Mạng xã hội và truyền thông Việt Nam đang dậy sóng xung quanh đề tài cổ phần hóa, tư nhân hóa các trường chuyên. Phóng viên Sputnik tìm hiểu về “độ nóng” của chủ đề này.
Từ chuyện bảng điểm của học sinh thi vào trường PTTH Hà Nội – Amsterdam
Dư luận tại Việt Nam đang sốc trước bảng điểm của học sinh thi vào lớp 6 hệ PTCS của trường Chuyên Hà Nội-Amsterdam (AMS). Hầu hết các học bạ toàn điểm 10. Nhiều ý kiến mang tính chất mỉa mai đã vang lên: Toàn thần đồng, toàn siêu nhân! Những người khác bình luận khắt khe hơn, khi nói tới chuyện phụ huynh học sinh mua điểm cho con mình, lên án sự gian dối. Nhóm thứ ba thì nói về “bệnh thành tích” ở Việt Nam, cái bệnh mà cả nhà trường và bố mẹ học sinh điều mắc.
Nhưng gây dậy sóng chính là ý kiến của ông Nguyễn Đức Thành, cựu học sinh chuyên Lý trường AMS 1992-1995, khi đề nghị “bán trường AMS hoặc biến nó thành một trường tư thông qua bán đầu giá”. Ông này đưa ra lập luận “mô hình trường AMS là mô hình lấy của người nghèo chia cho người giàu”, “chi phí lấy từ ngân sách nhà nước, như vậy không công bằng”, “việc bố mẹ đút lót chạy bảng điểm đẹp” là sự suy đồi, rồi “mục đích trường chuyên lớp chọn như AMS đã hết vai trò lịch sử”.
“Tôi cũng cho rằng ý tưởng tư hữu hóa một số trường chuyên cũng có cái hay của nó, nhất là khi việc quản lý, thi tuyển, đầu tư ngân sách không được minh bạch như hiện nay”, - Giáo sư một trường Đại học danh tiếng tại Hà Nội nói với Sputnik.
Nhưng quan điểm trên không chỉ nhận được sự đồng tình hay ủng hộ, mà còn nhiều phản đối.
Một mặt, người ta chỉ ra vấn đề tuyển sinh của trường AMS đang gây ra việc hầu như chỉ có gia đình có điều kiện con cái mới vào được trường chuyên này. Chỉ học bạ toàn điểm 10, chỉ cho phép 1 điểm 9/10, phải có chứng nhận đạt giải mới lọt vào được trường AMS. Có nghĩa là, học giỏi và “nhà có điều kiện”. Học giỏi mà nghèo thì khó vào được AMS, bởi vì thật khó để có bảng điểm tuyệt đối.
Nhưng mặt khác, từ chuyện này mà kêu gọi tư nhân hay cổ phần hóa tất cả các trường chuyên thì có phải hơi hồ đồ hay không? Những trường chuyên chất lượng cao, như Chu Văn An, Hà Nội – Amsterdam là tài sản quý giá của Hà Nội cũng như của cả nước. Tài sản này được xây dựng trên công sức của toàn xã hội mà nhà nước là đại diện. Nếu tư nhân hóa, cổ phần hóa, thì định giá và người thụ hưởng như thế nào? Vấn đề này quá phức tạp. Hơn nữa, việc cần thiết trước mắt là giải quyết những bất công trong việc tuyển chọn vào các trường chuyên. Những điểm khuyết của trường chuyên cần được giải quyết bằng những biện pháp hành chính hay cải tổ giáo dục. Đây không thể là lý do để loại bỏ hệ thống trường chuyên.
“Tôi không đồng ý với quan điểm cho rằng duy trì trường chuyên là gia tăng bất bình đẳng xã hội. Nói đến công bằng xã hội thì đây là phạm trù luôn mang tính tương đối. Những người phản đối trường chuyên ngoài những lý do nêu trên, thì thường là những người: Thứ nhất, thành công trong khoa học nhưng không học chuyên. Họ có tâm lý tự ti với bạn bè lúc còn học phổ thông, giờ thì họ nói ta không học chuyên mà vẫn giỏi hơn bao đứa học chuyên. Thứ hai, đó là những người giàu lên vì đất đai, không xuất phát từ tri thức. Họ phản đối, vì thấy rằng, không cần học giỏi mà vẫn giàu. Thứ ba, những người trong quá khứ không thi vào được lớp chuyên. Cho nên, vấn đề ở đây là tính minh bạch và cách đào tạo”, - Tiến sĩ Văn Lượng, cựu sinh viên chuyên toán Quốc Học, Huế chia sẻ với Sputnik.
“Theo quan điểm của tôi, nhân tài là tài sản của quốc gia, nên quốc gia phải có trách nhiệm. Nên phân bổ lại nguồn lực để đầu tư cho nhóm này. Giáo dục năng khiếu và tài năng là cần thiết”, - Chị Nguyễn Khánh Ngọc, cựu học sinh chuyên toán Chu Văn An, Hà Nội, nêu quan điểm của mình với Sputnik.
Trường chuyên có còn là nơi “ươm nhân tài”?
Mô hình các trường chuyên ở Việt Nam có nguồn gốc từ Liên Xô. Cựu bộ trưởng Bộ giáo dục Tạ Quang Bửu đã đưa ra việc xây dựng lớp chuyên, trường chuyên trước hết với mục đích đào tạo nhân tài về khoa học kỹ thuật.
Trường chuyên, lớp chuyên đã mang lại những gì cho học sinh?
“Môi trường học tập, phương pháp tư duy logic, luôn tìm cách đơn giản nhất, ngắn nhất để đến cùng một kết quả”, - Chị Nguyễn Khánh Ngọc, cựu học sinh chuyên toán Chu Văn An, Hà Nội, hiện là Vụ phó Vụ thị trường châu Âu, BCT nói với Sputnik.
“Cá nhân tôi đã từng học chuyên ngữ, và bây giờ 2 con gái cũng học chuyên. Lớp 12 Hà Nội - Amsterdam và lớp 10 chuyên Anh Sư phạm. Tại sao tôi lại cho con học chuyên? Là vì các con gái của tôi có năng khiếu ở những môn chuyên, ví dụ như văn, tiếng Anh. Các con đạt kết quả tốt ở các cuộc thi đầu vào mà không phải học ôn quá sức, không phải “cày” đêm ngày như một số bạn khác, nên tôi tự tin rằng con sẽ theo được chương trình học. Ngoài ra, thì không thể phủ nhận rằng trường chuyên vẫn là nơi quy tụ những người thầy tốt nhất và những bạn học giỏi, thông minh, ham học hỏi, năng động, một môi trường học tập lý tưởng để con có thể phát huy tố chất của mình.
Không phải ai học chuyên ra cũng thành tầng lớp tinh hoa, ông nọ bà kia, nhưng từ trải nghiệm của bản thân và quan sát, những người học chuyên ra đều nhanh nhẹn, có khả năng tư duy, làm tốt công việc của mình ở nhiều lĩnh vực và đóng góp tích cực cho xã hội”, - Chị Trần Thu Hiền, phóng viên VTV4 chia sẻ với phòng viên Sputnik.
Rất nhiều cựu học sinh các trường chuyên, lớp chuyên cũng có những nhận thức và suy nghĩ như trên. Nhưng, ở một khía cạnh khác, họ cũng biết bản chất đào tạo nhân tài ở một số trường chuyên đã bị biến đổi, khác hẳn với mục đích ban đầu.
Các trường chuyên là môi trường tốt, nên bố mẹ thích các con mình được vào học ở đó, chứ không hẳn bọn trẻ thích. Có một tình trạng là bố mẹ thì muốn bỏ tiền, nhưng trẻ không chắc đã muốn học.
“Trường chuyên còn là bước đệm để bố me tống các con đi định cư ở nước ngoài. Nên nói chung nó khác hẳn về bản chất so với trường hồi xưa. Thầy cô, vì vậy, dạy dỗ cũng theo nhu cầu thị trường. Không còn là nơi ươm nhân tài. Có người không giàu sẵn sàng bán cả nhà để đầu tư cho con kiểu đó, sang đươc Mỹ họ kể là may mắn. Cũng vì thế nên cách dạy và học ở trường chuyên theo yêu cầu của phụ huynh như vậy là chính. Nhóm học để giỏi, có du học cũng sẽ hiếm về lại Việt Nam. Cho nên, theo tôi, nếu theo mô hình này thì nên xã hội hoá”, - Chị Nguyễn Khánh Ngọc bình luận tiếp với Sputnik.
“Mục đích lập trường chuyên lúc đầu là để đào tạo nhân tài. Nay các trường chuyên là nơi đào tạo gà chọi và đi học các đại học tốt ở nước ngoài. Cho dù tôi đã học trường chuyên nhưng vẫn nghĩ là: Tiền thuế (nhà nước) đầu tư vào các trường công bình thường, trường chuyên (gifted) đào tạo elite students nên để tư nhân đầu tư, không cần trường chuyên vẫn có người giỏi và đại học mới là nơi đào tạo chuyên ngành”, - Ông Vương Mạnh Sơn, cựu học sinh chuyên toán Chu Văn An, Hà Nội, hiện là Chủ tịch HĐQT CTCP Công nghệ DTS nói với Sputnik.
Tóm lại, vấn đề chính là ở bản chất, ở mục đích của trường chuyên, chứ không phải ở việc nhà nước có nên đầu tư vào trường chuyên hay không. Mục đích đào tạo nhân tài, những người có tư duy hay đào tạo “gà chọi”? Trường chuyên để học hay để luyện?
Trường chuyên dành cho ai?
Trường chuyên dành cho học sinh có năng khiếu và có đam mê học. Và học sinh giàu hay nghèo đều có thể vào học bằng cách thi cử, bằng cách tuyển chọn minh bạch.
“Tôi đánh giá được 75%. Những cái gì học sinh học được ở các lớp chuyên, trường chuyên sẽ tạo cho các em có cơ sở tư duy. Có thể khi vào đại học các em không đi chuyên sâu vào môn đã học chuyên, nhưng nền tảng tư duy đó không ai có thể phủ nhận được. Tất nhiên, tôi nói tới phương pháp dạy học sinh tự chủ trong tư duy và mục đích đào tạo nhân tài. Học sinh chuyên có thói quen học tập. Và khi lớn lên, họ vẫn sẽ học tập, mà học tập nhiều thì không thể không có ích cho xã hội”, - Tiến sĩ Văn Lượng, cựu sinh viên chuyên toán Quốc học, Huế chia sẻ với Sputnik.
Quay trở lại vấn đề “công bằng” trong giáo dục, nhiều ý kiến cho rằng “công bằng” không có nghĩa là “cào bằng”.
“Giáo dục năng khiếu và tài năng không phải là một “đặc ân” cho một số nhỏ “tinh hoa”, mà thực sự là việc đáp ứng quyền và nhu cầu được phát triển theo khả năng và đặc điểm riêng trong học tập và rèn luyện của các học sinh, sinh viên có năng lực và cố gắng vượt trội”, - Thạc sĩ giáo dục Kim Ngọc Minh nói.