Bộ Quốc phòng Việt Nam muốn kiểm soát chặt flycam

Bộ Quốc phòng Việt Nam đề nghị kiểm soát chặt thiết bị bay không người lái, flycam, drones vì lo ngại các phương tiện bay siêu nhẹ này có thể bị lợi dụng làm công cụ khủng bố, do thám, phá hoại, đe dọa hoạt động hàng không dân dụng hay xâm phạm vùng cấm.
Sputnik

Tại Việt Nam thời gian qua, xuất hiện ngày càng nhiều vụ sử dụng tàu bay trái phép, gây nguy hiểm như bay vào khu vực cấm, ghi hình hoạt động biểu tình phát tán trên mạng xã hội để tuyên truyền kích động, có hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chính quyền nhân dân.

Bộ Quốc phòng Việt Nam đề xuất kiểm soát chặt việc sử dụng flycam

Cuối tháng 6, Bộ Tư pháp tiến hành thẩm định dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 36/2008 về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ (gọi tắt là tàu bay không người lái) do Bộ Quốc phòng soạn thảo.

Bộ Quốc phòng lo người Trung Quốc thâu tóm nhiều lô đất nhạy cảm ở Việt Nam

Theo đó, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã trình Chính phủ dự thảo xây dựng một nghị định mới thay thế cho Nghị định 36/2008 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.

Theo cơ quan này, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, tàu bay không người lái được sản xuất với số lượng rất lớn, được ứng dụng, sử dụng ngày càng nhiều và sâu rộng trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình hình hoạt động của tàu bay không người lái còn tự phát, chưa được kiểm soát chặt chẽ. Do đó, Bộ Quốc phòng đề nghị một số quy định mới, siết chặt việc sử dụng các thiết bị bay không người lái.

Tại dự thảo này, Bộ Quốc phòng đưa ra hàng loạt quy định mới, theo đó hầu hết tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ như drones, flycam đều phải đăng ký lưu hành.

Đồng thời, theo Bộ Quốc phòng Việt Nam, các phương tiện này chỉ được cất cánh khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép và đáp ứng các điều kiện nêu trong giấy phép bay. Việc cấp phép được áp dụng cho từng nhiệm vụ, sự kiện, địa điểm cụ thể.

“Cơ quan có thẩm quyền cấp phép bay là Cục Tác chiến, các Bộ Tư lệnh Quân khu, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh. Hồ sơ xin cấp phép ngoài đơn đề nghị phải có các tài liệu chứng minh đủ điều kiện bay của phương tiện bay, các tài liệu chứng minh đủ điều kiện điều khiển bay của người trực tiếp sử dụng phương tiện bay, các tài liệu chứng minh tính hợp pháp của hoạt động bay...”, Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.

Hàng loạt giấy phép, chứng chỉ, chứng nhận cũng được bổ sung là điều kiện cho hoạt động nhập khẩu, sửa chữa, bảo dưỡng, kinh doanh, đăng ký phương tiện bay siêu nhẹ, drone, flycam.

Vì sao Bộ Quốc phòng muốn kiểm soát chặt thiết bị bay không người lái?

Lý giải về đề xuất này, Bộ Quốc phòng cho rằng thời gian gần đây tình hình hoạt động của tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ có diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động mang tính tự phát.

“Đã có một số vụ tàu bay không người lái xâm phạm khu vực cấm liên quan đến quốc phòng, an ninh. Một số vụ va chạm giữa tàu bay hàng không dân dụng với vật thể bay (nghi là phương tiện bay không người lái) trên vùng trời một số sân bay của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng đến an toàn hàng không”, Bộ Quốc phòng Việt Nam dẫn chứng.

Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng đặc biệt lo ngại, nếu loại phương tiện bay này bị lợi dụng để làm công cụ khủng bố, phá hoại sẽ tiềm ẩn nguy cơ lớn gây hại tới quốc phòng, an ninh, an toàn hàng không và trật tự an toàn xã hội của Việt Nam.

Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông: Bộ Quốc phòng Việt Nam nói không nhân nhượng

Bộ Quốc phòng cho rằng, trong khi, công tác quản lý và phối hợp quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái chưa thật sự hiệu quả, nhất là trong các hoạt động sản xuất, thử nghiệm, nhập khẩu, kinh doanh, đăng ký sở hữu, xử lý vi phạm.

Thời gian qua, một trong những giải pháp nhằm hạn chế hoạt động có tính tự phát là tập hợp người sử dụng trong các Câu lạc bộ Hàng không. Hiện đang có 2 địa chỉ là Câu lạc bộ Hàng không phía Bắc và Câu lạc bộ Hàng không phía Nam thuộc sự quản lý, chỉ đạo của Quân chủng Phòng không-Không quân.

Tuy nhiên do chưa có quy định cụ thể về tổ chức hoạt động và quản lý các câu lạc bộ này nên khó triển khai thêm các câu lạc bộ khác, vì vậy hiệu quả của các câu lạc bộ trong tham gia quản lý người sử dụng còn hạn chế.

Cơ quan nào đảm nhiệm đăng ký phương tiện bay siêu nhẹ, không người lái?

Dựa trên những phân tích này, Bộ Quốc phòng khẳng định việc xây dựng nghị định thay thế Nghị định 36/2008 là cần thiết.

Thủ tướng Việt Nam bổ nhiệm loạt lãnh đạo cấp cao Bộ Công an, Bộ Quốc phòng

Cụ thể, trong dự thảo Nghị định, Bộ Quốc phòng đề xuất tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ có trọng lượng cất cánh tối đa từ 100 gam trở lên phải đăng ký tại các cơ quan chức năng của công an theo quy định.

Theo đó, Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an có thẩm quyền đăng ký các tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ gồm: Loại từ 25.000 gam đến lớn hơn 150.000 gam, loại phương tiện bay siêu nhẹ có động cơ, không có động cơ, có người trực tiếp điều khiển và không có người trực tiếp điều khiển.

Đồng thời, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đăng ký các phương tiện bay của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có trụ sở hoặc cư trú tại địa phương gồm các loại phương tiện bay từ 2.000 gam đến nhỏ hơn 25.000 gam.

Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đăng ký các phương tiện bay của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có trụ sở hoặc cư trú tại địa phương gồm các loại phương tiện bay từ 100 gam đến nhỏ hơn 2000 gam.

“Trong trường hợp cần thiết, do yêu cầu thực tế tại các huyện biên giới, vùng sâu, vùng xa hoặc các địa phương có khó khăn về cơ sở vật chất, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sau khi báo cáo và được sự đồng ý bằng văn bản của lãnh đạo Bộ Công an có thể quyết định giao cấp Phòng trực thuộc tỉnh tổ chức đăng ký phương tiện bay theo cụm nhằm bảo đảm thuận tiện cho tổ chức, cá nhân đến làm thủ tục đăng ký”, Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.

Ngoài ra, tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ của quân đội đăng ký theo quy định của Bộ Quốc phòng. Bộ Công an quy định chi tiết về cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.

Thủ tướng: Quản lý chặt chẽ tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ

Trước đó, hồi tháng 1/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về việc tăng cường biện pháp quản lý, giám sát đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ.

Việt Nam điều động nhân sự cấp cao Bộ Quốc phòng

Chỉ thị khẳng định, hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ phát triển rất nhanh chóng và đa dạng. Các phương tiện bay này được ứng dụng rộng rãi và mang lại lợi ích trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội.

“Tuy nhiên những thiết bị bay này cũng có thể là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ việc ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, an toàn hàng không; đặc biệt khi tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ bị các lực lượng phản động, chống đối sử dụng làm công cụ để thực hiện các hành vi khủng bố, phá hoại sẽ gây hậu quả khó lường”, chỉ thị nêu rõ.

Tại Việt Nam trong vài năm gần đây đã phát hiện và xử lý nhiều vụ sử dụng tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ trái phép như: Bay không có phép bay, bay vào khu vực cấm bay, đối tượng chống đối sử dụng tàu bay không người lái ghi hình hoạt động biểu tình phát tán trên trang mạng xã hội để tuyên truyền kích động các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chính quyền nhân dân.

Một số đơn vị Quân đội cũng đã phát hiện tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ xâm phạm khu vực quân sự. Đáng chú ý các vụ vi phạm trong sử dụng tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ gia tăng cả về số lượng và tính chất nguy hiểm. Gần đây, theo báo cáo Ủy ban An ninh Hàng không quốc gia, vào các ngày 19/9/2019 và ngày 16/10/2019 xảy ra vụ tàu bay Hàng không dân dụng khi hạ, cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất và Phú Quốc đã va chạm với vật thể trong không gian (có khả năng là tàu bay không người lái cỡ nhỏ) làm móp đầu mũi máy bay, đe dọa nghiêm trọng an toàn bay.

Dùng flycam truy tìm phạm nhân giết người 2 lần trốn khỏi trại giam

Từ những lo ngại trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp các ban, bộ, ngành liên quan soạn thảo, trình Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28/3/2008 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trong quý I năm 2020, chủ trì soạn thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thiết lập khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ công khai đến mọi tổ chức, cá nhân biết để thực hiện.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng điều tra, rà soát, yêu cầu khai báo đối với các tổ chức, cá nhân sở hữu tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ, quản lý các tổ chức, cá nhân sở hữu tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ thông qua việc khai báo, đăng ký tại các địa bàn.

Đồng thời bổ sung, hoàn thiện xác định các hành vi vi phạm và chế tài xử lý hành chính trong hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, triển khai các phương án đối phó với hành vi sử dụng tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ can thiệp bất hợp pháp vào công trình hàng không dân dụng.

Bộ Công Thương cũng được yêu cầu phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tăng cường các biện pháp quản lý nguồn đầu vào trong hoạt động nhập khẩu, tạm nhập tái xuất tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; chủ trì phối hợp các bộ, ngành liên quan, nghiên cứu, bổ sung các điều kiện về nhập khẩu, tạm nhập tái xuất tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ.

Hàng loạt flycam bị bắn hạ khi quay cảnh pháo hoa tại TP.HCM
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ, tiêu chuẩn cho cơ sở thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay và trang bị, thiết bị của thiết bị bay siêu nhẹ.

Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu bổ sung hoàn chỉnh nội dung liên quan đến quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hàng không dân dụng, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong duy trì trao đổi thông tin liên quan khi xảy ra vụ việc về hàng không, hiệp đồng xử lý tình huống theo quy định.

Ngoài ra, Chỉ thị cũng nêu rõ tầm quan trọng của việc đề xuất phương án triển khai các trang thiết bị phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ tại khu vực các Cảng hàng không, sân bay có hoạt động của hàng không dân dụng.

Thảo luận