Tình hình Biển Đông đang diễn biến hết sức căng thẳng
Một trong những vấn đề chính trị quan trọng nhất của Đông Nam Á là vấn đề Biển Đông. Vấn đề này không những không bớt căng thẳng trong thời gian đại dịch, mà ngược lại, trở nên gay gắt hơn do chính sách của Bắc Kinh ở khu vực này. Vào tháng 3, Bộ Nông nghiệp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa một lần nữa tuyên bố đơn phương lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm trong năm nay bắt đầu vào ngày 1/5 và dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 16/ 8 ở vùng biển phía bắc. Vào tháng 4, Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam, sau đó thành lập hai huyện đảo trên Biển Đông, để kiểm soát các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc biến các rạn san hô thành pháo đài, đặt hai trạm nghiên cứu mới tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và đảo Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Trung Quốc tự tiện đặt tên cho 25 đảo, rạn san hô và 55 thực thể địa lý dưới biển nằm trên “đường chín đoạn”, tự tiện công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” của hàng chục đảo, bãi cạn trên Biển Đông. Bắc Kinh đã gửi tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 cùng nhóm tàu hải cảnh hộ vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia. Tất cả điều này đã gây ra “cuộc chiến trao đổi công hàm” gửi đến Liên Hợp Quốc giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.
“Tình hình Biển Đông đang trở nên rất nguy hiểm, bởi vì bất kỳ đụng độ, bất kỳ hành động vô tình nào cũng có thể đưa nó đến bờ vực xung đột vũ trang, - ông Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, Úc và châu Đại Dương, Viện Đông Phương Học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận xét tại hội thảo trực tuyến “Xung đột ở Biển Đông - những thách thức và mối đe dọa hiện nay” với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu của Nga. - Hơn nữa, Hoa Kỳ cũng cho thấy rõ rằng, họ không có ý định rời khỏi khu vực này. Bây giờ ở vùng biển xung quanh các đảo nhân tạo xuất hiện không những tàu khu trục, mà một đội gồm 3-4 tàu của Hải quân Mỹ”.
Việt Nam lựa chọn các giải pháp hòa bình
Trong bối cảnh này, chính sách của Việt Nam với tư cách chủ tịch luân phiên ASEAN là đặc biệt quan trọng, - Giáo sư Mosyakov nói tiếp. - Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chính sách đối ngoại của Việt Nam xử lý tương đối cân bằng quan hệ với các đối tác. Việt Nam sở hữu lực lượng hải quân rất mạnh không chỉ theo tiêu chuẩn của Đông Nam Á: sáu tàu ngầm đa năng, một loạt tàu hộ tống và tàu khu trục, lực lượng phòng thủ bờ biển, lực lượng không quân hiện đại, và các lực lượng này không ngừng xây dựng và phát triển. Tất nhiên, lực lượng của Việt Nam không sánh được với Hải quân Trung Quốc, nhưng không có nghi ngờ gì rằng, Việt Nam có đủ sức chịu đựng được mọi thử thách trong Biển Đông. Đồng thời, Hà Nội chính thức tuyên bố rằng, họ muốn giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, thông qua các cuộc đàm phán và thỏa thuận. Việt Nam muốn thúc đẩy ASEAN đoàn kết chống sự bành trướng của Trung Quốc, và đang phát triển quan hệ với Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Các quốc gia này rất quan tâm đến hòa bình và yên tĩnh trong khu vực. Xuất phát từ thực tế khách quan, các nước này là đồng minh của Việt Nam trong việc thúc đẩy kế hoạch hòa bình để giải quyết các vấn đề Biển Đông.
Nền kinh tế năng động và phát triển nhanh chóng của Việt Nam, các thành công trong cuộc chiến chống lại đại dịch coronavirus, những bước ngoại giao khéo léo đều góp phần vào việc nâng cao uy tín quốc tế của đất nước này, ông Dmitry Mosyakov nói tiếp. - Trước mắt chúng ta, Việt Nam đang trở thành yếu tố quan trọng nhất bảo đảm hòa bình ở khu vực Đông Nam Á. Nếu chúng ta tưởng tượng rằng, dưới áp lực của một số tâm trạng công cộng nhất định, Hà Nội bắt đầu sử dụng tiềm năng đáng kể của mình để phản ứng với đòn trả đũa, thì tình hình sẽ thay đổi hoàn toàn, và chúng ta sẽ nói về Biẻn Đông như một trong những khu vực nguy hiểm nhất trên hành tinh.
Cần lưu ý rằng, điều này hoàn toàn vì lợi ích của Hoa Kỳ, nước này xúi giục Việt Nam đối đầu gay gắt hơn với Trung Quốc, hứa sẽ hỗ trợ Hà Nội, nhưng, trên thực tế Washington là một đồng minh rất không đáng tin cậy. Chính sách yêu chuộng hòa bình của Hà Nội là yếu tố quan trọng nhất giúp duy trì sự ổn định ở Đông Nam Á. Và Việt Nam sẽ cố gắng hết sức với tư cách chủ tịch luân phiên ASEAN để hoàn tất các cuộc đàm phán về việc ký kết bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), mà các công việc đã diễn ra trong gần hai thập kỷ. Trong số các thành viên ASEAN, Việt Nam phản đối kiên quyết nhất các hành vi hung hăng của Trung Quốc. Với tư cách chủ tịch của Hiệp hội, Hà Nội sẽ tăng cường nỗ lực của các thành viên để ngăn chặn kế hoạch của Bắc Kinh biến Biển Đông thành một câu lạc bộ khép kín, nơi mà tất cả các quốc gia ngoài khu vực bị cấm vào.
Nga ủng hộ giải quyết tranh chấp trên cơ sở UNCLOS
Lập trường của Nga đã được xác định rõ ràng vào năm 2018 trong thời gian chuyến thăm Matxcơva của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin và được ghi nhận trong bản tuyên bố chung. Theo quan điểm của Nga, tài liệu duy nhất tạo cơ sở cần thiết để giải quyết tất cả các tranh chấp lãnh thổ trong Biển Đông và có thể đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Công ước này và những hành vi của Trung Quốc vi phạm UNCLOS đã được thảo luận tại hội thảo trực tuyến của các chuyên gia Nga. Chúng tôi sẽ dành một bài riêng cho chủ đề này.