Việt Nam xuất siêu 1,9 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2020

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa cả nước ước xuất siêu 1,9 tỷ USD.
Sputnik

Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn là đối tác số 1 của Việt Nam

Việt Nam xuất siêu đạt kỷ lục: Đánh mạnh vào thị trường EU

Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mới đây cho biết dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại các thị trường là đối tác thương mại chính của Việt Nam nên đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất, nhập khẩu. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2020 ước tính đạt 18,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,6 tỷ USD, tăng 1,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 11,9 tỷ USD, tăng 7,6%.

5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa khu vực kinh tế trong nước đạt 33,3 tỷ USD, tăng 10,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 66,06 tỷ USD (chiếm 66,5% tổng kim ngạch xuất khẩu), giảm 6,9%.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết có 17 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 82% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm với kim ngạch đạt 24,6 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, tiếp đến là Trung Quốc đạt 16,3 tỷ USD, tăng 20,1%.

Tạp chí Politico: Việt Nam là nước ứng phó dịch Covid-19 thành công nhất trên toàn cầu

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2020 ước tính đạt 19,4 tỷ USD, tăng 4,7% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,8 tỷ USD, tăng 4,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 10,6 tỷ USD, tăng 4,8%.

Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 97,48 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 41,94 tỷ USD, giảm 3,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 55,54 tỷ USD, giảm 4,3%.

Được biết, trong 5 tháng có 19 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 78,7% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong 5 tháng, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 28,9 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 17,3 tỷ USD, giảm 9,5%; ASEAN đạt 11,8 tỷ USD, giảm 14,1%; Nhật Bản đạt 8,1 tỷ USD, tăng 9,9%; Hoa Kỳ đạt 6,1 tỷ USD, tăng 6,4%; EU đạt 5,8 tỷ USD, tăng 5,8%.

Như vậy, tính chung 5 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam ước tính xuất siêu 1,9 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,6 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 10,5 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm 2,7%

Ngày 30/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, tháng 5/2020, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 3,1 tỷ USD, giảm 2,7% so với tháng 4/2020. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt 1,5 tỷ USD.

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, tính chung 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 15,5 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt gần 7,4 tỷ USD, giảm 3,2%; chăn nuôi ước đạt 210 triệu USD, giảm 19,1%; thủy sản ước đạt 2,8 tỷ USD, giảm 11,5%; lâm sản chính đạt 4,2 tỷ USD, giảm 1,9%. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều giảm, trừ cà phê, gạo, rau, sắn quế, mây tre.

Việt Nam là câu chuyện thành công nhưng kinh tế đang ở ngã ba đường

Bộ NN&PTNT dự báo, tháng 6/2020, tình hình thiên tai, dịch bệnh trên gia súc gia cầm diễn biến khó lường; việc tiêu thụ nông sản, nhất là xuất khẩu sẽ tốt hơn nhưng sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn.

Do vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6 tháng đầu năm, mọi lĩnh vực nông nghiệp cần tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là đối với sản xuất lúa, chăn nuôi lợn, khai thác và nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, khai thác gỗ; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Việt cho biết thêm, hiện Bộ NN&PTNT đang hoàn thành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phương án chuyển đổi phương thức kinh doanh các ngành hàng nông, lâm, thủy sản theo hướng nâng cao giá trị xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, từng bước giảm dần mức độ phụ thuộc vào một thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý; thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản.

Đồng thời, chủ động phối hợp với Bộ Công thương, đại sứ quán Việt Nam tại các nước, triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất về công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách, tạo sự đột phá trong nhiệm vụ đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nông sản.

Thảo luận