Suy giảm kinh tế toàn cầu
"Đại dịch và các biện pháp kiểm dịch có tác động gây sốc mạnh và ở mức quy mô lớn, đưa nền kinh tế thế giới vào tình trạng suy thoái sâu sắc. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, năm nay, kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ giảm 5,2%. Đây là chỉ số suy thoái lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, tình trạng giảm khối lượng sản xuất trên bình quân đầu người sẽ ảnh hưởng đến thị phần lớn nhất của các quốc gia kể từ năm 1870 ", - trích báo cáo của ngân hàng “Triển vọng nền kinh tế thế giới” cho tháng 6 năm 2020.
Đồng thời, dự kiến kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi vào năm 2021 - tăng trưởng GDP thế giới, theo dự báo của WB, sẽ là 4,2%, chứ không phải 2,6%, như dự kiến hồi tháng 1.
WB cũng chờ đợi rằng tổng GDP của các nước có nền kinh tế tiên tiến sẽ giảm 7% trong năm nay, còn đối với các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển là 2,5%, và "đây là cuộc suy thoái toàn diện đầu tiên ở nhóm các nước này, ít nhất là trong vòng sáu mươi năm trở lại đây. "
Ngân hàng Thế giới tin rằng, những quốc gia có tình hình đại dịch đặc biệt nghiêm trọng và những nước phụ thuộc nhiều vào thương mại thế giới, du lịch, xuất khẩu nguyên liệu thô và tài trợ bên ngoài sẽ phải gánh chịu hậu quả nhiều nhất.
"Các sự kiện hiện tại đã gây ra sự thay đổi nhanh chóng và khắc nghiệt chưa từng thấy của các dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu theo hướng đi xuống. Đánh giá theo kinh nghiệm của quá khứ, chúng ta có thể phải xem xét lại dự báo tăng trưởng của mình theo hướng thấp đi, điều này có nghĩa là các nhà hoạch định chính sách có thể cần phải sẵn sàng thực hiện các biện pháp bổ sung để kích thích hoạt động kinh doanh ", - báo cáo dẫn lời ông Aykhan Kose, Giám đốc Ban Nghiên cứu Triển vọng Phát triển Kinh tế của Ngân hàng Thế giới.