Chuyên gia phân tích khả năng xảy ra khủng hoảng tương đương Đại suy thoái

Bản tin dự báo công bố hôm thứ Tư của IMF nhận định rằng tổng thiệt hại của nền kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 sẽ lớn hơn thiệt hại của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2010 và có thể tương đương với hậu quả của cuộc Đại khủng hoảng những năm 30 của thế kỷ trước, ông Shostak, nhà quản lý quỹ đầu tư Principal Investors của Mỹ cho biết.
Sputnik

Quỹ Tiền tệ quốc tế hôm thứ Tư đã công bố dự báo mới về tình hình phát triển kinh tế toàn cầu. Theo đó, GDP thế giới trong năm nay do đại dịch coronavirus sẽ giảm 4,9%, riêng Hoa Kỳ - giảm 8%, khu vực đồng euro - giảm 10,2%.

"Tất cả các số liệu thống kê của IMF (Quỹ Tiền tệ thế giới) cho thấy rằng, theo những thước đo lịch sử, quy mô suy thoái sẽ lớn hơn tổng thiệt hại của cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2010 và có thể tương đương hậu quả của cuộc Đại khủng hoảng vào những năm 30 của thế kỷ trước", - ông Kyle Shostak nói trong cuộc phỏng vấn với Sputnik.

Theo ông, tổng thiệt hại của nền kinh tế toàn cầu do đại dịch trong giai đoạn 2020-2021 sẽ vượt trên 12 nghìn tỷ USD.

"Một con số không thể tưởng tượng nổi, nếu lưu ý rằng chỉ một năm trước thậm chí không ai có thể suy đoán về khả năng sẽ xảy ra thảm họa như vậy, cũng như về quy mô của những tổn thất liên quan đến nó", - ông nói.

Chuyên gia cũng nói thêm rằng theo dự đoán, giá trị thương mại thế giới sẽ sụt giảm 12%.

Ngân hàng Thế giới dự báo suy giảm kinh tế thế giới ở mức kỷ lục
"Thương mại thế giới sụt giảm cùng với tình trạng chuỗi cung ứng bị phá vỡ sẽ gây khó khăn cho việc phục hồi cả những nền kinh tế phát triển cũng như nền kinh tế đang phát triển", - ông giải thích.

Tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng dự báo này có thể được xem xét lại, nhà đầu tư tin tưởng.

"Dự báo của IMF luôn hàm chứa khả năng có thể được đánh giá lại, cũng như có thể chưa đánh giá được hết mức độ ảnh hưởng của tình hình thực tế", - nguồn tin cho biết.

Một mặt, tin tức về việc phát triển vaccine và thuốc điều trị virus có thể thúc đẩy và cải thiện đáng kể hoạt động của người dân và khả năng chi tiêu tiêu dùng, dọn đường để nhanh chóng phục hồi hoạt động tài chính. Mặt khác, những làn sóng lây lan virus mới từng được nhắc đến thậm chí có thể chôn vùi khả năng tăng trưởng mong manh này, ông nói.

Tuy nhiên, suy thoái GDP không phải là yếu tố duy nhất mà các quốc gia sẽ phải đối phó.

"Nhiều quốc gia, cả phát triển và đang phát triển, đều kỳ vọng có sự dịch chuyển nguồn nhân lực từ khu vực kinh tế đình trệ sang các ngành kinh tế đang phát triển nhanh chóng. Nợ công sẽ tăng lên nhiều lần, các nước sẽ tập trung mạnh hơn vào việc vay vốn nước ngoài", - ông Shostak nhận định.
Thảo luận