Thiến sinh học: ĐBQH Việt Nam đề nghị xử thật nặng kẻ xâm hại tình dục trẻ em

Quốc hội Việt Nam ngày 27/5 thảo luận về Báo cáo Kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em”. Theo đó, TP.HCM và Hà Nội là hai nơi xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em nhất. Trung bình một ngày, ở Việt Nam có 7 trẻ bị xâm hại.
Sputnik

Trong hơn 4 năm có hàng ngàn trẻ bị xâm hại tình dục, hàng trăm trẻ tử vong, bộc lộ góc tối trong công tác bảo vệ trẻ em trên cả nước. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, đại diện Đoàn giám sát của Quốc hội, ở Việt Nam, tỷ lệ xâm hại trẻ em tăng đột biến, đồng thời hành vi này dù bất kỳ hình thức nào cũng gây ra hậu quả xấu đối với trẻ em, để lại hậu quả nặng nề, nghiêm trọng, lâu dài về thể chất, tinh thần đối với trẻ em và gia đình của các em.

Đáng chú ý, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đề nghị áp dụng thêm biện pháp thiến sinh học với những kẻ xâm hại tình dục trẻ em vì cử tri khi nhắc đến những vụ bạo hành, xâm hại nặng nề, ai cũng rùng mình, bức xúc, căm ghét và muốn pháp luật xử nghiêm, không để nhởn nhơ ngoài xã hội những kẻ mất nhân tính.

Quốc hội Việt Nam giám sát tối cao về phòng chống xâm hại trẻ em

Sáng 27/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp Thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, đại diện Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em” báo cáo kết quả giám sát cũng như những kiến nghị liên quan việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em từ ngày 1/1/2015-30/6/2019.

Quốc hội đề xuất bỏ án treo với tội danh xâm hại trẻ em

Mở đầu báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sơ lược một số dữ liệu thống kê chính thức liên quan đến trẻ em ở Việt Nam. Theo đó, tính đến ngày 30/6/2019, cả nước có 24.776.733 trẻ em, chiếm 25,75% tổng dân số cả nước (trong đó có 12.915.365 trẻ em nam, chiếm 52,13%; 11.861.368 trẻ em nữ, chiếm 47,87%). Năm học 2018-2019 vừa qua, tổng số học sinh đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non và các cấp học phổ thông là 21.394.793 học sinh

Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thông tin cho biết, những năm qua, cùng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện tốt các quyền của trẻ em Việt Nam.

Cụ thể, những quyền như quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, quyền được giáo dục, học tập, phát triển năng khiếu, quyền bí mật đời sống riêng tư.

“Đến nay, tất cả trẻ em dưới 6 tuổi được Nhà nước cấp bảo hiểm y tế miễn phí, gần 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tham gia tiêm chủng mở rộng, gần 100% trẻ em 5 tuổi được đi học mẫu giáo, Nhà nước không thu học phí đối với học sinh học tiểu học, khoảng 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chính sách trợ giúp xã hội”, đồng chí Lê Thị Nga cho biết.

Cùng với đó, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng chưa bao giờ đi học hoặc đã thôi học đều giảm mạnh trong 20 năm qua, từ 20,9% năm 1999 xuống còn 16,4% năm 2009 và đến năm 2019 còn 8,3%. Có thể nói, đây là điều rất đáng mừng, đặc biệt là trong công tác phổ cập giáo dục, xóa nạn mù chữ ở Việt Nam.

Thiến sinh học: ĐBQH Việt Nam đề nghị xử thật nặng kẻ xâm hại tình dục trẻ em

Tuy nhiên, phát biểu tại Nghị trường, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đã báo cáo những vấn đề còn tồn tại liên quan đến giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Cụ thể, qua giám sát cho thấy, tình hình trẻ em còn những vấn đề đáng quan tâm, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại vẫn còn rất lớn. Bà Lê thị Nga cho biết, có 8,3% trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng hiện không đi học. Cấp học càng cao, tỷ lệ bỏ học càng lớn.

Ngoài ra, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn nhiều: 1.773.112 trẻ, chiếm 7,16% tổng số trẻ em. Khoảng 33.000 trẻ không sống trong môi trường gia đình. Số trẻ em có cha mẹ ly hôn những năm gần đây đều rất lớn, trung bình mỗi năm có khoảng 70.000 trẻ em có cha mẹ ly hôn.

Đặc biệt, trên cả nước vẫn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em, trong đó nhiều vụ xâm hại nghiêm trọng. Theo Báo cáo của Chính phủ, tính từ ngày 1/1/2015-30/6/2019, trên cả nước có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Ngoài ra, còn số lượng khá lớn trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động, trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc và trẻ em tảo hôn.

“Đoàn giám sát nhận thấy, số trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý trong giai đoạn 2011-2014 là 7.211 trẻ em, số trẻ em bị xâm hại trong giai đoạn 2015-2018 là 7.309 trẻ em, tăng 98 trẻ em bị xâm hại”, bà Lê Thị Nga cho biết.

Điều đáng cân nhắc là, ngay trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 (1.779 trẻ), tính trung bình cứ một ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại.

Giám đốc Công an TP HCM nói về những vụ xâm hại tình dục trẻ em rúng động

Lý giải về xu hướng tăng đột biến này, theo Đoàn giám sát của Quốc hội, một phần phản ánh thực tế các vụ xâm hại trẻ em tăng, một phần do người dân, trẻ em có ý thức hơn trong việc tố giác, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em, đồng thời công tác phát hiện, xử lý hành vi xâm hại trẻ em cũng được tăng cường hơn giai đoạn trước.

Ngoài ra, Đoàn giám sát cũng nhận thấy, số lượng trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động còn lớn, nhưng không phải là lao động cưỡng bức theo các Công ước quốc tế về lao động cưỡng bức và đã giảm đáng kể so với những năm trước, thấp hơn tỷ lệ chung của một số nước trong khu vực.

Qua giám sát tại một số địa phương cho thấy, phần lớn trẻ em tham gia lao động sớm đều có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, mục đích lao động để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình, nên được cha mẹ đồng thuận và chính quyền địa phương gặp khó khăn trong việc đưa các em trở về nhà; cần có nhiều giải pháp tổng thể về kinh tế - xã hội thì mới giải quyết được cơ bản tình trạng trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật.

Tỷ lệ người thân xâm hại trẻ em lớn, hậu quả nặng nề

Cũng theo Đoàn giám sát, trong các hình thức xâm hại trẻ em nổi lên gây bức xúc nhất trong giai đoạn này là xâm hại tình dục với 6.364 vụ và 6.432 trẻ em là nạn nhân, chiếm tới 75,38% tổng số vụ xâm hại trẻ em được công an các cấp tiếp nhận, xử lý.

“Cá biệt, có nhiều địa phương, số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm trên 90% tổng số vụ trẻ em bị xâm hại. Bạo lực trẻ em cũng xảy ra nhiều, hậu quả nghiêm trọng”, báo cáo cho biết.

Báo cáo mà Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp trình bày cho thấy, đối tượng xâm hại trẻ em vô cùng đang dạng với trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau. Có cả người lạ và người quen biết với trẻ, có người thân thích trong gia đình, giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục, cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ hưu trí, người cao tuổi. Đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu là nam giới, chiếm trên 95%.

Quốc hội đề nghị giám sát chuyên đề phòng chống xâm hại trẻ em

Đặc biệt, ở nhiều địa phương của Việt Nam, thực trạng bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái, chú, cậu xâm hại cháu còn phổ biến. Có trường hợp xâm hại tình dục dẫn đến trẻ mang thai, đẻ con, có trường hợp giết con mang tính chất dã man, mất nhân tính

Cũng theo báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, thực tế cho thấy, còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em.

Theo đó, xâm hại trẻ em không chỉ xảy ra ở vùng nông thôn, kinh tế còn khó khăn, mà ngay tại các tỉnh, thành phố lớn, có điều kiện kinh tế- xã hội phát triển, xu hướng xâm hại trẻ em cũng ngày càng tăng.

Theo báo cáo của Đoàn giám sát, 10 địa phương có số trẻ em bị xâm hại nhiều nhất là: TP.HCM 782 trẻ, Hà Nội 655 trẻ, Vĩnh Long 647 trẻ, Đồng Tháp 520 trẻ, Tây Ninh 353 trẻ, Bà Rịa -Vũng Tàu 321 trẻ, Đồng Nai 312 trẻ, Đắk Lắk 268 trẻ, Kiên Giang 265 trẻ và Sóc Trăng 254 trẻ.

Đoàn giám sát chỉ ra một thực tế đau lòng, nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra nơi kín đáo, biệt lập, nhiều vụ xảy ra tại gia đình, ít có tố giác, nhiều vụ xâm hại xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện, có vụ cha mẹ biết con bị xâm hại nhưng không tố giác vì lý do khác nhau. Nhiều kẻ xâm hại lợi dụng mạng xã hội, lấy tên, địa chỉ, nhân thân giả nên việc thu thập thông tin, điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.

Nhiều vụ xảy ra ngay tại gia đình gia đình người thân, người quen, họ hàng, hàng xóm. Xâm hại trẻ em còn xảy ra ở khu vực công cộng, nơi vui chơi của trẻ như: cơ sở giáo dục, cơ sở trông giữ trẻ, cơ sở bảo trợ xã hội, điểm sinh hoạt, điểm vui chơi của trẻ em, cầu thang máy chung cư như thời gian qua báo chí và dư luận đã phản ánh.

Quốc hội sẽ giám sát việc xử lý tội phạm xâm hại trẻ em

Theo kết quả giám sát, Đoàn nhận thấy, xâm hại trẻ em dù bất kỳ hình thức nào cũng gây ra hậu quả xấu đối với trẻ em, nhiều hành vi xâm hại để lại hậu quả nặng nề, nghiêm trọng, lâu dài về thể chất, tinh thần đối với trẻ em và gia đình của các em.

“Từ 1/1/2015 đến tháng 6/2019 có 337 trẻ bị tử vong do bị xâm hại, 418 trẻ có thai do bị xâm hại tình dục, 193 trẻ bị rối loạn tâm thần, 375 trẻ bị thương tật, 180 trẻ phải bỏ học. Các trẻ em khác là nạn nhân bị xâm hại đều bị tổn hại về thể chất và tinh thần với các mức độ khác nhau”, báo cáo nhấn mạnh.

Đồng thời, báo cáo ngày hôm nay, Đoàn giám sát cũng dự báo tình hình trẻ em bị xâm hại trong thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Ma trận xâm hại trẻ em ở Việt Nam: Xuống cấp, suy đồi đạo đức

Phát biểu tại nghị trường sau khi nghe báo cáo của chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, đại diện Đoàn giám sát, các đại biểu Tăng Thị Tuyết Mai (đoàn Trà Vinh), Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) lên án mạnh mẽ tình trạng xâm hại trẻ em, nhất là tại các đô thị lớn, với nhiều phương thức, thủ đoạn và đối tượng khác nhau. Rất nhiều trường hợp kẻ xâm hại trẻ em lại là người thân trong gia đình nên việc tố cáo không dễ dàng gì, những điều này đã để lại hậu quả nghiêm trọng. Có trường hợp, trẻ em đã tự tử.

Vụ ông Nguyễn Hữu Linh: Tòa Tối cao chỉ đạo phải xử nghiêm các vụ xâm hại trẻ em

Cụ thể, ĐBQH Tăng Thị Ngọc Mai nêu rõ, trẻ em là mầm xanh tương lai của đất nước. Do đó, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và có nhiều chính sách kịp thời chăm sóc cả về tinh thần và thể chất cho trẻ em.

“Tuy vậy, bên cạnh cơ hội phát triển thì ma trận xâm hại cũng không ít. Do đó, làm thế nào để trẻ em phát triển lành mạnh, an toàn, sau này trở thành công dân tốt, công dân toàn cầu là câu hỏi đặt ra đòi hỏi mọi người có trách nhiệm phải đau đáu trong tâm tư mình”, ĐB Mai nhấn mạnh.

Theo bà Tăng Thị Ngọc Mai, thực tế các quy định đã có, cán bộ làm công tác trẻ em cũng được bố trí, vai trò trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội cũng luôn được nhấn mạnh, kẻ xấu bị trừng trị nhưng làm sao trẻ có thể đỡ được nếu đối tượng xâm hại lại là người thân quen.

“Đau đớn hơn, phẫn nộ hơn khi đáng ra trẻ được lớn lên trong vòng tay người thân yêu thì vẫn có bố xâm hại con, ông xâm hại cháu”, ĐBQH phát biểu và khẳng định, tình trạng này thể hiện sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận công dân.

Đồng quan điểm với ĐBQH Tăng Thị Ngọc Mai, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) lưu ý tình trạng nhức nhối khi trẻ em bị xâm hại tình dục, không chỉ xuất hiện ở nông thôn, vùng sâu xa, khó khăn mà còn ở nơi kinh tế - xã hội phát triển, để lại hậu quả nặng nề đối với người bị hại, gia đình và xã hội.

Đại biểu Hòa nêu lại số liệu từ báo cáo của đoàn giám sát nêu ra trung bình một ngày có 7 trẻ bị xâm hại. Trong hơn 4 năm có hàng nghìn trẻ em bị xâm hại tình dục, hàng trăm trẻ tử vong, nhiều vụ chưa được phát hiện kịp thời.

“Đây là con số đau lòng cho thấy “khoảng tối” trong công tác bảo vệ trẻ em”, ĐB Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Ngoài ra, ĐBQH Phạm Văn Hoà cũng nêu ra một thực tế, đó là nhiều bậc cha mẹ thiếu chăm sóc, quan tâm, chia sẻ về sức khỏe tình dục với trẻ em. Khi con em bị xâm hại lại ngại khai báo kịp thời với cơ quan công an dẫn đến khó điều tra, xử lý vụ việc do để thời gian lâu nên khó giám định. Một số trường hợp gia đình tự thỏa thuận với đối tượng xâm hại trẻ em.

Ủy ban Tư pháp yêu cầu báo cáo các vụ xâm hại tình dục trẻ em

Phát biểu về vấn đề này, ĐBQH Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) cho rằng, rất đau xót khi phải dẫn ra thông tin Hà Nội là địa phương đứng đầu về số trẻ em bị xâm hại dẫn đến tử vong (13 em), TP.HCM dẫn đầu về số trẻ em gái có thai do bị xâm hại tình dục (86 em).

“Những nơi tưởng chừng an toàn nhất đối với trẻ em như gia đình, trường học, cơ sở bảo trợ xã hội lại là những nơi ngày càng gia tăng nguy cơ xâm hại trẻ em và chúng ta chứng kiến sự băng hoại đạo đức xã hội đến cùng cực khi những vụ việc bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái không còn là cá biệt”, vị đại biểu chia sẻ.

Theo bà Hiền, dù các địa phương đang phải ban hành văn bản để triển khai 11 chương trình, đề án, kế hoạch liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhưng sự quan tâm, đầu tư lại chưa đúng tầm.

Đồng thời, ĐB Trần Thị Hiền đồng tình với kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐ-TB-XH theo dõi việc thống kê trên phạm vi cả nước; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan trong năm 2020 ban hành Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em.

Đề nghị thiến sinh học đối tượng xâm hại tình dục trẻ em (ấu dâm)

Phát biểu trước nghị trường, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho biết, báo cáo giám sát của Quốc hội thể hiện nhiều vấn đề nóng và rất buồn, đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của cả hệ thống chính trị.

“Cử tri nhắc đến, ai cũng rùng mình, bức xúc, căm ghét, ám ảnh và mong muốn các hành vi xâm hại trẻ em sớm được phát hiện, xử lý nghiêm khắc, không để chúng nhởn nhơ ngoài xã hội. Không ngờ đối tượng xâm hại lại là người thân quen, thậm chí bố mẹ ruột, với thủ đoạn dã man”, ông Phương bày tỏ.

Việt Nam: phải mạnh tay "thiến hóa học" kẻ xâm hại tình dục trẻ em?
Ông Nguyễn Ngọc Phương cũng nêu nhiều trường hợp ông nội, cha xâm hại rồi doạ giết nếu nạn nhân nói sự thật, bảo mẫu, thầy cô bạo hành trẻ và cho rằng, dù trẻ có chống lại, có cầu cứu thì đâu đó vẫn thiếu cơ chế bảo vệ hiệu quả.

“Liệu còn bao nhiêu trẻ em đang kêu cứu mà chưa được hồi đáp? Vết thương lòng của các em khi nào lành lặn? Bao nhiêu kẻ tàn ác phạm tội mà chưa bị xử lý. Tổn hại về thể chất với các em có thể đong đếm, nhưng về tinh thần là lâu dài, có thể khiến các em suy sụp”, Phó trưởng đoàn Đại biểu chuyên trách tỉnh Quảng Bình nêu rõ.

Từ đó, đại biểu Phương cho rằng, nhiều quy định pháp luật chưa rõ ràng như tội ấu dâm, chưa có phòng xử án riêng. Nhiều vụ việc bị gia đình giấu. Nhiều vụ việc để lại hậu quả nghiêm trọng như trẻ tự tử, trẻ tự làm hại mình. Do vậy, xã hội cần vào cuộc quyết liệt để bảo vệ, tạo hành lang pháp lý vững mạnh, tiếp nhận thông tin từ trẻ em, gia đình, công khai danh tính kẻ xâm hại, bảo đảm an toàn cao cho trẻ em.

Với những phân tích này, để tăng tính răn đe và nghiêm trị, ĐB Nguyễn Ngọc Phương đề nghị cần áp dụng thêm biện pháp “thiến sinh học” với những kẻ xâm hại tình dục trẻ em. Đây là biện pháp đã được một số nước áp dụng đối với tội phạm ấu dâm.

Bên cạnh đó, ĐB Phương cũng cho rằng, khi báo chí và cộng đồng mạng đưa tin về những trường hợp trẻ em bị xâm hại, nên tránh nêu tên, tuổi, địa chỉ cụ thể vì có thể gây ra những tổn thương lâu dài, ảnh hưởng đến tương lai của trẻ bị xâm hại.

Phát biểu tại nghị trường, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, mặt trái của môi trường mạng đang gây ra nhiều nguy cơ với trẻ em, trong khi Việt Nam thuộc tốp các quốc gia dùng internet nhiều nhất thế giới. Do đó, nhiều hình ảnh về xâm hại, bạo lực trên môi trường mạng bị kẻ xấu đưa lên, chia sẻ, ảnh hưởng không nhỏ đến các em.

Ấu dâm trẻ em: Còn bao nhiêu kẻ… ẩn mình?

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy dẫn số liệu cho thấy, cứ 4 trẻ được khảo sát thì có 1 trẻ chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội; 1/3 số trẻ cho biết từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng và số trẻ em gái bị bắt nạt cao gấp 3 lần số trẻ em nam.

“Với công nghệ mạng, chưa bao giờ việc tiếp cận với trẻ em và xâm hại trẻ em lại dễ dàng như hiện nay. Xâm hại trên môi trường mạng để lại hậu quả rất lớn. Nếu xâm hại ngoài xã hội chỉ được một vài người chứng kiến thì hình ảnh xâm hại bị đưa lên mạng có thể theo các em suốt cuộc đời”, đại biểu Thủy cho biết.

Từ đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị các phụ huynh dành sự quan tâm và thời gian thỏa đáng để chia sẻ với các con các vấn đề này.

Ngoài ra, vị ĐBQH cũng nhấn mạnh, Bộ Công an thông tin đầy đủ phương thức, thủ đoạn của tội phạm này để có biện pháp phòng chống. Bộ Giáo dục và đào tạo đưa vào chương trình giáo dục các biện pháp phòng, chống xâm hại trên môi trường mạng.

Thảo luận