Liên quan đến dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ mong muốn Đại sứ Hùng Ba thúc đẩy để sớm đưa dự án vào hoạt động. Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc nhấn mạnh, nếu kéo dài vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông thì sẽ gây bất lợi cho cả hai bên.
Mong muốn tăng cường hợp tác Việt Nam – Trung Quốc
Ngày 24/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, vừa chủ trì buổi tiếp ông Hùng Ba, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Bí Thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của Trung Quốc, với nhiều biện pháp quyết liệt, hiệu quả. Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh đã tạo điều kiện để đưa kinh tế sớm phục hồi, từ đó tác động tích cực đến kinh tế thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam và Hà Nội.
Cũng theo người đứng đầu Thành ủy, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh do coronavirus gây nên. Hiện đang triển khai các hoạt động phục hồi và phát triển kinh tế.
Theo Bí thư Vương Đình Huệ, kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở cả hai nước Việt Nam – Trung Quốc đã thể hiện sự ưu việt của chế độ chính trị, đồng thời là kết quả của sự đồng lòng, niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19, ông Vương Đình Huệ cho hay, Hà Nội hiện đang thực hiện mục tiêu kép là phát triển kinh tế, do đó, cuối tháng 5/2020, kinh tế Hà Nội đã phục hồi và khởi sắc mạnh mẽ vào cuối tháng 6.
Ước tính 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế của Hà Nội đạt khoảng 3,4%, thu ngân sách đảm bảo duy trì được mức thu tương đương cùng kỳ năm ngoái. Hà Nội cũng đặt mục tiêu trong năm nay tăng trưởng gấp 1,3 lần mức chung của cả nước.
Bí thư Huệ cho biết, để đạt được mục tiêu này, Hà Nội đang triển khai một loạt giải pháp, từ kích cầu tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và đầu tư tư nhân.
Đặc biệt, Hà Nội đang tích cực chuẩn bị để tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” sẽ diễn ra vào ngày 27/6/2020. Nhân đây, Bí thư Vương Đình Huệ gửi lời mời đến Đại sứ Hùng Ba và các doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc tham dự hội nghị này.
Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, với nhiều điều kiện thuận lợi, Việt Nam và Trung Quốc có cơ hội để gia tăng hợp tác đầu tư. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo nghiên cứu, cùng với các nước kiểm soát tốt dịch bệnh để từng bước nới lỏng đi lại, vừa đảm bảo phòng, chống dịch nhưng cũng gia tăng các hoạt động hợp tác đầu tư.
Riêng đối với bản thân thành phố Hà Nội, lãnh đạo Thủ đô luôn tạo điều kiện cho các chuyên gia nước ngoài sang làm việc, trong đó có cả chuyên gia Trung Quốc, trên cơ sở đảm bảo các điều kiện dịch tễ, phòng chống dịch bệnh.
Bí thư Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, Hà Nội sẵn sàng phói hợp cùng với Đại sứ Quán Trung Quốc để tổ chức các hoạt động liên quan trong chương trình hợp tác giữa hai bên nhằm chào mừng 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc.
Theo ông Vương Đình Huệ, Việt Nam và Hà Nội mong muốn Đại sứ Hùng Ba tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ, trở thành cầu nối để thúc đẩy quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh cũng như nhiều địa phương của Trung Quốc phát triển lên tầm cao mới.
Đại sứ Trung Quốc: Sẽ cố để tàu Cát Linh – Hà Đông vận hành năm nay
Liên quan đến dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ mong muốn Đại sứ thúc đẩy để sớm đưa dự án vào hoạt động.
Phát biểu với Bí thư Vương Đình Huệ, Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba cho biết năm nay hai nước kỷ niệm 70 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngay từ đầu năm, Việt Nam và Trung Quốc đã triển khai nhiều hoạt động chào mừng, trong đó lãnh đạo hai bên đều đã có những cuộc điện đàm nhằm tăng cường nhận thức chung và thúc đẩy quan hệ song phương.
Đại sứ Hùng Ba phát biểu bày tỏ lòng cảm ơn Việt Nam về vai trò dẫn dắt trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN, đưa ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
Ông Hùng Ba chúc mừng Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Đại sứ Hùng Ba bày tỏ ấn tượng khi Việt Nam là một trong rất ít nước kiểm soát được dịch bệnh và không có ca tử vong.
Đại sứ Hùng Ba mong muốn, trên cơ sở kết quả phòng, chống dịch, Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì ổn định chuỗi sản xuất, cung ứng để đảm bảo sự phát triển ổn định. Đại sứ Hùng Ba cũng mong muốn Hà Nội là Thủ đô sẽ tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt trong quan hệ song phương, đồng thời tiếp tục mở rộng hợp tác, hỗ trợ giữa Bắc Kinh và Hà Nội.
Liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh, Đại sứ Hùng Ba sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đến tham gia đầu tư tại Hà Nội. Mong Bí thư Vương Đình Huệ tiếp tục quan tâm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước.
Về dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, Đại sứ Hùng Ba đánh giá ngay khi về Hà Nội, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã quan tâm và có nhiều nỗ lực để thúc đẩy dự án.
“Là dự án viện trợ quan trọng, do vậy, Chính phủ Trung Quốc hết sức quan tâm và theo dõi tiến triển của dự án này”, ông Hùng Ba cho hay.
Theo Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, đây không chỉ là dự án thương mại đơn thuần, mà còn là biểu trưng cho tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.
“Do vậy, phía Trung Quốc cũng đang nỗ lực để thúc đẩy, đưa dự án sớm vào vận hành an toàn, ổn định trong năm nay, đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước”, Đại sứ Hùng Ba khẳng định.
Cát Linh – Hà Đông: Phải đảm bảo được nghĩa vụ thanh toán kẻo mất uy tín
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020 vào sáng 25/6, đề cập đến dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết, dự án này hiện còn vướng mắc trong việc thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước, nhà thầu chậm hoàn thiện công trình nên chưa đưa vào khai thác thương mại và tiếp tục thanh toán cho nhà thầu.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ đến kỳ trả hạn vốn vay vào ngày 21/7 tới đây.
Về nội dung này, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, Hà Nội là đơn vị sẽ trả nợ nhưng kỳ này chưa bàn giao được trước 30/6. Do đó Thứ trưởng Bộ GTVT kiến nghị Bộ Tài chính hỗ trợ xử lý vướng mắc nêu trên.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông còn khá nhiều các nội dung liên quan từ vấn đề tiến độ thực hiện để đưa quyết toán công trình và vận hành.
Ông Hà nêu rõ, vấn đề nhận nợ sau đó chuyển giao cho nợ cho địa phương Hà Nội thế nào để quản lý khai thác, cũng như thanh toán trả nợ. Hiện nay còn vướng mắc là thanh toàn kỳ trả nợ tới đây.
“Nội dung này chúng tôi đề nghị có sự phối hợp giữa Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ GTVT để có báo với Thủ tướng về biện pháp thanh toán nợ. Làm sao đảm bảo được nghĩa vụ thanh toán nợ của Chính phủ với nước ngoài, không thì mất uy tín lắm”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà bày tỏ.
Liệu tàu Cát Linh Hà Đông có chạy trước Đại hội 13?
Trước đó, ngày 8/6, bên hành lang Quốc hội, Bí thư Vương Đình Huệ cho biết trong 13 chứng chỉ an toàn thì dự án Cát Linh - Hà Đông đã đạt được 12 chứng chỉ, còn chứng chỉ cuối cùng phải chờ dự án chạy thực tế mới đánh giá được. Dự án phải chạy được thì tư vấn Pháp mới có thể thực hiện đánh giá.
“Quan trọng nhất hiện nay là phải chạy thử được để tư vấn Pháp đánh giá. Dự án này, Bộ GTVT là chủ đầu tư. Tổng công ty đường sắt của Hà Nội sẽ tiếp nhận vận hành dự án, nên có vấn đề về đào tạo cán bộ vận hành. Càng để lâu thì giữ chân đội ngũ này rất khó, sau này cũng phải đào tạo lại hết”, ông Vương Đình Huệ nói.
Về thông tin tổng thầu Trung Quốc có yêu cầu phía Việt Nam chi thêm 50 triệu USD (khoảng 1.000 tỷ đồng) để chạy thử đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ông Vương Đình Huệ cho rằng đó là trao đổi giữa tổng thầu Trung Quốc và Bộ Giao thông vận tải, bản thân ông Huệ không nắm rõ về việc này.
Trả lời câu hỏi về vướng mắc lớn nhất khiến dự án Cát Linh – Hà Đông mãi chưa hoàn thành, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho hay, điểm nghẽn lớn nhất chính là hiện nay, các chuyên gia phía Tổng thầu Trung Quốc tại Việt Nam vẫn chưa có lịch sang cụ thể vì Covid-19. Ông Huệ cũng khẳng định, đây là vướng mắc không chỉ của riêng dự án này mà của tất cả các dự án có chuyên gia nước ngoài làm việc.
Bí thư Hà Nội cũng cho biết thành phố sẽ xem xét cơ chế đặc thù cho họ, bố trí cách ly tại khách sạn theo đúng quy định phòng dịch, đảm bảo an toàn thì sẽ để các chuyên gia này làm việc để đảm bảo tiến độ dự án.
Đối với vấn đề thanh toán chi phí, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cho biết, đúng hơn là vướng mắc về cơ chế thanh toán và liên quan tới việc thực hiện kết luận kiểm toán dự án. Cơ chế tài chính giao cho dự án như thế nào hiện nhiều điểm cơ quan kiểm toán vẫn chưa kết luận dứt khoát.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, dự án khai thác sớm được ngày nào thì tốt cho Hà Nội ngày đó, vì thế Hà Nội, Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Bộ GTVT, lập Tổ công tác liên ngày để “gỡ” vướng dự án. Lãnh đạo Tổ công tác phía Bộ GTVT là Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và Hà Nội là Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng.
“Thứ nữa, tất cả những vốn liếng của dự án, Hà Nội là người nhận nợ để trả, nên khai thác được sớm ngày nào thì lợi cho Hà Nội ngày đó”, đồng chí Vương Đình Huệ khẳng định.
Theo lãnh đạo Thành ủy, Tổ công tác sẽ trình phương án tổng thể lên Bộ GTVT, việc gì liên quan tới Hà Nội thì Hà Nội sẽ giải quyết, việc gì vượt thẩm quyền sẽ trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Về mốc thời gian chốt hạn dự án Cát Linh – Hà Đông được đưa vào vận hành và khai thác, Bí thư Vương Đình Huệ nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT phấn đấu đưa dự án vào vận hành trong năm 2020.
“Bản thân Hà Nội mong muốn dự án hoàn thành, khai thác càng sớm càng tốt và trước tháng 10 càng tốt”, ông Vương Định Huệ thông tin.
Chia sẻ về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, chiều 8/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, việc giải quyết cũng rất khó khăn, mất thời gian.
“Các đồng chí biết an toàn quan trọng nhất thì họ chẳng bàn giao hồ sơ an toàn cho mình. Nói qua, nói lại, thảo luận đi, thảo luận lại. Một số phái đoàn ở Bắc Kinh cũng tới thảo luận. Sắp tới đây cũng có thể bàn dứt điểm được. Cố gắng trước Đại hội có thể chạy được tuyến này thì may mắn. Khó khăn lắm, mất thời gian về chuyện này rất lớn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.