Đồng thời, sáng nay, Quốc hội cũng đã quyết định cho phép Hà Nội được tự quyết một số khoản thu phí, tăng phí trên địa bàn thủ đô trong vòng 5 năm tới kể từ ngày 15/8 tới đây.
Quốc hội thông qua Nghị quyết đầu tư một số đoạn cao tốc Bắc-Nam
Sáng nay 19/6, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, với 91, 72% số đại biểu có mặt tán thành, phần lớn Đại biểu Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết 52 (năm 2017) về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.
Cụ thể, có 458 ĐBQH tham gia biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam. Trong đó, có 443 phiếu tán thành, 12 người không tán thành và có ba đại biểu không tham gia biểu quyết.
Trước khi Quốc hội ấn nút thông qua Nghị quyết này, báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết 52 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020 cho thấy, do không có nhà đầu tư nào qua vòng sơ tuyển nên Dự án đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết cần phải chuyển đổi từ phương thức đầu tư đối tác công – tư PPP sang sử dụng 100% vốn ngân sách nhà nước (đầu tư công).
Về hai hai dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây, Tờ trình của Chính phủ gửi lên Quốc hội cho biết, việc chuyển đổi sang đầu tư công là cần thiết, cấp bách nhằm sớm giải quyết nhu cầu giao thông lớn do kết nối với cửa ngõ các trung tâm kinh tế, chính trị lớn nhất của cả nước.
Hai dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 dài 63km và đoạn Phan Thiết-Dầu Giây dài 99km mặc dù đã có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, nhưng có tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia ít, cần huy động số vốn ngoài ngân sách lớn, nhất là vốn tín dụng, vì vậy việc lựa chọn được nhà đầu tư có thể gặp khó khăn. Việc chuyển đổi hai dự án thành phần này sang phương thức đầu tư công sẽ bảo đảm khả năng thành công cao hơn cho các dự án thành phần.
Đồng thời, đối với 5 dự án thành phần còn lại Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đầu tư theo phương thức PPP để bảo đảm tính nhất quán trong thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, bảo đảm tính hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện tối đa cơ hội đầu tư, kinh doanh cho khu vực tư nhân, dành ngân sách nhà nước bố trí cho các nhu cầu thiết yếu, cấp bách khác.
Giải trình trước Quốc hội về đề nghị làm rõ lý do chỉ có dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, xem xét bổ sung vốn ngân sách đối với dự án này và các dự án còn lại để tăng tính hấp dẫn, dễ thu hút các nhà đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Chính phủ đã báo cáo quá trình sơ tuyển đối với dự án này có 3 nhà đầu tư tham gia. Tuy nhiên, hồ sơ dự sơ tuyển của các nhà đầu tư không đạt yêu cầu nên không vượt qua sơ tuyển.
“Ngoài ra, để bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết 52, việc phân bổ vốn nhà nước tham gia các dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP phải hợp lý”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ.
Theo ông Thanh, việc xác định mức vốn tham gia của nhà nước được thực hiện trên cơ sở tính toán phương án tài chính, bảo đảm hiệu quả tài chính các dự án.
Trước đó, trong Tờ trình, Chính phủ đã điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án là 100.816 tỷ đồng, bao gồm vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án là 78.461 tỷ đồng (55.000 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 52, phần còn thiếu (23.461 tỷ đồng) Chính phủ sẽ tồng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng quy định của Luật Đầu tư công. Vốn huy động ngoài ngân sách là 22.355 tỷ đồng.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng khẳng định, còn nhiều ý kiến đề nghị xem xét, làm rõ tác động và khả năng cân đối vốn trong giai đoạn sau nếu bổ sung 23.461 tỷ đồng vốn nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 để chuyển đổi các dự án thành phần từ PPP sang đầu tư bằng vốn đầu tư công trong khi nhu cầu đầu tư các lĩnh vực khác cũng rất cần thiết, cấp bách.
Tuy vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo nguyên tắc bố trí nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn quy định tại Điều 51 Luật Đầu tư Công của Việt Nam, dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là dự án quan trọng quốc gia. Căn cứ nguyên tắc nêu trên, Chính phủ sẽ trình Quốc hội bố trí vốn theo quy định và điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm một cách hợp lý, linh hoạt, hạn chế các tác động đến nợ công và trần nợ công.
“Các dự án sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền để thu hồi vốn nhà nước, đây cũng là giải pháp phù hợp để huy động nguồn lực xã hội và giảm thiểu tác động đến nợ công”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ.
Quốc hội đồng ý bổ sung hơn 23.461 tỷ làm ba dự án cao tốc Bắc - Nam
Cùng với việc thông qua Nghị quyết theo Tờ trình của Chính phủ, Quốc hội Việt Nam đã thống nhất chuyển đổi từ phương thức đối tác công tư sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước PPP sang đầu tư công sử dụng toàn bộ nguồn vốn ngân sách nhà nước đối với 3 dự án thành phần là Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây và bổ sung vốn đầu tư không quá 23.461 tỷ đồng bằng tiền ngân sách.
Trước đó, trong Tờ trình, Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội giao Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện toàn bộ các dự án thành phần bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật, bảo đảm tiến độ hoàn thành các dự án thành phần đầu tư công sử dụng 100% vốn đầu tư công trong năm 2022, riêng dự án thành phần cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành trong năm 2023, hoàn thành các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP trong năm 2023, xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn hoàn trả ngân sách Trung ương.
Ngoài ra, Chính phủ mong muốn được giao điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 đảm bảo bố trí đủ nhu cầu vốn để triển khai toàn bộ các dự án thành phần của dự án.
Chính phủ cũng phải chịu trách nhiệm bố trí vốn của kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch vốn hàng năm cho đến khi dự án hoàn thành theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công.
Ngoài ra, Chính phủ cũng xây dựng phương án thu phí để thu hồi vốn Nhà nước tại các dự án thành phần đầu tư công sử dụng 100% vốn đầu tư công, quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với những nội dung vượt thẩm quyền.
Đối với tình huống đấu thầu mà không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc sau nửa năm (kể từ thời điểm ký kết hợp đồng dự án) nhà đầu tư không huy động được nguồn vốn tín dụng để triển khai dự án, Chính phủ sẽ phải báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án thành phần trong tuyến cao tốc Bắc – Nam.
Đặc biệt, Chính phủ cũng nhấn mạnh việc điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi không thay đối về mục tiêu đầu tư, phạm vi đầu tư, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật so với báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt. Theo đó, chỉ điều chỉnh hình thức đầu tư theo chủ trương được Quốc hội thông qua và điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư.
Quốc hội đồng ý cho Hà Nội được tự quyết thu và tăng phí
Sáng 19/6, với tủ lệ 91,51% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Thủ đô hà Nội.
Theo đó, Nghị quyết này gồm 6 điều, quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách riêng đối với Hà Nội về quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước, mức dư nợ vay và sử dụng Quỹ dự trữ tài chính.
Sau khi được Quốc hội thông qua, HĐND TP.Hà Nội được quyền quyết định một số khoản thu phí trên địa bàn (phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí), điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí.
Đồng thời, ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và chi sự nghiệp kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục, y tế.
Theo Nghị quyết này, Hà Nội cũng được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Nhà nước để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
Nghị quyết vừa được thông qua sáng nay cũng cho phép Hà Nội được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư. Quy định tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hàng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết một số đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc thẩm quyền quyết định thu phí, lệ phí của Hà Nội. Song Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn xin giữ quan điểm này, giống như Quốc hội từng quyết cho TP.HCM.
Khi ấy, HĐND TP.HCM đã ban hành một số chính sách thu phí, lệ phí như ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ ôtô, điều chỉnh tăng từ 5.000 đồng/xe/lượt lên bình quân 30.000 đồng/xe/giờ, điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước xả thải công nghiệp theo hướng xả thải càng nhiều đóng càng cao, điều chỉnh giảm mức thu học phí đến mức tối thiểu.
“Quy định này phù hợp với thực tế nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt trong quản lý và điều hành”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, còn một số ý kiến khác lại đề nghị cân nhắc việc cho phép Thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công, vì đây là khoản thu lớn, có thể làm mất cân đối ngân sách Trung ương.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hải dẫn quy định về quản lý tài sản công cho thấy cơ quan, đơn vị phải di dời trụ sở được sử dụng tối đa 70% (riêng lĩnh vực quốc phòng, an ninh là 100%) số thu tiền sử dụng đất và tài sản trên đất của trụ sở cũ để trang trải chi phí liên quan đến việc bán, di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới, 30% còn lại nộp vào ngân sách.
“Vì vậy, việc quy định cho Hà Nội được hưởng 50% số thu nộp ngân sách Nhà nước sau khi đã trừ chi phí liên quan cũng không ảnh hưởng lớn đến cân đối ngân sách Trung ương trong ngắn hạn, nhưng có ý nghĩa động viên, khuyến khích chính quyền địa phương cùng các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh sắp xếp các cơ sở nhà, đất nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài sản công”, đại diện Ủy ban Tài chính – Ngân sách nêu rõ.
Theo đồng chí Nguyễn Đức Hải, thành phố sẽ có thêm nguồn lực để xử lý những vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho phù hợp.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách, có ý kiến đề nghị xem xét lại quy định việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư trong dự thảo Nghị quyết. Nhưng theo báo cáo của Chính phủ, Hà Nội là địa phương không những tự bảo đảm nguồn cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội theo quy định, mà còn dư nguồn khá lớn.
“Năm 2018 dư khoảng 21.400 tỷ đồng, năm 2019 dư khoảng 28.300 tỷ đồng; năm 2020 dự kiến dư khoảng 39.720 tỷ đồng”, ông Hải cho hay.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, việc cho phép HĐND thành phố được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư là phù hợp.
Được biết, Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2020 tới đây và được thực hiện trong 5 năm.