Việt Nam chính thức cấm kinh doanh đòi nợ

Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi), trong đó quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Như vậy, tín dụng đen, vay nặng lãi, đòi nợ thuê đã chính thức bị ‘khai tử’.
Sputnik

Đồng thời, nhằm tránh những dự án bảo tàng kinh nghiệm như Cát Linh - Hà Đông, Việt Nam thông qua quy định trong Luật Đầu tư (sửa đổi) theo đó yêu cầu nhà đầu tư ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án, giới hạn việc điều chỉnh tiến độ của dự án không quá 24 tháng, dự án bị chấm dứt hoạt động nếu nhà đầu tư không triển khai theo tiến độ.

Việc đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, chuyển đổi cũng được áp dụng điều kiện chặt chẽ để ngăn việc mua bán sáp nhập những dự án ở các điểm trọng yếu về an ninh quốc phòng của Việt Nam sau hiện tượng người Trung Quốc và nhà đầu tư nước ngoài tăng sở hữu đất đai, bất động sản ở các vị trí nhạy cảm ven biển, biên giới, hải đảo.

Quốc hội Việt Nam chính thức cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ

Chiều nay, ngày 17/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã biểu quyết thông qua dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) gồm 7 chương, 77 điều và 4 phụ lục kèm theo với 446/458 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,34% tổng số đại biểu Quốc hội).

Tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 9: Quốc hội biểu quyết thông qua nhiều dự án Luật

Đặc biệt, một trong những nội dung đáng chú ý là luật Đầu tư (sửa đổi) lần này là cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Đây là điểm gây tranh cãi nhất trong quá trình xây dựng và thông qua Luật này.

Trình bày báo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến đề nghị cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến đề nghị không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà thực hiện theo quy định của Luật hiện hành, đồng thời đổi tên thành “kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ”.

Theo đồng chí Vũ Hồng Thanh, tổng hợp kết quả xin ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, có 371 ý kiến “đồng ý cấm kinh doanh đòi nợ” (tương đương 77,5%). Do đó, sau khi tiếp thu, dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi đã đưa dịch vụ kinh doanh đòi nợ vào lĩnh vực cấm kinh doanh.

Việt Nam chính thức cấm kinh doanh đòi nợ
“Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội và xin tiếp thu theo đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định.

Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự án luật, các đại biểu đã nhất trí với quy định như Điều 6 với tỷ lệ 436/456 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 90,27% tổng số đại biểu Quốc hội).

Ngoài ra, một điểm đáng lưu ý nữa là trong Luật Đầu tư (sửa đổi) có quy định điều khoản chuyển tiếp là giao dịch cung cấp dịch vụ đòi nợ trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành và các bên tham gia giao dịch được thực hiện các hoạt động để thanh lý giao dịch đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan.

Trước đó, thảo luận về nội dung này, nhiều ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ là cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhận thấy việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật.

Đại biểu Quốc hội tranh luận khi đề cập vụ Hồ Duy Hải

Tuy nhiên, thời gian qua do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này nên đã nảy sinh một số trường hợp biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân.

Về đề xuất cấm kinh doanh đòi nợ, rất nhiều lần Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng “tha thiết” mong các đại biểu ủng hộ phương án cấm kinh doanh dịch vụ này.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, tình hình an ninh trật tự phức tạp và đóng góp của lĩnh vực này với nền kinh tế không đáng bao nhiêu so với những gì phải bỏ ra khắc phục. Cùng với đó, ông Nguyễn Chí Dũng nêu quan diểm cần trình bày, thiết kế thiết chế quản lý chặt chẽ loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê là rất khó và là thách thức lớn đối với cơ quan soạn thảo. Do đó, Bộ trưởng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc thật kỹ vấn đề này.

Đồng thời, đây là vấn đề Chính phủ đã nghiên cứu, thảo luận hết sức công phu, xem xét thận trọng. Cuối cùng đi đến quyết định chọn phương án cấm loại kinh doanh dịch vụ này.

Bỏ quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định các dự án đầu tư lớn

Một nội dung khác nữa được Quốc hội tập trung thảo luận đối với Luật Đầu tư (sửa đổi) có liên quan quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt (Điều 20). Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết có ý kiến đề nghị bỏ quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định các dự án đầu tư có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội khác tại điểm c khoản 2, vì quy định này chưa rõ ràng về tiêu chí, dự án ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt đã được quy định tại điểm a và b tại khoản này.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu bỏ quy định tại điểm c khoản 2 của Điều này”, đồng chí Vũ Hồng Thanh nêu rõ.

Có ý kiến cho rằng quy định tại khoản 3 với mức ưu đãi đầu tư đặc biệt, tối đa thêm 50% so với các mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật, dẫn đến mở rộng ưu đãi hơn so với quy định của pháp luật về thuế và pháp luật về đất đai. Quy định trên có thể dẫn tới xung đột pháp luật.

Quốc hội thảo luận về kinh tế – xã hội và Ngân sách Nhà nước

Giải trình nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu theo hướng không quy định mức trần của chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt tại khoản 3 Điều 20 mà chỉ quy định mức ưu đãi và thời hạn áp dụng ưu đãi đặc biệt thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về đất đai.

Đồng thời, theo ông Vũ Hồng Thanh, Luật bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 13 và bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 14 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp tại khoản 4 Điều 75 của dự thảo Luật, nhằm thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và để chính sách ưu đãi được thực hiện ngay sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực, tạo điều kiện cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động trong đàm phán, thu hút đầu tư.

Khai tử tín dụng đen: Gần 78% Đại biểu Quốc hội Việt Nam ủng hộ cấm kinh doanh đòi nợ

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt quy định tại Điều này chỉ áp dụng đối với các dự án đầu tư mới, không áp dụng đối với các dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Toàn bộ nội dung tại Điều 20 cũng được Quốc hội biểu quyết thông qua với 448/458 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,75% tổng số đại biểu Quốc hội).

Đảm bảo an ninh quốc phòng, chấm dứt hoạt động nếu nhà đầu tư không đảm bảo tiến độ dự án

Về đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, có ý kiến đề nghị quy định cần đưa ra điều kiện chặt chẽ để ngăn việc mua bán sáp nhập những dự án ở các điểm trọng yếu về an ninh quốc phòng của Việt Nam.

“Việc bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia cần hài hòa với nhu cầu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội tại các khu vực đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển hoặc khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu bật quan điểm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Quốc hội phê chuẩn 20 thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia
Bên cạnh đó, việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển, quy định về bảo đảm quốc phòng, an ninh tại khoản 3 Điều 5 dự thảo Luật.

“Các quy định chi tiết sẽ giao Chính phủ ban hành”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Đối với vấn đề chuyển nhượng dự án đầu tư, còn tồn tại ý kiến nhấn mạnh phải rà soát kỹ, tránh lợi ích nhóm bán dự án để hưởng chênh lệch giá. Ngoài ra, cũng có quan điểm đề nghị không chuyển nhượng dự án chưa thực hiện xong các thủ tục đất đai, xây dựng cơ bản.

“Luật quy định nhà đầu tư được quyền chuyển nhượng dự án đầu tư nếu đáp ứng các điều kiện chuyển nhượng, không phụ thuộc dự án đã hoàn thành hay chưa hoàn thành”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ.

Cùng với đó, để đảm bảo trách nhiệm của nhà đầu tư trong thực hiện dự án, tránh dự án treo, Luật sửa đổi quy định các biện pháp, như yêu cầu nhà đầu tư ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án, giới hạn việc điều chỉnh tiến độ của dự án không quá 24 tháng, dự án bị chấm dứt hoạt động nếu nhà đầu tư không triển khai theo tiến độ.

Dự kiến, Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021 tới đây.

Thảo luận