Xác minh bằng cấp của phi công nước ngoài đang làm việc cho hàng không Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể vừa có văn bản yêu cầu Cục Hàng không rà soát ngay số lượng phi công quốc tịch Pakistan và phi công người nước ngoài có bằng lái do Pakistan cấp. Yêu cầu được đưa ra sau khi nhà chức trách hàng không Pakistan phát hiện hơn 250 phi công nước này sử dụng bằng lái máy bay giả.
Tất cả phi công đang làm việc cho hãng bay Việt Nam có quốc tịch Pakistan hoặc sử dụng chứng chỉ do Pakistan cấp đều bị cấm thực hiện nhiệm vụ bay ngay lập tức. Bộ GTVT yêu cầu rà soát, xác minh tính xác thực của bằng cấp, chứng chỉ của các phi công này.
Ngoài ra, Cục Hàng không cũng phải rà soát chứng chỉ của tất cả các phi công nước ngoài đang làm việc cho các hãng bay Việt Nam, xử lý các trường hợp có dấu hiệu sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả mạo.
Bộ GTVT nhấn mạnh đây là việc phải làm để đảm bảo tuyệt đối an toàn trong lĩnh vực hàng không. Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không khẩn trương thực hiện và báo cáo kết quả về Bộ trước ngày 31/7.
Báo SGGP cho biết, theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, trước thời điểm có dịch Covid-19, cả nước có 2.361 phi công, trong đó gần 1.300 phi công người Việt Nam. Vietnam Airlines có tỷ lệ phi công người Việt cao nhất, chiếm 75,8%. Con số này của Vietjet là 25,1%, Jetstar là 25,6% và Bamboo Airways là 32,3%. Như vậy, trừ Vietnam Airlines, tại các hãng còn lại, tỷ lệ phi công người nước ngoài cao hơn phi công người Việt Nam.
Mải nói chuyện về Covid-19, hai phi công làm 98 người thiệt mạng
Ngày 22/5 vừa qua, một chiếc máy bay A320 của Hãng hàng không Quốc tế Pakistan (PIA) lao vào một khu dân cư khi đang hạ cánh xuống sân bay. 97 trong tổng số 99 người trên máy bay thiệt mạng, một trẻ em ở dưới mặt đất cũng tử vong.
Cuộc điều tra sơ bộ sau tai nạn cho thấy, các phi công của chuyến bay đã phạm phải nhiều sai lầm nghiêm trọng như độ cao khi chuẩn bị hạ cánh lớn gấp đôi độ cao chuẩn.
Đài kiểm soát không lưu đã đề nghị phi công bay vòng để tiếp cận lại sân bay nhưng các phi công vẫn cố hạ cánh. Không những thế, càng hạ cánh của máy bay đã bị kéo lên trong khi lẽ ra phải được hạ xuống.
Bộ trưởng Hàng không Pakistan Ghulam Sarwar Khan trả lời trước quốc hội rằng, cơ trưởng và cơ phó của chuyến bay xấu số này đang nói chuyện với nhau về tình hình dịch Covid-19 trong lúc chuẩn bị hạ cánh và đã tắt chế độ lái tự động.
“Hai phi công không tập trung vào công việc và đang nói chuyện với nhau về dịch Covid-19. Gia đình của hai phi công bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và họ nói chuyện về chủ đề này”, - Bộ trưởng Khan nói.