Đây là thông tin do bà Elena Malysheva, trưởng khoa lưu trữ của Viện Lịch sử Lưu trữ thuộc Đại học Nhân văn quốc gia Nga, thành viên của nhóm công tác thuộc dự án "Không có thời hiệu", chia sẻ nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi.
Không có thời hiệu
"Trong thời kỳ Hitler bị giam cầm, tỷ lệ tử vong của trẻ em đặc biệt cao, tới mức khổng lồ. Căn cứ các tài liệu lưu trữ, ví dụ, trong Lưu trữ Nhà nước của Vùng Oryol, trong số những trẻ em và thanh thiếu niên bị đánh cắp mang về Đức, chỉ có chưa đầy một phần tư trở về nước sau thời gian bị tù đày. Nhưng đây cũng là bức tranh chung của các khu vực khác thuộc đất nước chúng ta", - nhà sử học nghiên cứu về tội ác của Đức quốc xã chống lại trẻ em cho biết.
Cụ thể, vào tháng 10 năm 1945, lãnh đạo Đảng bộ Vùng Oryol, ông Nikolai Ignatov đã gửi một báo cáo trình lên Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, ông Georgy Malenkov với số liệu thống kê về các công dân Liên Xô bị bắt sang Đức trong thời gian chiếm đóng.
"Trong thời kỳ quân xâm lược Đức chiếm đóng vùng Oryol, 97769 người đã bị bắt sang Đức, bao gồm 37131 đàn ông và 60638 phụ nữ. Trong số đó có 39700 trẻ em và thanh thiếu niên dưới 16 tuổi", - ông Ignatov viết.
Sự bóc lột tàn ác
"Phần lớn những người trở về trước đó từng sống ở Đức, làm việc trong các nhà máy các nhau, cũng như làm việc cho địa chủ. Một phần trong số những người bị bắt ở Trung Đức, Đông Phổ và Pomerania, họ trở thành nô lệ của chủ sở hữu và nhà sản xuất Đức theo đúng nghĩa đầy đủ của từ này, bị bóc lột một cách tàn khốc, bị bỏ đói và hành hạ", - trích bản báo cáo của Đảng bộ vùng Oryol trình lên người đứng đầu bộ phận tổ chức Ủy ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản LX Mikhail Shamberg.
"Tất cả họ phải làm việc 12-14-16-18 giờ mỗi ngày, chỉ được nhận 150-200-300 gram bánh mì và một lít nước dùng nấu từ củ cải đường, khoai tây và thực phẩm thừa khác nhau ... Mỗi tháng họ được trả 15-25 đồng mác, nhiều người làm việc không công. Thay vì giày, họ được phát những đôi dép bằng gỗ, họ không được nhận quần áo, họ sống trong các trại, lều ẩm ướt, trong nhà kho, nhiều người khi đi làm có lính canh đi kèm", - tài liệu viết.