật gốc, đè chết một học sinh và làm 12 em khác bị thương, trong đó có 1 em bị thương nặng đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Dù là sự việc bất khả kháng, nhưng rõ ràng, trách nhiệm của Nhà trường, Ban giám hiệu cũng là không nhỏ khi gốc cây phượng bị bật không chỉ ngày một, ngày hai mà đã âm ỉ theo năm tháng, rễ trồi lên mặt đất, dễ dàng trông thấy, nhưng lại bị những người có trách nhiệm “sơ ý, bỏ qua”.
Như chia sẻ của một phụ huynh có con đang theo học ở THCS Bạch Đằng, hôm nay chị cũng nhìn thấy gốc cây trồi lên nhiều nhưng không ngờ cây có thể đổ xuống như vậy.
“Đây là sự việc xảy ra ngoài ý muốn, nhưng qua vụ việc này, rất mong nhà trường kiểm tra các gốc cây trước khi cho học sinh vào học”, vị phụ huynh nói.
Liên quan vụ việc này, Ths Huỳnh Thị Nam Hải, giảng viên trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM cho biết: Điều 604 BLDS 2015 về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra, quy định: Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây xanh phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.
Tuy nhiên, theo Ths Hải, cần lưu ý trong một số trường hợp, dù thiệt hại có xảy ra nhưng người bị thiệt hại sẽ không được bồi thường nếu sự cố xảy ra do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng (theo quy định tại khoản 2 Điều 584 BLDS).
Cạnh đó, khoản 1 Điều 156 BLDS quy định: Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Vị chuyên gia luật phân tích trên PLO, theo như diễn biến vụ việc này, người quản lý có thể nêu lý do cây gãy đổ là bất khả kháng (vì ngày hôm qua TP.HCM có mưa to). Nhưng cần lưu ý rằng, để xác định trường hợp cây xanh gãy đổ do mưa bão gây thiệt hại có phải là trường hợp bất khả kháng hay không, cần phải xác định xem cơ quan có trách nhiệm quản lý trông coi cây xanh đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục phù hợp hay chưa (như có biện pháp cắt tỉa cây trước khi có dự báo mưa bão, chặt hạ những cây, cành cây có nguy cơ gãy đổ…).
Nếu họ đã thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp nhưng vẫn có thiệt hại xảy ra thì có thể coi đó là sự kiện bất khả kháng. Ngược lại, nếu cá nhân, tổ chức có trách nhiệm quản lý trông coi cây xanh chưa áp dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn thì không được xem là do bất khả kháng.
“Cây này nằm trong khuôn viên trường nên trường học được xem là chủ sở hữu. Vì vậy, nhà trường có trách nhiệm bồi thường, trừ trường hợp nhà trường đã giao cho cá nhân, tổ chức khác quản lý thì người được giao quản lý phải bồi thường”, Ths Huỳnh Thị Nam Hải nêu rõ.
Giảng viên ĐH Kinh tế- Luật TP.HCM cũng khẳng định, căn cứ để xác định bồi thường thiệt hại do sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm được thực hiện theo quy định tại Điều 590, Điều 591 BLDS.
“Người bị thiệt hại và người có trách nhiệm bồi thường có thể thỏa thuận với nhau về việc bồi thường. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì bên bị thiệt hại có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường theo quy định tại BLDS.”, Ths Nam Hải nhấn mạnh.