Đại sứ Antonov: Nga sẵn sàng thảo luận với Mỹ về Hiệp ước Bầu trời mở

MOSKVA (Sputnik) - Nga đã nhiều lần tỏ ý sẵn sàng thảo luận với Mỹ về các vấn đề kỹ thuật liên quan đến Hiệp ước Bầu trời mở. Đây là ý kiến của Đại sứ Liên bang Nga tại Hoa Kỳ Anatoly Antonov, được nêu trong một bài viết đăng trên trang điện tử của tờ báo Mỹ chuyên phân tích tình hình chính trị và quân sự - The National Interest.
Sputnik

Ông Antonov nhấn mạnh rằng Moskva đã nhiều lần giải thích dẫn chứng các sự việc cụ thể, rằng những ý kiến quy kết phía Nga không thực hiện đầy đủ hiệp ước, là không có cơ sở. Tuy nhiên, bất chấp sự vô lý của những cáo buộc đó, Nga vẫn luôn thể hiện sự cởi mở trong các cuộc thảo luận về những vấn đề Washington quan tâm. Chính vì mục đích này mà trong khuôn khổ hiệp ước đã lập ra một ủy ban tư vấn.

Theo đại sứ, Nga có một số khiếu nại đối với Hoa Kỳ về việc tuân thủ hiệp ước. Điều này liên quan đến việc đảm bảo an toàn cho phi hành đoàn bay trên lãnh thổ Mỹ, đến những hạn chế đối với phạm vi quan sát tối đa trên các đảo Hawaii và quần đảo Aleut, cũng như về độ cao chuyến bay.

Báo Die Welt chỉ ra bên thua thiệt trong việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở
“Sự khác biệt là ở chỗ tại bàn đàm phán chúng tôi sẵn sàng - và đã nhiều lần xác nhận điều này - tìm kiếm các giải pháp mà hai bên đều chấp nhận được cho các vấn đề kỹ thuật. Ngược lại, Washington dường như coi mục tiêu quan trọng hơn là rời khỏi hiệp ước, văn kiện rõ ràng bị coi là thứ bó buộc tay chân họ, - Sputnik trích dẫn lời ông Antonov.

Xin nhắc lại rằng ngày 21 tháng 5, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở.

"Tôi nghĩ rằng chúng tôi có quan hệ rất tốt với Nga. Nhưng Nga đã không tuân thủ hiệp ước. Vì vậy một khi họ còn chưa tuân thủ nó thì chúng tôi sẽ rút khỏi thỏa thuận", - nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói với các nhà báo. Moskva bác bỏ ý kiến quy kết này, nhấn mạnh rằng họ vẫn trung thành với hiệp ước, đồng thời cũng đưa ra các cáo buộc đáp trả.

Hiệp ước đa phương về bầu trời mở được ký kết ngày 24 tháng 3 năm 1992 tại Helsinki. Theo văn kiện này, các quốc gia tham gia hiệp ước có quyền bay qua bất kỳ vùng lãnh thổ nào của nhau để quan sát hoạt động quân sự, theo hạn ngạch và quy định về việc thực hiện các chyến bay quan sát đã được thỏa thuận trong hiệp ước.

Thảo luận