Nhưng giờ đây phụ nữ trẻ Trung Quốc đang bảo vệ quyền của họ. Những khó khăn họ gặp phải là chủ đề bài viết sau đây của Sputnik.
Từ lễ tốt nghiệp đến phòng đăng ký kết hôn
“Tôi đã bỏ ra rất nhiều tiền mừng đám cưới của người khác, tôi phải chờ đợi mãi để hoàn vốn tại đám cưới của mình” – nữ cư dân Cáp Nhĩ Tân, cô Jing Yue vừa cười vừa nói.
Cô ấy hơn ba mươi tuổi. Hầu như tất cả những người cùng tuổi với cô đã kết hôn, một số người lấy chồng lần đầu tiên, một số người khác là lần thứ hai. Và cô đã đưa cho mỗi người một "phong bì đỏ" với khoản tiền mừng vài trăm nhân dân tệ. Nhưng với cô Jing Yue, triển vọng lấy lại các khoản “đầu tư” ấy ngày càng xa dần. Ở quê nhà, những người như Jing được gọi là "gái ế”.
"May mà bố mẹ tôi không thúc ép. Họ hiểu rằng tôi không muốn lập gia đình vội vàng chỉ để vừa lòng người khác. Tôi cần bảo vệ xong luận án tiến sĩ, và tôi muốn nhìn đi du lịch thế giới. Những cô bạn cùng tuổi đã kết hôn để chiều lòng người thân hoặc vì "đến tuổi lấy chồng” giờ đây đang tự dằn vặt”, - cô Jing Yue chia sẻ suy nghĩ của mình.
Đồng nghiệp của cô là Dong Shenmei cũng không mấy suôn sẻ trong cuộc sống cá nhân: "Tôi sắp 27 tuổi và tôi đã bỏ lỡ cơ hội của mình" – Tình cảnh của cô Dong là điển hình của phụ nữ Trung Quốc.
Ở trường trung học, Dong Shenmei hẹn hò với một người bạn trai cùng lớp, bất chấp cha mẹ cô phản đối mạnh mẽ. Đối với phụ huynh Trung Quốc, việc học tập của con cái là tối quan trọng. Mặc dù không được chấp thuận, hai người đã vào trường đại học cùng nhau. Cuối tuần họ quấn quýt bên nhau trong các khách sạn nhỏ gần trường. Mọi thứ có vẻ nghiêm túc, nhưng cha mẹ vẫn khó chịu khi con gái bị "phân tâm" khỏi việc học tập.
"Sau đó, anh ta bỏ rơi tôi. Từ đó tôi không có mối quan hệ nào cả, còn bố mẹ tôi liên tục nhắc nhở - khi nào kết hôn, khi nào sinh con?" - cô gái nói với vẻ khó chịu. Cô Dong thấy yêu cầu của họ thật là vô lý.
"Điều này không chỉ xảy ra trong gia đình chúng tôi, nhiều nhà đều như thế cả. Trong quá trình tôi đi học thì không sao, nhưng khi bước sang tuổi hai mươi (tuổi kết hôn với các cô gái ở Trung Quốc) suốt ngày họ giáo huấn: phải lấy chồng đi!” - cô gái phẫn nộ. Và cô nói thêm: kết quả là nhiều người đành phải lấy chồng cho xong chuyện
Biết vị trí của mình
Đối với hầu hết các bậc cha mẹ Trung Quốc, hôn nhân thành công của con gái không chỉ là quan tâm đến hạnh phúc của cô, mà còn là cách giải quyết các vấn đề tài chính. Cha mẹ các cô dâu thường đòi khoản tiền cưới rất lớn - từ hàng chục đến hàng trăm ngàn nhân dân tệ. Và họ nhìn vào người bố chồng tương lai như một nguồn hỗ trợ vật chất liên tục. Cách tiếp cận theo kiểu con buôn như vậy có nguồn gốc vững chắc trong xã hội, đến nỗi chính quyền phải thông qua điều luật: các khoản tiền chi tiêu và mua bán của vợ hoặc chồng vượt quá nhu cầu cơ bản của gia đình phải được từng người thanh toán riêng.
Cô dâu rất "đắt giá" như vậy la do tệ thiên vị giới tính. Hiện nay, ở Trung Quốc, cứ 100 cô gái thì có khoảng 104-117 chàng trai. Một chàng trai trẻ Trung Quốc không có công ăn việc làm tốt hoặc nhà riêng của mình thì không phải là chú rể tốt hay ông chủ gia đình đáng tin cậy: những người này được gọi là “nhánh cây trần trụi”.
Giáo sư Malaysia Huang Yuguang ở trường đại học Fudan Thượng Hải đề nghị giải quyết vấn đề bằng một cách khác thường.
“Gái mại dâm có thể phục vụ mười khách hàng mỗi ngày, điều đó có nghĩa là một người vợ có thể an ủi nhiều hơn một người chồng”, – ông Huang Yuguang lập luận.
Dân mạng chỉ trích giáo sư rất nặng nề - họ cáo buộc ông mắc thói căm ghét đàn bà và thúc đẩy chế độ nô lệ tình dục, họ bảo ông hãy để con gái của mình trở thành người đầu tiên bắt đầu thực hành chuyện đó. Đây là một trong những bình luận phổ biến: "Chúng ta buộc phải giết các cậu bé trong giai đoạn trứng nước. Tôi đảm bảo sẽ có nhiều phụ nữ hơn trong hai mươi năm nữa." Thực tế là số bé gái ở Trung Quốc ít hơn nhiều so với số bé trai, hoàn toàn không chỉ vì lý do tự nhiên: trong nhiều năm, cha mẹ bỏ con gái ngay sau khi sinh. Trung Quốc có khái niệm trong nam khinh nữ. Điều này có nguồn gốc lịch sử của nó.
Số phận nặng nề của phụ nữ
Trung Quốc là nước nông nghiệp truyền thống. Ở làng, đàn ông luôn được đánh giá cao. Đàn ông làm việc trên cánh đồng, còn đàn bà phải lo chuyện nội trợ. Con gái, lúc nhỏ là thêm một "miệng ăn", lớn lên sẽ rời gia đình thành con dâu nhà người ta. Vì vậy không ai muốn dành nguồn lực hạn chế để nuôi những đứa con gái “vô dụng”, do đó ở nông thôn hành vi chủ ý giết bé gái sơ sinh không phải là chuyện hiếm.
Đến cuối thế kỷ 19 thì tình hình đã thay đổi. Vào cuối thời kỳ cải cách, điều trở nên rõ ràng là không có phụ nữ thì không thể hiện đại hóa. Phụ nữ được phép đi học và không phải tuân theo tục bó chân nữa. Trước đó, theo phong tục khiến người nước ngoài khiếp sợ, người ta biến đôi chân bình thường của phụ nữ thành “gót sen ba tấc" - với chiều dài chân tối đa từ 5-7cm, được người Trung Quốc cho là thanh lịch.
Mao Trạch Đông tuyên bố: "Phụ nữ nắm giữ một nửa bầu trời". Phụ nữ được phép sở hữu đất đai và được bình đẳng với chồng trong hôn nhân - một thứ quyền tự do chưa từng có! Và mại dâm đã bị cấm ở Trung Quốc. Chẳng bao lâu sau, phụ nữ bước lên vũ đài chính trị.
Dường như bình đẳng đã thắng thế tại nước Trung Quốc cộng sản. Tuy nhiên, không phải hoàn toàn như vậy. Phái yếu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chính sách "gia đình chỉ có một con" mà chính quyền Trung Quốc theo đuổi từ những năm 1970 để chống tình trạng dân số quá đông: phụ nữ buộc phải phá thai và triệt sản. Và ngay cả bây giờ. bác sĩ ở Trung Quốc cũng không được tiết lộ giới tính thai nhi - nhiều sản phụ sẵn sàng phá thai nếu đó là con gái.
Rất khó để xóa bỏ nền tảng gia trưởng, Hiệp hội Phụ nữ Trung Quốc thừa nhận. Theo quan điểm Nho giáo truyền thống, mọi thứ trên thế giới đều có vị trí và trật tự ở nhưng nơi tuân theo thứ bậc. Trong hệ thống này, phái yếu “lấy chồng phải theo chồng”. Ở Trung Quốc, đến nay vẫn còn cái gọi là “trường dạy làm vợ” – trong gia đình phụ nữ phải nghe lời chồng, phục tùng chồng. Thật ra, chính quyền không chấp thuận các "tổ chức giáo dục" như vậy và đóng cửa chúng dưới nguyên cớ "không phù hợp với các tiêu chuẩn đạo đức xã hội".
Ngày càng có nhiều phụ nữ Trung Quốc từ chối sống "theo kiểu truyền thống", đặc biệt là ở các thành phố. Họ tích cực theo các xu hướng phương Tây - ví dụ trên Internet Trung Quốc có phong trào #MeToo: dưới hashtag này, các cô gái chia sẻ những câu chuyện về quấy rối tình dục trên mạng xã hội. Họ bảo vệ quyền lợi của mình - họ đang kiện các phòng khám từ chối không cho họ đóng băng trứng. Ở Trung Quốc, phụ nữ vẫn bị cấm hoãn mang thai, mặc dù đàn ông độc thân có quyền sử dụng ngân hàng tinh trùng.
Phụ nữ Trung Quốc vẫn còn rất xa mới được bình đẳng thực sự. Đất nước này không vội tham gia sáng kiến của các nhà hoạt động, và bất kỳ phong trào quần chúng nào cũng bị chính quyền theo dõi. Phụ nữ Trung Quốc cần đi một chặng đường dài trong cuộc đấu tranh giành quyền "nắm giữ một nửa bầu trời".