Ngoài ra, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp Đặng Kim Hoa cũng khẳng định đã thành lập đoàn thanh tra đột xuất để thanh tra toàn bộ các vụ tổ chức đấu giá có sự tham gia của vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ) và Nguyễn Thị Dương.
Bộ Tư pháp: Việt Nam cần gần 100 triệu mã định danh cá nhân
Sáng nay 19/6, Bộ Tư pháp đã tổ chức buổi họp báo công tác tư pháp quý II với nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, bỏ sổ hộ khẩu giấy, cấp mã số định danh cá nhân hay xử lý cán bộ Tư pháp vi phạm trong thời gian qua, điển hình như trong vụ ‘đi đêm’ với vợ chồng đại gia Đường Nhuệ thâu tóm bất động sản ở Thái Bình.
Tại buổi họp báo, theo thông tin từ ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp), mã số định danh (12 chữ số) và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia sau khi hoàn thiện sẽ giúp các cơ quan Nhà nước có thể tìm và trích xuất 15 trường thông tin của người dân.
Đó là các thông tin như: Họ tên, giới tính, ngày sinh, dân tộc, quốc tịch, họ tên bố mẹ…. Các thông tin này sẽ được sử dụng để phục vụ thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân.
“Các thủ tục hành chính sẽ không cần trình các giấy tờ thông tin cá nhân khác, vì nó đã được mã hóa hết trong mã định danh cá nhân rồi”, ông Khanh cho hay.
Ông Nguyễn Công Khanh khẳng định việc bỏ sổ hộ khẩu giấy hay bỏ các giấy tờ trong làm thủ tục hành chính là hoàn toàn khả thi. Để làm được điều đó, yêu cầu quan trọng là phải đảm bảo cấp đủ mã định danh cá nhân cho gần 100 triệu người dân và đồng bộ toàn bộ dữ liệu lên cơ sở dữ liệu quốc gia.
“Về phía Bộ Công an nói rằng bỏ hộ khẩu giấy, thì phía Bộ Tư pháp chúng tôi cũng tuyên bố sẽ bỏ các giấy tờ, hộ tịch giấy khi thực hiện các thủ tục hành chính mà có yêu cầu”, Cục trưởng Cục Hộ tịch cho biết.
Trước đó, từ ngày 1/1/2016, Bộ Tư pháp đã kết nối phần mềm đăng ký hộ tịch dùng chung với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trọng tâm là phần mềm đăng kí khai sinh điện tử. Việc cấp số định danh cá nhân cũng đã được thực hiện từ 1/1/2016 đến nay.
Theo Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết, cơ quan chức năng đã cung cấp số định danh cá nhân cho khoảng 3 triệu trẻ em.
Ông Khanh cho hay, mấu chốt của lộ trình bỏ sổ hộ khẩu vẫn là tiến độ cấp mã định danh cá nhân và độ hoàn thiện của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, cũng vị lãnh đạo Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực, cơ quan chủ trì công tác này là Bộ Công an, còn Bộ Tư pháp chỉ có vai trò hỗ trợ.
“Cái này chỉ có Bộ Công an mới biết, Bộ Tư pháp cũng chưa nắm được tiến độ hiện nay như thế nào”, Cục trưởng Khanh nêu rõ.
Bộ Công an: Cấp 50 triệu mã định danh cá nhân cho người Việt năm 2021
Trước đó, giải trình tại phiên họp Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) chiều 16/6, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm cho biết Bộ đề nghị Quốc hội xem xét thông qua luật này vào kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đồng thời luật sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.
Theo lãnh đạo Bộ Công an, hiện đã cấp được khoảng 16 triệu số định danh và căn cước công dân trên tổng số khoảng hơn 90 triệu.
“Ước lượng còn khoảng 80 triệu công dân chưa được cấp căn cước công dân, trong đó có khoảng 30 triệu người dưới 14 tuổi. Như vậy, trước mắt còn khoảng 50 triệu công dân cần được cấp căn cước công dân”, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết.
Theo người đứng đầu Bộ Công an, vẫn còn 1 năm nữa để thực hiện việc này, và nếu nhận được sự ủng hộ từ Quốc hội và Chính phủ, Bộ Công an hoàn toàn có cơ sở để một năm nữa hoàn thành nhiệm vụ khi luật bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/7/2021.
Giải trình trước Quốc hội về tiến độ cấp số định danh cá nhân hiện nay, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Bộ Công an đã thu thập và đưa vào trong hệ thống thông tin dữ liệu về công dân khoảng 80 triệu công dân, trong khi kiểm tra trước đây, 4 năm mới làm được 16 triệu, bây giờ tại sao trong thời gian vừa qua làm rất nhanh.
Theo phân tích của đồng chí Tô Lâm, việc cấp mã định danh cá nhân còn chậm chạp, khó khăn chủ yếu nằm ở lực lượng công an xã chính quy trong việc xác minh thông tin.
Mặc dù vậy, thời gian qua, hệ thống công an xã chính quy đã thực hiện công việc này ở cấp xã với mức độ 99%, có thể kiểm tra được độ chính xác của thông tin để đưa vào máy.
“Chúng tôi thấy rằng với việc đề xuất Luật Cư trú có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, mà hiện đã hoàn thành cơ bản việc cấp căn cước công dân cho những người từ 14 tuổi trở lên. Chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được việc này và tiếp tục cấp cho những người dưới 14 tuổi sẽ hoàn thành trong thời gian tiếp theo đó sau ngày 1/7/2021”, Đại tướng Tô Lâm khẳng định.
Về 167 văn bản có liên quan đến sổ hộ khẩu và xác định dân cư, một số văn bản thực hiện theo quy định của sổ hộ khẩu giấy sẽ mặc nhiên hết hiệu lực khi sổ hộ khẩu không còn giá trị.
Đối với một số những văn bản khác, Bộ Công an sẽ đề xuất với Chính phủ và Quốc hội để có những điều chỉnh giao dịch, phục vụ thuận lợi cho người dân trong việc thay đổi cách thức quản lý này.
Bộ Tư pháp lập đoàn thanh tra toàn bộ các vụ đấu giá đất của Đường Nhuệ
Cũng trong cuộc họp báo sáng 19/6, báo chí nêu vấn đề về tình trạng thời gian qua có nhiều cán bộ ngành Tư pháp bị bắt, điển hình như trong vụ đại gia giang hồ Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ) tại Thái Bình vừa qua, đồng thời đề nghị Bộ Tư pháp cho biết giải pháp chấn chỉnh tình trạng này.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, bà Đặng Kim Hoa, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết Bộ đã thành lập đoàn thanh tra đột xuất để thanh tra toàn bộ các vụ tổ chức đấu giá có sự tham gia của vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ).
Bà Hoa thông tin, ngay sau khi tiếp nhận phản ánh về những dấu hiệu thao túng, thông đồng trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất của vợ chồng ông bà Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ) - Nguyễn Thị Dương tại tỉnh Thái Bình, Bộ đã có công văn đề nghị Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình kiểm tra, rà soát, báo cáo các vụ việc đấu giá tài sản có sự tham gia của hai đối tượng này.
“Trên cơ sở báo cáo của Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình, Bộ đã thành lập đoàn thanh tra đột xuất để thanh tra toàn bộ các vụ tổ chức đấu giá có sự tham gia của vợ chồng Đường "Nhuệ". Đồng thời thực hiện thủ tục thu hồi chứng chỉ hành nghề đấu giá tài sản của hai đấu giá viên thuộc Trung tâm đấu giá tỉnh Thái Bình”, bà Đặng Kim Hoa cho biết.
Đồng thời, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp có văn bản báo cáo Thủ tướng tăng cường biện pháp quản lý đấu giá tài sản trong thời gian tới, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành có liên quan.
Đại diện Cục Bổ trợ tư pháp cho biết, khi có vi phạm trong hoạt động bán đấu giá thì không phải trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Bộ Tư pháp, mà còn trải qua rất nhiều khâu. Bộ Tư pháp chủ yếu liên quan đến quy trình, quy định, trình tự thủ tục bán đấu giá và việc lựa chọn các tổ chức bán đầu giá.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam, khám xét chỗ ở, chỗ làm việc để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ đối với 4 bị can liên quan đến hoạt động bán đấu giá của Nguyễn Xuân Đường và Nguyễn Thị Dương.
Các bị can bị khởi tố bao gồm: Phạm Văn Hiệp, giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình thuộc Sở Tư pháp Thái Bình; Vũ Gia Thành, đấu giá viên Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình thuộc Sở Tư pháp Thái Bình; Trịnh Thị Minh Thúy, trưởng phòng của Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên, Sở Tài nguyên - môi trường Thái Bình và Hà Văn Dũng, nhân viên Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên, Sở Tài nguyên - môi trường Thái Bình.
Những bị can trên đang được cơ quan Công an tỉnh Thái Bình điều tra vì có hành vi tiếp tay cho vợ chồng Đường-Dương trong lĩnh vực đấu giá tài sản.